Trang chủ Thời đại Xã hội Thực hiện chương trình Phật hóa gia đình

Thực hiện chương trình Phật hóa gia đình

100

A/. ĐẶT VẤN ĐỀ:

1/. Phật hóa gia đình một thực tế không những giới lãnh đạo Phật giáo và người Phật tử đang ưu tư, suy nghĩ; mà cả những gia đình có tín ngưỡng truyền thống thờ ông bà tổ tiên thôi, cũng hết sức băn khoăn lo nghĩ đối với con cháu của họ. Đây là một thực tế mà hơn 50 năm trước, công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà đã được đề cập, khi văn hóa phương Tây ồ ạt theo chân thực dân xâm nhập và phá vỡ truyền thống văn hóa dân tộc, sứ mạng lúc bấy giờ tuy có khác ngày nay, song chung quy chỉ là một. Thời kỳ hội nhập thì sứ mạng ấy sẽ phải theo hướng phát triển?

 2/. Nhận định trước vấn đề Phật hóa: Trước hết phải giải quyết tận gốc về nhận thức, chúng ta phải thực sự nhìn thấy nỗi đau này là của đạo pháp, của dân tộc mình; sau đó mới chia sẻ nỗi đau này với tín đồ, với các gia đình tín ngưỡng truyền thống dân tộc, bấy giờ chúng ta mới có sự quyết tâm.
 
Hòa thượng Thích Thiện Hoa đã từng nói: “Người đời thường nói một cách hời hợt cho qua chuyện: – "Ðạo nào cũng tốt!” Lời nói ấy, hoặc vì xã giao để cho vui lòng khách, hoặc vì chưa rõ bề trong của các Ðạo khác nhau thế nào, nên mới nói ra như thế. …” [1]
 
Thực trạng trong xã hội ngày nay, thậm chí người đại Phật tuyên dương chánh pháp, lại thiếu tính dứt khoát giữa quan điểm giữ đạo và bỏ đạo, và cho rằng đạo nào cũng tốt! lại nữa, chúng ta vẫn sử dụng những gia đình thiếu thuần túy Phật giáo vào hàng ngũ lãnh đạo cơ sở, thì đâu là cái gương cho quần chúng Phật tử soi vào!
 
Hàng Tăng sĩ không nở bỏ một Phật tử, thì người làm cha làm mẹ không thể từ bỏ con, khi người con ấy không cúng lạy ông bà tổ tiên, không ăn vật thực cúng tổ tiên ông bà. Chỉ ở dạng tín ngưỡng truyền thống dân tộc thôi đã là một mâu thuẫn, rất lấy làm khó chịu đối với bậc làm cha làm mẹ trước bà con, hàng xóm; chứ chưa nói đến những gia đình gọi là thuần túy tín ngưỡng Phật giáo, người làm cha, làm mẹ khổ đau thế nào khi trong cộng đồng nhỏ của mình có một người con đi ngược dòng tâm linh!
 
 
Quang cảnh buổi hội thảo HDPT tại Tây Nguyên – 2009
 
Vào những năm 30 của thế kỷ trước, chỉ có nguồn văn hóa phương Tây, theo chân thực dân tràn vào nước ta, xã hội Việt Nam đã một lần điên đảo. Tuy nhiên, trước mắt người dân Việt bấy giờ, phải trái dễ thấy gốc rễ không khó phân. Đối tượng mang lại rõ ràng là những người theo chân kẻ thù xâm lược, sự phân hóa đạo đức thấy rõ. Trước nỗi đau mất nước, trước xu thế bạo lực cường quyền làm đảo lộn văn hóa tín ngưỡng dân tộc. Phật giáo Việt Nam đã một lần vươn vai cùng dân tộc, giữ gìn – bảo vệ đức tin truyền thống bằng chất liệu có sẵn là lòng yêu nước, giữ vững giống nòi; đề xướng gia đình Phật hóa mà hậu thân của nó ngày nay là gia đình Phật tử.
 
Một trong những tiêu chuẩn của gia đình Phật hóa bấy giờ là gia đình, từ cha mẹ đến con cái không có người ngoại đạo. Trong dân gian còn truyền tụng: “cây bình linh lá cũng bình linh, anh ngoại em đạo đọc kinh khó lòng”, để chống lại ý đồ đồng hóa tín ngưỡng của kẻ thù, khi họ mơn trớn vỗ về: “cây bồ đề lá cũng bồ đề, anh ngoại em đạo không hề gì đâu” thật là tinh vi, xảo trá! Chính sự tinh vi ấy đã ăn sâu tận ý thức một số tăng sĩ và cả các gia đình Phật giáo truyền thống cho đến ngày nay.
 
