Trang chủ Tuổi trẻ Tăng Ni, Phật tử trẻ trong cuộc sống hiện đại

Tăng Ni, Phật tử trẻ trong cuộc sống hiện đại

82

Sở dĩ, có một tinh thần kiên định như vậy là bởi họ cảm nhận được những giá trị chân chính trong lời Phật dạy. Như vậy, người Phật tử làm gì để góp phần cho sự phát triển của Phật giáo? Thiết nghĩ, người Phật tử trước tiên phải tu thân, sau làm tròn bổn phận.


Tu thân là lấy mười điều thiện làm gốc. Vì đó là cội nguồn của công đức. Không ai trở thành đức hạnh mà thiếu mười điều này. Làm tròn bổn phận của người Phật tử, nghĩa là khi đã thông hiểu sâu sắc những điều trong kinh Phật thì áp dụng vào cuộc sống. Nếu không thì việc tu hành chẳng đem lại hiệu quả gì. Chẳng hạn, đối với cha mẹ phận làm con thì phải có hiếu, phụng dưỡng, nuôi nấng, chăm sóc tận tình. Cha mẹ làm đấng sinh thành dưỡng dục chúng ta, nuôi ta khôn lớn. Dù lý do này hay lý do khác, phận làm con không có quyền bất hiếu. Bất hiếu với cha mẹ thì ai tin mình là người có đạo đức. Với anh em, bà con thân thuộc, biết sống hoà thuận, sướng khổ có nhau, đừng vì tiền của, vì tính tình khác nhau mà gây mối bất hoà chia rẽ tình anh em bà con… Trong gia đình không tạo được tình thân thì ngoài xã hội làm gì tìm được một tình thương chân thật. Đối với xã hội bên ngoài, còn đầy dẫy những xấu xa và tội lỗi, người Phật tử không vì thế mà xa lánh, né tránh, làm tổn thương đến lòng người. Phải có bổn phận giúp đỡ, sẵn sàng làm mọi việc cho mọi người không từ chối một ai.


Giúp người không chỉ bằng vật chất, sức lực mà còn giúp về mặt tinh thần. Vật chất có khi ta không dư giả tiền của để giúp người, nhưng không đến nỗi là không có gì. Một miếng cơm, manh áo giúp người khi lúc hoạn nạn đấy cũng thể hiện được tình thương của người Phật tử. Về tinh thần, giả dụ, thấy người làm việc ác tìm cách khuyên họ bỏ ác. Biết người muốn học đạo thì hướng dẫn họ đến với đạo đức… Trong cư xử cũng vậy, nhỏ nhẹ với người tức là tạo được mối quan hệ thân thiện gần gũi hơn.


Trên xe biết nhường chỗ cho trẻ em, người già, phụ giúp người qua đường… những cử chỉ, hành động nhỏ nhặt như vậy bản thân người giúp đỡ cảm thấy vui, người được giúp đỡ họ thấy yêu cuộc đời hơn, thấy cuộc đời này cũng đáng sống hơn.


Phật tử là người con của Phật cần phải làm thật nhiều điều giúp ích cho người, cho đời, tự hoàn thiện nhân cách, đấy cũng là góp phần cho sự tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại.


Nhưng những Tăng Ni trẻ còn biết bao suy tư, âu lo về thái độ của một số không ít người trong xã hội hiện tại đối với văn hoá dân tộc, đặc biệt là văn hoá Phật giáo.


Xin sơ lược đôi nét về quá trình hội nhập và những ảnh hưởng của đạo Phật với văn hoá dân tộc. Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên. Cũng từ đó đạo Phật hội nhập vào văn hoá Việt Nam tồn tại và phát triển cho đến ngày nay và mãi mãi. Trải qua nhiều triều đại, bao chế độ chính trị khác nhau, có lúc Phật giáo phát triển rực rỡ, có lúc suy yếu. Tất cả phụ thuộc vào thái độ của các triều đại, các thể chế chính trị mà ảnh hưởng đến sự thịnh suy của đạo Phật. Dù gì đi nữa, chúng ta phải công nhận rằng Phật giáo có một sự gắn kết chặt chẽ với lịch sử dân tộc. Tồn tại và phát triển cùng với lịch sử dân tộc. Nên Phật giáo đã để lại một khối lượng văn hoá đồ sộ cho dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc riêng cho nền văn hoá Việt Nam.


