Trang chủ Blog chùa Quảng Ninh: Chùa Tiêu Dao Khóa Tu An Lạc.

Quảng Ninh: Chùa Tiêu Dao Khóa Tu An Lạc.

281

Sáng ngày 12/03/2024 (nhằm ngày 03 tháng 02 năm Giáp Thìn), Đại Đức: Thích Ân Truyền – tốt nghiệp Thạc Sĩ tại Học viện Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh – hiện Đại Đức đang theo học chương trình Tiến Sĩ tại Học viện Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã về chùa Tiêu Dao giảng khoá tu 1 ngày với chủ đề “PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG  PHẬT GIÁO MIỀN BẮC

Đại Đức chia sẻ: Tại miền Bắc, trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo, pháp môn tu tập chủ yếu là Tịnh độ tông, bởi vì người dân ở đây đa số làm nghề trồng lúa nước, họ không có nhiều thời gian hành trì thiền quán cũng như tiếp cận những giáo lý chuyên sâu về Thiền tông. Bởi vậy họ chỉ cần một pháp môn dễ thực hành trong mọi lúc mọi nơi, phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội, thì pháp môn Tịnh độ đáp ứng được những nguyện vọng trên, tu tập pháp môn Tịnh độ chỉ cần trì niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Chính vì lí do đó đã làm cho pháp môn Tịnh độ được hưởng ứng tu tập một cách rộng rãi.

Pháp môn Tịnh độ là một pháp môn dễ tu tập, giản dị, gần gũi với mọi người, ai cũng có thể tu tập được, là một con đường có thể đưa người hành giả về cõi Cực lạc vô cùng nhanh chóng. Người tu tập chỉ cần trì niệm danh hiệu “Nam mô A Di Đà Phật” hằng ngày là có thể đạt được những thành tựu ngay trong đời sống hằng ngày và cả tương lai. Nhưng để đạt được sự thành tựu để vãng sinh về thế giới Cực lạc thì người hành giả cần phải có ba món tư lương đó là Tín-Hạnh-Nguyện.

Tịnh độ tông trong thời gian này rất được đề cao và truyền bá một cách rộng rãi, vì pháp môn này dễ tu, dễ chứng và mang lại nhiều lợi ích ngay trong đời sống hiện tại. Chính vì điều đó, những nhà lãnh đạo Phật giáo Bắc kỳ đã nỗ lực nghiên cứu và truyền bá pháp môn niệm Phật đến với quần chúng nhân dân. Trên báo Đuốc Tuệ, từ năm 1941 đến năm 1942, ngoài những bài nghiên cứu và những bài viết liên quan đến pháp môn Tịnh độ, thì đã mở hẳn một chuyên mục Tôi tu Tịnh độ, nhằm “thuyết phục Phật tử và nhân dân, các nhà lý luận Phật giáo ở miền Bắc bắt đầu bằng việc so sánh pháp môn Tịnh Độ với các pháp môn khác của Phật giáo. Theo đó, có nhiều cách thức tu hành Phật giáo như Giáo Tông, Luật Tông, Mật Tông, Thiền Tông,… Tuy nhiên, các phương pháp này đều rất khó khăn nếu đem so sánh với cách thức niệm Phật dễ dàng của Tịnh Độ Tông”.

Ngoài truyền bá pháp môn Tịnh độ cũng như cách thức tu học đến với mọi người, trong chương trình giảng dạy hoạt động đào tạo tăng tài, Hội Phật giáo Bắc kỳ cũng đưa vào những bộ kinh liên quan đến pháp môn Tịnh độ lồng ghép với những môn học khác để giảng dạy. Trong mỗi cấp bậc học, đều có những bộ kinh và những bộ luận về pháp môn Tịnh độ được giảng dạy như sau:

Ở cấp Tiểu học (4 năm): năm thứ ba có môn Di Đà Sớ Sao, Tịnh độ hoặc vấn lục; năm thứ tư có môn Di Đà Đại Bản. Ở cấp Đại học (3 năm): năm thứ nhất có môn Di Đà Viên Thông(19).

Cuối buổi giảng, Đại Đức kết luận: Tóm lại, với sự truyền bá sâu rộng qua các bài giảng, báo chí về pháp môn Tịnh độ đối với người dân, mong muốn mọi người nên chọn pháp môn niệm Phật làm pháp môn chủ đạo để tu tập hằng ngày, bởi vì đây là một pháp môn dễ thực hành lại phù hợp với tất cả mọi tầng lớp nhân dân, lợi ích của pháp môn Tịnh độ mang lại vô cùng lớn lao như trên đã đề cập. Qua đó, góp phần khôi phục Phật giáo Việt Nam tại miền Bắc sau một thời gian bị suy yếu. Theo tác giả Lê Tâm Đắc trong tác phẩm Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924-1954) cho rằng sự truyền bá phương pháp tu tập pháp môn Tịnh độ là: “rất phù hợp với đặc điểm tâm thức tín ngưỡng truyền thống của đông đảo người dân Việt Nam”. Đây được xem là sự thành công của Hội Phật giáo Bắc kỳ về nghiên cứu và phổ biến pháp môn Tịnh độ cho tín đồ tại miền Bắc lúc bấy giờ.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận

 CTD