Trang chủ Văn học Truyện Quê mẹ ngày trở về

Quê mẹ ngày trở về

89

Khuya nào cũng vậy, giữa màn đêm thanh vắng, lời kinh của bà lại ngân vang, ngân vang, vang xa mãi. Không tiếng chuông, không nhịp mõ, nhưng lời kinh vẫn đều đều, êm đềm như dòng suối róc rách ngàn năm muôn một.


Mười năm, hai mươi năm, Thằng Sơn vẫn kê gối nằm bên lưng mẹ, nghe bà tụng kinh, lời kinh ru nó những giấc ngủ ngon lành giữa đêm đông lạnh giá hay giữa nắng hè gay gắt. Mẹ nó vẫn “lặng lẽ đi về sớm trưa”, nhưng lời kinh vẫn nhịp đều như đôi quang gánh. Lưng bà nay đã cong oằn, mà mắt bà vẫn còn sáng lắm. Bà vẫn âm thầm như chiếc bóng hoàng hôn; đi, về khi thằng Sơn vẫn đang chìm trong giấc ngủ.


Mười năm, hai mươi năm, vẫn một mình mẹ nó với quyển kinh nay đã úa màu. lời bà tụng không còn được thanh trong, ngắt nhịp nay đã khó khăn nhiều; Thằng Sơn liền nói với bà: “Mẹ ạ! Mẹ nay đã già rồi, mẹ thôi đừng tụng kinh nữa, tụng kinh có ích lợi gì đâu? Mẹ càng tụng sẽ càng mất sức khoẻ, lại phải thức dậy sớm. khổ lắm mà mẹ”.


Bà mỉm cười, một nụ cười đầy bao dung và giàu lòng từ ái. Hôm sau, lời kinh của bà nhịp đều một cách khó khăn hơn, và nó vẫn hỏi cái câu hỏi hôm trước với một thái độ không bằng lòng, mẹ nó vẫn cứ mỉm cười nhưng không im lặng, “Vậy con có thể thay mẹ tụng kinh được không?”.


Thằng Sơn giật mình hoảng hốt, điều này nó thật sự chưa từng nghĩ đến bao giờ, “Mẹ ạ, Con tán thành việc mẹ đặt trọn niềm tin nơi đức Phật, nhưng với con, niềm tin của con chính là đôi tay và khối óc. Mẹ đừng bắt con phải làm những việc không đâu. Con hứa sẽ học thật giỏi, kiếm thật nhiều tiền để nuôi gia đình và giúp đỡ mọi người”.


Bà im lặng, không mỉm cười và rồi nhìn thẳng vào đôi mắt của đức Phật như thể trong đôi mắt ấy, bà đã hiện hữu được một phần rồi.


Mười năm, hai mươi năm sau, thằng Sơn vẫn nghe đều đều lời kinh ấy, nhưng bây giờ không phải của mẹ nó tụng nữa mà là thầy nó, là vị bổn sư đáng kính của nó. Giữa đêm khuya thanh vắng, hai thầy trò vẫn ngâm nga bài kinh mà nó đã thuộc lòng từ thủa sống với mẹ “Quán Tự Tại bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm, thị cố không trung, vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị….”.


Thầy tụng, nó tụng, hai thầy trò đều tụng, nhưng hai tâm hồn vẫn cứ song song như hai dòng nước. Nó chưa cảm nhận được niềm an lạc trong từng lời kinh một chút mảy may nào. Chính vì thế, lúc nào đến giờ tụng kinh hay ngồi thiền, thầy cũng phải đi kêu nó, vì nó thường quên bẵng.


Lại nói đến việc ngồi thiền, thầy dạy nó nhắm mắt thì nó nhắm mắt, thầy dạy nó niệm Phật thì nó niệm Phật, thầy dạy nó chú ý hơi thở thì nó cũng chú ý hơi thở, nhưng sao nó vẫn không tìm thấy an lạc cho chính bản thân mình. Nó cứ vội vàng, cứ rong ruổi như một kẻ kiếm tìm.


Mỗi lần không có thầy, nó thường tụng kinh một mình, nhưng trong đầu, nó luôn nghĩ rằng, tụng mau cho xong để xuống nấu cơm, quét sân, rồi ngồi thiền và rồi đi học… Hằng trăm cái “rồi phải” cứ hiện ra trong đầu để biện minh việc tụng kinh nhanh, nhưng dù sao nó vẫn không bỏ qua một phần nào của nghi lễ.


