Trang chủ Từ Thiện Xã Hội Từ thiện Quảng Bình: Những ân tình còn đọng lại sau cơn bão

Quảng Bình: Những ân tình còn đọng lại sau cơn bão

75

>> Quảng Bình: Tri ân các phái đoàn từ thiện đến cứu trợ đồng bào Quảng Bình sau cơn bão số 10,11

Bão số 10 và 11 đã qua, để lại cho chúng tôi nhiều cung bậc cảm xúc cũng như kinh nghiệm trong quá trình làm đạo. Hai cơn bão đi qua để lại cho nhân dân Quảng Bình những nỗi buồn man mác xen lẫn thể xác lẫn tâm hồn, dù thiên nhiên không ưu ái mảnh đất này. Rất may trong tình cảnh khó khăn thiếu thốn về các phương tiện sinh hoạt như lương thực, thuốc men v.v, bà con Phật tử may mắn được quý chư Tôn thiền đức Tăng, Ni và Phật tử khắp mọi miền đất nước đã thăm hỏi, động viên và cứu trợ đồng bào nơi đây. Trong tình cảnh nền kinh tế thế giới cũng như đất nước đang lâm vào cảnh khó khăn chung nhưng quý ngài đã bỏ công sức bố thí tịnh tài tịnh vật trao tặng cho dân chúng nơi miền xuôi cát trắng những phẩm vật ấm áp tình người.

Chúng tôi xin được thống kê số liệu tất cả có 43 phái đoàn từ thiện liên hệ trực tiếp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình, đã phát tặng gồm 1.313.505 Phần quà, trị giá hơn: 6.833.000.000đ.

Về phía Chư Tôn đức, chúng con học được rất nhiều đức tính cao cả từ quý ngài như Hòa Thượng Thích Thông Thắng – Chùa Tập Thành – Tp.HCM. Ngài chia sẽ với bà con những lời tâm tình rất mộc mạc và dân Tộc tính “con Rồng cháu Tiên”. Ngài thể hiện tình đồng bào rõ nét cũng như những câu ca dao tục ngữ tôn vinh giá trị văn hoá dân tộc ta, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “máu chảy ruột mềm” và những nụ cười sảng khoái làm cho bà con nơi đây ấn tượng về hình ảnh của người tu sĩ Phật giáo luôn dấn thân phụng sự, bê cạnh cùng người dân, nguyện đồng hành cùng dân tộc.

Hòa thượng Thích Thái Hòa – Chùa Phước Duyên – TP. Huế, ngài chia sẽ với bà con sống trên đời phải có tình thương yêu đồng loại, sự quan tâm chia sẽ lẫn nhau, sớt chia ngọt bùi cay đắng cùng nhau, dù sau sự tàn phá của các cơn bão số 10, 11, gia đình nào cũng bị tổn thất nhưng hãy cùng san sẽ trên tình nghĩa xóm làng “Lá lành đùm lá rách, Lá rách đùm lá nát”. Và ngài phân tích về lời dạy của Đức Phật về 4 phần tài sản, làm sao để tài sản không bao giờ tổn thất. Những giá trị tinh thần và vật chất được ngài nhấn mạnh trong tình cảm “Hiểu và Thương” đậm nét.

Với Thượng tọa Thích Chơn Quang – Chùa Phật Quang – Bà Rịa Vũng Tàu, Thượng tọa lại phân tích Đạo Đức của con người trong cơn bão, tâm lý và hành động của con người có tác động lớn qua biến động của thiên nhiên. Bài thuyết pháp cảm động “Dựng Lại Cơn Bão” của thượng tọa giúp quần chúng Phật tử nhìn nhận rõ trách nhiệm ý thức của mỗi cá nhân có tác động trực tiếp đến môi trường xung quanh, và con người cần phải hòa hợp tâm lý với thiên nhiên thì thiên nhiên không bạc đãi con người. Mỗi tác nhân nhỏ vì lợi ích riêng cá nhân góp lại cũng đủ cho thiên nhiên nỗi giận. Bởi vì triết lý của Phật giáo là “Sống hòa thuận giửa con người với con người, sống hòa thuận giửa con người với thiên nhiên, và sống hòa thuận giữa con người với Thiên, Thần, Quỷ, Vật” có như thế thì con người mới hạnh phúc được.