Trước thời kỳ hội nhập, sự lôi cuốn từ văn hóa đa phương, đa dạng lại càng phức tạp hơn, chủ trương cải đạo lại càng tinh vi hơn. Ngày xưa vì đói nghèo mà phải bỏ đạo. ngày nay, ngoài việc đói nghèo, con người còn có thể vì “sang” mà bỏ đạo. Chúng tôi muốn nói đến sự tinh tế của mọi sự lôi cuốn có chủ trương và biện pháp, có phương tiện và không ngại khó khăn. Nói cách khác, một bên là cố ý và một bên là vô tình; trước tiên đó là do tư tưởng “tri túc”  và cũng là cội rễ xuất phát từ chủ nghĩa tự nhiên.
 
3/. Đối tượng tiếp nhận và chuyển hóa: Đây là hai thực thể trực tiếp của vấn đề Phật hóa, con cái trong gia đình và bậc cha mẹ. Cha mẹ có hiểu đạo, có sống đúng tinh thần Phật giáo thì tất nhiên tác động đến nhận thức của con cái và mới có thể hướng con cái đi đúng với tín ngưỡng gia đình; lứa tuổi cần được hướng dẫn trong một gia đình Phật hóa.
 
B/. XÂY DỰNG PHẬT HÓA GIA ĐÌNH:
Cư sĩ tại gia là một bộ phận lớn trong thất chúng của Phật giáo. Thời Phật tại thế, Ngài rất chú trọng đến cuộc sống gia đình và mối quan hệ giữa vợ chồng, con cái của những người Phật tử. Vì vậy, có nhiều kinh điển đề cập đến vấn đề hôn nhân, mang thai, sinh con, dạy con, .v.v… (Kinh Thiện Sanh)
 
Tại hội thảo hôm nay, chúng tôi xin góp nhặt những gì mà chư Phật, chư Tổ đã truyền dạy, chư thiện hữu tri thức đã đề cập đến.
 
 
ĐĐ. Thích Hải Định – Trưởng BHP tỉnh Đăk Lắc trong lễ khai mạc khoá tu cho giới trẻ được tổ chức Tại chùa Phổ Minh -TP. Buôn Mê Thuột
 
1/. Cảm hóa gia đình: Những người gần nhất các thành viên trong gia đình, là cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái. Tuy mỗi người có quyền tôn thờ một lý tưởng riêng, nhưng trong gia đình mà tín ngưỡng tâm linh khác nhau là nguyên nhân khiến tình thương mờ nhạt. Tình cốt nhục muốn được sâu đậm thiết tha thì anh em phải chung thờ một lý tưởng. Nếu người thân chưa biết Phật giáo người Phật tử nên hướng dẫn đến với đạo. Nhưng trước tự bản thân mình phải theo, sống đúng thực hành lời Phật dạy, sống bao dung, hòa ái, mẫu mực, v.v… Những nét cao đẹp nơi ta sẽ chuyển hóa tâm hồn người thân ta hướng về Phật giáo, đó cũng chính là đem lại tình thương và hạnh phúc cho gia đình. Đó là:
 
– Giới thiệu đến người thân của mình giáo lý căn bản của đạo Phật một cách nhẹ nhàng qua mỗi lần nói chuyện.
 
– Sống tích cực theo tinh thần Phật giáo bạn sẽ tạo được uy tín và sức thuyết phục người thân khi mình đem giáo lý ra bàn luận với họ.
 
– Áp dụng tinh thần “Lục Hòa”, “Tứ nhiếp pháp” để thu phục người thân theo mình và tức là theo đạo Phật. Áp dụng năm giới như 5 điều kiện sống an lạc.
 
– Hành trì nghiêm mật pháp môn của mình để đem công đức đó hóa giải thành kiến của người thân về đạo Phật.
 
