Trang chủ Diễn đàn Sài Gòn Phật đản 2010 – Ngơ ngác và hụt hẫng

Sài Gòn Phật đản 2010 – Ngơ ngác và hụt hẫng

148

Sinh ra và lớn lên ngay tại thành phố này, bao nhiêu tuổi đời là bấy nhiêu mùa Phật Đản đi qua ,để lại nhiều ký ức vui buồn, sướng khổ đan xen trong tâm khảm. Nhất là những giai đoạn tuổi trẻ của tôi hòa quyện trong màu áo Gia Đình Phật Tử, Học Sinh Phật Tử, mỗi mùa Phật Đản càng trở nên quan trọng và nhiều kỷ niệm hơn. 

Nếu không tính những mùa Phật Đản diễn ra trong âm thầm lặng lẽ ở những tháng ngày sau năm 1975 do nhiều yếu tố khách quan, và cộng vào ký ức của những bậc lớn tuổi, thì có lẽ trong đời tôi có hai mùa Phật Đản thấy bắt ghét nhất!  

Một: Mùa Phật Đản máu lửa của năm 1963! Bàn thờ Phật phải đem giấu trong …buồng ngủ! Thắp nhang phải lén lút. Nước mắt tủi nhục của vận mệnh một tôn giáo lớn của dân tộc đã phải cay đắng viết lên những dòng sử đau thương này.Tất cả đang đối mặt với bạo quyền mà một thế chân đứng Đạo Phật Ngàn năm đã tựa sẵn bên bến bờ diệt vong!  

Hai: Mùa Phật Đản 2634-PL 2554 (2010). Trong xu thế đạo Phật phát triển toàn cầu và ngày lễ Phật đản không còn là của riêng Phật giáo nữa khi mà Liên Hiệp Quốc đã chính thức chọn ngày Đức Phật ra đời là Ngày Hòa Bình Thế Giới – Ngày của Tình Thương, đặt tên cho là Vesak – Tam Hợp, và chưa lâu lắm, chính ngày lễ trọng đại này đã được long trọng diễn ra trên quê hương đất nước chúng ta năm 2008.

Trong khung cảnh của một ĐẤT NƯỚC THANH BÌNH, ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ và một Giáo Hội hợp pháp, có hệ thống tổ chức xuyên suốt chặt chẽ. Lịch sử 2000 năm đã được trân trọng tái lập tôn vinh. Đặc biệt còn có bóng dáng tượng đài Bi Hùng Lực cao ngất của Bồ Tát Quảng Đức soi đường chỉ lối cho PGVN trên lộ trình xiển dương chính pháp .v…v…

Thế mà buồn thay! Mùa Phật Đản năm nay, trong những điều kiện hanh thông tốt đẹp ấy, thành phố Sài Gòn này đã sải một bước thụt lùi khá xa, khiến bảy bước chân Đức Phật không bước ra khỏi chu vi hàng rào các ngôi chùa để đến với chúng sinh ngoài kia đang náo nức tâm thành hướng về Ngài với bao ưu tư lẫn hoan hỷ tự trong cõi lòng.

Tất cả buổi lễ đều diễn ra âm thầm bên trong chính điện mỗi ngôi Chùa. Riêng lễ đài thành phố năm nay thì lui về sân Chùa Phổ Quang với con độc lộ cụt và nhỏ hẹp. Xe Hoa, Kiệu Hoa diễu hành hoàn toàn vắng mặt. Báo chí thông tin nghèo nàn. Phát Thanh Truyền hình chỉ đưa tin tức ngày rằm. Một tờ báo Phật giáo số Phật Đản thì in ảnh bìa một cô gái cười tươi rất bắt mắt, người đọc không biết cô cười điều chi trong khi tan nát cõi lòng người con Phật ở cái thành phố tám triệu dân này với mùa Đản sinh …tuột dốc!

Vẫn có vài ngôi Chùa ý thức được  ý nghĩa trọng đại ngày Đản sinh bằng nỗ lực tự thân, đưa bảy bước chân Đức Từ Phụ đi vài dặm đường ngoài khuôn viên – như Chùa Kim Cương – quận 3.