Còn Đại Đức Thích Giác Thái – Tổ Đình Quan Thế Âm – Tp. HCM trích lại lời dạy của Cố Hòa Thượng Thích Thông Bửu rằng: “Dải đất Việt nam trải dài từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, người dân miền Trung chịu cảnh thiên tai bão lụt hàng năm đó là gánh chịu thay cho cả đất nước Việt nam này, chính vì thế mà chúng tôi có trách nhiệm hỗ trợ và giúp đỡ quý vị khi gặp phải cơn ngặt nghèo này.”

Rất nhiều những lời sẽ chia tâm tình và sâu sắc của quý chư Tôn đức dành cho bà con đồng bào nơi đây. Ngoài những lời dạy từ Khẩu giáo như khắc sâu vào tim, những lời dạy từ Thân giáo, những hình ảnh khoan thai nhẹ nhàng của Chư Tôn đức cũng ảnh hưởng sâu sắc đến quần chúng nhân dân. Lại thêm tinh thần phụng sự nhiệt thành không quản ngại tuổi già sức yếu, đường xá xa xôi như Ni sư Thích Nữ Viên Hạnh – Quận 3 – Tp. HCM, mặc dù năm nay đã 87 tuổi nhưng Ni sư vẫn chống gậy đi phát 1300 phần quà tận tay cho bà con đồng bào bão lụt, không những thế ni sư còn ngồi ghe để đi thẳng vào thôn Hà Sơn Trung (trung tâm của cơn lốc toàn thôn) để thăm hỏi tặng quà cho bà con dù lúc đó trời mưa trơn trượt. Hình ảnh ni sư với nụ cười thanh thoát luôn nở trên môi, không ngần ngại gian khó miễn sao đến được với Đồng bào ruột thịt thật cảm động.

Lại như đoàn Tăng Ni sinh Phật tử tỉnh Nam Định, xông pha vào tận trong trung tâm bão lũ. Mặc dù đường xá ngập nước lênh láng, giao thông ách tắc, nhưng vì lý tưởng phụng sự của Bồ Tát dấn thân vào đời không sợ gian khó, không tiếc thân mạng, vì những người dân đang kêu gào trong đói khát. Thật là “Phật pháp cần ta đến, Phật sự thành ta đi, không ngại gian lao, chẳng từ khó nhọc”.

Rồi những điều kỳ thú mà đôi khi không thể tả được cảm xúc của thiên nhiên, khi đoàn Chùa Hải Quang – Tp. HCM đến phát quà tại thôn Pháp kệ, xã Quảng Phương, Quảng Trạch. Tại đây có một tổ Phật tử sinh hoạt dưới ngôi chùa tiên phế tích 500 năm (được biết Phật tử ở đây tụng kinh mà không có Phật nhưng vẫn ngày ngày đến đây để ngồi trì nguyện). Khi đoàn tới thì trời đang nắng chang chang, nhưng khi bắt đầu phát quà (15 phần/19 triệu) thì bỗng dưng trời đổ mưa tầm tã.

Trong những thành tựu đạt được cũng có những điều không được như ý như tại thôn Thổ Ngọa, Xã Quảng Thuận, Quảng Trạch, trước khi đoàn chúng tôi tới phát quà, vì sợ trời mưa nên chúng tôi đã gửi đến trước 280 bao gạo (mỗi bao 10kg) và 280 thùng mì gói. Nhưng khi chúng tôi đến UBND xã Quảng Thuận phát quà thì ông Chủ tịch UBMT- Trần Văn Bá và ông Phó Thường Trực Mặt trận- Dương Thiện Đèo đã tự ý giấu đi các phần quà tặng của chúng tôi mà không một lời phân trần thỏa đáng, dù rằng trước đó chúng tôi đã làm việc kỹ lưỡng và xã đã đồng ý cho gửi nhờ quà tặng rồi, một hành động làm cho nhân dân nơi đây hết sức phẩn nộ và mất niềm tin nơi mấy vị lãnh đạo này.

