Trang chủ Văn hóa Thiền ảnh Thích Minh Hiền

Thiền ảnh Thích Minh Hiền

95

Tôi gọi bộ Tâm ảnh tập của Đại đức với 108 chủ đề về Phật pháp như Vô thường, Tùng địa dũng xuất, Hoàng diệp y, Sơn tăng… cũng như những bộ ảnh khác mà ông đã chớp được trên con đường hoằng dương Phật pháp và trên đường đời nhiều gian truân khổ ải là: thiền ảnh.


Tôi không biết ánh sáng trên lộ trình tâm linh đã dẫn lối ông vào nghệ thuật nhiếp ảnh hay chính ông tìm đến vẻ thiền ở nơi bụi bặm phàm trần nhưng một điều rất thực là ông đã chụp rất nhiều ảnh, đẹp thiền tịnh. Khi tâm thiền thì những bức ảnh dù không về chủ đề Phật giáo vẫn mang một phong vị thiền.


Là sen thì dẫu gần bùn tanh vẫn tỏa hương thơm ngát. Khi mang một tâm hồn nghệ sĩ thì cuộc đời có thăng trầm dâu bể, có bộn bề mỏi mệt ưu lo, trái tim vẫn run rẩy trước mong manh vẻ đẹp. Khi yêu cuộc sống, đã xác định một lẽ sống và lý tưởng để hướng tới thì mỗi khoảnh khắc hiện hữu đều trở nên ý nghĩa xiết bao…


Những bức ảnh chụp từ nhiều kiếp trước


Tôi biết thiền sư Viên Thức ở Đà Lạt nổi tiếng với nghệ thuật điêu khắc và hội họa, nhà sư Thích Chân Quang với những bài hát gây xúc động về bảo vệ môi sinh, sư ông Minh Đức Triều Tâm ảnh chùa Huyền Không (Huế) với mấy tập thơ thiền Chữ cháy bờ lau, Chèo vỡ sông trăng… là những vị cao tăng nghệ sĩ. Nghệ thuật và giáo lý nhà Phật đã tích hợp trong những nhà tu hành đó ra sao?


Những vị sư ấy họ đã đến với nghệ thuật như thế nào, và từ khi nào? Từ trước khi xuất gia hay khi đã tu tập đạo hạnh. Thực sự âm nhạc, hội họa, điêu khắc, thi ca… với họ có phải là duyên định? Còn Đại đức Thích Minh Hiền, vị sư trụ trì chùa Hương, bắt đầu cầm máy chụp ảnh và gặp gỡ nghệ thuật nhiếp ảnh không phải trước lúc đi tu, cũng chẳng phải sau khi quy y tam bảo.


Dường như đó là tiền định. Sư ông Thích Minh Hiền nói: “Tôi chụp ảnh đã từ lâu lắm rồi, từ không phải kiếp trước mà rất nhiều kiếp trước kia. Tôi cầm máy như vô tình mà hữu ý, duyên tròn đầy thì chụp thôi. Khi đó tôi thấy mình như đã là nhà nhiếp ảnh từ kiếp nào rồi, không xa lạ”.








Sơn tăng, ảnh của Đại đức Thích Minh Hiền.


Một chút shock trong câu nói đó nhưng thực tình không có gì tự dưng tới cả. Theo thuyết luân hồi nhân quả của giáo lý nhà Phật thì sẽ thấy điều đó dễ hiểu mà thôi. Chụp ảnh nghệ thuật với Đại đức nó cũng như hơi thở hàng ngày, cũng như cơm ăn, nước uống, không có chủ ý dụng công, không vận tinh lực.


Giản dị như thế thôi. Vâng, giản dị thôi nhưng là cơ duyên mới có được. Không bố trí khuôn hình, không chọn góc độ bấm máy, không kiên trì đợi ánh sáng đủ nghiêng hay một chi tiết khác cần thiết, cũng không phải khi cảm hứng xuất thần đến mới cầm máy lên chụp.


Việc chụp ảnh đối với sư ông Minh Hiền chẳng phải điều gì cao siêu, giả như tìm đến một sự giải thoát cho chính mình và tha nhân như ai đó từng nghĩ. Thế nhưng những bức ảnh của ông vẫn cứ đẹp và cứ thiền.


