Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Tin Phật, nhưng chối bỏ đạo Phật, bài 1

Tin Phật, nhưng chối bỏ đạo Phật, bài 1

293

Báo Giác Ngộ số 725 (11/7/2014) đã đăng trên trang ruột đầu tiên (trang 3) bài viết rất đáng chú ý, có tựa đề “Thống kê số lượng Phật tử ở Việt Nam”, tác giả Trần Đức. Bài viết ngắn, vì đặt ở vị trí xã luận, nhưng nêu ra một số vấn đề rất quan tâm, đáng để làm ý kiến đề dẫn cho những bài viết có tính chất thảo luận.

Dựa theo bài “Thống kê số lượng Phật tử ở Việt Nam” chúng tôi hướng đến một loạt bài viết có cùng tựa đề “Tin Phật nhưng chối bỏ đạo Phật”, đề cập đến những vấn đề liên hệ đến số lượng tín đồ Phật giáo ở Việt Nam, có liên hệ chặt chẽ đến chấn hưng Phật giáo.

Tựa bài “Tin Phật nhưng chối bỏ đạo Phật” của tôi được đặt theo một khái niệm trong bài của tác giả Trần Đức. Đó là khái niệm “những người có niềm tin Phật giáo” xuất hiện bên cạnh từ Phật tử. Những người có niềm tin Phật giáo nhưng không phải là Phật tử! Tại sao? Vì lẽ đơn giản, họ từ chối nhận mình theo đạo Phật.

Những người này có thể đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, đọc sách Phật, thậm chí am hiểu giáo lý Phật giáo, nhưng vẫn một mực khẳng định không theo đạo Phật.

Số người này rất đông đảo, và chính số lượng đông đảo đó đã dẫn đến kết quả số lượng Phật tử trong Cuộc Tổng điều tra dân số toàn quốc năm 2009 chỉ chưa đến 7 triệu người, một con số thấp kỷ lục, chưa từng thấy.

Bài viết đầu tiên trong loạt bài “Tin Phật nhưng chối bỏ đạo Phật” sẽ khảo sát vấn đề đầu tiên là phản ứng của tăng ni Phật tử Việt Nam trước số liệu Phật tử từ Cuộc Tổng điều tra dân số toàn quốc năm 2009, xem đây là vấn đề dẫn nhập.

Người viết bài thông tin về số liệu chưa đến 7 triệu người theo đạo Phật trong Cuộc Tổng điều tra dân số toàn quốc năm 2009 không ai khác mà chính là tôi. Có những bài viết khác nhau của tác giả Minh Thạnh cùng lưu ý đến số liệu này đăng trên báo giấy Giác Ngộ, trang tin Phật tử Việt Nam và trên blog cá nhân. Sau khi các bài viết được đăng tải, tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

1.    Trước tiên là người Phật giáo Việt Nam, cả tu sĩ lẫn tín đồ, đều ngạc nhiên và ngỡ ngàng trước thông tin này. Trong khi đó, tôi lại nghĩ chỉ là lưu ý lại một việc mà ai nấy đều biết. Cuộc Tổng điều tra dân số toàn quốc năm 2009 được thông tin rộng rãi, mọi công dân đều phải hợp tác tham gia kê khai trả lời. Truyền thống đại chúng, nhất là truyền hình, liên tục thông tin, hướng dẫn kê khai, phản ánh hoạt động điều tra, kê khai đều khắp trên cả nước.

Kết quả Cuộc Tổng điều tra dân số toàn quốc năm 2009 bao gồm nội dung tín đồ tôn giáo được công bố long trọng và rộng rãi, bằng sách in và internet, thông báo đều khắp đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể để kịp thời sử dụng những số liệu mới.

