Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Thanh Bạch bình an thực hiện ước mơ

Thanh Bạch bình an thực hiện ước mơ

76

MC nước ngoài mỗi người tạo dựng một phong cách riêng, đem cái tôi cá tính lên sân khấu trong khi các MC Việt Nam dẫn theo một chuẩn mực và khuôn mẫu chung, ngoại trừ anh. Điều gì đã làm nên phong cách này?

– Tôi tốt nghiệp Trường Sân khấu quốc gia Nga ngành tạp kỹ nên ứng dụng những điều học được vào nước mình. Trước đó, Việt Nam cử rất nhiều sinh viên theo học các ngành nghệ thuật, nhưng tuyệt nhiên không có ai học chuyên ngành Tạp kỹ.

Lúc học, tôi không hiểu tại sao nhà trường lại dạy cho mình nhiều môn như vậy! Cái gì thuộc về nghệ thuật mình cũng phải học qua. Múa ballet, kịch nói, kịch câm, múa tính cách, dân gian, tính năng nhạc cụ, lịch sử âm nhạc, lịch sử sân khấu, mỹ thuật thế giới… Đến giờ tôi mới thấm thía, hóa ra các thầy đã chuẩn bị trước cho mình để ứng dụng trong tất cả tình huống của sân khấu hiện đại. Những kỹ năng đã học được, tôi trộn lại cho bản tổng phổ của riêng Thanh Bạch. Nếu chương trình khuôn mẫu, tôi vẫn có thể chuẩn theo khuôn mẫu; nếu chương trình giải trí, tôi phát huy khả năng của mình với tất cả sự tự do và thoải mái sáng tạo.

Nếu không được học tạp kỹ, tôi không thể nào làm như vậy, không dám làm như vậy. Qua quá trình đi làm MC và huấn luyện cho các MC trẻ, khi yêu cầu họ múa, diễn hài, kịch câm, hát – những lĩnh vực ngoài khả năng dẫn chương trình, tôi phát hiện họ làm nhiều cái bất ngờ thú vị. Tiếc rằng, họ không bao giờ hé lộ điều đó cho khán giả.Vì kịch bản không yêu cầu, đạo diễn không dàn dựng thành tiết mục… Tôi cũng sẽ giống như họ, nếu như tôi không được học để biết rằng: người MC có đôi ba phút trong một chương trình và trong khoảng thời gian ấy, anh tự liều lượng hoặc đạo diễn gợi ý thế nào để thể hiện ấn tượng khả năng riêng trong chủ đề chung.

Cái mới không dễ được chấp nhận. Anh nhận được những phản ứng nào về cách dẫn của mình?

– Những điều tôi làm đôi khi khiến người ngoài thấy lạ và thắc mắc, nhưng tôi đủ niềm tin vì mình xuất phát từ cái căn bản. Tuy nhiên đó là một quá trình không dễ dàng. Những năm đầu tiên (1986 – 1990) khi mới về nước, tôi vấp phải phản ứng gay gắt, thậm chí có những lệnh ngầm cấm biểu diễn ở chương trình này nọ. Người ủng hộ thì say mê, người phản đối dần được thuyết phục… Tuy nhiên, đó đã là chuyện của 20 năm trước. Tôi đấu tranh và thuyết phục khán giả bằng sự thành tâm, thiện ý của mình. Tôi làm không phải vì sự nổi tiếng mà vì mục đích mang lại chân thiện mỹ mà tôi đã được học.

MC Thanh Bạch
Thanh Bạch và tượng sáp của nữ hoàng truyền hình Oprah Wnifrey tại Bảo tàng Madame Tusauds ở New York. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Người giỏi nhiều lĩnh vực như anh, tại sao không thử sức mình với kịch câm, ca hát… để trở thành một nghệ sĩ đa năng, mà chỉ dùng nó để bổ trợ cho công việc dẫn chương trình?

– Tôi cho rằng, dùng những khả năng đó để hỗ trợ sẽ có giá trị hơn. Nếu tôi là ca sĩ, người ta sẽ đánh giá khác so với tôi là MC hát. Nếu bạn là một người đẹp giữa đời thường, bạn được ái mộ còn khi bạn là người mẫu chuyên nghiệp, người ta có những yêu cầu rất khắt khe với bạn. Riêng lĩnh vực hài, tôi may mắn được khán giả yêu thương nên sẽ tiếp tuc.

