Trang chủ PGVN Nhân vật Sư Vạn Hạnh với tinh thần đồng tôn Đại Việt

Sư Vạn Hạnh với tinh thần đồng tôn Đại Việt

96

Vạn Hạnh dung tam tế                      
chân phù cổ sấm ky
hương quan danh Cổ Pháp
trụ tích trấn vương kỳ

Vạn Hạnh thông ba cõi
chính hợp lời sấm xưa
quê hương tên Cổ Pháp
chống gậy giữ kinh kỳ

Vạn Hạnh dung thông quá khứ, hiện tại, tương lai, dung hợp Phật, Khổng, Lão, dung hóa pháp môn Tổng Trì Tam Ma Địa thành lời Sấm , như một khế cơ huyền vi vào việc trị nước an dân vào buổi đầu thời đại độc lập quốc gia.

Thuở nhỏ Sư tu ở chùa Lục Tổ , thuộc dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi tinh thông Tam Tạng, Bách luận, Bát Nhã Hoa Nghiêm…chú trọng về Mật Tông " bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền "  giản dị, gọn, nhẹ, rất hợp với tâm tính của khối dân xứ nóng Đông Nam Á. Sư lại chuyên về khoa Tổng Trì Tam Muội , nói ra lời nào là thành lời tiên tri được người đời tin tưởng.

Nguyên Kinh Tổng Trì được chính Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch tại chùa Pháp Vân vào khoảng 580-594. Nhà sư Đa Lưu Chi từ Thiên Trúc sang Trung Hoa rồi sang Việt Nam tu 14 năm là sư tổ thiền phái Mật tông tại đất Việt với nhiều thế hệ thiền tăng xuất sắc như sư Pháp Hiền ( thế hệ II ), Đ̣inh Không ( thế hệ VIII ), La Quý An ( thế hệ X ), Vạn Hạnh và Đạo Hạnh ( thế hệ XII ), Minh Không ( thế hệ XIII )…

Sau giai đoạn Đại thừa Bát Nhã, tới Đại thừa Duy thức  là những cao điểm phát triển của của đạo Bụt nghiêng về trí huệ cao siêu, tới giai đoạn Đại thừa Mật giáo là chặng đường lan tỏa sâu vào tàng thức cộng thể, rộng vào siêu lực ẩn tàng trong tâm thức, mênh mông bao bọc các tín ngưỡng thần linh khắp cõi mà không chấp vọng. V́i thế từ thế kỷ thứ IV tới thứ VIII Mật giáo đã phát triển nhanh chóng vững vàng thành Kim Cang Thừa lan ra khắp Viễn Đông, từ Tây Tạng sang Trung Hoa, Việt Nam…

Tổng Trì tiếng Phạn là Đà La Ni, có nghĩa là duy trì thiện pháp và ngăn ngừa ác pháp phát sinh. Một trong bốn loại Đà la ni ( pháp, nghĩa, chú, nhẫn ) là thần chú , một cánh cửa mở ra từ Thiền siêu thức, một gạch nối từ tâm thức  bay lên cõi phi phi tưởng, với những mật ngôn như ngôn ngữ giao cảm giữa những loài khác nhau trên những quốc độ khác nhau của tam thiên đại thiên thế giới.

Thần chú của Mật tông với hiệu lực linh nghiệm đã là thần lực gia hộ Triều Đinh, Lê và Lý. Cả trăm trụ bia đá vùng Hoa Lư còn ghi khắc kệ và chú từ thế kỷ thứ X, các cột kinh này lấy chú " Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni " làm chủ yếu như " muôn nghìn ánh sáng làm chúng sinh kinh động mà giác ngộ ", người niệm chú này sẽ được tăng tuổi thọ và được chư thần Bồ tát phù hộ.

Ngay từ thế kỷ thứ VIII các nhà sư Mật tông Ấn độ sang Trung Hoa đã dùng Mật ngôn thần chú phù trợ Triều vua Đường. Trong những thế kỷ sau, IX, X, XI… trung tâm Luy Lâu vùng Kinh Bắc đã là nơi qua lại của các danh tăng Ấn, Hoa, Chiêm Thành…lại thêm các nhà sư Việt sang Ấn du học như Sùng Phạm ( thế hệ XI Tỳ Ni Đa Lưu Chi ) du học chín năm, sau về chùa Pháp Vân truyền dậy đệ tử là Đạo Hạnh.

