Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Thực hành liên tục sẽ làm sâu sắc thêm hiểu biết

Thực hành liên tục sẽ làm sâu sắc thêm hiểu biết

129

 

Thiền sinh: Thưa thầy, con thường cảm thấy có sự phản kháng lại, không muốn làm cái việc thẩm tra, quán xét đó. Con rất bận rộn vì phải luôn cố gắng chánh niệm và luôn sợ mình bỏ qua mất điều gì đó nếu con cứ bỏ công thẩm tra các kinh nghiệm như vậy. Con cảm thấy mình không có thời gian để làm việc đó. Có thể có chút tâm tham nào trong đó chăng? 
 
Thiền sư: Chỉ cần làm những việc quan trọng và bỏ qua những việc không quan trọng khác. Bạn để tâm mình rộng mở và thâu nhận chỉ khi nào tâm đã có sự quân bình, buông xả. Nhưng khi bạn đang trải qua một cảm xúc mạnh, thì hãy dành hết năng lượng để đối phó với chúng; đó chính là việc quan trọng trước mắt – bỏ qua tất cả những gì đang xảy ra. Nếu bạn bỏ qua việc thẩm xét cảm xúc đó mà cố theo dõi những thứ khác đang diễn ra, thì nó vẫn cứ còn ở bên trong tâm bạn. Khi có cơ hội, cảm xúc đó sẽ lại nổi lên và gây ra rất nhiều rắc rối cho bạn. Chức năng của chánh niệm là nhận diện mọi thứ đang diễn ra trong tâm. Trí tuệ quyết định cái nào là cái cần phải giải quyết. 
 
Thiền sinh: Vậy thì có nghĩa là con vẫn chưa có đầy đủ trí tuệ? 
 
Thiền sư: Bạn cần phải cho mình thêm thời gian. Hãy đi chậm chậm thôi, vừa đi vừa cảm nhận con đường của mình qua những gì đang diễn ra. Hãy cố gắng thấu hiểu và thu thập càng nhiều thông tin càng tốt [2]. Mỗi khi bạn cảm thấy có một vấn đề cần phải nhìn vào, hãy thẩm tra và quán xét nó. Những gì diễn ra trong tâm lúc đầu thì có vẻ như rất hỗn loạn. Bạn cần nhìn đi nhìn lại cùng một vấn đề đó nhiều lần và từ nhiều góc độ khác nhau. Khi chánh niệm liên tục hơn, tâm bạn sẽ trở nên định tĩnh hơn và bạn sẽ bắt đầu hiểu được vấn đề nào là quan trọng, vấn đề nào không.
 
Chú thích: [2] Đây là thông tin về các tiến trình thân tâm đang diễn ra mà hành giả thu được bằng chánh niệm- ND 
 
Thiền sinh: Có nghĩa là con chỉ cần tiếp tục kiên trì thực hành như thế phải không ạ? Thế nếu chỉ kiên nhẫn luôn tự nhắc mình chánh niệm, dù bất cứ việc gì xảy ra, thì tâm con có trở nên tĩnh lặng và bắt đầu có hiểu biết được không? 
 
Thiền sư: Có. Mức độ hiểu biết phụ thuộc vào trình độ tu tập của bạn, phụ thuộc vào việc bạn đang thực hành miên mật như thế nào. Lúc đầu bạn phải cần rất nhiều chánh niệm để xây dựng nên nền móng. Vì tự chúng ta chưa có được những hiểu biết của chính mình nên bạn cần phải dựa vào những nguồn thông tin trợ giúp bạn trong quá trình thực hành. Sau một thời gian thực hành chúng ta sẽ bắt đầu có được một chút ít hiểu biết, một chút ít trí tuệ.
 
Miễn là bạn tiếp tục duy trì thực hành đều đặn thì vẫn có thể giữ được mức hiểu biết này. Nếu không thực hành nhiệt tâm, hết mình mà chỉ lúc có, lúc không thì mức độ hiểu biết sẽ không tăng trưởng và chúng ta cũng không giỏi giang hơn được một chút nào. Trong trường hợp bạn ngừng thực hành, tâm si sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại. Nếu xao lãng thực hành cả một thời gian dài, tâm si sẽ bao trùm trở lại, che lấp tất cả những gì bạn đã từng hiểu biết trước kia.
  
