Trang chủ Diễn đàn Sự trùng phùng của tâm giao

Sự trùng phùng của tâm giao

119

Năm nay là năm đất nước ta khởi phát từ nhiều chiều, cộng hưởng từ nhiều cấp độ. Nền kinh tế khởi sắc và phát triển toàn diện. Ý Đảng, lòng dân tương giao nhuyễn hoà, đồng duyệt.

Trong ngoài đều đồng thuận như lòng người. Lần đầu tiên, Thiền sư Thích Nhất Hạnh về thăm quê hương và tổ chức lễ cầu siêu trên cả ba miền. Đó là nghĩa cử sáng rỡ của cái tâm từ Đức Thiền sư, cái trí của Đảng và Nhà nước. Chúng ta đã làm hết sức mình để tạo điều kiện cho thiện tâm, tín nữ cả nước thoả nguyện tâm linh, giúp cho dân tộc có “Ý hoà đồng duyệt” để đưa vận nước lên cao hơn, rực rỡ và xán lạn hơn.

Chưa có năm nào mà chùa chiền, Phật tích được tu bổ, sửa sang nhiều và đẹp đến như vậy. Điển hình là chùa Đồng Yên Tử – một trong những ngôi chùa độc đáo nhất thế giới đã được phục dựng trên độ cao hơn ngàn mét, để ghi nhớ công lao của vị Vua Trần Nhân Tông – người ở ngôi vua 15 năm, rời ngôi năm 37 tuổi để đi tu và đã lập nên phái Thiền Trúc Lâm, tông phái Phật giáo duy nhất do người Việt sáng lập. Càng không ngẫu nhiên khi năm nay, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã về dự, dâng hương tại đại Lễ Phật đản do Giáo hội Phật giáo VN tổ chức tại Học viện Phật giáo VN (Sóc Sơn – TP.Hà Nội).

Cái nhân nghĩa như Trần Nhân Tông đã từng viết: “Tình người đôi mắt ngân” là bản chất của hồn Việt, tính cách Việt và, cũng là cái cốt lõi của tinh hoa Phật pháp. Sự “biệt giao” đó của hồn nước và tâm linh hướng Phật đã làm cho người Việt, dù bất cứ đâu hay bất cứ khi nào cũng cảm thấy ấm áp khi nghĩ và hướng về quê cha, đất Tổ. Trên thế giới, rất khó để tìm được một nơi nào mà cả ba tôn giáo (Phật giáo, Nho giáo, Thiên Chúa giáo) đều có thể dễ hoà đồng, tương sinh, cộng ý đến mức “Tam giáo đồng đường” như Việt Nam.

Có không ít những ý kiến ngược chiều. Nhưng, nếu quan sát từ Bắc chí Nam trong ngày Lễ Phật đản hôm qua, dẫu là người khó tính nhất cũng rất dễ nhận thấy không khí đầm ấm, trùng phùng, lễ hội của người dân cả nước. Thực tế đó không thể có được bằng sự “bất ngờ” của lý trí, bằng sự hời hợt của nhận thức. Cái tâm của chính, thiện, nhân, lễ, nghĩa giống như hương sen, luôn ngát lên từ thực chất.

Lễ Đản sinh Đức Phật năm nay quả là đặc biệt. Một lần nữa, nó cho mỗi người dân Việt Nam sự cảm và nhận rất rõ ràng như ý thơ của Trần Nhân Tông khi xưa: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng”.







Những năm gần đây, tại VN liên tiếp có những công trình Phật giáo đồ sộ được xây dựng làm nức lòng tăng ni, phật tử và nhân dân cả nước. Ngay sau Đại lễ Phật đản Phật lịch 2551, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết và Giáo hội Phật giáo VN cũng đã làm lễ động thổ giai đoạn hai Học viện Phật giáo VN. Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với TS, Đại đức Thích Thanh Quyết – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN, đồng thời là trưởng ban quản lý nhiều công trình Phật giáo nổi tiếng như: Chùa Non nước, Học viện PGVN ở HN, chùa Đồng ở Yên Tử, Quảng Ninh.

Thưa Đại đức, thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các công trình Phật giáo lớn, Đại đức có thể cho biết đôi nét về bước phát triển này?

– Việc Giáo hội Phật giáo VN và phật tử xây dựng được ngày càng nhiều các công trình tôn giáo lớn trước hết phải khẳng định sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp hảo tâm và sự đóng góp của đông đảo nhân dân. Điều này cho thấy sự phát triển của nền kinh tế đất nước, cuộc sống vật chất phát triển mạnh thì cũng cần phát triển cuộc sống tinh thần, tâm linh của nhân dân. Những công trình này còn là kết tinh của sự phát triển Phật giáo trong thời gian qua minh chứng cho con đường đi đúng đắn của Phật giáo VN là: “Đạo pháp, dân tộc và CNXH”.

Công trình Học viện PGVN khi được xây dựng hoàn chỉnh mang tầm cỡ quốc tế và học viện cũng đã có chương trình tiến tới đào tạo cả tăng ni sinh nước ngoài. Thưa Đại đức, điều này nói lên ý nghĩa gì?

– Điều đó khẳng định những đóng góp to lớn của Giáo hội Phật giáo VN trong quá khứ, cũng như hiện tại và trong tương lai. Nó còn khẳng định sự hội nhập và đóng góp của Giáo hội Phật giáo VN với thế giới. Với uy tín đó, VN đã được chấp nhận đăng cai Đại lễ Phật đản thế giới năm 2008.

– Xin cảm ơn Đại đức!


Hoài Nam (thực hiện)