Trang chủ Diễn đàn Thu hồi quyết định trụ trì do đánh trẻ là dao hai...

Thu hồi quyết định trụ trì do đánh trẻ là dao hai lưỡi?

1322

1. Việc một sư cô đánh trẻ nên bị xử phạt đến mức thu hồi quyết định trụ trì và biệt chúng sáu tháng đang là điểm nóng của thời sự tôn giáo.

Bài viết này không bàn luận đến lỗi của sư cô, không đi sâu xét xem nó nặng hay nhẹ, mà tìm hiểu, dự báo những hệ quả phát sinh từ việc xử lý.

2. Đánh trẻ để giáo huấn (không gây thương tích) so với việc xử lý bằng việc trước hết thu hồi quyết định trụ trì là cách xử lý không phù hợp.

Mức xử lý như vậy tạo nên một tiền lệ đưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào thế ngặt. Đó sẽ là một điểm quy chiếu, một căn cứ để xử lý những “sai phạm” của tăng ni trong tương lai và so sánh, đối chiếu với những sự việc khác cần xử lý.

Đánh trẻ để giáo huấn hiện nay được coi là điều không nên, thậm chí vi phạm pháp luật. Ngoài xã hội, việc người trên trước, ông bà, cha mẹ, chú bác, đánh con, đánh cháu khi giáo huấn được xử lý ra sao? Có đến mức công an xử phạt hành chính không? Còn những nhà sư Phật giáo xử nhau bằng cách thu hồi quyết định trụ trì là ảnh hưởng đến cuộc đời tu học của vị tu sĩ đó?

Vô hình trung, một “án lệ” đã được xác lập. Những lỗi như đánh trẻ để giáo huấn rất dễ xảy ra và cứ theo “án lệ” đã có mà thu hồi quyết định trụ trì. Và rồi những lỗi nhỏ nhặt khác cũng thế?

3. Thu hồi quyết định trụ trì, một hình phạt quyết liệt, cứng rắn, nặng nề như thế ắt sẽ làm các vị trụ trì e sợ. Các vị trụ trì e sợ thì tăng ni cũng e sợ.

Ở Phật giáo Việt Nam, một số không nhỏ tự viện là do tăng ni tự tạo lập và họ được bổ nhiệm trụ trì, tài sản riêng của họ trở thành cơ sở tôn giáo.

Ở những trường hợp bổ nhiệm trụ trì đến với những ngôi chùa đã do những vị tiền gia khai sơn, số đông tăng ni cũng đem tịnh tài cúng dường thông qua sự quản lý của họ để trùng tu, kiến thiết mở rộng. Cho nên, thu hồi quyết định trụ trì làm tăng ni e sợ là điều không có lợi cho tiến trình như trên.

Tăng ni ở thế ngặt thì Giáo hội cũng ở trong tình trạng phức tạp. Khi vị trí trụ trì dễ dàng bị tước bỏ, những tăng ni khai sơn tự viện sẽ ngần ngại khi tham gia giáo hội, đưa tài sản riêng mà mình tạo lập thành cơ sở tôn giáo, họ không còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên họ chỉ còn quyết định trụ trì. Nhưng chỉ vì một lỗi như đánh trẻ để giáo huấn là bị thu hồi, trở thành người ở chúng và có thể chùa của họ tạo lập hay tốn nhiều công sức tu bổ có thể có một trụ trì khác, trong đó có khả năng họ có thể phải ra đi.

Hiện nay, nhiều tăng ni lập am, cốc, thất nhưng không tham gia giáo hội cũng vì lý do đó và cũng có nghe nói đến trường hợp xin ra khỏi giáo hội? Một phần đó là vì lý do như trên? Nay nhìn vào “án lệ” một ngôi chùa tại Quận 4, TPHCM, họ càng e sợ hơn nữa đối với khả năng rơi vào tình huống như vậy, chỉ vì một lỗi như đánh trẻ để giáo huấn. Chỉ một vụ cãi cọ lớn tiếng, hay xô đẩy qua lại gì đó mà bị quay phim tung lên mạng… có thể làm tăng ni bị thu hồi quyết định trụ trì?

Nỗi e sợ đó sẽ trở thành chính vấn đề cho sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc vận động những người xuất gia tu Phật có cơ sở tu hành riêng tham gia giáo hội sẽ trở nên khó khăn hơn?

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đoàn kết tăng ni trên cơ sở tự nguyện, do đó, không nên làm cho người tu hành quá sợ, trong bối cảnh những lỗi nhỏ như đánh trẻ để giáo huấn khó có thể tránh khỏi và dễ bị cường điệu bởi truyền thông mạng xã hội cũng như báo chí vốn nhìn chung không cảm tình với Phật giáo.