Người con thương cha mẹ không gì hơn khuyên cha mẹ hướng về đạo đức. Nếu cha mẹ đã Quy Y Tam Bảo, người con phải tạo những trợ duyên tốt cho cha mẹ tiến lên trong việc đạo đức. Nếu cha mẹ chưa biết Phật pháp, người con cố gắng khuyên giải và tự mình thể hiện những cái đẹp Phật giáo để cha mẹ trông thấy cái hay mà trở về đạo pháp.
 
 
Chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo tỉnh tham dự một lớp học hè dành cho giới trẻ tại Đăk Lắc
 
2/. Giáo dục con cái: Nhiều người cho rằng để cho con cái tự chọn niềm tin tôn giáo sau khi nó lớn khôn. Điều này không thật đúng hoàn toàn. Chúng ta phải biết xây dựng niềm tin, tín ngưỡng cho con cái ngay lúc còn nhỏ, đó là bổn phận và nghĩa vụ của cha mẹ, cũng là báo đáp công ơn của tiên tổ, giữ vững truyền thống gia đình, nuôi dưỡng và bảo vệ gia đình huyết thống.
 
Con cháu trong nhà, người Phật tử phải khéo huấn luyện dạy dỗ chúng những gương hay hạnh tốt trong Phật giáo, tâm từ bi cứu độ chúng sinh của chư Phật, Bồ tát. Khiến chúng thấm nhuần Phật giáo từ thuở bé, lấy pháp Lục hòa mà ăn ở cư xử với nhau thành nếp hòa thuận, tin yêu, dạy con biết đi chùa, lễ Phật, hun đúc cho con lòng thương yêu ngay từ tấm bé, biết nhân quả thiện ác, v.v… Dành cho con càng nhiều thời gian càng tốt, bởi như vậy con nhỏ mới có thể trưởng thành khỏe mạnh về cả thể xác lẫn tinh thần.
 
Lại nữa, dạy con ngay từ trong bụng mẹ, điều này đối với triết lý duy thức của Phật giáo đã có từ ngàn xưa. Đó là “huân Bát nhã chủng tử”. Trong lúc mang thai phải nghĩ rằng mình đang mang trong mình vị "tiểu Bồ tát", trong khi mang thai phải thường niệm Phật, thường chiêm ngưỡng hình tượng chư Phật, chư Bồ tát, thường nghĩ đến lòng từ bi và công hạnh cứu thế của Bồ tát, như vậy sẽ rất tốt cho thai nhi. Mặt khác, còn phải biết giữ cho tâm khí luôn an hòa, vì mọi ý niệm, cử chỉ, hành động và lời nói của mình đều sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Đây là việc làm của cả vợ lẫn chồng, của cả gia đình.
 
 
Lễ khai mạc trại họp bạn Tây Nguyên – 2009 của PBHD GĐPT TW
 
3/. Kết hôn và đời sống vợ chồng:
 
Việc kết hôn của đôi trẻ là xây dựng Phật hóa gia đình, từ một gia đình để đi đến việc xây dựng Phật hóa gia đình trong xã hội. Trong xã hội ngày nay, các bậc cha mẹ, ngoài nuôi dưỡng, dạy dỗ; khi con đến tuổi vị thành niên, thì cha mẹ còn đóng vai trò như là người bạn, nhà tư vấn trên bước đường công danh sự nghiệp và cả về hôn nhân.
 
Đầu tiên là phải xây dựng nhận thức chung về hôn nhân, đó chính là sự quan tâm lẫn nhau, kính trọng lẫn nhau, nhường nhịn nhau, phải thương yêu và tương kính lẫn nhau, tuyệt đối tin tưởng và trung thành với nhau, hiểu biết và tha thứ cho nhau. Bởi đây là một trong những điều kiện quan trọng trong việc xây dựng đời sống hôn nhân tốt đẹp theo mô hình Phật hóa gia đình vậy; xem nhau là bạn đồng tu, là thiện hữu tri thức của nhau, nâng đỡ, dìu dắt nhau để cùng nhau trưởng thành và tiến bộ.
 