Có người nghĩ hình ảnh về sư ông cầm máy, nheo mắt, hướng ống kính về thiên nhiên, đứng trầm mặc như hóa thân thành cội tùng bên vách núi Hương Sơn đang lặng nghe tiếng hơi thở thiền trong một không gian tịch mịch. Và nhiều lúc tôi cũng nghĩ ông như vậy.


Tâm trạng ông khi chụp ảnh là một tâm trạng thiền. Tâm thế ông khi cầm máy là một tâm thế thiền. Uyên ảo trong từng cú bấm máy. Những luồng không khí chuyển luân trong cơ thể điều hòa những trạng thái tâm lý không để dẫn tới những thái cực làm hư hao năng lượng mà lại có thể tập trung thần thức để thăng hoa khi cần thiết.


Hơi thở thiền thanh tịnh, dưỡng khí trong lành nguyên khiết, cân bằng lại âm dương. Hướng máy ảnh về ngoại cảnh nhưng thực chất là hướng vào trong tâm mình.


Tĩnh tâm chụp một tấm hình


Khi tôi có nhã ý muốn được xem lại bộ Tâm ảnh tập, Đại đức nói rằng đã hóa vàng chúng rồi, hóa vàng sau lần triển lãm ảnh chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ V (năm 2002). Tiếc vì không có cơ duyên để chiêm ngắm nó, chỉ còn được thưởng lãm mấy bức còn sót lại trên Đặc san Chùa Hương và trên trang web www.chuahuong.info.vn mà Đại đức post lên mạng.


Bức Tùng địa dũng xuất là hình tượng một vị Bồ Tát đang dần dần và dần dần nhô lên từ trong lòng đất ấm, nguồn sáng nghịch, chụp xiên từ trên cao xuống với những dây leo lung linh làm tiền cảnh, sắc độ màu tương phản huyền bí được pha lẫn với những làn khói sương vừa mong manh vừa đậm đặc, thoắt hiện thoắt ẩn tạo cho phong cách ảnh vừa hư vừa thực.


Phải chăng vị Bồ Tát nhô lên từ lòng đất một cách dũng mãnh nói lên tinh thần tích cực hoằng dương Phật pháp đại thừa? Và như thế tâm sẽ được bình an, không ưu não, không bần cùng, không sợ sệt, có trí tuệ, được thấy Phật và trở về với tâm Phật của mình.


Bức Bản lai diện mục là bức ảnh một pho tượng hai tay tự cởi mặt mình hé lộ ra một gương mặt khác như đó mới là gương mặt thật. Có phải bức ảnh khuyên ta trở về là mình, tìm về với chính mình, sống đúng với chính mình?


Rồi bức Lạc nhật dư huy là cảnh mặt trời trước khi tắt nắng, bộ sưu tập ảnh đèn đá, chùa Thầy, tượng La hán chùa Tây Phương… Mỗi bộ ảnh chuyển tải một nội dung tư tưởng, một tín lý, một thông điệp. Sức chuyển tải có khi mạnh như một tiếng chuông chùa âm vọng, có khi như cơn mưa dầm thấm dần vào tâm tưởng người xem.


Ngôn ngữ ảnh có lẽ là một hình thức truyền bá khả dĩ hiệu quả giáo lý khi lời nói bất khả thuyết. Ông coi đó là cách truyền bá giáo lý qua nhiếp ảnh. Cũng như vòng tròn âm dương là hình ảnh cô đọng nhất, khái quát nhất thuyết âm dương ngũ hành. Những điều triết lý nhất, sâu sắc nhất lại là những gì giản dị nhất. Sâu sắc là bởi vì sâu sắc đến độ giản dị. Không phải nhiều lời. Vô ngôn.


Mô tả ngàn lời sự hùng vĩ, tráng lệ của ngọn núi dòng sông không bằng sự hiện diện trước mắt ta của chính ngọn núi dòng sông ấy. Bởi sự mô tả đó không phải là ngọn núi dòng sông mà là ngôn ngữ. Thực ra ta không nên làm cái việc là diễn giải những bức ảnh bởi chính những bức ảnh tự nó nói lên nhiều hơn ngôn ngữ mà ta diễn tả về bức ảnh.


