Trang chủ Tin tức Tăng Ni, Phật tử thập phương kính mừng khánh tuế Hòa thượng...

Tăng Ni, Phật tử thập phương kính mừng khánh tuế Hòa thượng Chủ tịch Thích Trí Tịnh

113

Phòng khách tịnh thất Vạn Đức trong khuôn viên chùa đông kín quý Tăng Ni, Phật tử. Hầu hết mọi người phải đứng tràn ra ngoài, xung quanh các ô cửa. Ai cũng mong được thành kính đảnh lễ, được nghe Hòa thượng ban pháp từ.


Bác Hoa, Phật tử Việt Kiều tại Hoa Kỳ, khi biết chúng tôi là cộng tác viên phattuvietnam.net đã hoan hỉ chia sẻ “Hơn chục năm rồi cô mới về lại Việt Nam và chọn mùa An cư Kiết hạ để đi cúng dường Trường hạ. Cô rất vui và hạnh phúc được thấy hình ảnh Hòa thượng mạnh khỏe trên web trong dịp Đại hội Giáo hội và Đại lễ Phật đản vừa qua.


Hòa thượng là bậc tùng lâm thạch trụ, là cây đại thụ tỏa bóng mát từ bi trí tuệ cho Phật tử Việt Nam khắp nơi, nhất là ở hải ngoại xa xôi. Hôm nay, cô đến từ sớm và thấy mình rất có phước báo được kính mừng khánh tuế Hòa thượng.”


Khi Hòa thượng chậm dãi, an lạc và từ hòa bước xuống phòng khách, tất cả Tăng Ni Phật tử trang nghiêm, nhất tâm thành kính cung đón. Sau khi Hòa thượng an tọa với dáng ngồi thẳng vững chãi như núi Thái Sơn, chư Tăng đã đảnh lễ và dâng lời tác bạch kính mừng khánh tuế Hòa thượng.


Sau lời tác bạch, Hoà thượng đã từ bi, ân cần ban lời sách tấn, chỉ dạy rất gần gũi, bình dị và mầu nhiệm.


Hòa thượng dạy: “Mình là con người từ trước đã có những nghiệp nhân tội chướng nhiều nên giờ mới có báo thân người ở nơi đời ngũ trược ác thế, vui ít, khổ nhiều, chánh báo, y báo đều trược uế.


Biết như vậy, quý huynh đệ  phải cố gắng ngăn ngừa tội chướng, gieo trồng thiện căn công đức, như thế thì chánh báo, và y báo về sau sẽ tốt.


Nếu không khéo mà gieo trồng những nghiệp nhân không tốt thì đó là những thúc đẩy để lôi kéo mình đi xuống, đã đi xuống thì trở lại rất khó”.


Hòa thượng ân cần chia sẻ: “Hơn 70 năm tôi tu hành theo pháp môn Phật dạy chỉ được một điều là ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, giảng dạy, dịch thuật kinh điển nhưng nói chung đều ở trong những phạm vi hữu lậu, còn trong sinh tử luân hồi. Những việc trong phạm vi phiền não tức là hữu lậu hết.


Hòa thượng dạy tiếp:  quý huynh đệ nên cố gắng ăn chay, vì ăn thịt chúng sinh là cái nhân của quả báo sinh tử, các loài khác ăn thịt nhau để sống vì nó không biết rõ nghiệp nhân quả báo thiện  ác. Người biết đạo, nghe lời dạy của Phật, của hiền thánh mà không thoát ra được, thì chính là mình tự phụ lấy mình, phụ những lời dạy của chư Phật, chư thánh hiền.


Trong Kinh Phạm Võng, Phật dạy: luận về người ăn thịt, người càng mất lòng từ bi, mất hạt giống Phật tính, mắc vô lượng tội. Đây là điểm chính tôi khuyên quý vị. Khi huynh đệ đã thương người, thương vật, thì lòng từ bi được phát triển, dùng đó là cái nền để tu tập những pháp môn của Phật, những thiện căn, công đức mới tăng trưởng được.


Tôi đã 92 tuổi nhưng hằng ngày vẫn giữ thời khoá tu vẫn đều đặn, miên mật. Quý vị phải cố gắng giữ gìn thời khoá tu hành nghiêm mật, gắng giữ gìn giới hạnh, tránh những điều tội, điều lỗi. Hàng ngày, việc gì lành tốt phải cố gắng làm, lớn cũng làm, nhỏ cũng làm, ít cũng làm. Ít nhỏ có làm thì mỗi ngày mỗi lớn, mỗi nhiều. Đó là cái đà để bước từ thấp lên cao, từ phàm phu mà bước lên quả vị giải thoát. Hiện giờ chúng ta đều là những người còn trong vòng phàm phu tục tử, sinh tử luân hồi. bị tình ái nhiễm chước. Cái từ bi trong đạo Phật khác với cái tình ái nhiễm chước của thế gian, huynh đệ cố gắng ngăn ngừa.


