Trang chủ Diễn đàn Phước Nguyên – Mây che trên đỉnh Lăng Già

Phước Nguyên – Mây che trên đỉnh Lăng Già

2696
Hình ảnh bản Trung "Nhập Lăng Già Kinh Phạn Bản Tân Dịch" của Đàm Tích Vĩnh và "Thánh Pháp Nhập Lăng Già Phạn Bản Tân Dịch" của Phước Nguyên (Ảnh: Tác giả)

Lăng già một hội đàm kinh
Biển sâu sóng dậy vô ngần trùng dương
Quỷ Vương thấu lẽ Chơn Thường
Ánh trăng tỏa rạng mười phương diệu kỳ.

Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền; trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.” Đó là tuyên ngôn của Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma về quan điểm lập tông của mình. Tuy nhiên, khi truyền tâm ấn cho Nhị tổ Huệ Khả, ngài ấy lại trao kèm bộ Kinh Lăng Già với lời phó thác:

“Ta có bộ Kinh Lăng Già gồm bốn cuốn, nay cũng giao cho ông, đó là cửa ngõ quan trọng đi vào tâm địa Như Lai. Ta từ khi rời Nam Ấn đến Đông Độ, thấy Xích Huyện Thần Châu có khí tượng đại thừa, cho nên vượt biển băng đồi tìm người nối pháp. Buổi đầu gặp gỡ chưa quen, như dại như khờ nói năng ngượng ngập. Nay truyền được cho ông, ý ta đã toại.”[1]

Sự phó pháp truyền kinh này đã đi vào lịch sử Thiền Tông của Trung Hoa và các nước lân cận chịu ảnh hưởng như Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên. Nó nói lên vai trò quan trọng của bộ Kinh Lăng Già trong cuộc truy tìm Bản Lai Diện Mục của hành giả Thiền Tông mà đời sau ví von nó với hình ảnh mảnh trăng Lăng Già huyền ảo.

“Tịch tịch Lăng Già nguyệt
Không không độ hải chu
Tri không, không giác hữu
Tam muội nhậm thông chu”.
(Thiền sư Huệ Sinh)

Bài thơ được Thiền sư Nhất Hạnh dịch nghĩa như sau:

“Trăng Lăng Già lặng chiếu,
Thuyền vượt biển trống không,
Không cũng không như có,
Định tuệ chiếu vô cùng.”

Không chỉ gắn liền với các huyền thoại Thiền Tông, Kinh Lăng Già còn là một bộ kinh quan trọng xiển dương những tư tưởng Đại thừa như giáo nghĩa A-lại-da thức, Như Lại tạng… . Đó đều là những yếu tố quan trọng hiển bày nền tâm lý học Phật Giáo.

Một bộ Kinh Lăng Già thâm diệu là vậy, thế mà gần đây, một kẻ lang thang, tuổi đời chưa một lần đếm tóc bạc, vì tham cầu danh lợi, dựng lên một màn kịch bay bỗng, tự cho là đã thấu hiểu rõ những chỗ thâm áo của kinh văn cũng như ngôn ngữ. Một sự giả mạo mà suýt chút nữa đã đi vào lịch sử trở thành giai thoại kinh tâm.

Những tưởng:

mây che kín nẻo Lăng Già,
giả thật lẫn lộn một nhà như nhau.

May thay:

Trăng Lăng Già còn đó,
quỷ vương vẫn quỳ đây,
biển tâm ngàn sóng cuộn
nước biển chẳng vơi đầy!

Pháp theo duyên khởi, nhân có độc giả vẫn còn lăn tăn về nguồn gốc của bộ sách Thánh Pháp Nhập Lăng Già Phạn Bản Tân Dịch (gọi là LĂNG GIÀ TÂN DỊCH hoặc bản Việt) của Phước Nguyên (PN) mà ở bài viết trước người viết đã phân tích, nay xin tiếp theo, trích và phân tích một đoạn kinh liên quan đến khái niệm Như Lai tạng từ Kinh Lăng Già để mọi người cùng tham khảo.