Một buổi chiều thanh trong, bên triền đồi vắng lặng, thằng Sơn cảm thấy buồn man mác, một nỗi buồn xa xăm không biết đến từ dâu. Nó không hiểu rõ lòng mình muốn gì giữa cuộc đời nữa. Ngày ấy, khi tuổi còn đôi mươi, nó đặt trọn niềm tin vào đôi tay và khối óc mình. Nhưng rồi, sau khi đạt được những gì mà nó muốn, Nó đã kiếm được thật nhiều tiền, chinh phục được danh vọng địa vị mà lòng ham muốn, lòng mong cầu vẫn cứ thôi thúc và rồi nó lại vội vàng sống như cái thủa khi nó chưa có được cái gì.


Thằng Sơn đến được cánh cửa chùa cũng chỉ là một sự tình cờ mà thôi. Hôm đó, một người bạn tu sĩ đã tặng cho nó quyển kinh Di Giáo, và nó đọc cũng chỉ là sự miễn cưỡng mà thôi, vì nó sợ bạn hỏi mà mình không biết trả lời thì buồn cho bạn. Nhưng cũng chính một chút miễn cưỡng đó, thằng Sơn đã bắt gặp được điều mà nó mong muốn.


Trong kinh, Phật dạy: Nếu người biết đủ thì dù nằm ở trên đất, cũng cảm thấy an lạc, hạnh phúc; còn người không biết đủ thì dù ở thiên đường vẫn không cảm thấy vừa ý mình. Người  không biết  đủ, tuy giàu  mà  nghèo, còn  người  biết  đủ  tuy  nghèo  mà  giàu (Tri túc chi nhân, tuy ngoạ địa thượng do vi an lạc. bất tri túc giả, tuy xử thiên đường, diệc bất xứng ý. Bất tri túc giả, tuy phú nhi bần, tri túc chi nhân, tuy bần nhi phú. Bất tri túc giả thường vi ngũ dục sở khiên, vi tri túc giả chi sở lân mẫn).


Thằng Sơn thấy lời Ngài dạy đúng với tâm lý nó quá. Từ đó, Thằng Sơn chú ý nhiều hơn về giáo lý Phật giáo, và niềm tin cũng dần nảy nở trong nó tự bao giờ mà nó cũng không hiểu rõ nữa.


Đã nhiều lần, thằng Sơn muốn thoát ra khỏi cái thế giới đó lắm rồi, cái thế giới khiến nó phải quay cuồng với những cái không đâu. Được rồi mất; hơn với thua đã khiến tâm hồn nó nhiều phen mỏi mệt. Từng đêm, từng đêm, thằng Sơn thường tâm sự với mẹ nó những suy nghĩ mà nó cho là khó khăn.


Rồi nó quyết định thật, một quyết định mà mẹ nó cũng không ngờ tới, nhưng hình như bà mỉm cười an lạc, bằng lòng hơn với quyết định của nó, thằng Sơn xuất gia. Nay đã là một tu sĩ, đã từ bỏ mọi ràng buộc của thế gian, sống đời phạm hạnh, không mong cầu, không chứa chấp. Thế nhưng, sao nó vẫn chưa thật sự tìm thấy an lạc hạnh phúc cho riêng lòng. Thằng Sơn nằm thở dài trên tảng đá, đánh một giấc ngon lành.


Hai mươi năm, ba mươi năm, nó vẫn tụng kinh đều, nó nắm bắt được ý nghĩa của từng câu kinh, giảng giải rất hay và cũng rất thuyết phục. Tuy nhiên, với nó, cảm xúc dâng trào trong mỗi câu kinh vẫn chưa có được. Nó chẳng khác nào một học học sinh biết rằng, hôm nay phải hoàn tất 3 tiết toán, 2 tiết lý… theo thời khoá biểu của nhà trường đã quy định, mà hắn không hề cảm nhận được một chút tí tẹo nào niềm vui từ toán học hay vật lý.


Đã nhiều lần nó thật không hiểu nổi lòng mình. Đâu là ý nghĩa của cuộc đời? Đâu là giá trị cuối cùng của cuộc sống mà con người cần vươn tới? hằng trăm câu hỏi “đâu phải” cứ hiện ra trong đầu, bắt nó suy nghĩ nhưng rốt cùng vẫn không có được câu trả lời.


Nó quyết định đóng phòng tịnh tu một tuần, đây cũng là ước mong của nó bấy lâu, vì nó tin rằng chỉ có thiền định may ra giải quyết được những khúc mắc của nó mà thôi. Được ba hôm, cảm giác vội vàng lại thôi thúc, nó không biết phải làm gì cho hết khoảng thời gian lạnh lùng đáng sợ đó.