Một người được mệnh danh là “Vua MC” như Thanh Bạch, mọi năm chạy show rất nhiều nhưng gần đây, tần suất xuất hiện truyền hình của anh giảm. Vì sao vậy?

– Đâu phải lúc nào cũng cần xuất hiện với tần số lớn như thế. Tôi không có một cái chuẩn nào cho mình về việc lên sóng. Nhờ vậy, tôi có thời gian để tham gia lĩnh vực điện ảnh với bộ phim nhiều tập chiếu Tết mang tên Chuyện đời.

Gần đây tôi còn dành thời gian học Raja yoga, một bộ môn thiền giúp người ta có năng lượng mới, kết nối với vũ trụ, có sức mạnh về tinh thần cũng như thể lực để thực hiện những điều mình mong muốn trong khả năng tốt nhất.

Việc học thiền tác động thế nào đến con người anh?

– Từ khi học Raja yoga, tôi nghiệm ra mình có sự bình an mới có thể mang hạnh phúc đến cho người khác. Mình có bình an mới có thể yêu thương bản thân và đó là cơ sở để yêu thương mọi người. Thậm chí bộ môn này dạy rằng, phải yêu thương cả người không yêu mình (bởi những người đó chưa hiểu, chưa rõ, chưa thông hoặc có khía cạnh nào đó nhìn lệch lạc về mình). Khi bạn đạt được sự bình an trong tâm trí, người tiếp xúc với bạn sẽ cảm nhận và được cộng hưởng từ bạn sự bình yên.

MC Thanh Bạch
Tạo dáng với tượng sáp của Bill Clinton. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một người trải qua cuộc hôn nhân bất thành tìm sự bình an cho mình ra sao?

– Nói hơi sách vở nhưng một nghệ sĩ như một thiên sứ có nhiệm vụ mang đến niềm vui cho những người chung quanh. Hãy nhớ một cách đơn giản: mỗi ngày đang sống là mỗi ngày chúng ta đang tiến dần đến cái chết. Tại sao ta không tận hưởng từng phút giây? Thật phí nếu ta bỏ qua những giây phút ý nghĩa vì phiền muộn và lo âu… Hãy hóa giải những khó khăn đang đến bằng trái tim mình để hiểu thế nào là giá trị sống và biết bạn có mặt trên cuộc đời này để làm gì. Nếu ai lấy cái gì của bạn hoặc bạn làm mất thứ gì, bạn có quyền đau khổ hoặc bình an. Tôi chọn cách bình an.

Hãy học cách giữ sự bình an trong tâm trí mỗi ngày vài lần. Chúng ta bình an để có nhiều năng lượng thực hiện ước mơ.

Báo chí từng đăng, anh có cô người yêu đang học ở Trung Quốc. Một người đàn ông trung niên đang tìm sự bình an và một người phụ nữ trẻ đang náo nức khám phá cuộc sống có điểm chung gì?

– Ngày trước, phóng viên hỏi, tôi nói tôi hay chat, trao đổi mail với một người bạn ở Trung Quốc. Người ta hỏi bạn đó tên gì, tôi bảo đó là một bạn gái. HHôm sau trên báo chí xuất hiện ngay cái tít giật gân: “Thanh Bạch – Người yêu tôi đang ở Trung Quốc”. Từ thông tin này, người ta có thể vẽ ra một kịch bản còn hơn kịch tác gia kiểu: “Nếu anh kết hôn với cô ấy, có con, con còn nhỏ mà anh đã già rồi, vậy anh làm sao nuôi con? Anh chết rồi, con anh sẽ bơ vơ, cô ấy sẽ có người khác, vậy anh có đau khổ không…” Dư luận rất hay vẽ cho tôi những kịch bản, mà tôi buộc phải mang.

Tôi thích từ “Thế à” trong Phật giáo: Một cô chửa hoang mang con ra chùa và vu khống cho nhà sư, bắt ông nuôi con, ông bảo: “Thế à?”. 5 năm sau, nhà họ không có cháu, thấy đứa bé trai được nuôi dạy kháu khỉnh, đến đòi bắt về với lý do “ông không phải cha của nó”. Nhà sư vẫn bảo: “Thế à”. Bài học từ “Thế à” thật hữu hiệu.