Trang chủ Blog chùa Quảng Ninh: Khóa tu an lạc tại chùa Tiêu Dao

Quảng Ninh: Khóa tu an lạc tại chùa Tiêu Dao

292

Ngày 28 tháng 10 năm 2019 (nhằm ngày 1 tháng 10 năm Kỷ Hợi), rất đông quý thiện nam, tín nữ Phật tử đã về chùa Tiêu Dao – phường Hà Khẩu – TP. Hạ Long tham dự khóa tu an lạc một ngày.

Nhận lời mời của Đại đức Thích Tâm Tịnh trụ trì chùa Tiêu Dao. Đại đức Thích Đạo Quang đã quang lâm thuyết giảng tới toàn thể Đại chúng với đề tài: “Tự Túc”.

Thầy chia sẻ, không phải người trẻ cần tự túc, tự lập, mà chúng ta đều cần phải tự túc. Thứ nhất, tự túc về tiền bạc. Nếu cuộc sống không tự túc về tiền bạc, có việc gì cũng ngửa tay xin con cháu, điều ấy rất khó. Bởi đâu lúc nào con cháu cũng có sẵn cho mình. Vả lại, xin một hai lần thì con cháu còn vui vẻ; chứ xin hoài chắc gì con cháu vui vẻ cho. Dù biết tiền bạc không phải là tất cả, nhưng muốn làm việc này việc kia mà không có tiền thì không làm được. Do đó, mọi người cần phải “thủ” một ít, phòng ngừa khi trái gió trở trời có mà sử dụng. Song, phải hiểu rõ, “thủ” để phòng thân khác hoàn toàn với cất chứa để tham đắm. Bởi cất chứa để tham đắm sẽ đưa chúng ta đến khổ đau một khi nó mất. Thứ hai, tự túc về phương tiện đi lại. Nếu chúng ta đi xe được thì nên đi, không nên nhờ con cháu chở quá nhiều. Khi mình chủ động được phương tiện đi lại, sẽ bớt làm phiền con cháu, ngược lại con cháu cũng không nhăn nhó mỗi khi phải đợi mình. Thứ ba, tự túc về cuộc sống. Cuộc sống hằng ngày, những gì mình làm được thì hãy tự làm. Khi tự túc về cuộc sống, sẽ làm cho mình nhanh nhẹn, không bị lệ thuộc. Phải biết để dành “quĩ tiết kiệm” đó đến khi nào không làm nổi lấy xài.

Ngoài ba vấn đề tự túc nêu trên, người tu tập phải biết “tự túc tu tập”. Đừng nghĩ bây giờ mình cứ tu tà tà, để khi về già sắp chết nhờ người đến hộ niệm. Điều này không dễ có được, nếu không đầy đủ phước, đức và nhân duyên. Nhưng, người ta có đến giúp cho mình, cũng chỉ là “hộ” niệm, cái chính là mình phải “tự” niệm, “tự” tu. Vậy tự tu là tu gì đây? Trong Phật giáo có bài chú Đại Bi mở đầu thời kinh và Bát-nhã Tâm Kinh kết thúc thời kinh. Đại Bi và Bát-nhã chính là từ bi và trí tuệ trong đạo Phật. Đối với chú Đại Bi, mọi người nên thực hành bốn chữ “Vô ngại đại bi”. Đó là lòng thương yêu không ngăn ngại, không phân biệt thân hay sơ, bạn hay thù… Còn đối với Bát-nhã Tâm Kinh, cũng nên thực hành bốn chữ “Ma-ha Bát-nhã”. Ma-ha là đại (to, lớn), Bát-nhã là trí tuệ. Khi có trí tuệ lớn, chúng ta sẽ tin sâu nhân quả, biết phán xét đúng sai, từ đó không còn trách người này, đổ thừa người kia. Vì biết mọi thứ mình đang có, đều là quả của nhân trước kia. Và những nhân chúng ta tạo hôm nay, chính là quả của sau này. Do đó, kinh Hoa Nghiêm dạy:

Giả sử trăm ngàn kiếp,

Nghiệp tạo ra không mất,

Khi nhân duyên gặp nhau,

Quả báo mình tự chịu”.

Kết thúc buổi giảng, dưới sự chủ sám của Đại đức Thích Tâm Tịnh. Đại chúng cùng đọc tụng kinh Sám Hối.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận.

CTV