Trang chủ Văn học Tùy bút Thõng tay trên nẻo về

Thõng tay trên nẻo về

73

Đông đã chạy về đoạn cuối, cái Tết rình rập trong ngày nắng mỏng như sương. Quê lại hiện ra như một đích réo gọi, bởi thế ngồi giữa thành phố, không kịp nghe tiếng cúm núm mà nỗi đi – về cũng canh cánh bên lòng nhiều sự vụ…


Bên kia là quê!


Ham hố nói cái sự đi về quá e các bậc đạo học cao thâm “nạt” một tiếng mà rằng “về là về đâu, làm gì có chỗ đi mà réo gọi chỗ về, đứng im là về đấy!”. Xin thưa, cái hàm ngôn sách vở ấy thú vị, cao siêu thật, lúc tản mạn hành trình mà đem ra ngẫm nghĩ thì còn gì bằng. Nhưng Tết đã đuổi tới chân, Sài Gòn rộn rịp người mua kẻ bán cho một chuyến lên tàu, lên xe, lên máy bay, lên tàu thủy… Mọi cái tất bật đều là của kẻ tha hương xúc tiến hòng đợi bàn chân lướt trên đường sắt, đường nhựa, đường không, mặt nước… thì hỏi làm sao kẻ thô kệch như tôi đây không rối lòng lên được.


Đó là chưa kể buổi chiều ra phố thấy bà cụ lom khom đốt mấy nén nhang cắm lên bàn thờ tạm, bỗng nhớ mẹ mình quay quắt, chắc hôm ấy, giờ ấy mẹ cũng rung rung cắm nhang ngoài ngõ “cho ấm lòng các linh hồn lạc lối cuối năm”, mẹ hay nói thế! Chắc chiều ấy mẹ cũng đang mong linh hồn lạc lối là tôi trở bước quay về. Tôi sẽ soạn hành trang, này quần áo, này máy tính, này sách vở, này quà cáp…


Một chút lòng tha phương gửi lại hay mang theo, nhờ anh bạn cùng phòng trọ giữ giúp. Nhìn mắt anh tôi biết nỗi buồn, heo hút cái xứ nơi đầu ngõ Tây Nguyên giáp Lào mà 3 cái Tết nay anh chưa về, lòng tha phương như chén rượu cuối năm. Nam mô A Di Đà, con biết rượu không tốt nhưng để lòng trao qua lòng hai kẻ đi ở (dù ly biệt này có sến lắm thì cũng nửa tháng là cùng) thì mượn gì ngoài nó.


Anh bạn tôi, Đ.T.T, một đạo diễn trẻ vừa ra trường, tấp tênh cơm áo nên Tết là dịp anh kiếm thêm chút đỉnh cho mục tiêu làm nghệ thuật ngày mai khi ở lại xứ đô hội này làm thêm quấy quả. Nhớ năm đầu tiên anh ở lại Sài Gòn, có vẻ cứng rắn cương quyết lắm, tôi vui vẻ đi về. Đến mùng 8, khăn gói vào lại, mang theo ít quà của mẹ định dạ hai tên sẽ làm bữa Tết muộn. Đẩy cửa phòng, trời, chai lọ ngổn ngang, anh bạn nằm trên sàn, tóc tai rũ rượi, ngóc đầu dậy, câu đầu tiên anh hỏi tôi không phải thân tình kiểu “mày mới vào à?”, “ăn Tết vui không?”… mà là “mùng mấy rồi?”. Hỏi cô chủ nhà mới biết, kể từ đêm giao thừa cứ về tới nhà là anh mua rượu nốc một bụng rồi ngủ, đi làm, rồi lại uống… chẳng biết mấy ngày xuân đã trôi qua trên mấy sợi tóc rụng của mình. Anh bảo: “Buồn lắm. Mình tao trong một thế giới thì nhớ mùng mấy làm gì!”. Tôi mới thấy cái tha phương khủng khiếp thế nào.


Anh P.V.T, một sinh viên cơ khí quê miền Trung, đã định dạ ở lại thành phố, lơ láo một phen nhưng chiều 30 Tết nhìn Ký túc xá vắng ngắt, cỗ bàn cuối năm của nhà bên cạnh lục tục dọn ra, bỗng nhớ… cây rơm vàng nơi cuối nhà quá thể (nỗi nhớ đôi khi cũng vô lý), bèn xách xe đạp đạp một mạch về Phan Thiết (tiền cạn thì đi xe mần răng) rồi đón chiếc xe cọc cạch lủi về quê, khi ấy trừ tịch sắp bắt đầu. Mẹ ra đón ngoài ngõ, thế là gã sinh viên cứ tưởng mình bợm bãi khóc như trẻ con.


