Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Video: chùa Long Tiên (TP. Hạ Long, Quảng Ninh)

Video: chùa Long Tiên (TP. Hạ Long, Quảng Ninh)

270

Hồng Gai có núi Bài Thơ
Có hang Ðầu Gỗ, có chùa Long Tiên


Đó là câu ca dao lưu truyền trong dân gian mà không người dân nào ở đây là không biết. Chùa Long Tiên từ lâu đã trở thành một địa chỉ viếng thăm, lễ bái không thể thiếu của người dân thành phố Hạ Long nói riêng và khách thập phương nói chung, nhất là dịp đầu năm mới và mùa lễ hội.


Chùa Long Tiên nằm dưới chân núi Bài Thơ, ngay trung tâm TP Hạ Long, mặt quay ra hướng đông, nhìn ra phố Long Tiên.


Chùa được khởi công xây cất vào năm 1939 và hoàn thành năm 1942. Tuy được xây dựng vào giữa thế kỷ này, nhưng kiểu cách, kiến trúc đều theo phong cách kiến trúc và điêu khắc thời nhà Nguyễn.


Tuy nhiên, khi ngôi chùa bị xuống cấp nghiêm trọng, và với lý do chùa mới được xây dựng trong thế kỷ 20 nên kiến trúc thời Nguyễn này đã bị phá bỏ trong đợt trùng tu mới nhất. Ngôi chùa Long Tiên ngày nay mang kiến trúc Phật giáo thời Lý – Trần.


Tòa tam quan gồm ba cửa: Hữu, Vô và Đại. Trên đỉnh tam quan là tượng phật A-di-đà với tư thế ngồi, dưới là gác chuông, nổi bật ba chữ “Long Tiên Tự”. Hai bên có hai câu đối. Điều đặc biệt ít thấy ở các ngôi chùa khác là tại tam quan có tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma.


Qua tam quan là một khoảng sân rộng, có tượng Bồ Tát quán thế âm lộ thiên.


Trên mái chùa có hình ảnh tượng rồng chầu lưỡng nghi, được ốp sành.
Bên trong chính điện, ở vị trí trên cùng là phù điêu tượng Đức Phật thiền định dưới cây bồ đề.


Dưới phù điêu, lớp tượng đầu tiên là tượng Tam thế Phật – quá khứ, hiện tại và vị lai.


Lớp tượng thứ hai là Di Đà tam tôn


Vị trí thứ ba là tượng Quan Âm chuẩn đề, hai bên có Thiện Tài và Long Nữ đứng hầu.


Vị trí thứ tư là tượng Đế Thiên, Đế Thích, Ngọc Hoàng Thượng Đế cai quản cõi trời, giúp Phật hành pháp.


Vị trí thứ năm là tượng Cửu Long (hay Thích Ca sơ sinh), tác phẩm điêu khắc này là một tuyệt tác có từ thời Lê.


Hai bên tả hữu trong chính điện có tượng Thập điện Diêm Vương và Bát bộ kim cương.


Điều đặc biệt là 18 bức tượng này đều được đúc bằng đồng nguyên khối. Mỗi bức tượng bao gồm phần thân, ngài và các hoa văn, họa tiết được giáo sư Trần Lâm Biền (Bộ VHTT) chọn lựa, tham khảo từ nhiều mẫu tượng khác nhau. Pho tượng Thập Điện Diêm Vương có chiều cao 1,14m, nặng 350 kg; Bát Bộ Kim Cương cao 1,54 m, nặng 550 kg.


Bộ tượng Thập Điện Diêm Vương được tham khảo, lấy mẫu khuôn mặt tại chùa Keo (Thái Bình), thân và giáp tượng được lấy theo mẫu tại chùa Trấn Quốc thể hiện sự uy nghiêm và trang trọng của các vị vua.


Theo giáo sư Trần Lâm Biền thì bộ tượng Thập Điện Diêm Vương được đặt tại chùa Trấn Quốc đội mũ Bình Thiên (mũ vua của người Trung Quốc). Do vậy bộ Thập Điện Diêm Vương được đúc tại chùa Long Tiên sẽ mang một dáng vẻ khác là mũ trụ có chữ Vương.


Giống như nhiều ngôi chùa miền Bắc, bên trong chùa Long Tiên có hai cung tả hữu của chính điện phối thờ Trần triều và phối thờ Vân Phương Thánh Mẫu (Liễu Hạnh công chúa).


Khi xuân đến, vào mùa trẩy hội của cả vùng Quảng Ninh, người ta gọi chùa Long Tiên là chùa Trình. Ai cũng muốn đến chùa Long Tiên dâng hương trước rồi mới tiếp tục cuộc hành hương tới Yên Tử, tới hội đền Cửa Ông…


Hội chùa Long Tiên kéo dài hết tháng giêng, hai âm lịch hàng năm thu hút rất nhiều khách thập phương.


Chùa Long Tiên, với vị trí đắc địa, với kiến trúc độc đáo luôn là trung tâm văn hóa tâm linh của người dân nơi đây và khách thập phương. Hàng năm, vào những dịp lễ trọng như Tết nguyên đán, Phật đản, Vu lan…, chùa đều tổ chức nhiều hoạt động để phục vụ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng, thu hút hàng vạn Phật tử.


Tuy nhiên, chùa hiện chưa trụ trì nên các hoạt động hoằng pháp, sinh hoạt Phật tử tại chỗ còn nhiều hạn chế, chưa xứng tầm một Trung tâm Phật giáo lẽ ra phải có.