Nhưng tôi vẫn đang “chuyển ngữ” từ ngôn ngữ nhiếp ảnh sang văn bản ký tự để nói về cái đẹp và chất thiền trong ảnh của ông. Quả thực, thiền ảnh Thích Minh Hiền mang đậm hồn thủy mặc và thảo mặc…


Cuộc trò chuyện vẫn diễn ra trong lúc Đại đức đang lướt ảnh trên computer. Đĩa ảnh mà Đại đức dự định sẽ xuất bản là: Đông Tây tuyết và hoa. Hoa anh đào và cảnh bụt xứ Phù Tang. Tuyết trắng và chùa chiền miền đất Phật. Đại đức vừa từ chuyến đi Tây Tạng trở về với hàng trăm bức ảnh về phong cảnh, con người nơi đây.


Đó là những satna mà Đại đức trải qua trong chuyến Tây du một tuần của mình. Trong đó có một bức ảnh thật độc đáo. Một người đàn ông Tây Tạng đeo kính. Nét độc đáo ở chỗ khi nhấn zoom out mới hiện dần lên ở mắt kính người đàn ông hành hương hình chính người chụp bức ảnh đó đang bấm máy: Đại đức Thích Minh Hiền.


Giản dị như thiền, thâm hậu như thiền


Ông là một nhà tu hành, một danh tăng. Ý tưởng về những vấn đề Phật giáo và văn hóa của ông đã hiện thực thành cuốn Văn hóa Phật giáo mà ông là một trong những người sáng lập và hiện là Phó Tổng biên tập. Một tạp chí đẹp và sang với phần ảnh được chú trọng.


Sắp tới sẽ là một chuyên mục về văn hóa Phật giáo với thời lượng phát sóng 30 phút mỗi tuần trên VTV mà ông là người “đứng mũi”. VCD Tùng lâm Hương Tích (do ông chủ biên) ông tặng tôi còn cho thấy ông là một sơn tăng nghệ sĩ. Có lần tôi được nghe ông Thái Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Hà Tây, nói rằng ông là một người đa tài. Nhiếp ảnh, thư pháp, ngoại ngữ đều giỏi cả.


Có lẽ ông học tiếng Anh, Pháp từ ngày còn là sinh viên Trường Luật. Ông còn là vị thức giả Phật giáo về kiến trúc và điêu khắc cổ truyền nữa. Đi nhiều và có nhiều phật tử là những nghệ sĩ như diva Mỹ Linh, sacxophon Trần Mạnh Tuấn…


Đi nhiều để rồi tĩnh tại vào những bức ảnh, tĩnh tâm vào hồn ảnh. Khi tâm tịch lặng, lòng trống không thì thiền ảnh mới có được. Thiền là một cõi tâm thức đặc biệt. Cốt yếu của thiền là cách thở đúng. Chỉ đơn giản là hít vào, thở ra nhưng thật là thâm hậu.


Hơi thở để sống. Hơi thở tu thân. Hơi thở đắc đạo. Mỗi satna nhà Phật bằng 1/60 hơi thở. Mỗi satna là một khởi tâm. Và khi đạt được sự kết hợp hài hòa giữa nhiếp ảnh và thiền sẽ vừa có giá trị về mặt tôn giáo vừa có giá trị nghệ thuật, đóng góp một nét đặc thù vào văn hóa phương Đông.


Mê ngộ trong cõi sắc sắc không không, tôi cứ muốn lý giải cho minh thấu về thiền ảnh Sơn Nam (cái tên mà Đại đức Thích Minh Hiền ký dưới mỗi bức ảnh) chứ không chỉ dừng lại ở rung cảm trước những tấm hình đẹp thiền định này.


Phải chăng là bầu trời cảnh bụt những ngôi chùa mà ông trụ trì, (chùa Thầy, chùa Hương – vốn là đệ nhất thắng tích chốn trời Nam) hay do tâm sen nhiều thần thức của một sơn tăng đã tạo nên những bức ảnh đẹp như một hơi thở thiền này?