Tôi đọc một số sách, báo đạo Ca tô La Mã, thấy họ đã sử dụng ngay các số liệu trong cuộc điều tra này, đặc biệt chú ý đến số lượng và tỷ lệ người không tôn giáo đã được thống kê. Mặc dù số liệu về tín đồ đạo Ca tô La Mã tại Việt Nam trong Cuộc Tổng điều tra dân số toàn quốc năm 2009 của nhà nước có khác biệt với số liệu mà chính đạo Ca tô La Mã Việt Nam công bố, nhưng HỌ VẪN CÔNG NHẬN VÀ SỬ DỤNG SỐ LIỆU CỦA NHÀ NƯỚC, GHI CHÚ RÕ RÀNG XUẤT XỨ BÊN CẠNH SỐ LIỆU CỦA CHÍNH HỌ.

Thái độ làm việc nghiêm túc và khoa học như thế là rất đáng trân trọng, thể hiện tác phong khoa học đẳng cấp cao, quan tâm đến mọi số liệu từ những xuất xứ khác nhau. Suy cho cùng, họ không thể làm khác hơn thế với trình độ cao về học thuật, được huấn luyện bài bản, và trên hết vì lợi ích chiến lược của đạo Ca tô La Mã.

Thái độ tiếp nhận số liệu thống kê tín đồ đạo Ca tô La Mã của giới tu sĩ tín đồ đạo Ca tô La Mã tại Việt Nam dù sai biệt với số liệu của họ là một thái độ tôn trọng, mang tính chất trí thức, khôn ngoan, và thấy ở đó khả năng lợi dụng với viễn kiến. Họ không băn khoăn nhiều về sự sai biệt, mà con số tín đồ đạo Ca tô La Mã từ thống kê nhà nước ít hơn. Điều mà họ quan tâm là thuận lợi truyền đạo trên một đất nước mà người khai nhận là không tôn giáo rất đông. Có tác giả đạo Ca tô La Mã coi sự khác biệt là đương nhiên trong những cuộc điều tra khác nhau và đề xuất nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn quản lý tín đồ đạo Ca tô La Mã, dù rằng số liệu của họ đều qua quá trình thống kê chặt chẽ và luôn được cập nhật, xác định không phải chỉ bằng giấy tờ, mà còn đối chiếu với quan sát trực tiếp các buổi thánh lễ hàng tuần.

Trong khi đó, khi chúng tôi đưa ra số liệu tương ứng về người theo đạo Phật từ trong Cuộc Tổng điều tra dân số toàn quốc năm 2009, thì hầu như người Phật giáo lại không biết gì hết, cứ như là trên trời rơi xuống.

Một tác giả Phật tử đã viết nhiều bài về Phật giáo Việt Nam, ông Minh Mẫn, đã gọi số liệu đó là “vu vơ”. Nhiều ý kiến khác cũng thế. Hoàn toàn tương phản với hiểu biết và nhận thức của phía trí thức Ca tô La Mã về cùng một vấn đề. Một bên nắm rất rõ vấn đề, khai thác, vận dụng, trích dẫn, nghiên cứu. Còn một bên thì chưa gì coi đó là “vu vơ”, là bịp, là nhằm mục tiêu gây hoang mang.

Tình trạng như vừa miêu tả ở trên cho thấy một lỗ hổng lớn trong hoạt động nghiên cứu về tôn giáo hiện đại của trí thức Phật giáo Việt Nam. Lỗ hổng đó lớn đến nỗi không hề biết đến kết quả điều tra dân số, mà các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu, các tôn giáo đều quan tâm, khai thác, sử dụng số liệu cho những nghiên cứu đặc thù riêng từng ngành.

Nỗi ngơ ngác, không biết gì hết của giới Phật giáo trước sự kiện giá trị nhiều mặt, đặc biệt là về khoa học xã hội như vậy lưu ý giới Phật giáo chúng ta cần gắn bó nhiều hơn nữa với thực tiễn nghiên cứu khoa học của đất nước. Làm những người ngơ ngác, thậm chí kêu lên là bịa đặt, vu vơ đối với những dữ liệu khoa học có giá trị quốc gia, việc tổn thương uy tín học thuật Phật giáo là điều rõ ràng, nhưng trầm trọng hơn, chắc chắn là thiệt hại cho Phật giáo Việt Nam, khi tụt hậu khá xa so với các tôn giáo khác.

2.    Sau giai đoạn ngạc nhiên, ngỡ ngàng, ngơ ngác đã nói ở trên, biểu hiện sự lạc hậu cực đoan về mặt học thuật, phản ứng trên các trang mạng Phật giáo lại rơi vào một cực đoan khác, nhưng cũng đồng thời thể hiện một nét lớn chung, đó là sự hạn chế về trình độ. Khác với phía đạo Ca tô La Mã, vận dụng đúng bài bản nghiên cứu khoa học, là ghi nhận kết quả, trích dẫn đối chiếu, ghi chú rõ xuất xứ, phía Phật giáo lại cho rằng số liệu tín đồ Phật giáo còn chưa tới 7 triệu người là do điều tra không chính xác. Tình hình như thế phát triển là từ việc không biết cuộc điều tra nhà nước, đến phủ nhận kết quả một cách không căn cứ, trước tình thế phải đối phó với số liệu in thành sách, xuất bản rộng rãi, công bố chính thức như một tài liệu quốc gia. Mãi đến bây giờ thì nhiều cây bút Phật giáo mới nhận ra là có quyển sách chính thức và chi tiết đó. Xu hướng phía Phật giáo là phủ nhận sự chính xác, nhưng không đưa ra một cơ sở khoa học đáng tin cậy.

Theo nội dung bài “Thống kê số lượng Phật tử ở Việt Nam” thì dường như đây là lần đầu tiên GHPGVN tiến hành hoạt động này. Đến bây giờ mới tiến hành, thì lấy đâu cơ sở hay một kết quả thống kê khác để đặt lại vấn đề?

Tư duy phủ nhận số liệu tín đồ Phật giáo trong kết quả Cuộc Tổng điều tra dân số toàn quốc năm 2009 được tác giả Trần Đức ghi nhận trong bài “Thống kê số lượng Phật tử ở Việt Nam”: “Trước đây đã có những thống kê chưa chính xác về số lượng Phật tử gây không ít băn khoăn cho nhiều người. Nhất là vào năm 2010 trong một cuộc tổng kiểm tra dân số thì cho thấy có gần 7 triệu người theo đạo Phật (trong tổng số nhân dân cả nước 80 triệu). Từ đó, có những suy nghĩ cho rằng với số lượng người theo đạo Phật theo thống kê ít như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín của GHPGVN”.

Nếu phát hiện hoạt động điều tra của nhà nước liên hệ đến số lượng người theo đạo Phật là chưa chính xác, GHPGVN hoặc tăng ni Phật tử có thể làm đơn theo trình tự khiếu nại, tố cáo đề xuất tiến hành điều tra lại nội dung bị coi là chưa chính xác, nếu có những cơ sở chứng minh thuyết phục về việc chưa chính xác đó.

Cơ quan hữu quan sau khi tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo tất nhiên có trách nhiệm rà soát kiểm tra quy trình điều tra. Vì nếu kết quả số lượng người theo đạo Phật không chính xác, điều này không chỉ ảnh hưởng đến Phật giáo Việt Nam, mà ảnh hưởng còn đến nhiều kế hoạch, chính sách của nhà nước, của các cơ quan liên hệ đến số liệu này. Rất tiếc, đã không có sự khiếu nại, trong khi phản ứng từ dư luận Phật giáo cứ vẫn là không chính xác, nhưng không nêu được căn cứ xác đáng.

