Trang chủ Nghiên cứu Tâm từ bi trong Phật giáo, phần 4

Tâm từ bi trong Phật giáo, phần 4

82

Phần IV: Tâm từ bi và thực hành tâm từ bi

Tâm từ bi là căn bản của Phật pháp, là tâm tuỷ của chư Phật Bồ-tát. Nhất cử nhất động của Bồ-tát đều biểu hiện từ bi, tất cả các hành vi đều xuất phát từ động lực của từ bi. Do đó nói: Bồ-tát vì lòng đại bi mà không được tự tại. Tại làm sao không được tự tại? Bởi vì Bồ-tát không thể lấy ý muốn của mình để làm phương châm hành động, mà chỉ làm theo tiếng gọi của tấm lòng từ bi trong nội tại, lấy sự mong cầu của chúng sinh làm phương châm. Chúng sinh mong muốn như vậy, thì Bồ-tát không thể không thực hiện theo; vì chúng sinh mà suy nghĩ lo lắng, nếu chúng sinh muốn dừng lại, thì Bồ-tát cũng không thể không dừng. Bồ-tát quên mình vì người, tất cả đều vì chúng sinh, quyết không vì lợi ích của mình mà tính toán.

Tâm từ bi của Bồ-tát đựơc phân biệt thành bốn tâm: từ, bi, hỷ và xả. Từ là đem đến lợi ích an lạc thế gian và xuất thế gian cho chúng sinh. Bi là cứu giúp chúng sinh thoát khỏi khổ nạn, diệt trừ căn bệnh sinh tử của chúng sinh. Hỷ là vui mừng khi thấy chúng sinh lìa khổ được vui, xem niềm vui của chúng sinh giống như niềm vui của chính mình. Xả là người oán hay người thân đều bình đẳng, không nhớ nghĩ quá khứ về ân oán của chúng sinh mà phân biệt thương ghét. “Đem đến an lạc”, “nhổ bỏ khổ đau” là nội dung chủ yếu của lòng từ bi.

Song nếu như có tập tính thấy người khác hạnh phúc an lạc mà trong lòng thấy khó chịu; tâm sinh sự thù hận, hoặc tình cảm cá nhân quá nặng; chẳng phải yêu thích điều này mà chán ghét điều kia, việc này quyết không có khả năng dẫn đến tâm từ bi bình đẳng vô tư.

Do đó, Bồ-tát không những phải có tâm từ bi, mà còn cần có tâm hỷ xả. Từ bi hỷ xả tổng hợp lại mới chân chính trở thành tâm Bồ-tát.

Nhưng chỉ có tâm từ bi thôi thì vẫn chưa đủ, mà còn cần có hành động từ bi. Hay nói cách khác, Bồ-tát phải từ trong thực tế hành động, để làm phong phú cho nội dung của tâm từ bi, mà chẳng phải chỉ là suy nghĩ. Điều này gọi là hạnh lợi tha, đại cương là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự (Tứ nhiếp pháp).

Bố thí về vấn đề kinh tế, hoặc là dùng sức lực lao động, thậm chí hy sinh đến thân mạng, gọi chung là tài thí. Sử dụng tư tưởng để phát khởi hướng dẫn, đem chính pháp để chỉ bày, dù chỉ một câu một lời nhưng có khả năng khiến chúng sinh từ trong tâm lìa ác hướng thiện, đều gọi là pháp thí. Như chúng sinh tâm có phiền não, hoặc sinh sống ở hoàn cảnh ác liệt, vạn phần thất vọng khổ đau, thì Bồ-tát đem chính pháp để chỉ bày hướng dẫn, sử dụng năng lực phương tiện để hỗ trợ, khiến chúng sinh thoát khỏi ưu sầu, đau khổ, sợ sệt, đây là vô uý thí. Bố thí có ba loại lớn này, có thể tổng quát hết tất cả hạnh lợi tha, nếu như lìa khỏi bố thí, tức không còn ý nghĩa của từ bi nữa! Nhưng thực hiện hạnh lợi tha còn cần phải có thêm ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

Ái ngữ là ngôn ngữ thân ái, khéo léo hài hoà, hoặc là những lời khuyên trách thật lòng, đều xuất phát từ tâm từ bi, để đối phương cảm nhận được thiện ý, cam tâm tình nguyện mà tiếp nhận. Nếu không, như đối với người bần cùng và gặp vận nạn khẩn cấp, mà đem giọng điệu khinh miệt, ngạo mạn, diễu cợt mà cho đồ vật, nếu họ có lòng tự tôn tự trọng, thì họ sẽ cự tuyệt không nhận; hoặc chỉ là tiếp nhận một cách miễn cưỡng và ở trong tâm xuất hiện sự phản cảm. Lại như bình luận đối với người khác hoặc sự việc, nếu có thiện ý, có tính xây dựng, thì rất dễ khiến người khác tiếp nhận đi đến cải thiện. Còn không, dù cho có nói trăm vạn lần chính xác chân thật đi nữa, nhưng khi đối phương đã có sự phản cảm rồi, thì sẽ dẫn đến sự hiểu lầm và tạp loạn. 

Lợi hành nếu nói theo ngôn ngữ đương thời tức là sự nghiệp phúc lợi xã hội, đem đến phúc lợi cho mọi người.

Đồng sự là mình đồng cam cộng khổ với mọi người. Trên phương diện cộng tác, phương diện hưởng thụ đều bình đẳng với mọi người, điều này sẽ khiến mọi người cảm động nhất.

Bồ-tát từ bi lợi tha không thể không cần đến phương pháp. Ái ngữ, lợi hành và đồng sự, làm cho bố thí trở nên có hiệu quả, là phương pháp có khả năng đạt đến chân thật lợi ích cho chúng sinh.

Bốn phương pháp này là phương pháp cơ bản để từ bi tế độ chúng sinh, hoà hợp với chúng sinh, làm người lãnh đạo phải nên có đức hạnh này. Bồ-tát “người lãnh đạo cao thượng”, nhưng không phải là nhà lãnh đạo quyền uy, mà luôn vì mục đích từ bi tế độ chúng sinh.

Nếu không biết được như vậy thì chẳng khác gì không có khả năng nhiếp thọ chúng sinh, không thể hoàn thành mục đích đem đến lợi ích cho nhân loại. Từ tâm từ bi phát khởi hạnh bố thí v.v…là điều mà Bồ-tát phải có đầy đủ. Bồ-tát lãnh đạo, vốn không giới hạn ở lĩnh vực chính trị, mà ở trong tất cả các tầng lớp, nghề nghiệp, Bồ-tát có tâm hạnh từ bi thì sẽ phát khởi tác dụng lãnh đạo. Như cư sỹ Duy-ma-cật, ông ở trong tất cả mọi người, đều là tôn quý nhất.

Còn nữa

Quán Như (dịch)

(Trích trong tác phẩm “Ba điều cần thiết cho người học Phật” của Hòa thượng Ấn Thuận)