Và đôi khi trong một số đoàn Cứu trợ cũng có những nhận định sai vấn đề như: Có vị hỏi tại sao ở đây đi nhận quà mà toàn đi bằng xe máy? Với thời buổi này một người tu sĩ ít nhất cũng phải có một chiếc máy tính để phục vụ nhu cầu học tập và làm việc thì không cớ gì một người dân bên ngoài lại không thể không có chiếc xe để làm phương tiện mưu sinh kiếm sống. Họ đi làm việc ngoài đồng, trên rừng, buôn bán….. cả 20 cây số thì họ đi bằng cách nào đây, mưa gió lụt lội chạy con như thế nào đây??? Rồi có người trách dân đây ở nhà xây không à, xin thưa nếu làm nhà tranh thì mỗi năm có mấy cơn bão đi qua lại sập lại làm lại, rồi xáo trộn cuộc sống, mất ổn định, đời sống bấp bênh. Ở miền trung đầy thiên tai bão lũ này nếu nhà không kiên cố thì cây đổ xuống đè cũng chết, nhà sập xuống đè cũng chết, rồi trốn ở đâu… những điều mà ta nhìn thấy nó chỉ là một phần của bề nỗi của tảng băng trôi. Ví dụ như ở các miền khác khi làm được 10 phần thì ăn hết 7 phần, nhưng ở mảnh đất miền Trung này làm 10 phần chỉ dám ăn 3, 7 phần, còn lại lo tích trữ cất nhà tránh mưa tránh bão. Không những thế, nhà nào không có cũng phải mượn tiền Ngân hàng để xây cho được căn nhà mà ở. Chính vì vậy, nhận định nằm ở chổ “cứu trợ đồng bào lũ lụt có nghĩa là “cứu ngặt, cứu đói chứ không phải cứu nghèo”. Bởi bão lũ cuốn trôi hết thì cũng phải giữ lại căn nhà, giữ lại chiếc xe để tiếp tục mưu sinh kiếm sống.

Sư cô ở Bình Định nói một câu nói rất hay: “Món quà mà chúng ta cho chưa đủ cho họ ăn 5,6 ngày và cũng không là gì cả so với những thiệt hại mất mát của người dân, đi từ thiện mà có tâm phân biệt như thế thì làm gì còn phước đâu nữa”. Với vai trò là đơn vị kết nối và hướng dẫn đoàn từ thiện, chúng tôi chân thành cảm ơn tất cả các phái đoàn cứu trợ đồng bào miền Trung tại Quảng Bình đã giúp chúng tôi mang hình bóng của Người Tu sĩ Phật giáo đi khắp mọi vùng miền tỉnh Quảng bình, giúp cho nhận thức về Phật giáo một cách thông thoáng hơn, và giúp chúng tôi gieo được nhân duyên lành với tất cả đồng bào bà con nơi đây. Ân đức đó chúng tôi không sao kể xiết. Mặc dù đã tận hết sức mình nhưng không thể tránh được những phần sai sót ngoài ý muốn cũng như nhân lực còn thưa mỏng, kính mong quý vị lượng tình hoan hỹ.

Chúng con xin thành kính tri ân Hội Đồng Trị sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã phát động kêu gọi ũng hộ Bão Lụt cho nhân dân miền Trung. Chúng con thành kính niệm ân các Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố đã trực tiếp ũng hộ từ thiện tại Quảng bình. Chúng con thành kính tri ân Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Đại đức Tăng ni Phật tử trong và ngoài nước đã quan tâm và hỗ trợ cho Phật giáo Quảng Bình nói riêng và Đồng bào Quảng Bình nói chung. Chúng tôi chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo chính quyền đã hổ trợ và tạo điều kiện cho chúng tôi hoàn thành được công tác Phật sự này.

Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

Một số hình ảnh ghi lại sau công tác uỷ lạo cứu trợ của các phái đoàn tại Quảng Bình: