Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Tháp Hòa Phong và dấu ấn chùa xưa

Tháp Hòa Phong và dấu ấn chùa xưa

138

Tháp Hoà Phong mang vẻ đẹp và tâm hồn của người Hà Nội đã hơn 200 năm, mà ít người biết về ngọn nguồn của ngôi tháp gạch này và lịch sử gắn liền với một ngôi chùa bên bờ hồ Hoàn Kiếm mà nay đã vang bóng một thời.

Dải đất Bưu điện Hà Nội bên bờ hồ Hoàn Kiếm bây giờ là thôn Cựu Lâu xưa, những năm đầu niên hiệu Thiệu Trị nhà Nguyễn, Tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Đăng Giai chủ hưng công cho dựng ngôi chùa Liên Trì Hải Hội trên nền cũ lầu Ngũ Long với quy mô to lớn nhất chốn kinh kỳ được hoàn thành vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), gồm 36 nóc, gần 200 gian.

Chùa vô cùng lộng lẫy và trang hoàng, sử sách còn ghi chép lại. Chùa dựng xong Hoà Thượng Phúc Điền trụ trì và cho ấn tống rất nhiều kinh sách trong công cuộc hoằng dương Phật pháp.

Cứ liệu ghi chép về ngôi chùa này sớm nhất hiện nay là sách Hà Nội địa dư được Lương Đình Công soạn năm Tự Đức thứ 4 (1851) ghi rằng “chùa Liên Trì ở thôn Cựu Lâu,….năm đầu Thiệu Trị, Nguyễn Tây Thúc (Đăng Giai) dựng xây vô cùng tráng lệ, 8 ngòi trồng sen vây quanh, gọi là chùa Liên Hoa”.

Về sau nhiều thư tịch cũng như Trương Vĩnh Ký ra Bắc đều hết lời khen ngợi chùa Liên Trì.

Chùa Liên Trì Hải Hội có rất nhiều tên gọi như chùa Liên Trì, chùa Báo Ân, chùa Đại sứ quán Hà Nội (Hà Nội Đại sứ quán tự), chùa Sùng Hưng, chùa Quan Thượng (gọi theo phẩm hàm của quan Thượng thư Nguyễn Đăng Giai), Chùa Liên Hoa, chùa Cửu tỉnh, người Pháp thì gọi là chùa Thụ Hình vì dựa trên cảnh xử tội trong tranh Thập điện Diêm vương treo trên tường Phật điện. Nhưng chùa tên chính là Liên Trì Hải Hội và được gọi tắt là Liên Trì (ao sen).

Chùa Liên Trì được dựng xây trên ý tưởng tôn giáo đạo Phật. Toàn bộ ngôi chùa là một tổng thể kiến trúc đồ sộ mà ngày nay chỉ còn lại những hình vẽ của người Pháp cũng như mô tả rất sơ lược của sử sách. Nhưng ngôi chùa với tên gọi cho thấy ý nghĩa về một tầng thế giới mà người xây dụng ý.

Chùa Liên Trì Hải Hội với dụng ý được chiết xuất từ bài kệ trong kinh A Di Đà: “Liên Trì Hải Hội, Di Đà Như lai, Quan Âm, Thế Chí toạ liên đài, Tiếp dẫn thượng kim giai, đại thệ hoằng khai, phổ nguyện ly trần ai, Nam Mô liên trì hội thượng, Phật Bồ Tát Ma Ha tát”.

Một cõi Niết bàn ngay chốn trần gian, thể hiện toàn bộ ngôi chùa là một đoá sen lớn, ý nghĩa tầng thế giới siêu thoát trên đài sen tụ hội với đủ các chư vị Bồ tát và Phật Di lặc.

Theo hình vẽ và mô tả thì chùa cách biệt thế giới bên ngoài bởi sự bao bọc các ngòi nước trồng sen và chỉ có một lối đi là chiếc cầu đá trước chùa nối tiếp ra tận tháp Hoà Phong làm cổng. Qua cầu là Tam quan đồ sộ, phía sau hai bên là hai tháp lớn, sau đó là toàn bộ ngôi chùa đồ sộ nguy nga.

André Masson một học giả người Pháp đã mô tả hình dáng chùa: "ở phía đông nam hồ, chỗ ngày nay là sở Bưu Điện, sừng sững ngôi chùa đặc biệt nhất trong các ngôi chùa ở Hà Nội. Toà nhà chính của chùa được bao bởi một hồ tròn đầy sen, chính hồ sen này đã cho chùa cái tên Liên Trì" (Hà Nội giai đoạn 1873-1888, André Masson, Nxb. Hải Phòng, 2003).

Vào khoảng năm 1889, người Pháp dựng xây khu nhượng địa bên bờ nam hồ Hoàn Kiếm và cho phá bỏ chùa Liên Trì, đến nay chỉ còn dấu tích vang bóng mà thôi.

Dấu tích của chùa còn lại tới nay là tháp Hoà Phong, với vẻ đẹp cổ kính, lặng lẽ bên hồ. Tháp cao ba tầng, cửa tháp theo bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, các cửa đều có chữ Hán làm ngạch nêu tên như: Báo Đức môn, Báo Ân môn, Hoà Phong tháp, Báo Thiên tháp,…tầng trên còn có hình bát quái và chữ Phạn.

Nói rõ tổng thể kiến trúc của chùa trong đó nhấn mạnh tới tháp Hoà Phong, André Masson viết: “trong vô số "tháp, tháp chuông, hàng hiên lôi cuốn du khách từ rất xa”,…chỉ còn lại tháp Hoà Phong Tháp, tháp của gió thuận. Công trình nhỏ bé này rất đơn giản nhưng có tỷ lệ duyên dáng. Tháp gồm phần dưới bằng gạch, mỗi mặt trổ một cửa, phần trên là tháp xây trên sàn bốn góc trang trí bốn con nghê. Nằm bên bờ hồ, tháp là điểm khởi đầu đường vào chùa”.

Chùa xưa đã mất, chỉ còn lại giai thoại về vị quan Thượng “làm cho tổn Bắc lại hao Đoài” và tháp Hoà Phong cổ kính rêu phong.

Những hàng liễu rủ bóng như tôn thêm cho vẻ đẹp của tháp cổ. Người người sáng chiều qua lại đã bao đời bên tháp. Thời gian cứ trôi và ngôi tháp vĩnh hằng làm một chứng tích cho tâm hồn và lịch sử của đất và người Hà Nội.