Kết hôn chỉ là một việc đơn giản, nhưng cuộc sống gia đình mới là chặng đường dài phải đi ở tương lai, từ đó mối quan hệ giữa hai gia đình, trong xã hội càng mở rộng và thay đổi. Hai người vốn xuất thân từ hai gia đình, hai hoàn cảnh khác nhau, nên khi về sống chung phải biết bao dung lẫn nhau, hoàn thiện nhân cách cho nhau. Đối với vợ hoặc chồng, người Phật tử áp dụng tinh thần Phật giáo cư xử trong gia đình khiến vợ hoặc chồng cảm thấy Phật giáo đem đến cho gia đình sự an lạc, vững chãi trong cuộc sống. Khi vợ chồng có cùng niềm tin tôn giáo, khi gặp khó khăn rắc rối trong cuộc sống chung, hai người cùng cầu nguyện để có được nghị lực và trí tuệ đối mặt và giải quyết khó khăn. Lấy tinh thần “Tứ Nhiếp” cảm hóa nhau, lấy tình thương và đạo lý để dạy dỗ con cái. Đây là nghĩa vụ và thái độ cần phải có trong quá trình hôn nhân.
 
C/. Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ:  Từ một số thực tế và những nhận định trên, phương thức triển khai và thực hiện chương trình Phật hóa gia đình theo thiển ý chúng tôi tại hội thảo nầy mấy ý kiến sau:
 
– Cần có sự nghiên cứu về nội dung giáo lý trong công tác hoằng pháp, giáo dục và hướng dẫn Phật tử, kết hợp với bước phát triển chung cho từng nội dung được thâm nhập về nguồn trí tuệ Phật giáo.
 
– Nghiên cứu chương trình, nội dung giáo lý phù hợp nhận thức, đường hướng thực hiện, phương thức sinh hoạt tu học phù hợp cho từng độ tuổi. Xã hội hóa về hình thức tu học, sinh hoạt, lối sinh hoạt tín ngưỡng trong gia đình. Điều nầy sẽ cởi mở bớt tâm lý cho lớp trẻ, khiến họ dễ dàng gần Phật, gần chùa, đặc biệt tạo tâm lý hội nhập thoải mái trong sinh hoạt lễ hội Phật Giáo.
 
– Gia đình hóa cách sinh hoạt tín ngưỡng Phật: ăn chay, đi chùa, lễ Phật, quy y Tam bảo, nghiên cứu học tập giáo lý, ứng dụng lời Phật dạy làm điều kiện sống an lạc vào cuộc sống.
 
– Các buổi giảng phải được phân bổ và phục vụ cho từng đối tượng, từng độ tuổi; các buổi lễ cũng cần dành cho lớp trẻ những thời gian và cách thức hành lễ phù hợp thông qua đó hướng tâm linh chúng sát với hình thức của chúng, đồng thời những lời khuyên bảo, giúp các em cảnh giác trước những vấn đề phức tạp, bức bách trong xã hội.
 
     Xây dựng tạo tủ sách Phật học như tủ sách học làm người tại mỗi gia đình, góc dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng, v.v… nhân rộng mô hình thư viện sách nói tại các tự viện trung tâm.
 
 
 Một lớp học hè dành cho giới trẻ được tổ chức tại chùa Nam Thiên – TP Buôn Mê Thuột
 
Tóm lại:  Giới luật Phật đánh thức tự giác, vì vậy, tổ chức Phật Giáo không thể đề ra những biện pháp cấm ngăn. Nhưng người hướng dẫn nên có những khuyên nhủ bảo ban. Phật Tử cốt cán trong gia đình phải được học Phật, hiểu giáo lý một cách đúng đắn.
 
     Cần cho Phật tử thấy cái nguy hại của các luồng văn hóa tư tưởng cũng như chủ trương lũng đoạn của các thế lực ngoại đạo.
 
Từ việc xây dựng Phật hóa gia đình, lấy trí tuệ và lòng từ bi của chư Phật, Bồ tát làm đối tượng học tập trong cư xử gia đình, nâng cao phẩm cách của chính mình, từ đó hoàn thành việc Phật hóa gia đình, ảnh hưởng đến người thân, bạn bè và xã hội, xây dựng Tịnh độ tại trần gian.
Người Phật tử phải tự mình làm cao đẹp Phật giáo để người thân cùng chuyển hướng theo. Hương vị đạo đức từ cá nhân thấm dần vào cả gia đình, rộng ra đến xã hội ./.
 
 [1]Phật học phổ thông, tập 1. Nxb Tôn giáo, 2008; tr. 11
 
Tham luận của ĐĐ. Thích Hải Định –  Trưởng Ban Hoằng Pháp tỉnh Dak Lak , dự hội thảo HDPT Tây Nguyên & Miền Trung do BHDPT TW tổ chức năm 2009 .