Trang chủ Nghiên cứu Tâm từ bi trong Phật giáo, phần 6

Tâm từ bi trong Phật giáo, phần 6

154

Phần 6: Thể nghiệm đến lòng từ bi

Phần trên nói đến phương pháp nuôi dưỡng từ bi đều vẫn là thiên về thế tục. Một bộ phận học giả Thanh văn cho rằng từ bi là duyên với thế tục mà sanh khởi, điều này không phải là ý nghĩa căn bản của Phật pháp. Theo pháp Đại thừa thì từ bi với trí tuệ, vốn chẳng có gì tương phản với nhau.

Trong dòng chảy theo ý thức tạp nhiễm của nhân loại, thì tình cảm và lý trí cũng chẳng phải là phân cách tuyệt đối hai loại đó với nhau. Do đó có thể nói hai điều đó tương ưng tương trợ lẫn nhau, cũng có thể nói đó là một mặt trong dòng chảy của ý thức.

Như chuyển nhiễm thành tịnh, trí tuệ được thể chứng, cũng chính là sự thể hiện của từ bi; quyết chẳng phải thiên về lý trí, nhưng tràn đầy từ bi chân thành. Giống với đức Phật viên thành đại giác, là cứu cánh đại trí tuệ, cũng chính là thể hiện tối cao của đại từ bi. Nếu như lìa khởi từ bi mà nói đến tu tập hay chứng đắc, tức chẳng phải là rơi vào hàng ngoại đạo, thì cũng chính là người tăng thượng mạn tiêu nha bại chủng!

Vì tâm từ bi chia thành 3 loại:

Chúng sanh duyên từ:

Đây là phàm tình từ ái bình thường. Không hiểu ngã pháp đều Không, cứ ngỡ là thật có chúng sanh, thấy chúng sanh có khổ có vui, mà sanh khởi đồng tình từ bi. Từ ái như thế, vô luận là đại nhân, bác ái, cuối cùng vẫn ở trong chuyện sanh tử.

Pháp duyên từ:

Là giác ngộ hiểu được chúng sanh vô ngã tánh, song căn tánh còn thấp, chưa có khả năng hiểu được triệt để tất cả pháp Không, đây là tâm cảnh của Thánh giả Thanh văn và Duyên giác. Nhìn thấy cảm nghiệp khổ của sanh tử – vòng sắt nhân quả, chúng sanh vẫn mãi lưu chuyển trong đó không được giải thoát, từ đây mà dẫn khởi từ bi. Pháp duyên từ không phải không cần y vào chúng sanh là thông đạt vô ngã, mà là duyên với chúng sanh hoà hợp. Nếu như không duyên vào giả ngã tướng, thì làm sao có khả năng sanh khởi từ bi!

Vô sở duyên từ:

Điều này khác với hàng Nhị thừa, chỉ ngộ được chúng sanh Không mà cho là pháp thật có; chư Phật Bồ-tát triệt chứng tất cả các pháp Không. Song điều này chẳng phải chỉ nói chứng vô sở duyên Không tánh, mà khi triệt chứng các pháp Không, lúc đó hiểu được chúng sanh giả danh.

Chúng sanh duyên khởi giả danh tức rốt ráo Không, “trong rốt ráo Không chẳng chướng ngại chúng sanh”. Trí tuệ và từ bi cũng có thể nói trí tuệ, tức trong hiện chứng từ bi (chỉ có một pháp Bát-nhã, tuỳ căn cơ mà lập tên gọi khác), hiển hiện tâm từ bi chân thành, thương xót nỗi khổ đau của chúng sanh. Phật Bồ-tát thật chứng, nếu như chỉ là chứng Không tánh thì làm sao có khả năng khởi từ bi? Do đó, muốn khích lệ khởi phát xuất hiện từ bi, đều phải duyên vào chúng sanh.

Nhưng loại thứ nhất thì chấp chúng sanh có thật tướng; loại thứ hai không chấp thật có chúng sanh, mà chấp pháp là thật có; chỉ có Đại thừa vô duyên từ là thông đạt ngã pháp rốt ráo Không, có ngã pháp như huyễn giả danh. Có một số người, không hiểu rõ ý nghĩa thâm thuý của Đại thừa, cứ ngỡ thể chứng của Đại thừa chỉ duyên với pháp tánh bình đẳng phổ biến, chỉ là bên phần lý trí.

Mà không biết hiện chứng của Đại thừa, nhất định là bi trí bình đẳng. Tách rời từ bi mà luận về chứng đắc, thì không có khả năng hiển phát công đức thù thắng đặc biệt của chư Phật Bồ-tát. Nho gia của Trung Quốc, từ trong Phật pháp mà có được một chút khởi phát, ngỡ rằng thể thấy “nhân thể” thì ý tưởng phong phú lên, tạm cho điều đó là tương cận với hiện chứng của Đại thừa. Nhưng Nho gia không có khả năng hướng nội triệt chứng tự ngã vô tánh, tâm còn có hạng lượng (còn có sự so sánh qua lại), không thể cùng bàn luận với Phật pháp được.

Trong sự hiện quán thể chứng pháp tánh, trong “Kinh A-hàm” vốn có bốn tên gọi, thật tương xứng khế hợp với bốn pháp ấn.

Vô sở hữu (vô nguyện) ……. Các hành vô thường
Vô lượng ………………….. Các thọ đều khổ
Không ……………………. Các pháp vô ngã
Vô tướng …………………. Niết bàn tịch tĩnh

Vô lượng tam-muội là ly dục, có ý nghĩa tương đồng với Không, vô tướng, vô nguyện. Nhưng trong khi Phật giáo Thanh văn xiển dương, thì vô lượng tam-muội bị quên lãng. Họ không biết, vô lượng tức là không có hạn lượng, khi hướng ngoại để quán chiếu về từ bi hỷ xả, phổ biến đến khắp chúng sanh mà không có hạn lượng, thì gọi là tứ vô lượng định. Khi hướng nội để quán chiếu, tự tánh của chúng sanh không thể có và không có tánh hạn lượng của mình và người.

Do đó, vô lượng tam-muội tức là chánh quán duyên khởi tương y tương thành, mình và người bình đẳng. Thông đạt tánh tương quan của tự tha, tánh bình đẳng, trí với bi là dung hoà không có gì khác nhau. Khi vô lượng tam-muội bị lãng quên, đã nói lên sự thiên lệch của Phật giáo Thanh văn. Tâm tủy căn bản của Phật giáo – từ bi, bị bỏ qua, bị mai một ẩn tàng, thật là một sự kiện bất hạnh của Phật giáo thời sơ kỳ. Đến khi Phật giáo Đại thừa hưng khởi, mới được mở bày ra.

Do đó, đệ tử Phật thể chứng, như khế hợp với tinh thần của đức Phật, chắc chắn là không phải thể nghiệm lý trí thiếu quân bình, mà là thật chứng bi trí dung hoà. Là sự thể hiện chân lý tuyệt đối, cũng là hoàn thành đạo đức tối cao (từ bi vô tư bình đẳng). Chỉ có đạo đức tối cao – đại từ bi mới có khả năng triệt chứng chơn thật mà thành Bát-nhã. Vì vậy khẳng định: “Tâm Phật là đại từ bi”.

Hết

Quán Như (dịch)

Trích trong tác phẩm “Ba điều cần thiết của người học Phật” của Hòa thượng Ấn Thuận trước tác.