Ở đây, trong giới hạn của đoạn kinh văn nói về Như Lai tạng của Kinh Lăng Già (tương đương trang 128-131 bản LĂNG GIÀ TÂN DỊCH), người viết sẽ đối chiếu những cụm từ hoặc đoạn văn giữa hai bản Trung (bản Nhập Lăng Già Kinh Phạn Bản Tân Dịch [Đài Bắc: Toàn Phật Văn Hóa Sự Nghiệp, 2005] của Đàm Tích Vĩnh) và bản Việt kết hợp Phạn ngữ.[2] Việc đối chiếu này sẽ cho thấy rằng dịch giả bản Việt, ngoài việc lấy bản Trung của Đàm Tích Vĩnh làm đế bản để dịch, nhiều khi chỉ làm một công việc đơn giản, đó là phiên âm chữ Hán ra âm Hán-Việt.

Để đối chiếu, trước hết xin mọi người xem qua và lưu ý những cụm từ hoặc đoạn văn được đóng khung trong hai bản Trung, Việt đính kèm. Đó là những cụm từ hoặc đoạn văn mà chúng cho thấy dịch giả PN của bản Việt đã dịch bộ LĂNG GIÀ TÂN DỊCH từ bản tiếng Trung chứ không phải từ bản Phạn như dịch giả tuyên bố.

 

Từ những hình ảnh so sánh được đánh dấu, có một số điểm nổi bật như sau:

– Bản Trung có hai cước chú rất dài nói về “vô ngã” và “Như lai tạng”, dịch giả bản Việt đã dịch lại nguyên xi. Nhìn qua cũng thấy mối tương quan giữa hai bản này, điều đó không thể chối cãi được!

– Do tính tương đồng giữa tiếng Trung với tiếng Việt nên nhiều chỗ dịch giả chỉ cần phiên lại âm Hán-Việt từ bản Trung. Ví dụ: ‘quang tịnh’, ‘bản sơ vô cấu’, ‘kiên cố, cát tường’, ‘biến dịch’, ‘thường tác giả’, ‘cầu-na’, ‘vô sở bất tại’, ‘vĩnh hằng bất diệt’, ‘không tính, thật tế, niết bàn, vô sanh, vô tướng, vô nguyện’, ‘phàm ngu’, ‘vô tướng cảnh giới’, ‘niệm chấp’, ‘viễn ly phân biệt’, ‘danh ngôn, biểu nghĩa, dị môn’, ‘khai ngộ chấp ngã ngoại đạo’, ‘kế trước’… Điều này sẽ khẳng định PN dịch từ bản nào!

– Cũng do trình độ kém, cả Phật học lẫn ngữ pháp tiếng Trung, nên nhiều chỗ không biết nên dịch thế nào đành chuyển thể theo kiểu “phiên thần chú”, phiên âm tiếng Trung ra âm Hán-Việt. Ví dụ: ‘bản sơ vô cấu’, ‘khai ngộ chấp ngã ngoại đạo’…

– Do dựa vào bản Trung để dịch nên có nhiều chỗ dùng từ xa so với bản Phạn mà không nhận ra. Ví dụ: ‘pháp môn’, ‘thường tác giả’, ‘lìa cầu-na’, ‘người thợ thành thạo khéo léo’… .

Ở đây, từ ‘pháp môn’ được phiên âm từ bản Trung, thực chất trong bản Phạn chỉ ghi là ‘mukha’, với nghĩa là môn, cửa, hướng đến. ‘Pháp môn’ phải là ‘dharma-mukha’. (Lỗi này đúng ra là của dịch giả bản Trung, ông Đàm Tích Vĩnh, chứ không phải của PN. PN chỉ dịch lại lỗi ấy!).

Trong số những từ mà dịch giả bản Việt chỉ phiên âm ra, có nhiều từ mà những ai không biết chữ Hán sẽ không hiểu được. Những từ như vậy đáng lẽ phải được chuyển sang tiếng Việt thuần túy. Chẳng hạn, mấy người hiểu được từ ‘thường tác giả’? Sở dĩ có từ này là vì nó được dịch từ bản Trung, còn bản Phạn nghĩa rất rõ, đó là ‘người tạo tác’ hoặc ‘tác giả’ (kartā).

Một từ rất quen thuộc trong triết học Ấn Độ, trong đó có Phật Giáo, là từ ‘nirguṇaḥ’ (vô phẩm chất/tính). Từ này đã được bản Việt ghi là ‘lìa cầu-na’, do dịch từ ‘ly cầu-na’ trong bản Trung. Nếu là người biết ít nhiều về triết học Ấn Độ hoặc Phật Giáo chắc chắn sẽ không làm công việc máy móc chỉ phiên âm lại như vậy, dù là dịch từ bản Trung. ‘Guṇa’ được bản Trung phiên âm thành ‘cầu-na’, tiếng Việt thường gọi là ‘đức’, ‘phẩm đức’. Nirguṇaḥ là vượt ra ngoài phẩm đức, phẩm tính nên bản Trung dịch là ‘ly cầu-na’.

