Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Thuyết pháp công cộng: không thể thiếu trong lễ hội Phật đản...

Thuyết pháp công cộng: không thể thiếu trong lễ hội Phật đản toàn dân

83

Cử tọa trong thuyết pháp công cộng là một cử tọa mở, thành phần rộng rãi, cũng có thể là người chưa quy y thọ giới, cũng có thể là người không tôn giáo, cũng có thể là người theo tôn giáo khác.

Thuyết pháp công cộng chỉ có thể tổ chức một cách hạn chế, trong các dịp lễ Phật giáo lớn, mà thường nhất là vào dịp lễ Phật đản.

Ở miền Nam trước năm 1975, thuyết pháp công cộng là một hoạt động quan trọng vào dịp lễ Phật đản, thường được tổ chức tại lễ đài trung tâm vào đêm trước ngày Phật đản, 14 tháng tư Âm lịch.

Khi đó, người viết có lần được tham dự một buổi thuyết pháp công cộng như vậy tại chùa Ấn Quang trong một dịp Phật Đản vào đầu thập niên 1970.

Người viết bài này là một cậu bé được một người mợ đã cao tuổi dẫn đi, nên không thể nào thấy được vị giảng sư, trong khung cảnh người nghe pháp chen chúc nhau suốt một đoạn đường dài trước lễ đài.

Chỉ nghe thấy tiếng Hòa thượng Thích Thiện Hoa, sang sảng trên lễ đài, thu hút cử tọa có đến vài chục ngàn người.

Khi đó là vào cao điểm cuộc chiến tranh Việt Nam, nên đề tài thuyết pháp của thầy là hòa bình và yêu thương, từ bi.

Đã khoảng 40 năm trôi qua, người viết không nhớ được nội dung của bài thuyết pháp, chỉ nhớ từ “hòa bình” được nhắc đến rất nhiều lần.

Điều may mắn là thời gian gần đây các buổi thuyết pháp công cộng đã được khôi phục, trong dịp lễ Phật Đản, cũng như các lễ hội khác của Phật giáo.

Chư tăng ni phật tử tham gia Hội thảo Hoằng pháp tại Kiên Giang vẫn nhắc đến buổi thuyết pháp của Thượng tọa Bảo Nghiêm trước thính chúng hàng chục vạn người.

Trong dịp lễ Phật Đản năm rồi (2010), Thành hội Phật giáo Hà Nội cũng đã tổ chức thuyết pháp công cộng tại lễ đài trung tâm ở quảng trường Cung Hữu Nghị, trung tâm Hà Nội.

Trên quan điểm Hoằng pháp toàn dân do Thượng tọa Bảo Nghiêm đề xướng, thì việc mở rộng đối tượng thuyết pháp ra khỏi giới hạn là người Phật tử trong phạm vi nhà chùa là điều hết sức cần thiết.

Vì vậy, thuyết pháp công cộng là một hoạt động cần được đẩy mạnh trong quá trình triển khai quan điểm đạo Phật toàn dân, hoằng pháp toàn diện.

Lễ Phật đản, với lễ đài được xây dựng ở các quảng trường trung tâm thành phố, các sân vận động…là một cơ hội lý tưởng để tổ chức những bổi thuyết pháp công cộng, thực hiện quan điểm hoằng pháp toàn diện, mọi lúc, mọi nơi, tranh thủ các cơ hội, hoàn cảnh thuận lợi để hoằng pháp, hoằng pháp hướng tới số đông, đến mọi đối tượng.

Đi vào chi tiết chúng ta có thể có phương án sau:

–    Lễ đài Đại lễ Phật Đản nên chọn đặt ở nơi trung tâm thành phố thị xã, có thể thu hút đông đảo người dân đến dự, không phải chỉ riêng Phật tử.

–    Để thu hút đông đảo người nghe thuyết pháp công cộng được tổ chức tại lễ đài trung tâm, có thể vào hai ngày 14 và rằm tháng tư, cũng thể mở rộng hơn nữa từ tuần lễ  phật Đản nếu có thuận duyên tranh thủ mọi cơ hội.

–    Buổi thuyết pháp có thể không kéo dài (vì thuyết pháp cho nhiều đối tượng khác nhau) nhưng có thể xen giữa các chương trình sân khấu hóa để thu hút đông đảo người xem ở mức có thể và giữ chân họ nghe pháp trọn vẹn.

–    Đề tài buổi thuyết pháp, pháp danh vị giảng sư cần được quảng bá rộng rãi,cổ động người đến nghe.

–    Cần quan niệm thuyết pháp (pháp thí) là phương thức bố thí tối thắng nhất trong tam thí (tài thí, pháp thí, vô úy thí), nên làm sao để người được hướng pháp thí càng nhiều thì công đức của việc tổ chức buổi thuyết pháp càng lớn, phước lạc độ ban bố tăng lên nhiều lần.

–    Tổ chức thuyết pháp công cộng không phải là một hoạt động tốn kém, khó khăn mà trái lại, đó là hoạt động dễ dàng và tiết kiệm. Đã có lễ đài, đó chính là pháp, tòa. Đã có mạng âm thanh, ánh sáng phục vụ đại lễ. Chỉ cần cung thỉnh một vị giảng sư, với một bài pháp 30- 45 phút, là đã có được một một buổi thuyết pháp công cộng hoàn hảo.

–    Vận động Phật tử các chùa mời thân hữu, bạn bè, họ hàng cùng đến nghe thuyết pháp, đồng thời với việc xem văn nghệ Phật giáo.

–    Tổ chức mạng truyền hình nội bộ trực tiếp truyền hình để mở rộng nếu cần hơn  nữa không gian của buổi thuyết pháp công cộng.

–     Có thể tổ chức việc giao lưu giữa vị giảng sư và cử tọa dự thính bằng hình thức gửi câu hỏi qua giấy. Vị giảng sư chọn trả lời trực tiếp để tăng yếu tố sinh động, tương tác thu hút của buổi thuyết pháp công cộng.

–    Kỹ thuật tổ chức các buổi thuyết pháp công cộng tại sân vận động do Đức Dalai Lama chủ trì với hàng trăm ngàn người tham dự, có khá nhiều thông tin trên mạng, là những kinh nghiệm có thể học hỏi để tiến đến tổ chức Phật giáo Việt Nam tổ chức những buổi thuyết pháp công cộng ngày càng lớn hơn.

Trước mắt đông đảo tăng ni Phật tử nhiệt tâm hãy cùng nhau vận động quý thầy trong ban tổ chức lễ Phật Đản ở khắp các tỉnh thành xin phép chuyển lễ đài trung tâm từ chùa đến vị trí công cộng.

Nơi nào đã có truyền thống  tổ chức lễ đài Đại lễ phật Đản ở nơi công cộng, trung tâm thị xã, thành phố thì nên duy trì ở địa điểm cũ hoặc tìm các vị trí tốt hơn nữa, để tổ chức thuyết pháp công cộng đạt hiệu quả cao, tuyệt đối không nên lùi lại vào trong khuôn viên chùa, vì làm như thế chắc chắn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động hoằng pháp toàn diện, quan điểm đạo phật toàn dân, đẩy lùi việc thực hiện tinh thần “quần chúng hóa Đại lễ Phật Đản” mà giáo hội đã chỉ đạo cụ thể.

MT