Nhưng xét vể mặt tổng thể, thiếu vắng sự chỉ đạo để có thể thực hiện đồng bộ thì ý nghĩa mới thêm tròn vẹn, thường dẫn đến những kết quả không như ý muốn. Đó là chưa nói đến sự phó mặc mạnh ai nấy làm, dễ dẫn đến khó xử cho chính quyền địa phương như trường hợp quận 5.

Điều này dễ làm tổn thương tinh thần Phật Tử và làm hoa tốn của cải, sức lực vốn xuất phát từ thiện tâm cao đẹp. Và như vậy sự nghi kỵ, thắc mắc với chính quyền là điều không tránh khỏi.

Hãy nhìn sang tỉnh bạn, kìa đường về Long An, cầu Tân An, Bến Lức vẫn rợp cờ ngũ sắc như lòng rạo rực năm nào, hai đêm xe hoa diễu hành làm nức lòng người dân đất Thủ.

Gần hơn nữa Bình Dương, chao ôi thương sao các bạn trẻ diễu hành bằng xe thể thao và đồng phục sáng đẹp, theo sau đoàn xe hoa dài xa tít, ban ngày lẫn ban đêm.

Hoặc lên chốn cao nguyên bạt ngàn nắng cháy bụi đỏ dường xa, vẫn có xe hoa đi vào từng ngỏ hẹp đời người nghèo khó và cờ ngũ sắc làm sống dậy niềm an vui sau tháng ngày cặm cụi nương rẫy (Gia Lai, Daklak, KomTum).

Rồi xuống miền tây, mà thôi, hãy đi xuống tận dải đất mũi Cà Mau xa lắc tí tè, nhìn thành phố trẻ Cà Mau ôm vào lòng từng chuyến xe hoa Kính Mừng Phật Đản hỏi ai không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về mình –một cõi nệm ấm chăn êm từng là đầu tàu sản sinh ra mô hình xe hoa, đèn lồng…!

Ra Huế ư? Xin đừng ai so bì, vì chỉ có Huế lúc nào cũng Rất Huế, lúc nào, thời nào vẫn một dạ kiên trinh. Lá Cờ Phật giáo to đùng chiềm chệ một góc bờ sông, đủ nêu cao lòng kiên trinh đó. Có thể nói ,chưa có nơi nào  mà mỗi dịp Phật Đản, nhà nhà dều nô nức trang hoàng, thậm chí làm cả lễ đài mini Đản Sinh ngay trước mặt tiền nhà mình, còn không khí Phật Đản thì cứ nhìn những người gánh lồng đèn Phật Đản bán dạo làm tươi sáng phố phường mới thấy tinh thần Phật Đản nơi này ra sao.

Chưa hết, Bảy Đóa Sen Vàng Nâng gót Ngọc sáng rực một khúc sông Hương, xong Phật Đản Ban Tổ Chức Festival Huế phải xin đừng dẹp để du khách bốn phương về dự có dịp nhìn mãn nhãn mà nhớ, mà thương cho tinh thần Phật giáo đất Thần Kinh.

Hà Nội ư? Vâng! Phật Đản Sài gòn năm nay không làm sao có thể so sánh dù một góc phố nhỏ của Hà Nội trong mùa Phật Đản này. Chúng ta nên nhớ chỉ vài năm trở lại đây thôi, cả miền Bắc chứ không riêng gì Hà Nội tìm hình bóng một lá cờ Phật giáo không phải dễ, thế mà bây giờ, chính màu sắc lá cờ này làm nên nét đẹp tuyệt vời của tinh thần Phật Đản đất Bắc.

Ngạc nhiên và đáng khâm phục cho những nhân tố làm nên tinh thần đó lại chính là giới trẻ năng động ngày nay của Hà Nội. Đây là nét độc đáo và thành công của chư tôn lãnh đạo Hà Nội. Nói theo Đạo hữu Trần Trọng Hoàng và Nguyễn Thanh Long (PTVNN) là “Rước Phật và Cách Mạng Phật Đản Từ Thanh Niên Phật Tử…” rất đúng.

Nhờ vậy người con Phật Hà Nội sau gần nữa thế kỷ ít ai còn nhớ ngày “Bụt Sinh ,Bụt Đẻ”  nay lại ngập tràn niềm hân hoan, ngồi kể lại cháu con nghe về tinh thần rước Phật của Cha Ông thưở trước.

