Trang chủ Tết Việt Tết ở London, San Francisco…

Tết ở London, San Francisco…

52

Cũng đã mấy năm kể từ ngày chúng tôi chia tay nhau tại Anh, chúng tôi mới có dịp hội ngộ để cùng nhau ôn lại một thời du học sinh vất vả nhưng nhiều niềm vui.

Nhâm nhi ly càphê Capuccino đã lạnh ngắt từ bao giờ vì mải kể cho nhau nghe những buồn vui, thăng trầm trong bao năm qua, bỗng nhiên người bạn tôi thở dài: “Nhớ ly càphê phin bên nhà nhỉ”.
 
“Ừ”, tôi lơ đãng trả lời mà cứ mơ về mùi vị ngọt ngào của càphê quê nhà, tưởng tượng từng giọt ,từng giọt càphê chảy xuống cốc như thể nhịp sống gấp gáp của thời đại không thể động chạm nổi tới một phong cách thưởng thức càphê có một không hai trên thế giới này.
 
“Mà sắp Tết rồi đấy, có làm gì năm nay không?” – Người bạn đưa tôi về với thực tại. Bỗng dưng, những kỷ niệm, những nỗi nhớ cứ ùa về.

Nhớ ngày nào, khi chúng tôi còn là du học sinh ở London, lúc nào cũng cồn cào nỗi nhớ nhà; đặc biệt là dịp Tết. Năm đầu tiên trên xứ người, tôi đã có một cái Tết thật cô đơn theo đầy đủ mọi nghĩa của nó.

Không có gia đình ở bên thì hẳn rồi nhưng tôi cũng  không có bạn bè cùng đón Tết Nguyên đán năm đó vì rất nhiều người trong số họ về Việt Nam ăn Tết, nhiều người đi du lịch “bụi”, và nhiều người… đơn giản là tôi không chơi cùng. Vậy là chỉ còn lại mình tôi với Tết nơi mà mọi người quan niệm đó là “Năm mới của người Trung Quốc“ (Chinese New Year). 
 
Tết năm đó tôi cũng làm theo một số phong tục như ở nhà: dọn dẹp thật sạch nhà cửa; không có hoa đào, hoa mai hay cây quất làm cảnh nhưng tôi cũng mua được một bó hoa thật đẹp để trang hoàng cho căn phòng thuê bé tí tẹo của mình; rồi tôi cũng chọn giờ  hoàng đạo để khai bút đầu năm; Tôi cũng cố gắng căn giờ giao thừa ở Việt Nam để gọi về chúc Tết gia đình mặc dù phải mất đến  tiếng đồng hồ mới có thể “khai thông” máy do số lượng người gọi về Việt Nam từ nước ngoài quá tải nên mạch bị nghẽn.

Sáng mồng một tôi cũng tìm được đến một ngôi chùa của Việt Nam sau hàng giờ liền ngồi trên xe buýt, để thắp nén hương cầu an hàng năm như tôi vẫn làm khi còn ở nhà. Sau đó, tôi lại đến trường, lại vùi đầu vào nhưng trang sách dài dằng dặc, dày đặc chữ; rồi lại đến chỗ làm thêm như thể một ngày lễ truyền thống quan trọng như Tết Nguyên đán chưa hề hiện hữu trong cuộc sống của tôi.

Nhưng những năm sau, Tết của tôi “hoành tráng” hơn vì tôi đã học được cách hoà đồng và bởi vì tôi đã may mắn gặp người bạn trên của tôi, người đã thực sự giúp tôi hiểu Tết của du học sinh là thế nào.

Mỗi đợt Tết về, chúng tôi thường rủ nhau lên trung tâm London để xem múa lân, hay các chương trình lễ hội, ca múa nhạc do người Trung Quốc biểu diễn. Chúng tôi vẫn đùa rằng, người Tàu thật biết cách khoa trương; chả trách người phương Tây cứ gọi đấy là “Năm mới của người Trung Quốc”.

Minh hoạ của hoạ sĩ Nguyễn Khánh Toàn

Năm nào cũng vậy, lễ hội thu hút hàng vạn người đến xem và tuyệt nhiên không bao giờ có cảnh chen lấn xô đẩy; chỉ là cảnh người đứng chật như nêm cối làm xua tan đi phần nào cái giá lạnh nơi xứ người.

Và năm nào cũng vậy, bát phố xong thì chúng tôi về nhà tụ tập ăn uống, có năm thật “hoành tráng” cũng bánh trưng, cũng giò xào, cũng bát canh măng chân giò; dường như hương vị quê hương chưa từng bao giờ ngon đến vậy. Nhưng cũng có năm thật “đạm bạc”, chỉ là vài gói mỳ tôm, cùng nhau xì xụp mà tưởng tượng đến bát canh miến nóng hổi mẹ nấu. Bữa tất niên của du học sinh chúng tôi dù là  hoành tráng hay đạm bạc thì vẫn luôn tràn ngập tiếng cười, và dù không ai nói với ai nhưng chỉ cần nhìn vào mắt nhau, chúng tôi cũng có thể hiểu được nỗi nhớ gia đình đang dâng tràn.