Nó liền đứng dậy mở cửa phòng và đi về phía chính điện, thắp hương, đốt trầm cầu sám hối. Nó biết là nó đang còn bị vướng kẹt, nhưng không biết vướng ở đâu mà thôi. Nó muốn đến hỏi thầy lắm chứ, nhưng nó không dám. Đã mấy lần đến gần cửa phòng thầy, nó định bước vào nhưng rồi không dám, nó sợ lắm. Cái gì đã ngăn cách khoảng không gian này, phải chăng là cái ngã của nó quá lớn đến nỗi nó không thể vượt qua được khó khăn này.


Suốt ngày, nó sống với đầy tâm trạng, nó muốn có một người để cùng sẻ chia, cùng tâm sự những gì mà nó nghi ngờ, những gì mà nó chưa thể hiểu được. Nó chưa dám tin tưởng vào chính bản thân mình.


Nhớ ngày xưa, khi ngài Thần Tú đến trình ngũ tổ về bài kệ của mình, với tâm niệm rằng, qua bài kệ đó, ngũ tổ có thể thấy được sở tu, sở chứng của mình. Tuy trải qua mấy lần, ấy vậy mà ngài cũng có dám vào trình được đâu. Rồi thì nó cũng có thể tìm được câu trả lời từ ngài Huệ Năng, một con người kỳ tài, khó hiểu. Bài kệ vô tướng của ngài đã phá tan khoảng không gian lạnh lùng đáng sợ giữa hai con người.


Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai


Đúng như lời hoà thượng Thiện Siêu dạy: “Niết Bàn là một cái gì tuyệt đối không dung ngã. Niết Bàn không có hạn lượng, không có nơi chốn, vì Niết Bàn vô tướng-vô tướng nên khó vào. Muốn vào Niết Bàn, ta cũng phải vô tướng như Niết Bàn. Cửa Niết Bàn rất hẹp, chỉ bằng tơ tóc, nên ta không thể mang thêm một hành lý nào mà hy vọng vào được, mà cả ý niệm về tôi, về ta cũng không thể mang theo. Cái ta càng to thì càng xa Niết Bàn. Nên biết rằng: Hễ hữu ngã là luân hồi mà vô ngã là Niết Bàn”.


Câu trả lời như vậy là đã quá rõ đối với nó. Cuộc đời sự thật nào có gì đâu, ấy vậy mà nó cứ mỏi mệt phải cố để hoàn thiện con người của mình, nhưng thật chất, tất cả chỉ để làm lớn thêm cái ngã, và khi đã mang trong mình một cái ngã vĩ đại thì đi bất cứ đâu cũng thấy vướng mắc, cũng thấy cuộc đời khó hiểu và khó chịu.


Cuộc sống vẫn êm ả trôi, nó vẫn tụng kinh, niệm Phật, nấu ăn, bửa củi rồi lại đi học đều. Nhưng nó đã không còn cảm giác nôn nóng, vội vàng nữa. Nó đã biết đặt xuống những gì cần thiết để sống đúng với ý nghĩa của hai từ “xuất gia”.


Chiều, trên đồi vắng, mấy tán tùng vươn cáo, ánh nắng vàng hiu hắt, bóng hoàng hôn đã ngã về tây, thằng Sơn bước vào căn nhà ấm áp năm xưa đã ru nó những giấc ngủ ngon lành bằng câu kinh của mẹ. Trên bàn thờ Phật, nén nhang vẫn chưa tắt hẳn, nó đến bên gường của mẹ, mỉm cười, lòng thanh thản lạ lùng.


Mẹ mỉm cười, tay vẫn cầm tràng chuỗi, thong thả lần từng hạt một. “Chú đã trở về rồi hả?”.


Dạ, con đã thật sự trở về”. Thằng em cứ tưởng hai mẹ con nhớ nhầm nên liền nói lớn “Tháng nào anh không về thăm mẹ; cách đây mấy hôm, anh đã ghé nhà mà, sao bây giờ lại nói đã trở về? Làm như lâu ni đi mô biệt tăm không bằng… Đúng là chưa già mà đã lẩm cẩm cả rồi”.


Thằng Sơn ôm chầm lấy mẹ; mẹ cười, nó cười, cả hai mẹ con đều cười trong niềm an lạc trở về. Thằng em chẳng hiểu mô tê, lắc đầu bỏ đi.