Đạo Phật được coi là một phần cơ thể của văn hoá Việt Nam. Những ảnh hưởng lớn lao của đạo Phật là vậy. Nhưng tiếc thay trong xã hội hiện tại dưới tác động của sự phát triển, một số ít tầng lớp người điển hình là giới trẻ không còn mặn mà với những giá trị văn hoá của đạo Phật. Họ bị cuốn hút bởi sự du nhập của văn hoá phương Tây, bởi sự phát triển của công nghệ thông tin… Họ vùi đầu vào ăn chơi, hưởng thụ, quay cuồng trong các quán bar, nhà hàng, khách sạn. Lịch sử dân tộc có khi họ còn không biết, nói gì đến việc tham gia duy trì, phát triển những di tích văn hoá dân tộc. Chùa chiền là nơi sinh hoạt lành mạnh, hướng con người đến với cái thiện, có khi nào họ để tâm. Có người còn quan niệm rằng, chùa là nơi để thờ Phật, dành cho các Tăng Ni, Phật tử tụng kinh niệm Phật. Nơi để những người cao tuổi tịnh tâm, an dưỡng phần còn lại của cuộc đời. Hoặc là nơi để những kẻ thất cơ lỡ vận, chán ghét cuộc đời vào nương nhờ cửa Phật. Họ đâu biết các công trình kiến trúc chùa chiền đẹp đa số là của Phật giáo. Đâu biết giáo lý của đạo Phật làm cho xã hội loài người ngày một gần gũi yêu thương nhau hơn. Tất cả điều đó tạo nên bản sắc riêng cho dân tộc, mà hiện tại chúng ta cần phải tìm tòi nghiên cứu và phát triển. Mê muội cái mới nên họ đâu còn thời gian, đủ sáng suốt để cảm nhận những giá trị văn hoá đó.


Một khía cạnh khác của xã hội cũng làm cho Tăng Ni trẻ thấy âu lo nữa. Mối quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống hiện tại không còn như xưa. Trước đây mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, dòng tộc có tầng có lớp, không hỗn loạn như bây giờ. Có thể là do ảnh hưởng của sự phát triển. Nên con người nảy sinh nhiều tham vọng. Tham vọng về vật chất, tiền bạc, tham vọng quyền lực, địa vị. Chính điều này làm cho bản chất con người thay đổi nhiều. Những mối quan hệ tốt đẹp bị mất dần.


Tình cảm thiêng liêng giữa cha con, vợ chồng, anh em, tình cảm bà con thân thuộc, tình bạn, tình làng xóm… có khi lại bị chen vào những toan tính tầm thường, gây mối bất hoà, tệ hại hơn là đường ai nấy đi, thân ai nấy giữ, phận ai nấy lo. Mọi thứ tình cảm chỉ còn là sự trao đổi, mua bán như một món hàng. Trong kinh Phật có dạy rằng: lòng tham là nguồn gốc của mọi tội lỗi, cần phải từ bỏ lòng tham. Nhưng người đời mấy ai nhận ra điều đó, lòng ham muốn không đáy, tội lỗi chồng chất tội lỗi.


Những tâm tư, trăn trở này chắc không nằm ngoài suy nghĩ của những người có lương tâm. Nhưng cần phải làm gì đó mới là cốt lõi của vấn đề. Đây là việc lớn đòi hỏi toàn xã hội cùng nhau chung sức chung lòng mới mong xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Riêng đối với những Tăng Ni trẻ hôm nay cũng mong đóng góp một phần nhỏ của mình là học tốt phần đạo làm đẹp cho đời.