Nếu ở Sài gòn người Phật tử còn e dè, ngại ngùng khi được khuyến khích treo cờ Phật giáo thì nhiều năm qua, từ tư gia đến nhiều ngõ phố Hà Thành đã rợp sắc màu đạo kỳ thân thương. Đơn cử : “Quãng đường ven sông Đuống của Huyện Đông Anh Hà Nội dài hơn 10 km đều có treo cờ Phật và cờ tổ quốc bên đường. Không rõ Chùa nào treo hay ban Đại Diện đứng ra treo, nhưng quả thật có lẽ đây là quãng đường treo cờ Phật dài nhất Việt Nam.Thật là một nỗ lực đáng tán thán “(Trọng Hoàng –PTVNN). 

Hình ảnh đêm giao thừa miền quê Nam Bộ tôi với bàn hương án trước sân, với dáng thành kính cúi lạy của Ông Bà Cha Mẹ khó quên, thì ở đây, làng Cự Đà, hay thôn Văn Quán, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, hình ảnh thân thương ấy hiện ra ở các nhà dân ven đường khi đoàn rước Phật ngang qua, nhà nhà đều sắp bày hương án trước sân và cúi lạy.

Đây là lần thứ hai chùa Khánh Long tổ chức thành công cuộc rước Phật này và đã dần tạo nét truyền thống  mới mẽ này cho ngưới dân địa phương. Cần lưu ý thêm dù đây là “Phật Đản Chùa Quê “(Di Sơn-PTVNN) mà đã làm được diều ít nơi khác làm được và cũng có thể được xem là mô hình cần nhân rộng.

Ấn tượng nhất phải kể đến cuộc rước Xá  lợi Phật đến tôn trí tại lễ đài Phật Đản (từ chùa Quán Sứ đến Cung Văn Hóa Hữu Nghị Hà Nội). Chỉ kể riêng hàng ngũ chỉnh tề của dàn nhạc Bát Âm, Dàn nhạc Tây kết thành một hàng dài và cất lên âm giai những bài như Đăng Đàn Cung Kính Mừng Phật Đản, Phật giáo Việt Nam, Ánh Đạo Vàng… cũng cảm thấy vô cùng kính phục chư tôn lãnh đạo Phật giáo Hà Nội.

Hai hình ảnh của hai khái niệm CỔ và TÂN được thể hiện khá nhuần nhuyễn, từ hai nhân vật Hộ Pháp đi hầu hai bên kiệu Phật cho đến các bạn trẻ Hà Nội mặc áo tràng lam vui tươi mà cung kính ngay hàng thẳng lối, đưa từng bước chân Phật đến với chúng sinh.

Trở lại thành phố Sài gòn thân yêu của tôi, một mùa Phật Đản thờ ơ đã làm hụt hẫng bao trái tim người con Phật  sinh ra và lớn lên tại nơi này, làm bàng hoàng tiếc nuối cho du khách phương xa mang thiện niệm ban đầu đến đây để đón mừng Phật Đản có Lễ và có Hội.

Tiếc nuối biết bao cho thực lực Phật giáo Sài gòn  đã để trôi qua thật uổng phí mà chưa chắc dễ dàng khôi phục lại tinh thần sau bước thụt lùi này. Phật giáo quận 5 với mô hình Tứ Thiên Vương đèn lồng rực rỡ trong đêm rước Phật trở thành những vị giữ đường vào hẻm chùa!

Và nếu chúng ta ấn tượng và choáng ngợp với sắc thái cuộc rước Phật ở chùa Viên Giác Tân Bình (Dù chỉ đi loanh quanh trong khuôn viên chùa) bao nhiêu thì càng thêm ngơ ngác bấy nhiêu khi mặt bằng Phật Đản Sài gòn 2554-2010 quá ư…thiền định!

Các chùa bằng sự cố gắng và khả năng sẵn có của mình đã giữ gìn màu sắc Phật đản trong diều kiện có thể, không dám bước ra khỏi khuôn viên. Nhưng có lẽ đáng buồn hơn khi đặt ra câu hỏi sao các giảng sư ,các đạo tràng, các chùa  không nói với Phật tử của mình rằng Hãy về nhà treo một lá cờ Phật giáo nhân Mùa Phật Đản, dù chỉ một lá thôi là các vị đã ủng hộ Phật Pháp trường tồn!

Thành Phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn Phật đản 2554-2010.