3.    Khi tôi viết bài nêu lên số liệu thống kê tín đồ Phật giáo từ một cuộc điều tra đáng tin cậy của nhà nước, mục tiêu của chúng tôi KHÔNG CHỈ DỪNG LẠI Ở CON SỐ GHI NHẬN, MÀ LÀ NHẤN MẠNH ĐẾN QUÁ TRÌNH GIẢM SÚT TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO, ĐỂ LÀM CƠ SỞ VẬN ĐỘNG CHO CUỘC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN ĐẠI. Con số chỉ là các mốc, còn quan trọng là mục tiêu chấn hưng Phật giáo. Khi ấy con số chỉ còn là gợi ý, điều quan trọng là nhìn thấy xu hướng vấn động và so sánh với bối cảnh bức tranh tôn giáo nói chung. Tuy nhiên, sự việc diễn ra có vẻ hoàn toàn khác. Những nhà lãnh đạo Phật giáo đã không thấy ở đây quá trình vận động, xu hướng vận động, đánh giá toàn diện và mục tiêu chấn hưng Phật giáo. Mà cái bộc lộ là sự tự ái, một tình trạng tâm lý đi kèm với sự phủ nhận bác bỏ thống kê của cơ quan có chức năng, có thẩm quyền ở mức quốc gia. Đây là một phản ứng phi lý trí, phi học thuật, mà hoàn toàn cảm tính, chủ quan, tình thế.

Ý kiến được ghi nhận tất nhiên sẽ không phải là chấn hưng Phật giáo, mà là “với số lượng người theo đạo Phật ít như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín của GHPGVN”.
Điều chúng tôi mong muốn là trách nhiệm và hướng giải quyết thì không có. Trái lại, nói đến chuyện uy tín là nói đến quyền lợi. Các nhà lãnh đạo sợ “ảnh hưởng đến uy tín” hơn là sợ ảnh hưởng đến sự sinh tồn của đạo pháp (!).

Để không mất uy tín thì phải cần một số liệu có lợi chỉ cho uy tín nhất thời, có thể không cần cho việc phát triển lâu dài cho Phật giáo. Cuộc thống kê số lượng Phật tử ở Việt Nam mới, do GHPGVN chủ trì sẽ là cách để có một số liệu mới, chỉ cần cho uy tín, mà không cần cho chấn hưng Phật giáo. Con số chỉ gần 7 triệu tín đồ là con số thôi thúc hoạt động chấn hưng Phật giáo, thì bị phủ nhận. Còn con số nào đó có lợi cho uy tín, thì chắc chắn chỉ làm vừa lòng một số người, nhưng không giúp ích cho chấn hưng Phật giáo.

Vì cái yêu cầu “uy tín” đã được nêu ra, nên kết quả cuộc thống kê nào đó do tự Phật giáo tiến hành mặc nhiên đã là chủ quan. Bởi lẽ đơn giản mục tiêu là uy tín là phải làm vừa lòng, đẹp ý mang đậm tính chủ quan. Nếu xuất phát từ động cơ như thế, với tư duy như thế, thì còn thống kê làm gì, mà hãy trở về với liều thuốc an thần 90% dân số Việt Nam là Phật tử. Cứ nói như thế thì có lợi cho uy tín của GHPGVN hay không?

4.    Nhờ cách đặt vấn đề của tác giả Trần Đức, chúng ta được biết: vấn đề “uy tín” GHPGVN do số lượng tín đồ quy định đã bộc lộ thêm một bước nữa tư duy học thuật rất giới hạn của giới Phật giáo

Người lãnh đạo Phật giáo cần thấy thực chất tình hình, cần thấy sự vận động của các xu hướng tăng giảm tín đồ để đúc kết nghiên cứu, vạch ra sách lược, chỉ đạo giải quyết vấn đề. Nếu chỉ quan tâm đến chuyện uy tín là chỉ coi số liệu tín đồ như một vật để trang trí, một cách khoe của, hơn là để giải quyết vấn đề biến thiên số lượng tín đồ, quản lý số lượng tín đồ trong một thế giới ngày càng biến động.

Nhà Phật có một giới quan trọng là giới vọng, tức vọng ngữ. Trong đó, có nói thành không, không nói thành có, ít nói thành nhiều, nhiều biến thành ít, tất cả đều là vọng, đều là phạm giới.