Ngày hôm sau, chúng tôi cho phép mình được hưởng sự xa xỉ, ngủ nướng vào ngày đặc biệt này, vì đêm qua đã trót “tri kỷ” với bạn hữu đến gần sáng: chén tạc chén thù cùng “tống cựu nghênh tân”; cùng chia sẻ nỗi nhớ người thân, cùng tâm sự về những ước mơ cho ngày mai…

Những năm là du học sinh ở nước Anh, tôi cũng như hầu hết các bạn sinh viên khác đã có những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống từ đời sống hàng ngày đến những thời khắc thiêng liêng như Tết Nguyên đán, để từ đó chúng tôi đều trưởng thành hơn và có một điều chắc chắn rằng, chúng tôi biết yêu quý và trân trọng những gì gọi là giá trị quê hương, giá trị gia đình hơn. Chẳng ai xa lạ, ngay chính bản thân tôi,  ngày còn ở nhà, tôi ghét đặc bánh trưng, hay giò lụa, chả quế, ấy vậy mà, từ ngày xa quê hương, tôi yêu đến lạ lùng những đồ ăn mà ngày xưa năm thì mười họa may chăng tôi mới “động đũa”.

Sau này, khi tôi lập gia đình và lập nghiệp ở một nơi cũng xa lắc như Anh, Hoa Kỳ, tôi lại càng nhớ về quê nhà hơn trong những dịp Tết. Bởi tôi vẫn không có một gia đình lớn hay một gia đình thuần Việt để cùng nhau chia sẻ những giá trị cổ truyền đó, nhưng tôi cũng không có một tập thể bạn hữu cùng xa nhà như tôi như thuở nào, thành ra ít nhiều Tết sau, tôi lại thấy cảm giác cô đơn hiện về, hệt như cái Tết đầu tiên ở Anh.

Phải mất hai, ba năm “tuyên truyền và giáo dục”, người chồng ngoại quốc của tôi mới thôi không đun nóng món thịt đông của tôi trước khi ăn nữa; hay đã biết “thưởng thức” món giò xào rặt những “bộ phận” mà người nước ngoài không bao giờ giữ lại như tai, mũi, lưỡi…
.
Tết Nguyên đán cổ truyền từ gần chục năm qua đối với tôi luôn luôn mới lạ bởi tôi không định vị một chỗ và do đó, phong tục” luôn thay đổi theo hoàn cảnh. Nhưng có một điều chắc chắn năm nay tôi sẽ tổ chức một cái Tết hoành tráng, đầy đủ nhất cho gia đình nhỏ của mình, có lẽ một phần bắt nguồn từ câu hỏi của cô con gái nhỏ của tôi “Mẹ ơi, bánh chưng là gì?”.

Nỗi khao khát giới thiệu cho con về truyền thống của mình trỗi dậy, tôi đã tìm hiểu, hoá ra thành phố nơi tôi ở, San Francisco, cái gì cũng có dành cho dịp lễ quan trọng này. Một phần ba dân số của thành phố là người Trung Quốc, và một cộng đồng không nhỏ người Việt hiện đang sinh sống ở đây nên họ có đầy đủ các nguyên liệu để làm nên một cái Tết gần gũi nhất.

Tôi sẽ mua cành đào, sẽ mua cây quất nhỏ, sẽ mua lá dong về gói bánh chưng, gói giò lụa, giò xào….. Tôi cũng sẽ tặng con bao lì xì đỏ tươi bé xíu, tôi và gia đình nhỏ của mình cũng sẽ đến một số gia đình Việt Nam tôi mới quen để chúc Tết, chúng tôi sẽ cùng nhau lên chùa thắp hương cầu an. Lòng tôi thêm rạo rực, náo nức nghĩ về cái Tết cổ truyền trên mảnh đất không phải quê hương của mình.

– Này, Tết này cậu đến xông nhà mình nhé. – Tôi hỏi người bạn mình.

– Xông nhà theo giờ Việt Nam hay giờ bên này thế?

– Giờ Việt Nam chứ nhỉ.

– Thế thì chắc không đến xông được rồi. Ban ngày còn phải đi làm  mà.

– Ừ nhỉ.

Thế đấy, cuộc sống cứ cuốn trôi chúng tôi đi và đôi khi giật mình nhận ra mình đã bị cuốn trôi quá xa. Cũng như bạn mình; vì đã nhiều năm tôi vẫn chưa có dịp sum họp với gia đình vào đúng dịp Tết vì những lý do khách quan hay chủ quan. Và tôi nhớ lắm cái không khí Tết trên quê mình, dù ở đâu, với ai, và Tết có đầy đủ thế nào thì cái mà tôi không thể có được là cảm giác ấm áp mỗi khi Tết về ngay chính quê mình.