Trang chủ Quốc tế Rong chơi ở xứ sở Triệu Voi

Rong chơi ở xứ sở Triệu Voi

60

Trên trục hành lang Đông-Tây du khách bắt gặp công viên khủng long ở trung tâm Savannakhet. Hình ảnh khủng long được chọn làm biểu tượng cho thành phố này có cội nguồn lịch sử của nó.

Năm 1932 người ta phát hiện ở đây bộ xương khủng long hoá thạch được các nhà khảo cổ học xác định niên đại hàng triệu năm. Tại những cánh rừng vùng Xayphuthoon của Savannakhet người ta cũng đã phát hiện những trống đồng, thạp cổ có niên đại trên 2.000 năm, chứng tỏ Lào cũng giống như các nước Đông Nam Á khác có một nền văn minh từ rất sớm.

Chữ viết và lịch sử thành văn của Lào ra đời chậm nên không cập nhật được những điều này nhưng lưu vực đồng bằng sông Mekong cách đây hơn một vạn năm đã có những bộ lạc nguyên thuỷ sinh sống là điều được thừa nhận. Những câu chuyện truyền thuyết, thần thoại và di chỉ khảo cổ học là những thông tin về chiều dày lịch sử của đất nước Lào.

Nằm sâu trong đất liền của tiểu lục địa, bị kẹt giữa dãy Trường Sơn ở phía đông và dòng Mekong ở phía tây, ít được thế giới bên ngoài biết đến, nhưng Lào có may mắn là nơi tiếp giáp và trở thành một điểm hội ngộ của nhiều nền văn minh của châu Á như Ấn Độ, Trung Hoa, kể cả Khơme cổ mà đỉnh cao là đế chế Angkor.

Với sự hiện diện của đền đá Wat Phou, phải thừa nhận vùng đất Nam Lào đã từng có nền văn minh tiền Angkor. Những bia cổ, phù điêu phát hiện được ở gần thủ đô Viên Chăn có thể khẳng định từ khoảng thế kỷ thứ V hoặc thứ VI nơi đây đã là một trung tâm đô thị sầm uất.

Những nhóm trụ đá ở Sầm Nưa và những Cánh đồng Chum ở Xiêng Khoảng khẳng định nền nghệ thuật điêu khắc gắn với một loại hình mộ táng nguyên thuỷ bằng đá đã xuất hiện ở Lào hàng ngàn năm trước chính sử.

Vào thế kỷ XIV, người anh hùng Fa Ngum từ Angkor trở về thống nhất các vương quốc thành lập nên nước Lan Xang cho nên dấu ấn Khơme bay lượn khắp các cung điện, đền đài, chùa tháp. Thời thịnh trị, kinh đô của Lan Xang thu hút khá nhiều nhà sư, học giả đến từ các quốc gia láng giềng hùng mạnh.

Chính vua Fa Ngum đã đưa tượng Phật Phra Bang bằng vàng từ Angkor về. Pho tượng này vốn được đúc ở Sri Lanka nên người Lào coi đó là biểu tượng của Phật giáo quốc gia. Di tích Wat Phou và những mảnh vỡ tượng Phật tìm thấy ở vùng Viên Chăn có niên đại từ thế kỷ thứ VIII còn cho thấy Phật giáo đã song hành cùng Ấn Độ giáo ở vùng đất này trước khi vương quốc Lan Xang ra đời.

Phật giáo Theravada (hệ phái Nam Tông) du nhập vào Lào qua Miến Điện, Thái Lan, Khơme, rồi trở thành thành phần chủ yếu của cộng đồng tôn giáo Lào. Phật giáo Nam Tông ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, đạo đức, lối sống của người Lào.

Khắp đất nước Lào, mỗi buổi sáng sớm, trong tiếng chuông chùa xa vọng, các nhà sư ôm bình bát đi khất thực trên các nẻo đường, phố xá. Họ tỏa ra từng tốp đi theo hàng dọc về các khu dân cư, về những con đường nhỏ phía ngoại ô.

Người dân đã đợi sẵn, cung kính quỳ trước cổng nhà, dâng những thức ăn ngon, chủ yếu là xôi nếp, đồ kho, nướng, bánh trái. Các nhà sư không nói lời cám ơn mà quay lại thành hàng ngang quay mặt vào nhà thí chủ tụng một đoạn kinh ngắn. Phật tử thành kính lắng nghe như đón nhận lời ban phước lành của một ngày mới.

Kết thúc lời tụng niệm là động tác cúi đầu, chắp tay vái tạ của nhà sư và của người dân thay cho lời chào buổi sáng, lời tạm biệt. Các nhà sư tiếp tục hành trình, Phật tử đứng dậy trở vào nhà thanh thản với những công việc của một ngày mới.

Theo hạnh bố thí, Phật tử tích đức bằng nhiều cách. Các nhà sư đi khất thực là dịp để Phật tử làm công đức, tạo cơ hội cho họ được tích phúc, tạo nên một thế giới từ bi theo lý tưởng của Đức Phật. Bảo tàng Cung điện Hoàng gia dát vàng óng ánh; Wat Xieng Thong cổ kính soi mình bên dòng Mekong và những nhà sư trầm tư trong chùa ngoài phố là những ấn tượng đậm nét trong mỗi du khách đã từng đến Luang Prabang, đến thăm đất nước đất nước Triệu Voi, xứ sở của ánh đạo vàng.

Từ giữa thế kỷ XIV, với sự trị vì của Fa Ngum, Phật giáo trở thành Quốc giáo của Lào, là chỗ dựa vững chắc của nhà vua để củng cố uy quyền và thống nhất về tư tưởng. Từ đây Phật giáo phát triển đồng hành với sự hưng thịnh của đất nước.

Giữa thế kỷ XVI, khi vua Setthathirat thiên đô về Viên Chăn, những ngôi chùa lớn được dựng lên tạo thành thông lệ cho các đời vua kế tiếp. Không chỉ có thủ đô mà ở các bản làng của Lào đều có ở chùa với nhiều chức năng: trung tâm tôn giáo, trung tâm văn hoá – lễ hội, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trung tâm giáo dục.

Các lễ hội Phật giáo và lễ hội dân gian đều được tổ chức ở chùa làng và nhà sư là nhân vật trung tâm. Ngày xưa, chùa làng chính là trường học, là nơi đào tạo nhân lực cho đất nước. Nhà sư vừa dạy giáo lý vừa là người thầy dạy chữ, thầy phong thuỷ, thầy thuốc…

Ngôi chùa ở Lào không phải là thế giới riêng của tôn giáo mà rất bình dị, ấm cúng, gần gũi với tất cả mọi người. Là nơi để người dân gửi gắm ước mơ, niềm tin.

Vào chùa lễ Phật với người Lào, cũng như người Việt, dù ở đâu, đi đâu, làm gì đều xem đó là những giây phút thiêng liêng để tĩnh tâm, gác lại những bề bộn, tất bật của cuộc đời, thì thầm cầu nguyện những điều tốt lành cho bản thân, cho gia đình, cho bạn bè thân thiết.