Trang chủ Văn hóa Du lịch Thắng cảnh tây Yên Tử

Thắng cảnh tây Yên Tử

73

Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng đỉnh Phật Sơn mang dáng hình đức Phật đang nhập niết bàn. Người ta sẽ như cảm được cả hồn phách của Phật toát ra từ một diệu ứng kỳ ảo khi ngưỡng vọng Phật Sơn. Từ dáng nằm thanh thản, siêu thoát, đến nét mắt, môi, cái cằm từ bi, những nếp ngấn cổ kiêu sang… tất cả đều hồn hậu, toả linh khí bao trùm khắp sườn tây núi Yên Tử.

 

 

 

 

 Toà tháp đá xanh.
Toà tháp đá xanh.

Phật Sơn cũng là nơi tiên cảnh. Trên đó có ngôi chùa dựng từ thời Trần, vốn là một tu viện quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm – một trung tâm Phật giáo cổ gồm nhiều công trình kiến trúc chùa tháp đồ sộ, hoành tráng. Tới đây, du khách vẫn còn gặp những cây thông cao vài chục mét, đường kính gốc có cây đến gần hai mét.

Khách du lịch chiêm ngưỡng các cây cổ thụ tại Yên Tử.
Khách du lịch chiêm ngưỡng các cây cổ thụ tại Yên Tử.

Đặc biệt nhất là các toà tháp đá xanh cổ kính, được đẽo gọt, chạm trổ tinh xảo, đáy tháp hình vuông, mỗi chiều dăm, bảy mét, đều được chế tác từ những tảng đá xanh nguyên khối, trọng lượng ước đến gần trăm tấn… Tự hỏi, không hiểu các bậc tiền nhân đã làm thế nào để di chuyển chúng lên tới đỉnh cao ước chừng ngàn mét này?

Cũng từ đỉnh Phật Sơn, một dòng suối kỳ lạ tuôn ra, quanh năm màu nước vàng óng như mật ong. Khởi nguồn là khe nhỏ, luồn rừng, chen đá xuống tới lưng chừng núi thì thành một dòng thác kỳ vĩ, được người quanh vùng gọi là thác “Nước vàng”. Tương truyền, đó là dòng máu vàng chảy từ trong tim Phật. Suối “Nước vàng” có hàng chục thác nước lớn nhỏ, có thác cao tới ba, bốn chục mét, đều đẹp mê hồn.

Tây Yên Tử là một vùng rừng nguyên sinh có hàng trăm loài động – thực vật quý hiếm, nhiều loài được ghi trong sách Đỏ của thế giới. Những gốc cổ thụ hàng chục người ôm, nhiều cuộn dây leo khổng lồ, chằng chịt mắc võng ở trên cao. Bạt ngàn rừng lau phất phơ trong gió. Xen vào đó, từng vạt sim, mua đến độ khai hoa điểm sắc tím trên nền xanh đại ngàn.

Từng đàn bướm đỏng đảnh, con vàng, con trắng, con đen óng chấm xanh… có tới hàng trăm, hàng ngàn con dập dờn bay lượn… Đâu đó vẳng lại tiếng chim cu xa xăm gọi bạn tình, hoà cùng tiếng suối, tiếng gió reo tạo nên bản hoà tấu kỳ vĩ của đất trời. Một bức tranh thiên nhiên sống động, muôn màu muôn sắc hiện ra trước nhãn quan của du khách. Đặc biệt, trong rừng tây Yên Tử có rất nhiều cây hoa trứng gà nở vào cuối xuân, đầu hạ.

Mỗi bông gồm năm cánh trắng muốt chụm lại, tạo dáng như quả trứng. Mùi thơm của loài hoa này dìu dịu, toả lan, vương vương đầy mê hoặc. Du khách hái hoa trứng gà, gói vào khăn tay đem về thì căn phòng của mình sẽ thơm hương suốt cả tuần liền, nhiều chàng trai bỏ cả ngày trời vào rừng tây Yên Tử chỉ để hái mấy bông hoa trứng gà tặng người yêu…

Trên đường đi, du khách sẽ choáng ngợp trước cảnh rừng đá trùng điệp, những khối đá khổng lồ hình thù kỳ quái chồng xếp lên nhau trông không khác gì một vịnh Hạ Long trên cạn. Dưới chân núi, ở khu vực làng Lòn có phiến đá lớn hình âm vật, đi một đoạn xa lại có khối đá hình dương vật. Cách chùa Đồng một đoạn, có khối đá lớn, giống hệt cụ rùa khổng lồ đang vươn cổ, trợn mắt cố leo ngược dốc như muốn chạy đua cùng du khách.

Đi qua một vùng thắng cảnh đầy thơ mộng, nhưng cũng có phần gian nan, từ chân núi Đồng Thông leo dốc, luồn rừng chừng ba tiếng đồng hồ là tới đỉnh thiêng Yên Tử, du khách sẽ được hưởng những luồng gió mát từ phía biển Đông thổi về, lạc bước trong bồng bềnh mây khói. Phóng tầm mắt ra muôn trùng sông núi, cảm thấy như bụi trần vừa được rũ bỏ, lòng nhẹ nhàng thoát tục, thanh thản rảo bước vào chùa Đồng thắp hương thỉnh cầu đức Phật.