‘Nhân công thiện xảo’ trong bản Trung được bản Việt dịch là ‘người thợ thành thạo’. Đó là do dựa trên bản tiếng Trung mới có ‘người thợ’. Bản Phạn phải dịch là ‘sự khéo léo của bàn tay’. Qua những điểm như vậy mới thấy rõ bản Việt chỉ là bản dịch lại của bản Trung này.

Kết thúc phần đối chiếu, người viết xin trích dẫn một bản dịch đoạn kinh tương đương của tiến sĩ chuyên về Cổ Phạn ngữ, thầy Chân Nguyên, để độc giả đối chiếu với bản Việt của PN và hiểu thể nào là “dịch từ nguyên bản sanskrit”. Đoạn kinh như sau:

“Và giờ đây, Bồ Tát Đại sĩ Đại Huệ thưa Phật điều này: Như Lại tạng lại được Thế Tôn miêu tả trong kinh điển. Và chính nó được Ngài trình bày là thật sự (eva) được xác định rõ ràng(–viśuddhaḥ) qua bản chất (prakṛti°—) là sự thanh tịnh trong sáng v.v. (–prabhāsvara­viśuddhyādi–), mang ba mươi hai (hảo) tướng và ở trong thân thể (–deha–) của tất cả chúng sinh (sarvasattva–).

“Nó đã được Thế Tôn miêu tả (bhagavatā varṇitaḥ) là thường hằng (nityaḥ), bất biến (dhruvaḥ), tịch tĩnh (śivaḥ) và vĩnh hằng (śāśvataḥ), [nhưng lại] bị bao bọc (veṣṭitaḥ) bởi các uẩn, giới, xứ, sự vật (vastu); là ô uế bới tham, sân, si và hư vọng phân biệt (–abhūtaparikalpa–), tương tự trường hợp (iva) một viên ngọc có giá trị lớn (mahārghamūlyaratnaṃ) bị những vật cấu bẩn vây phủ (malinavastupariveṣṭitam).

“Thế thì học thuyết Như Lai tạng này — thưa Thế Tôn — không phải tương đồng với Ngã thuyết của các giáo chủ ngoại đạo hay sao? Bạch Thế Tôn, các giáo chủ ngoại đạo cũng dạy một Ngã thuyết như ‘người tạo tác (kartā) thường hằng (nityaḥ), vô phẩm chất (mà tồn tại) (nirguṇaḥ)[3], có mặt khắp nơi (vibhuḥ), bất biến (avyayaḥ)’.

“Thế Tôn nói: Này Đại Huệ, bài dạy Như Lai tạng của ta thật sự không giống Ngã thuyết của các giáo chủ ngoại đạo. Nhưng, này Đại Huệ, sau khi các vị Như Lai thực hiện (kṛtvā) bài giảng về Như Lai tạng (tathāgatagarbho­padeśaṃ) mang ý nghĩa tính không, hiện thực tối cao[4], niết-bàn, vô sinh, vô tướng, vô nguyện v.v… họ — các vị Như Lai, A-la-hán, Chính Đẳng Chính Giác — trình bày cảnh giới vô phân biệt, vô tướng để tránh (–vivarjanārthaṃ) những dấu hiệu hoảng hốt (–saṃtrāsapada–) trước tính vô ngã (nairātmya–) của/cho bọn ngu phu, với [chính ngay] bài dạy hướng đến Như Lai tạng này.

“Và nơi đây, các Bồ Tát Đại sĩ của thời nay và tương lai không được chấp trước tự ngã.[5] Này Đại Huệ, cứ như một người thợ gốm từ một khối đất sét[6]làm thành nhiều loại dụng cụ chứa đựng khác nhau bằng (–yogāt) sự khéo léo của bàn tay, thước đo, nước, sợi dây và sự nỗ lực, cũng như thế, này Đại Huệ, các vị Như Lai dạy ngay pháp vô ngã thoát li (–nivṛttaṃ) tất cả những tướng phân biệt bằng nhiều phương tiện khác nhau (vividhaiḥ… —yogaiḥ) của sự khôn khéo trong [khi ứng dụng] các phương tiện (upāyakauśalya) xuất phát từ trí huệ (prajñā–), qua việc dạy [Như Lai] tạng hoặc qua việc dạy tính vô ngã với hàng loạt câu cú biểu đạt khác nhau, tương tự người thợ gốm vậy.

