Trang chủ Diễn đàn Quy trình làm nhân sự Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ...

Quy trình làm nhân sự Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ VII

115

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VII đã khép lại, để lại nhiều tiếng khen chê khác nhau. Khen vì công tác trang trí, lễ rước, nghi thức suy tôn Pháp chủ được trang nghiêm và tổ chức hội trường phụ với đầy đủ ghế ngồi, màn hình lớn phục vụ Tăng ni, Phật tử không phải là Đại biểu chính thức được theo dõi Đại hội từ phút đầu đến phút cuối.

Chê về những nội dung chính, có tính nghị sự và quan trọng của Đại hội lại không được chú trọng và quyền của cơ quan lãnh đạo cao nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc) không được phát huy để các đại biểu thảo luận, góp ý và quyết định các văn kiện chính của Đại hội: báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VI, chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII, suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh, suy cử thành viên Hội đồng Trị sự và thông qua toàn văn nội dung tu chỉnh Hiến chương Giáo hội.

Trong phạm vi bài viết này, tôi xin được nêu những vấn đề liên quan đến quy trình làm nhân sự để quý vị Tăng ni, Cư sĩ Phật tử cùng chia sẻ.

1. Nguyên tắc và quy trình đối với công tác nhân sự:

Phân Ban Nhân sự được thành lập theo Nghị quyết của Hội nghị Thường niên Trung ương và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, với chức năng nhiệm vụ tham mưu giúp Ban Thường trực Hội đồng Trị sự xây dựng đề án với các nguyên tắc, quy trình, tiêu chuẩn, cơ cấu thành phần, số lượng thành viên của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự cũng như dự kiến lập danh sách nhân sự khóa tới. Và đề án đó chỉ thực hiện khi được Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thông qua. Vì Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tiền nhiệm có chức năng nhiệm vụ giới thiệu thành phần nhân sự khóa tới và trình chính thức ra Đại hội.

Điều 9 Hiến chương GHPGVN quy định: “Thành phần nhân sự các cấp GHPGVN là những Tăng ni và Cư sỹ có năng lực, đạo hạnh và tiêu biểu của các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam, có công đức với đạo pháp, dân tộc và trung thành với Tổ quốc”.

Căn cứ quy định này, Phân Ban Nhân sự phải dự kiến về cơ cấu, thành phần và số lượng thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự kỳ VII. Để thực hiện được Phật sự này, Phân Ban Nhân sự phải báo cáo Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để tổ chức Hội nghị Hội đồng Trị sự và Hội đồng Chứng minh hoặc chí ít cũng phải tổ chức Hội nghị với sự hiện diện đông đủ của thành viên Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh và thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để quyết định thống nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự trên cơ sở phân bổ cho các đơn vị trực thuộc như: Văn phòng Trung ương Giáo hội, Ban – Viện trung ương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo và một số thành viên khác liên quan đến tổ chức Hệ phái Phật giáo (như Nam tông kinh, Nam tông Khmer, Khất sỹ và một số vị tiêu biểu khác).

Trên cơ sở thống nhất tại Hội nghị về cơ cấu, thành phần và số lượng thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự khóa tới, Phân Ban Nhân sự tham mưu cho Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để ban hành văn bản đề nghị giới thiệu nhân sự gửi đến các đơn vị trực thuộc theo cơ cấu thành phần đã được thông qua.

Tiếp đó là các đơn vị sẽ căn cứ văn bản của Trung ương sẽ tổ chức Hội nghị của đơn vị mình (có thể là Hội nghị của Văn phòng Trung ương, Ban – Viện trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự hoặc Hội nghị của Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội) để giới thiệu nhân sự theo cơ cấu, số lượng, thành phần như hướng dẫn của Trung ương.

Sau khi hoàn tất việc phân bổ nhân sự, Phân Ban Nhân sự đôn đốc các đơn vị trực thuộc đã gửi văn bản trước đó đề nghị giới thiệu nhân sự, rồi tổng hợp lập danh sách sơ bộ để trình Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự xem xét và quyết định từng trường hợp cụ thể (Phân Ban Nhân sự có thể tham mưu giúp Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tiến hành việc trao đổi với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để rà soát về mặt tư cách công dân của nhân sự do các đơn vị trực thuộc giới thiệu, trước khi lập danh sách chính thức trình Hội nghị Hội đồng Chứng minh hoặc Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự). Đồng thời, Phân Ban nhân sự tham mưu cho Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và phối hợp với các đơn vị để tổ chức xác minh những vấn đề liên quan đến công tác nhân sự nếu như có đơn thư khiếu nại, tố cáo, hoặc các cơ quan Nhà nước có ý kiến khác liên quan đến tiêu chuẩn của mỗi nhân sự.

Quy trình làm công tác nhân sự cần phải bảo đảm khoa học và khách quan là như vậy, phù hợp với cả Giáo luật của Phật giáo và thông lệ xã hội, thông qua đó tạo sự đồng thuận, hòa hợp, đoàn kết từ cơ sở đến trung ương, tránh được những vụ việc nhân sự không đúng, không trúng, không phù hợp với quy định của tổ chức giáo hội.

2. Bất cập đối với công tác nhân sự:

Tuy nhiên, Phân Ban Nhân sự Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ VII vừa qua đã không thực hiện như vậy, mà Phân Ban Nhân sự đã lạm quyền của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, tự quyền quyết định mọi việc liên quan đến công tác nhân sự. Tập thể Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự không hề được biết về đề án, cơ cấu, thành phần, số lượng thành viên của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và Phân Ban Nhân sự tự quyền lập danh sách nhân sự, để ai, bỏ ai, bổ sung ai, sắp đặt vị trí chức danh của cả Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và cuối cùng là thông qua Hội nghị Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự được tổ chức trước một ngày diễn ra Đại hội trù bị.

Tại Hội nghị của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự được tổ chức trước ngày diễn ra Đại hội một ngày đã có nhiều ý kiến của Trưởng Ban Trị sự các tỉnh, thành hội và cho rằng Phân Ban nhân sự tự quyền lập danh sách không cần hỏi ý kiến của Ban Trị sự về những nhân sự liên quan đến các tỉnh, thành hội. Song ý kiến phản hồi đó đã không làm thay đổi danh sách dự kiến của Phân Ban Nhân sự.

Trong khi đó, Hòa thượng được phân công là Trưởng Ban Nhân sự Đại hội VII cũng như Hòa thượng Chủ tịch có chức năng cầm trịch Đại hội, nhưng vì cao niên, sức khỏe hạn chế đi xa, nên không tham dự Đại hội, tất cả mọi việc lại được giao cho các thành viên khác trong Phân Ban Nhân sự với một nguyên tắc chỉ đạo chung “Nhân sự kỳ VII giữ nguyên để bảo đảm đoàn kết và chỉ bổ sung các chức vụ khuyết nhiệm và một số vị trí Phật sự khác để nâng cao hiệu năng Phật sự”.

Chính thiếu những con người có đủ uy đức và khả năng cầm trịch mà dẫn đến những việc làm thiếu quy trình vô nguyên tắc và không phù hợp với quy định thông thường, để Phân Ban Nhân sự Đại hội VII toàn quyền quyết định đã để lại nhiều tai tiếng, tạo thành lợi ích nhóm, vây cánh trong nội bộ tổ chức giáo hội.