Trang chủ Văn học Tùy bút Quê tôi, cần lắm một… nhà sư

Quê tôi, cần lắm một… nhà sư

87

 Những năm lại đây, tôi thấy tín ngưỡng người dân quê tôi ngày một nhiều. Những ngày Rằm, mùng 1, ngày lễ của Phật giáo…người dân đã biết ra chùa lễ Phật, tụng Kinh. Tuy nhiên, không có sư nên ở đây không có sự tu học theo giáo lý đạo Phật mà chỉ dừng lại ở tín ngưỡng và cúng bái (hiện nay chỉ có Ban hộ tự – PV)

Mọi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân đều làm theo “bản năng” hoặc theo tập tục dân gian, kể cả về cúng bái, tụng Kinh. Kinh sách, băng đĩa thiếu thốn trầm trọng. Tôi thấy lẻ loi có mấy cuốn Kinh Nhật tụng đã cũ và rách nát nằm ở dưới gầm bàn.

Vì vậy, mỗi lần tôi về quê, ngoài việc ra chùa nói chuyện với mấy người dân hoặc người trông coi chùa thì tôi còn mang ít băng đĩa về cho mọi người xem nhưng chiếc đầu đĩa lúc chạy được lúc không. Tậm tịt hoài!

Vài lần nào đó, có nhiều người cười và nói với tôi: “Thôi cháu đi tu đi, sau này về chùa nhà mình mà ở”. Khi này, tôi chỉ biết mỉm cười mà thôi nhưng trong lòng tôi có gì đó hơi buồn và hiểu được người dân quê tôi đang mong muốn điều gì.

Với những khó khăn của ngôi chùa như vậy, tôi có trao đổi với Ban Hộ tự thì được biết: Nhiều lần Ban Hộ tự làm đơn lên xã, lên huyện để xin thỉnh sư về trụ trì nhưng lần nào cũng nhận được câu trả lời là: Không có sư nào về chùa vì sợ chùa bị ngập nước.

Vậy là tôi đã biết được câu trả lời vì sao không có sư nào dám “dấn thân” về chùa quê của tôi. Tôi không thấy buồn mà chỉ thấy thương người dân có lòng tín đạo, đã biết nương tựa vào ba ngôi báu (Phật, Pháp và Tăng) nhưng giờ có lẽ chỉ mới nương được vào Phật mà thôi (thiếu Pháp và Tăng).

Ngày Rằm tháng 10 vừa rồi, Hội làng truyền thống được diễn ra, tôi ra chùa và tham dự tại buổi lễ. Nhiều người dân mặc áo tràng nâu, cổ đeo tràng hạt, chắp tay trang nghiêm trước Tam Bảo rồi thi thoảng lại niệm A Di Đà Phật nhưng nhìn vào đó tôi thấy được họ chỉ đang tín ngưỡng và cầu xin, chứ chưa hiểu được phần nào về giáo lý của đức Phật. Nhưng nhìn gương mặt của họ thể hiện sự cầu thị có một nhà sư biết nhường nào.

Nhớ lại, dịp tôi trao đổi với Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó CT HĐTS TƯGHPGVN về vấn đề hoằng pháp ở vùng nông thôn. Lời Hòa thượng nói như sau: “Những vùng nông thôn, vùng sâu hoặc những nơi có đời sống vật chất khó khăn, trình độ dân trí còn thấp kém… càng đòi hỏi Tăng Ni trẻ phải dấn thân hơn nữa để hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh.

Hiện nay, hầu hết các Tăng Ni trẻ sau khi tốt nghiệp các trường Phật học lại tập trung hoặc có tư tưởng muốn ở các Thành phố lớn hoặc những nơi có “chùa đẹp, Phật tử đông” để hoằng pháp thuận tiện hơn. Ít người “dám” hoặc “chịu” về nông thôn, vùng sâu vùng xa, những vùng mới khai phá, kinh tế mới. Trong khi đó tính Phật không phân biệt miền xuôi hay miền ngược, Thành thị hay nông thôn, giàu hay nghèo…”

Quê tôi chỉ là vùng nông thôn, không phải vùng sâu vùng xa, vùng núi hẻo lánh, người dân không phải là người dân tộc, họ vẫn nói tiếng Kinh bình thường đó thôi. Người dân tín đạo và khát khao có người hướng dẫn tu tập ngày một nhiều, chính quyền địa phương ủng hộ việc có sư ở chùa.

Chỉ có điều, xét thực tế chùa quê tôi bị ngập nước khi mùa lũ về. Nhưng có lẽ nào, chỉ vì lý do này mà sư không về trụ trì, không về hoằng pháp để cho người dân nghèo chìm vào biển mê lầm, u tối suốt tháng ngày, trong khi đó chùa chỉ bị ngập nước có 3 đến 5 ngày?