Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Tết tha hương

Tết tha hương

131

Nếu nói quê hương là quê cha đất tổ, hoặc chí ít cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của mình, thì tôi đã có gần trọn phần đời bốn mươi năm… tha hương.

Mấy mẩu ký ức tác tao thất lạc cũng đủ sưởi ấm hay làm nhói đau khi nhớ về những ngày Xuân thơ ấu, trên hành trình của một đứa bé ly hương. Nhớ bạn bè, quần áo mới, mảnh pháo hồng bay trong chiều rét dịu. Lửa bánh chưng lục bục giao thừa. Mùi hương trầm thơm lâng lâng mưa phùn ngõ nhỏ… Bỏ lại sau lưng tất cả, gia đình đìu ríu ra đi.

Rừng mở ra xanh biếc ngút ngàn. Sắc dã quỳ vàng suộm phút tàn năm. Tôi nhớ gió đêm mùa khô cao nguyên như bầy ngựa vô hình thốc tàn bạo trên mái lá. Gió bứt đi những mảnh căn lều vốn dĩ xác xơ, co ro như một túm cỏ khô giữa trùng trùng hoang hiểm.

Những cây số đường ngầu bụi đỏ, không một bóng người. Giao thừa chầm chậm nghiêng trên bầu trời lạnh điếng, những vì sao xanh kinh hoàng như thì thào thành tiếng. Chỉ biết nhìn trời sao, nghe tiếng sương rơi để đoán phút ngày đi, năm đến, nhà không có lấy một chiếc đồng hồ.

Sáng Xuân, mẹ lần tìm trong rẫy được một nắm ngò tươi, nấu nước ấm bằng bếp lửa “dấm” qua đêm ngay giữa trời. Ấy là phong tục, thuở còn “ở quê”, lau mặt nước thơm cho trẻ cả năm thơm thảo.

Quần áo mới cho mấy anh em may bằng nửa vụ mùa khốc liệt. Ngày Xuân không bè bạn, họ hàng, người láng giềng gần nhất cũng cách cả đoạn đồi ngập cỏ. Quần áo mới chạy lúp xúp giữa những tàn lá xanh vừa kịp lên lưng lửng vai người. Cũng may, còn có mấy anh em để nhìn nhau biết Tết.

Xuân đến giữa mùa khô, giếng cạn. Ba mươi lăm mét cho một cái lỗ sâu chạm tầng địa phủ. Cót két vục lên những bụm bùn nâu ủm mùi lá chết. Mẹ lắng nước nấu dăm chiếc bánh chưng bày bàn thờ tiên tổ. Đàn gà chạy rẫy thằng em nuôi, tên đặt từng con. Gọi tên con nào chạy về quẩn chân con đó.

Tết mẹ bảo: “Giao thừa này… thịt con “Tích Tích” cúng ông bà, đừng cho em biết nhé”. Thế là khẽ khàng kêu: Tích Tích. Con gà chạy về quẩn chân như vẫn được thằng em cho trùn, cho bắp. Bố giấu em, vừa nhặt lông vừa… khóc.

Chiều tà, gọi mãi “Tích Tích” chẳng về. Thằng em vài tuổi chạy quanh rẫy, khản giọng kêu tên con gà đã ngửa cổ khoanh chân trên chiếc đĩa nơi bàn thờ cao leo lét.

Mẹ ôm em òa khóc. Còn ai nỡ lòng nào, sau Tích Tích lại đến Ri Ri, Trụi Trụi… Thế là nhịn luôn khoản thịt gà ngày Tết.

Đêm, cả nhà co ro bên bếp lửa. Khoai lùi, mì nướng. Bố kể chuyện Tết xưa. Tôi nhớ chuyện Tết xưa. Có cụm mây nào bay giữa bầu trời đêm để thấy chúng tôi, một bếp lửa bập bùng soi vài khuôn mặt, giữa vô bờ hoang quạnh?

Mùng Một… mùng Hai… mùng Ba. Cái Tết chậm trôi, chừng như buồn hơn cả mọi ngày. Không gì khác. Chỉ thấy hiển hiện thêm cái nghèo. Cái mênh mông. Cô độc. Tha hương.

Hai mươi tuổi, vào đại học. Thêm một lần nữa xa “quê”. Tết ầm ập về Sài Gòn, Bà Chiểu… Bạn bè tao tác điệp khúc “về quê”. Tôi cũng nằm nhớ Tết “quê” trong những đêm tàn trên giường cao ký túc.

Thư cha: “Tết này nhà vẫn chưa có điện đâu con. Rẫy còn phải chạy tiền lo vụ tưới. Chắc Tết chẳng có gì”. Tôi hồi âm gấp gáp lá thư giáp ngày họp mặt: “Không sao đâu bố ạ, Tết được “về quê” đã là hạnh phúc rồi”.

Ơ hay, cái “quê hương” tưởng chừng như “nơi lưu đày” kia đã hóa thành máu thịt tự bao giờ? Chuyến xe đò gập ghềnh đèo cao rừng thẳm, xuyên đêm, chở theo tất cả nôn nao. Sáng tỉnh bừng thấy rừng lướt ngoài khung gió, nước mắt nhòa đi. Mình đang được “trở về”…

Giờ, “quê hương” ấy cũng đã mãi mãi chỉ còn trong ký ức. Sài Gòn mùng Một mùng Hai, đường hoa, hội chợ… Đêm len lén một mình ra ngồi gần bụi mai sân thượng. Điện thoại di động dồn dập đổ tin. Tôi ngước nhìn bầu trời sao nhớ cồn cào bếp lửa. Nhớ gió nộ cuồng tràn qua thung vắng. Lại một Tết nữa xa quê.