Là thế, xét ra thì quê cũng chẳng xa gì, cùng lắm 1, 2 ngày ngồi xe nhưng nhiều lý do cứ níu ta làm người đất khách. Cơ sự cũng chẳng thành chuyện nếu nó là ngày bình thường, nhưng cái không khí ren rét, nô nức nhưng đầy tình cảm gia đình thân thiết nó hành hạ, dằn vặt người ta kinh lắm. Trong cái giờ phút ấy sự thân thuộc mới trở nên tối cần thiết và con người ta đến là dễ bơ vơ khi lạc lõng một mình. Nên cô công nhân cả năm làm lụng vất vả, về tết một chuyến là đi tong thế mà cũng kiên quyết ngồi vào cái thùng xe nóng nực mà lên đường. Đó không phải là sự hàm hồ đâu, lý do của cô nghìn lần đáng trân trọng. Cô ấy may mắn vì có một chốn để tìm về (dù biết nơi chốn thì cũng như nhau khi nhìn không phân biệt), có người để gặp lại. Một sự may mắn lớn!


Những người không quê


Anh P.T.T, một người làm về công nghệ lâu năm ngậm ngùi nói: “Tôi là kẻ không quê quán, ông ạ, tôi không gắn bó với một vùng đất nào cả, tôi là kẻ trôi dạt”. Không phải nói suông kiểu văn chương ầu ơ đâu. Người đàn ông ấy, sinh ra ở miền Bắc, cha mất khi nhỏ mẹ bồng bế vào Huế, mẹ có chồng sau, mẹ mất ông lưu lạc vào Đà Nẵng, rồi lớn lên bươn chải sống ở Sài Gòn. Đến giờ, vẫn một mình, Tết đến khi nhìn các phòng trọ nô nức dọn đồ về quê, ông hay mời tôi sang uống trà, “tôi chẳng biết mình nên đi đâu để gọi là về, miền Bắc thì tôi không nhớ gì cả, Huế thì toàn chuyện buồn, Đà Nẵng chẳng phải quê, Sài Gòn thì lại là nơi kiếm sống”.



Đi lễ đầu năm


Mỗi cái Tết là ông lưu lạc trong cái miền tâm thức vốn đã nhiều vọng động, không một địa danh nào để ông đọc lên mà nghe thoang thoảng trong lòng mùi hương củi nhóm bếp ngày Tết, vị đậu phộng gói trong bánh tét bùi bùi, vòng tay một người thân, hay nụ cười tươi của yêu thương chan chứa. Cái tính chất “bồ công anh”, thổi bay theo gió của ông phải đợi khi tất cả sum họp, vui vầy, bén rễ trong mỗi người khi xuân tới mới thổn thức chập chùng trong nhịp bay của riêng mình. Thấy chưa, không phân biệt chưa hẳn là tốt, kẻ “nẻo đi cũng là nẻo về” như anh T. đến lúc cũng phải chạnh lòng vì những kẻ bén rễ sâu vào đời sống phân biệt, một niềm vui rất trần thế.



“Ưu điểm của người Việt là về, về, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới thì nơi duy nhất họ mong về là miền quê của họ”, một nhà báo nước ngoài đã nhận định như thế. Ừ thì về. Sao Không về được khi mai đã chọn cành mà bung sắc, bàn ghế đã tinh tươm, nhang trầm mẹ thắp đã toả hương bay trong nhịp mõ cầu kinh tinh sương năm mới. Những cánh thiên di, đang quay đầu trở về trong mùa Xuân, Phật từ bi sẽ không trách chúng ta về tội ưa lạm bàn nỗi đi về cũng như tâm hay vọng động vì tiếng chim cúm núm cuối Đông. Vì chúng ta biết nơi nào có hạnh phúc và thanh thản của con người nơi ấy có Phật. Dưới làn khói hương trầm, bên cạnh cành mai, sát mẹ cha tôi và tiếng cười gia đình trong ngày xuân, tôi thấy Phật.


Anh đã dọn hành lý chưa? Còn tôi thì chào nhé, về đây, tôi có quê hương!



Sắc xuân Hồ Gươm