4. Hiện nay, có tôn giáo đang điều hành rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non (ở Phật giáo không đáng kể). Ở những cơ sở giáo dục mầm non đó, các nữ tu sĩ phụ trách áp dụng những phương cách giáo huấn rất nghiêm khắc, có truyền thống từ chế độ cũ nhưng được phụ huynh tín đồ tôn giáo đó gửi con em vào học rất ủng hộ. Theo những điều tôi nghe được (chưa thể kiểm chứng) phong cách giáo dục đó gồm truyền thống “thương con cho roi cho vọt/ghét con cho ngọt cho bùi”. Thế nhưng có lẽ do phụ huynh là tín đồ tin cậy, ủng hộ, nên chẳng có vấn đề gì cả?

Còn ở Phật giáo, chỉ một chuyện như vậy mà báo chí đã làm ầm ĩ. Điều này không lạ, vì báo chí vốn đối xử với Phật giáo Việt Nam như thế!

Nay cái cách của báo chí khuếch đại, cường điệu, xoi mói vụ việc được cấp có thẩm quyền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hưởng ứng bằng việc xử lý nặng nề, mạnh tay, thì e rằng, nó lại vô tình quay trở lại tác động một bộ phận báo chí và dư luận xã hội cứ nhằm Phật giáo Việt Nam ra mà tạo hot news, scandal, câu view, và xa hơn, không loại trừ mục tiêu làm mất lòng tin người theo đạo Phật, tạo hoang mang, khủng hoảng, hoài nghi?

Cái mà một bộ phận những nhà báo, vốn không cảm tình với Phật giáo, thậm chí khinh ghét Phật giáo, muốn cải đạo tín đồ Phật giáo sang tôn giáo khác. Không nói ra, nhưng ta có thể suy đoán, là trước những lời quy buộc mà họ đưa ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải chấp nhận và xử lý thật nặng theo ý họ. Bộ phận báo chí đó không phải là cấp trên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng những gì đã xảy ra không thể không làm cho người theo đạo Phật lo ngại?

Chính vì đã có những tiền lệ trước đó, nên bây giờ dẫn đến hệ quả chỉ đánh trẻ để giáo huấn mà bị tước chức vụ trụ trì. Tiền lệ mới diễn ra này lại thúc đẩy những sự việc tương tự?

5. Hiện tượng quay hình lén, ghi âm lén các đối tượng chức sắc, chức việc tôn giáo rồi đưa lên báo, tung lên mạng hầu như chỉ nhằm vào tu sĩ Phật giáo. Điều đó cần được lưu ý khi xử lý những trường hợp liên hệ, mà ở đây là sư cô ở quận 4, sao cho vừa nghiêm minh, nhưng lại không khuyến khích những việc làm phần nào khó có thể chấp nhận? Tăng ni có thấy ức chế hay không khi mình luôn là đối tượng bị theo dõi, ghi âm, ghi hình, để rồi chịu việc xử lý nặng nề?

Ống kính camera, micrô, điện thoại di động đã tạo nên một áp lực nặng nề cho ngay chính các quan chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cho nên, cứ mà xử thật nặng để đối phó, làm vừa lòng những người rình rập quay hình, ghi âm các tu sĩ Phật giáo hay lấy lòng một bộ phận dư luận trong phút chốc có thể tạo nên áp lực lớn hơn nữa lên toàn thể tăng ni đối tượng quay phim, ghi hình từ chú điệu mới cạo tóc đến đại lão hòa thượng? Việc ra tay bấm máy ghi âm, quay hình càng được làm lớn chuyện, câu được nhiều view càng nhiều người làm, mọi lúc mọi nơi. Trong bối cảnh như vậy thì việc tu hành sẽ biến dạng? Câu hỏi còn đặt ra là tại sao báo chí, mạng xã hội chỉ nhằm vào Phật giáo, vào chùa chiền? Là vì như vậy đó?

Video clip, audio clip nhằm vào các tu sĩ Phật giáo trong tay họ sẽ là giông, là bão, là sấm, là sét, khiến Giáo hội Phật giáo Việt Nam kinh động, họp nhanh, xử nặng? Nếu họ cứ thế làm tới, thì hậu quả sẽ ra sao?

Xử lý sai phạm đương nhiên là cần thiết, nhưng cần có quan điểm nhân duyên cái nhìn toàn diện, để không tạo nhân, tạo duyên cho những vấn đề khác.

MT