Đạo Hạnh rất giỏi pháp thuật thần thông, từng tụng đủ 1 vạn 8 ngàn lần Đại Bi Tâm Đà La Ni, dùng gậy quăng xuống dòng nước chẩy xiết, gậy dựng đầu lội ngược, nhờ đó diệt được tà sư Đại Điên là kẻ giết cha mình, sau dốc chí tu tập, pháp lực càng cao, có thể điều phục muông thú, cầu mưa cầu gió, niệm chú trị bệnh…

Vạn Hạnh cùng thế hệ tu học với Đạo Hạnh, hẳn không lạ gì những pháp thuật thần thông ấy. Cùng với sư huynh Pháp Thuận, hai vị quốc sư này đã dùng sấm vĩ, độn số, phò trợ  vua Lê Đại Hành ( 980-1005 ) trong việc trị quốc.

Chính sư Pháp Thuận đã giả làm người lái đò đối đáp thi văn với sứ thần nhà Tống là Lý Giác. Khi sư Pháp Thuận mất ( 991 ) thì vua Lê Đại Hành chỉ còn Vạn Hạnh để tham vấn việc nước.

Ngay từ năm 980 sư Vạn Hạnh đoán trước " nội trong ba bảy ngày quân Tống sẽ rút lui ", quả nhiên vua Lê dụng mưu ly gián, quân Tống phải rút vì nội biến. Tự đấy vua Lê Đại Hành rất kính trọng Sư và khi nhà vua muốn đánh Chiêm Thành để cứu sứ giả ( Từ Mục ) ta về cũng tới hỏi Sư trước, Sư nói trận này đánh tất thành công không phải do dự. Quả nhiên việc bình Chiêm thành công lừng lẫy, vua Chiêm là Parame bị chém tại trận.

Sau khi bậc anh quân thăng hà, Ngọa Triều Lê Long Đĩnh tàn bạo bệnh hoạn, Sư Vạn Hạnh đã vì nước vận động đưa người hiền Lý Công Uẩn lên ngôi. Thuở thiếu thời Lý Công Uẩn tới học ở chùa Lục Tổ và gập Sư Vạn Hạnh tại đây, Sư thấy họ Lý tướng mạo phi phàm đã lấy làm lạ, biết là bậc chân nhân thiên tử.

Sư dùng nhiều phương pháp  như viết chữ " thiên tử " trên lưng một con chó trắng ở làng Cổ Pháp rồi truyền rộng lời đoán rằng chó tượng trưng năm Tuất, bậc thiên tử sinh vào năm Tuất ( Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất 974 ) và xuất hiện vào năm Tuất ( Canh Tuất 1010 ) sẽ mang lại thanh b́nh thịnh trị

Trải qua ba triều Đinh, Lê, Lý, Sư Vạn Hạnh đã cống hiến trọn đời cho dân tộc và Đạo pháp hành nghiệm. Ngay cả việc rời đô từ đất Hoa Lư chật hẹp, vận số ngắn ngủi ra Thăng Long với thế đất rồng quấn hổ phục, ở giữa Đông Tây Nam Bắc, muôn vật rất thịnh và phồn vinh, Sư là nhà chiến lược đặt trường kế non sông .

Chính Sư viết ra những lời Sấm đầu tiên mà 500 năm sau Trạng Trình đã dùng làm khởi điểm cho tập Sấm ký. Vừa là thầy dậy Lý Công Uẩn từ nhỏ, vừa làm quốc sư cho vị vua sáng nghiệp suốt 15 năm, Sư Vạn Hạnh đã tận dụng kiến văn và trí huệ tới mức siêu đẳng, nghĩa là vận động chuyển hóa tâm thức bằng cách đi vào đáy sâu tàng thức quần chúng, từ đó dấy lên lòng tin vào hồng vận hưng long của triều đại, khi quần chúng đã tin, khi nhân tâm đã định, tức là việc trị nước đạt tới 80-90 % rồi vậy.

Năm 1025 Sư già không bệnh mà hóa, trước khi hóa Sư chỉ dậy cho đệ tử : " Các con nên trụ ở đâu ? thầy không trụ ở nơi có thể trụ mà cũng không trụ ở nơi không thể trụ " , đây là triết lý hành nghiệm không nương tựa vào đâu ngoài ḿình mà phải tự ḿình thắp đuốc lên mà đi, rồi Sư đọc bài kệ :

Thân như điện, ảnh, hữu hoàn vô
vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
nhậm vận thịnh suy vô bố úy
thịnh suy như lộ thảo đầu phô

tạm dịch :

Thân như chớp nhoáng, hữu rồi vô
cây cỏ xuân tươi, thu tàn khô
theo vận thịnh suy đừng lo sợ
thịnh suy : đầu cỏ hạt sương phô

Câu " nhậm vận thịnh suy vô bố úy " kết tinh tinh thần Tam giáo, sống theo vận trời, nhìn thịnh suy như chu kỳ thiên nhiên tất yếu mà không lo sợ, an nhiên tự tại hành nghiệm. Đấy chính là khởi điểm của 400 năm quân chủ nhân quốc ( X- XIV ) bằng chủ đạo Nhập thế tích cực trong tinh thần xuất thế cao thượng vậy.