“Này Đại Huệ, chính vì lí do này mà bài dạy Ngã thuyết của giáo chủ ngoại đạo không giống bài dạy Như Lai tạng. [Chư vị Như Lai] thuyết giảng giáo lí Như Lai tạng để lôi kéo các giáo chủ ngoại đạo chấp trước ngã thuyết ra.

“Đáng tiếc thay (bata), làm sao (katham) mà họ có thể đạt nhanh chóng đạt được vô thượng chính đẳng chính giác trong khi họ có khuynh hướng rơi vào [tà] kiến, phân biệt sai lầm (–vikalpa–) tự ngã hư cấu (abhūtātma–), liên kết mật thiết với khuynh hướng hoà nhập (–patitāśaya–) trạng thái (gocara, hoặc ‘cảnh giới’) của tam giải thoát (vimokṣatraya–)!? Này Đại Huệ, chính vì vậy mà các vị Như Lai, A-la-hán, bậc Chính Đẳng Chính Giác đã dạy Như Lai tạng. Vì vậy mà điều này không giống Ngã thuyết của giáo chủ ngoại đạo. Cho nên, này Đại Huệ, ông với tư cách tuân thủ [thuyết] Vô ngã và Như Lai tạng của Như Lai phải phát triển điều này để tà kiến của ngoại đạo chấm dứt.” (bản thảo của Chân Nguyên)

Tóm lại, bản LĂNG GIÀ TÂN DỊCH của PN chỉ là một bản dịch vụng về từ bản tiếng Trung —Nhập Lăng Già Kinh Phạn Bản Tân Dịch [Đài Bắc: Toàn Phật Văn Hóa Sự Nghiệp, 2005]— của Đàm Tích Vĩnh. Để ngụy trang cho sự lừa dối của mình, PN tìm cách chua thêm nhiều từ tiếng Phạn, Tạng, Anh, Hán, Nhật. Có nhiều chỗ PN chua lại nguyên văn tiếng Trung từ bản của Đàm Tích Vĩnh nhưng lại ghi là bản Tạng! Một công việc mà những người làm nghiên cứu không bao giờ làm!

Xét từ góc độ phương pháp nghiên cứu, trung thực là một chuẩn mực bắt buộc đối với người nghiên cứu. Việc lừa dối vì thế bị xem là điểm đen đầu tiên của quy trình loại trừ. Dù lừa dối tự thân không phải là một tội ác nhưng lại là một hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng trong lĩnh vực học thuật, nhất là trong nghiên cứu tôn giáo. Ngoài sự lừa dối, ở bản dịch này, PN còn phạm cả đạo văn, yếu tố cấu thành sự vi phạm bản quyền. Cho nên xin nhắn nhủ, nếu dịch giả bản Trung, tức ông Đàm Tích Vĩnh, mà biết đọc tiếng Việt, rất có thể ông ấy sẽ đâm đơn kiện dịch giả bản Việt cũng như nhà xuất bản.

– Hải Tuệ –

[1] 吾有楞伽經四卷。亦付與汝。即是如來心地要門。吾自離南印來此東土。見赤縣神州有大乘氣象。遂逾海越漠爲法求人。際會未諧如愚若訥。今得汝傳授。吾意已終。(Sa môn Thường Niệm, Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải [佛祖歴代通載], Đại 49, số 2036, 548c11-16).

[2] Tham khảo: Đàm Tích Vĩnh, Nhập Lăng Già Kinh Phạn Bản Tân Dịch [入楞伽經梵本新譯] (Đài Bắc: Toàn Phật Văn Hóa Sự Nghiệp, 2005), 76-78; Thích Phước Nguyên, Thánh Pháp Nhập Lăng Già Phạn Bản Tân Dịch(nxb Hồng Đức, 2019), 128-131; Bunyiu Nanjio, The Laṅkāvatāra Sūtra (Kyoto: The Otani University Press, 1923), 77-79.

[3] Hán dịch: 不依諸緣自然而有.

[4] Hoặc mục đích chân chính, với bhūtakoṭi= paramārtha (BHSD).

[5] Hoặc: tin tưởng sai lầm vào một tự ngã.

[6] Sát nghĩa: Từ một khối của những thành phần cực vi tế của đất sét.