Cuối cùng, Hòa thượng mong quý Tăng Ni, Phật tử “sống làm sao xứng đáng là con của Đức Phật”.


Hòa thượng chúc cho tất cả huynh đệ “Căn lành mỗi ngày thêm lớn, thiện căn ngày càng tăng trưởng“.


Sau lời chỉ dạy của Hoà thượng, Tăng ni, Phật tử tứ chúng đồng hướng về Ngài thành kính đảnh lễ cúng dường và xin hứa y giáo phụng hành.



Các đoàn Phật tử vào đảnh lễ Hòa thượng Chủ tịch


Kết thúc, ai cũng như muốn nán lại, không muốn xa Hòa thượng – bậc xuất trần thượng sĩ Phúc Tuệ nhị nghiêm. Rời phòng khách, bạn trẻ có tên Thiện Nguyện, sinh năm 83 ở Bình Dương tâm sự “Đã 5 năm nay, năm nào em cũng xuống chùa Vạn Đức dù chỉ để thấy Hòa thượng, được nghe từ xa Hòa thượng chỉ dạy. Không gì có thể hạnh phúc hơn.”



Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN


Cũng như bác Hoa, bạn Nguyện, tất cả chư Tăng Ni, Phật tử đến chùa Vạn Đức hôm nay đều cảm thấy tự hào vì Phật giáo Việt Nam ngày nay hiện diện một bậc cao Tăng lỗi lạc, dù bước sang tuổi 92, qua 72 năm tu hành vẫn mạnh khỏe. Mọi người cũng tràn đầy an lạc vì được nương tựa ở Ngài trên con đường tu tập. 


Trung Đức







Hòa thượng Thích Trí Tịnh sinh năm Đinh Tỵ (1917) tại xã Mỹ An Hưng (Cái Tàu Thượng), huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp), là con út trong gia đình có sáu anh chị em.


Hòa thượng xuất gia năm 1937, ra Huế học đạo năm 1940 và thọ giới Sadi năm 1941. Năm 1945, Hòa thượng được thọ Đại giới tại Đại Giới Đàn tổ chức tại chùa Long An, Sa Đéc, do Đại lão Hòa thượng chùa Kim Huê làm Hòa thượng đàn đầu.


Năm 1952, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt được thành lập ở Saigon, Hòa Thượng được mời giữ chức Trưởng Ban Giáo Dục và Trưởng Ban Giám Luật.


Năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành lập, Hòa Thượng làm Trưởng đoàn Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Nam Việt, được suy cử làm Tổng Vụ Trường Tổng Vụ Tăng Sự.


Năm 1973, Đại hội khoáng đại Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất suy cử Hòa thượng làm Phó Viện Trưởng Viện Hóa đạo.


Khi đất nước hòa bình, thống nhất, nhận thấy việc thống nhất các Giáo hội, tổ chức, hệ phái Phật giáo trong một Giáo hội là hết sức cần thiết cho tiền đồ Phật giáo Việt Nam nên năm 1980, với tư cách là một đại diện của GHPGVNTN, Hòa thượng tham gia vào Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam với cương vị Phó ban thường trực. Khi đó Hòa thượng Thích Trí Thủ – Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN làm Trưởng ban.



Tăng thân Làng Mai đảnh lễ Hòa thượng Thích Trí Tịnh năm 2005


Năm 1981, GHPGVN được thành lập trên cơ sở hợp nhất 9 Giáo hội, hệ phái, Hòa thượng được suy cử vào vị trí Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN.


Năm 1984, Hòa Thượng chính thức được suy cử làm Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và qua các kỳ Đại hội, Hòa thượng luôn được tín nhiệm suy cử vị trí này.


Năm 1992, Hòa thượng được suy tôn ngôi Đệ Nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật.


Hòa Thượng cả đời tận tụy vì Phật Pháp, luôn lấy việc học kinh, tụng kinh, niệm Phật, giảng dạy và phiên dịch kinh điển từ Hán Tạng ra Việt Văn làm chính hạnh của đời mình. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã tôn vinh Hòa thượng “là người dịch kinh điển Đại thừa nhiều nhất Việt Nam.


Xem thêm: