Trang chủ Nghiên cứu Tâm từ bi trong Phật giáo, phần 5

Tâm từ bi trong Phật giáo, phần 5

92

Phần 5: Nuôi dưỡng tâm từ bi

Tâm từ bi là tâm mà mọi người đều có, chỉ là không có khả năng khuếch đại, lìa bỏ lập trường tự tư và nhỏ hẹp, nên bị tạp nhiễm, đi đến yêu thương cá nhân.

Vì vậy Cổ nhân có bài vịnh về loài cọp: “Cọp đứng đầu trăm thú, ai dám động đến nó, chỉ có tình phụ tử, mỗi bước mỗi bước nhìn”. Từ ái thật là điều có chung của hữu tình, tàn nhẫn như con cọp cũng vẫn như vậy.

Do đó tu tập từ bi quan trọng là làm sao khuếch trương nó, tịnh hoá nó, không bị tự ngã nhỏ hẹp làm ảnh hướng xấu, trưởng dưỡng, cũng giống như vun trồng hạt giống, chăm sóc để nó thành trưởng.

Theo sự truyền dạy của Thánh nhân xưa, trưởng dưỡng tâm từ bi, lược có hai phương pháp chính.

Thay đổi vị trí cho nhau để nhìn nhận vấn đề:

Đặt mình vào trong vị trí của đối phương, đối phương ở vị trí của mình, lúc này nên xử sự như thế nào? Đối với vấn đề đó làm sao xử lý? Ai ai cũng đều biết, con người không ai không yêu thích chính mình, không ai không tận tâm tận lực cho chính mình, mình như vậy và tha nhân cũng như vậy.

Đem chuyện tự ái của chính mình mà suy luận đến tha nhân, đặt thân mình vào vị trí của tha nhân mà suy nghĩ, đem tha nhân xem thành chính mình mà suy xét, thì tâm tình từ bi tự nhiên sẽ sanh khởi ra.

Trong “Kinh Pháp Cú bài kệ số 129 và 130” đức Phật dạy: “Mọi người sợ hình phạt, mọi người sợ tử vong. Lấy mình để suy nghĩ, không giết không bảo giết. Mọi người sợ hình phạt, mọi người thích sống còn. Lấy mình để suy nghĩ, không giết không bảo giết.”

Điều này nhất trí với sự khoan hồng tha thứ của Nho gia, song vẫn chỉ là khuếch trương tính ái của cá nhân, tuy có khả năng trưởng dưỡng từ bi, nhưng không thể hoàn toàn tịnh hoá.

Quán chiếu người thù oán và người thân bình đẳng:

Ngoài yêu thích cá nhân ra, cha mẹ, vợ chồng con cái là thân ái nhất, quan hệ mật thiết nhất. Còn người khó làm cho mình sanh khởi tâm từ bi nhất, đó chính là người mình oán hận, thù địch. Để dễ dàng tu tập, nuôi dưỡng tâm từ bi, hãy mở rộng tấm lòng theo thứ tự từ người thân đến người không thân, cuối cùng là người oán.

Tất cả mọi người – chúng sanh, chia thành 3 loại: Thân, trung bình, oán. Trong 3 loại này, vẫn có thể chia thành nhiều cấp bậc. Trước hết đối với gia quyến, bằng hữu, quán chiếu sự thống khổ của họ mà tìm cách giải trừ, thấy họ không đủ phước lộc mà nghĩ cách đem đến cho họ.

Tu tập đến khổ vui của người thân, giống như khổ vui của chính mình, in sâu vào trong nội tâm của chính mình, luôn luôn nghĩ đến việc làm thế nào để người khác lìa khổ được vui.

Tiếp đến mở rộng ra người trung dung, tức người không ân không oán với ta. Quán chiếu sâu sắc nghiêm túc, thì họ đều có ân huệ đối với mình; đặc biệt từ vô thuỷ đến nay, ai đâu không phải là cha mẹ, thầy cô của chúng ta?

Đối với khổ vui của họ, sanh khởi tâm từ bi sâu sắc, tu tập đạt đến xem họ như người nhà, người có ân với mình. Nếu có khả năng khởi tâm từ bi đối với họ, thì có khả năng mở rộng đến người oán địch. Tuy từng là người oán địch của ta, hoặc hiện tại vẫn vậy, song quá khứ có khi họ là ân nhân của chúng ta thì sao? Tại sao chỉ nhớ chuyện oán hận mà quên đi ân huệ và sự yêu thương? Khi trở thành oán hoặc địch, không phải là chúng sanh sinh ra đời đã có bản tính như vậy, mà chỉ là bị ảnh hưởng của tà kiến chi phối, hoặc cám dỗ của vật dục, vì phiền não bức bách không được tự tại.

Nhìn thấy họ làm sai làm ác, ngu muội vô tri, nên lân mẫn thương xót họ, khoan dung tha thứ, giúp đỡ họ, tại sao chứ đừng vì oán hận nho nhỏ đối với mình mà tức giận với họ? Chuyện người thân hay người oán cũng không nhất định. Giống như đối với người thân, không lấy chánh pháp, không đem từ bi thân ái mà xử sự, thì sẽ biến thành oán địch. Đối với oán địch, nếu có khả năng đem ánh sáng của chánh pháp, đem từ bi chân tình mà đối đãi, thì sẽ trở thành thân ái. Thế thì sao lại không khởi tâm từ bi đối với người oán địch, tại sao không vì họ mà suy nghĩ phương pháp nào đó để giúp cho họ lìa khổ được vui?

Đem rất nhiều cách quan sát, suy xét theo thứ tự, đạt đến thành tựu quán oán thân bình đẳng, đối với người oán địch mà khởi tâm từ bi, tâm từ bi phổ biến đến khắp tất cả, đây mới là tâm từ bi của Phật pháp. Cho nên từ bi cần phải nuôi dưỡng, khuếch trương nó; phần trên nói đến là phương pháp tu tập dễ sanh khởi tâm từ bi nhất. 

Còn nữa

Quán Như (dịch)

(Trích trong tác phẩm “Ba điều cần thiết cho người học Phật” của Hòa thượng Ấn Thuận)