Để không phạm giới vọng, chỉ còn cách là tôn trọng sự thật. Trong chuyện này cũng vậy. Nếu không khiếu nại hoạt động điều tra có sai sót, thì phía Phật giáo trước hết nên công nhận kết quả số lượng tín đồ Phật giáo như thế do nhà nước tiến hành, sử dụng nó (tất nhiên có ghi chú xuất xứ) cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo. Cuộc Tổng điều tra dân số toàn quốc năm 2009 và kết quả của nó là sự thật hiển nhiên, rõ ràng, vì thế, không nên, chuyện có nói không để rơi vào tình trạng phạm giới vọng.

Một giáo hội có uy tín thật sự là một giáo hội có tầm nhìn, can đảm đối mặt sự thật, bản lĩnh đối phó, tích cực giải quyết vấn đề biến thiên số lượng tín đồ. Còn ngược lại là tình trạng cứ tìm lấy những thứ trang trí sao cho vừa mắt, vừa lòng, xênh xang trong ảo tưởng, mà không giúp ích gì cho việc giải quyết.

Bài viết “Thống kê số lượng Phật tử ở Việt Nam” gián tiếp giới thiệu cuộc thống kê sắp tới như là phản ứng đối với cuộc điều tra trước đó. Tức là phản ứng với số liệu mà tôi liên tục giới thiệu. Từ trước đến nay, GHPGVN ít quan tâm đến những thông tin kiến nghị của tôi, dù chỉ là đề xuất xe rước Phật hay phản ứng với những trường hợp xúc phạm Phật giáo, thế nhưng, đến nay, GHPGVN quan tâm đến vấn đề số lượng tín đồ Phật giáo mà tôi nêu ra với xuất xứ, thậm chí còn có kế hoạch thống kê riêng để đối ứng, thì quả là chuyện rất lạ! Tôi vừa mừng nhưng cũng lại buồn. Mừng vì vấn đề mình nêu ra được quan tâm, nhưng buồn hơn vì hướng giải quyết không phải là chấn hưng Phật giáo mà mong một số liệu mới trang hoàng cho uy tín. Con đường chấn hưng Phật giáo Việt Nam hiện đại vẫn còn mờ mịt!

Tôi nghĩ là GHPGVN nên đặt ra yêu cầu với chỉ tiêu cụ thể nâng cao số lượng người theo đạo Phật trong lần Tổng Điều tra dân số toàn quốc tiếp sau, hơn là tìm kiếm một kết quả riêng với yêu cầu chưa gì đã xác định một cách phi học thuật là vì “uy tín”. Nên nhìn vấn đề ở tầm vĩ mô, đại cuộc sau cho giải quyết được yêu cầu phát triển, tạo xu thế gia tăng tín đồ Phật giáo, hơn là chỉ loay hoay với một con số trong thời điểm nhất thời.

Tưởng cũng cần ghi nhận, đây là một trường hợp hiếm hoi, khi kết quả điều tra do nhà nước công bố lại được phía Ca tô La Mã ghi nhận, sử dụng, tham khảo, trích dẫn, công nhận gắn liền với xuất xứ.

Trong khi đó, kết quả tương tự lại bị phía Phật giáo từ hết ngạc nhiên ngỡ ngàng, làm lạ về cuộc điều tra của nhà nước, đến phủ nhận kết quả, cho là không chính xác một kết quả có liên hệ đến nhà nước, do chính nhà nước công bố, thông tin rộng rãi.

Dĩ nhiên là phía Phật giáo nên điều chỉnh xu hướng tréo ngoe này.

Trong các bài sau, chúng tôi tiếp tục đi vào các vấn đề cụ thể như quan điểm của Phật giáo về thống kê tín đồ, tầm quan trọng của thống kê tín đồ, các dạng tin Phật nhưng từ chối bỏ Phật giáo cũng như nguyên nhân và cách giải quyết…, trong đó bao gồm những vấn đề nóng của Phật giáo như tâm lý “bài” Phật giáo, mặc cảm Phật giáo, tâm lý ác cảm tăng ni, tâm lý “Lan và Điệp”…

(còn tiếp)

MT