Trang chủ Diễn đàn Thống nhất Phật giáo – nguyện vọng và ước mơ của Tăng...

Thống nhất Phật giáo – nguyện vọng và ước mơ của Tăng Ni, Phật tử

174

Khi bị chia rẽ có tôn giáo muốn được thống nhất nhưng rất khó đạt được bởi nhiều lý do khác nhau trong đó đòi hỏi phải có những chức sắc lãnh đạo có đạo hạnh, có tài năng quy tụ được những người đứng đầu các tổ chức vốn cùng một tôn giáo và phải thật tâm về sự tồn tại và phát triển của tôn giáo mình, không vì lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân. Nhưng điều đó chẳng dễ một chút nào, có tôn giáo bị chia năm sẻ bảy mà không thể thống nhất được vì “lực ly tâm” đã đi quá xa.


Lịch sử Phật giáo ở Việt Nam đã trải qua 2000 năm với bốn lần thống nhất. Lần thống nhất Phật giáo cả nước vào tháng 11-1981 là mốc son chói lọi trong lịch sử Phật giáo Việt Nam như Hòa thượng Thích Trí Thủ – Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Trưởng ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã khẳng định trong diễn văn khai mạc Hội nghị thống nhất Phật giáo năm 1981: “Lần đầu tiên trong lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam, chúng ta có được một Hội nghị gồm đầy đủ đại biểu của các tổ chức Giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước… đã vân tập về đây, trong hội trường trang nghiêm và rực rỡ này, với một quyết tâm sắt đá: xây dựng hoàn thành ngôi nhà thống nhất Phật giáo Việt Nam”.

Việc thống nhất Phật giáo cả nước là nguyện vọng thiết tha của đại đa số các vị giáo phẩm và tăng ni, phật tử Việt Nam không phân biệt sơn môn, pháp phái. Trong đó nhiều vị cao tăng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tham gia và giữ vai trò chủ chốt trong Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, đã hoạt động tích cực, được suy tôn, suy cử vào Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam như các Hòa thượng: Thích Trí Thủ, Thích Đôn Hậu, Thích Trí Tịnh, Thích Minh Châu, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Nghiêm, Thích Đổng Minh… Ngày 28-7-1981, Hòa thượng Thích Đôn Hậu – Chánh Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Cố vấn Ban Vận động gửi thư cho Hòa thượng Thích Trí Thủ trong đó có đoạn viết: “… Ngày nay, hoàn cảnh đất nước đã đổi thay, cho nên sự tổ chức Phật giáo cũng cần được chỉnh đốn lại. Nhưng hôm nay chúng ta thực hiện việc thống nhất Phật giáo chẳng những đã không gặp phải các chướng ngại mà lại còn được nhiều thuận duyên tốt đẹp nhờ sự nhiệt tình quan tâm của Chính phủ, nên công việc hoằng dương chánh pháp làm lợi ích cho chúng sinh là một việc làm mà chúng ta cảm thấy không còn đơn độc…”.

Thống nhất Phật giáo đã giải tỏa những bức xúc của các Tăng ni, Phật tử cả nước, Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, nay là Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nói: “Điểm ưu tư của tôi và một số vị tôn túc Phật giáo miền nam đều có chung một ý nguyện thống nhất Phật giáo Việt Nam…”.

Thống nhất Phật giáo là ước mơ đẹp đẽ, cao cả và thiêng liêng của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam bởi ý nguyện đó đã trải qua gần 100 năm nay mới thành hiện thực. Đây cũng là sự thống nhất Phật giáo trọn vẹn nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam vì Tăng Ni, Phật tử ở khắp mọi vùng, mọi miền của đất nước đã tự nguyện tham gia hoạt động trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ ngày thành lập đến nay mới có 25 năm đã có những bước tiến dài, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Phật giáo Việt Nam, như Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã khẳng định: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam như một vườn hoa có đầy hoa thơm cây tốt, đã trải qua 25 năm trưởng thành và phát triển bền vững, từng bước vượt qua mọi khó khăn gian nan thử thách trước những thuận nghịch của xã hội. Tôi cho rằng mọi thành viên của Giáo hội phải biết góp phần vun bón cho vườn hoa thêm xanh tươi cho một đất nước phát triển. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước lịch sử của dân tộc”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 5 lần Đại hội, có đầy đủ tính pháp lý và ngày càng phát triển. Đây thực sự là một Giáo hội có một thể thống nhất từ trước đến nay trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đó cũng chính là niềm mơ ước và niềm tự hào của tuyệt đại đa số Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Tất nhiên, mặc dù tu theo đạo giải thoát nhưng không phải ai cũng vượt qua được sự chấp ngã, vượt qua được những hận thù cá nhân, vượt qua được “con thuyền của anh, của tôi” để đi đến sự thống nhất, hòa hợp. Những hành động chia rẽ, mạo xưng là đi ngược lại tư tưởng, giáo lý Đức Phật, làm hại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những người Phật tử chân chính dưới ánh hào quang của chư Phật luôn đủ trí tuệ để vững tâm trước những thị phi, thống nhất ý chí và hành động để xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, viết lên trang sử huy hoàng của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.