Song nếu bạn chăm chỉ thực hành liên tục, chúng ta sẽ tiếp thu được thêm những hiểu biết và tuệ giác nho nhỏ như vậy. Nếu chúng ta luôn duy trì và tiếp thêm sức sống cho chúng một thời gian dài, chúng sẽ trở nên liên tục đến mức vận hành đồng thời cùng với chánh niệm. Một khi trí tuệđã song hành cùng chánh niệm, nó sẽ tiến lên tới một trình độ hiểu biết cao hơn. Chúng ta sẽ có được những tuệ giác lớn hơn nữa. 
 
Những hiểu biết ở trình độ cao hơn này có cuộc sống riêng của chúng và cũng có năng lực lớn hơn. Chúng sẽ không phụ thuộc vào chánh niệm nữa. Một khi bạn có được những tầng tuệ giác đó, chúng sẽ luôn luôn có mặt, mọi lúc mọi nơi; trí tuệ sẽ luôn luôn hiện diện. Đến giai đoạn này, chánh niệm sẽ lùi lại phía sau, có thể nói như vậy, và sẽ đóng vai trò thứ yếu. Nó sẽ vẫn luôn có mặt bởi vì trí tuệ sẽ không thể tồn tại nếu không có chánh niệm, nhưng đến lúc này, trí tuệ đã bắt đầu có cuộc sống riêng của chính nó. Chánh niệm sẽ tiếp tục nuôi dưỡng trí tuệ và hiểu biết của chúng ta ngày càng lớn mạnh. Ở trình độ này, tâm bạn sẽ luôn luôn biết phải làm gì, và một điều nữa là sự thực hành trở nên vô cùng thật dễ dàng đến mức bạn chẳng cần phải có chút cố gắng nào nữa. 
 
Thiền sinh: Vâng, con thấy điều này là có thể đạt được nếu mình sống trong cộng đồng những bạn đồng tu. Theo con thì con cho rằng chắc mọi người cũng đồng ý như thế thôi ạ. Con cảm thấy rất khó để thực hành miên mật được trong cuộc sống ngoài xã hội hiện đại ngày nay. 
 
Thiền sư: Ngày hôm qua cũng có một thiền sinh nói về vấn đề này. Anh ấy kể với tôi rằng anh thấy rất dễ chánh niệm trong mọi việc đang làm và luôn giữ được cái tâm quân bình, tĩnh lặng, nhưng khi phải ở cùng người khác, anh thấy rất khó giữ chánh niệm. Tôi chỉ ra cho anh ta thấy rằng điều khác nhau giữa hai hoàn cảnh đó chẳng qua là khi ở một mình thì tâm anh “quay vào trong”, trong khi ở cùng người khác thì tâm anh “hướng ra ngoài”. Nếu bạn chỉ tập trung hết “vào trong” thì sẽ không giao tiếp được với “bên ngoài”, nhưng nếu bạn hướng hết “ra ngoài” thì bạn lại không thể biết mình được. Bạn cần phải học cách làm cả hai thứ một lúc, và điều này cần phải có cả một quá trình thực hành. 
 
Thiền sinh: Con hiểu những điều thầy vừa nói, nhưng cái thế giới “ngoài kia” nó quá khác biệt so với môi trường của thiền viện và con thường bị cuốn vào đủ mọi thứ một cách rất nhanh chóng. 
 
Thiền sư: Tại sao bạn lại tự cho phép mình bị lôi cuốn như thế? Sự thực thì chẳng có ai lôi chúng ta cả, chẳng qua là cái tâm của bạn muốn nhào vào trong đó thôi. Ai quan trọng hơn, người ngoài hay chính bản thân mình? 
 
Thiền sinh: Dạ thưa, chính mình ạ. 
 
Thiền sư: Bạn chú ý ra “bên ngoài” là bởi vì bạn vẫn nghĩ nó là quan trọng đối với mình.Nếu tâm mình là thực sự quan trọng đối với mình, thì mình phải luôn lưu ý đến nó và chăm chút nó. Bạn phải luôn kiểm tra lại các trạng thái tâm của chính mình, trong tất cả mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Điều gì là quan trọng hơn, với nói chuyện với người khác hay cái tâm của bạn? 
 
Thiền sinh: Dạ, tâm mình quan trọng hơn. 
 
Thiền sư: Đúng vậy, bạn phải luôn lưu ý đến tâm mình trước rồi mới giao tiếp với người. 
 
Thiền sinh: Dạ, để thực hành được điều này quả là một thử thách lớn, nhưng chắc cũng sẽ rất thú vị để xem những gì sẽ xảy đến. 
 
Theo: Chỉ mới chánh niệm thôi thì không đủ
Người dịch: Tỳ kheo Tâm Pháp