Trang chủ Tuổi trẻ Tin nhắn, gửi thế hệ 8x: Diệu âm Vũ trụ

Tin nhắn, gửi thế hệ 8x: Diệu âm Vũ trụ

68

Câu chuyện sau đây giống như một cái giếng cổ bị che lấp dưới cỏ, qua bao hưng phế của cuộc đời, tình cờ một hôm nào đó có người phát hiện ra. Nhìn xuống đáy giếng sâu, chỉ thấy một lớp xanh rêu hoang phế. Nhưng khi vét sạch giếng, thì kì diệu thay, một khoảng trời xanh mây trắng trong trẻo hiện ra. Như tâm hồn ta qua bao mê loạn của thời đại… ảo… ẩu… ào… ủa… ùa… ụa… úa…, bỗng một ngày trẻ lại, thanh tân.

Ngày xưa, có một vị đại thần bị thất sủng. Vua ra lệnh nhốt ông ta trên tầng chót của một tháp thật cao để trừng phạt, bỏ đói cho đến chết. Vợ ông tìm đến trong đêm tối, hỏi làm cách nào để cứu ông. Ông dặn bà hôm sau hãy trở lại với một cuộn dây thừng, một cuộn dây nhợ, chỉ to, và tơ. Đêm sau bà đến, ông bảo bà cột sợi tơ vào con bọ hung, thoa trên râu của nó một ít mật, rồi để nó trên tường, đầu hướng lên trên. Bọ hung đánh hơi mùi mật ở trước đầu nên cứ bò thẳng lên để tìm mật. Sau cùng nó lên tận tầng chót. Viên đại thần bắt lấy nó và nắm sợi tơ, bảo vợ cột sợi chỉ to vào sợi tơ, kéo lên, nắm lấy sợi chỉ, cứ thế lần lượt kéo sợi nhợ, dây thừng lên. Công việc còn lại thật dễ dàng, ông nắm dây thừng tuột xuống và đào tẩu… 

Kì diệu thay những sợi dây thần! Nắm được một sợi tơ mong manh nhỏ bé, ta kéo được một sợi chỉ, rồi một dây nhợ, rồi ta nắm được một dây thừng to, to hơn cuối cùng ta làm chủ được cuộc đời. Ngày xưa ông Trình Di có một cách luyện tâm như sau: Ông để trên bàn một cái lọ thủy tinh. Cứ mỗi lần làm hay nghĩ một việc xấu thì bỏ một hạt đậu đen vào lọ. Ngược lại, hễ có một việc hay ý nghĩ tốt thì bỏ vào lọ một hạt đậu trắng. Giai đoạn đầu, ông hoảng loạn vì thấy trong lọ đậu đen nhiều quá. Thế là ông hạ quyết tâm tu sửa mình, cố làm và nghĩ cho thật nhiều việc thiện. Sau một thời gian, cái lọ trắng dần và cuối cùng những vết đen chìm mất giữa một màu trắng tinh khiết. 

Mỗi hạt đậu hay một sợi tơ nhỏ, giống như một ý nghĩ, hành vi nhỏ nhặt mà ta làm hàng ngày. Nhưng những cái có vẻ nhỏ nhặt đó dần dần sẽ huân tập vào tiềm thức tạo thành một nếp nghĩ, định kiến; biểu hiện ra một thói quen tốt – xấu, tệ hơn nữa là một dạng nghiện ngập (chất gây nghiện, các trò chơi, hình ảnh, âm thanh… từ đó tinh thần bị lệ thuộc vào: nhu cầu, bản ngã, thần tượng của mình…). Dần dần, một tính cách định hình, tính cách ấy có thể là tốt, lành mạnh hay xấu xa bệnh hoạn. Và, nhân nào quả ấy, ta đã và đang tự tạo nghiệp cho mình. Nói như kinh Phật “Nghiệp lực dẫn ta đi trong luân hồi”. Ta tự tạo ra một số phận cho chính mình chứ không phải từ một quyền năng nào khác ngoài ta. Đúng như câu ngạn ngữ Ấn Độ: “Gieo một hành vi gặt một thói quen; gieo một thói quen gặt một tính cách; gieo một tính cách gặt một số phận”…

Sau khi trốn thoát bằng dây thừng, vị đại quan đào tẩu trên một con thuyền, vượt biển ra khơi. Oái ăm thay, giữa biển cả mênh mông, một cơn bão khủng khiếp nổi lên. Không còn sợi dây hữu hình nào có thể cứu ông. Trong cơn thập tử nhất sinh, ông chỉ còn biết quỳ xuống khẩn thiết niệm danh hiệu Quan thế âm Bồ tát. Và kì diệu thay, sóng yên biển lặng! Con tàu đã vượt qua cơn ách nạn khủng khiếp một cách lạ lùng. 

Những sợi dây trên chỉ là phương tiện giúp ông ta thoát khỏi ngục tù hữu hình, nhưng không thể cứu vớt ông ra khỏi bể khổ trầm luân. Trong cơn khổ nạn, ông ta chỉ còn biết cầu nguyện. Khi ông ta quỳ xuống, cái “ngã” Đại thần đã tiêu tan, không còn một mưu toan phục thù, hay mộng tưởng tranh bá đồ vương nào nữa. Nhất tâm bất loạn, ông hòa nhập vào từng chữ của dòng kinh.Và sự diệu dụng của Danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm đã giải thoát ông qua khỏi kiếp nạn.  

Thưa bạn, câu chuyện trên nghe có vẻ như huyền bí, bạn sẽ hỏi Bồ tát Quán Thế Âm là ai, có tồn tại thật không? Và tại sao, chỉ một câu kinh lại có thần lực phi thường như thế? Thực ra, nếu hiểu Quán Thế Âm như một ngôi vị, một vị thần “bảo hộ” có thể thi ân giáng họa thì thật là ấu trĩ. Và nếu nghĩ lời cầu kinh như là sự cầu mong kiểu thực dụng theo kinh tế thị trường (có kẻ xin và người cho) thì cũng không đúng. Bởi bản chất tâm linh là phải trở thành cái mà chúng ta hướng đến một cách mãnh liệt. Khi ta cầu nguyện với tâm bất loạn thì ta nhập vào câu kinh, và cái ngã nhỏ bé của ta viên dung với toàn thể pháp giới. Danh hiệu Quán Thế Âm là một thần chú diệu dụng, là một siêu năng lượng bàng bạc trong vũ trụ, siêu cảm ứng với những thiện nguyện tha thiết, bất khả tư nghị. Sống với danh hiệu ấy, cần phải có một đức tin tịch lặng thuần khiết (không phải mê tín) thay vì những triết luận ồn ào. Danh hiệu ấy như một mã mặc định siêu liên kết …, như một “thực tại ảo”, nhưng nhiều vấn đề thực tiễn của con người lại có thể được giải quyết nhờ vào đó. Nhờ danh hiệu đó, ta tìm được nghiệm thực của phương trình bậc ba (nhưng mọi so sánh đều khập khiểng!)…