Trang chủ Thời đại Tình yêu của Phật & buông xả

Tình yêu của Phật & buông xả

Phật giáo là cuộc cách mạng nhận thức đầu tiên của nhân loại làm lật nhào tri kiến của con người đã đóng đinh suốt ngàn năm trong óc não.

128

Phật giáo mang đến cho ta những bài học sơ đẳng nhưng lâu bền và phổ quát. Một câu hỏi căn bản đặt ra cho người học Phật là: Phật dạy điều gì? Có quá nhiều thứ, nhiều tới nỗi dễ khiến ta lạc đường, dễ khiến ta không biết đâu là đường đi lối về.

Phật giáo quan niệm rằng đời sống là khổ, mà nguyên nhân của khổ là do ngu dốt (vô minh), hết ngu dốt thì hết khổ – gọi là đạt được trí tuệ giải thoát, bước ra khỏi tất cả những ưu não bị gây nên bởi mê lầm. Chính vì một cái nhìn như thế, Phật giáo dồn toàn bộ giáo pháp vào việc “phá mê khai ngộ” – đập tan những tà kiến lầm lạc để đạt tới sự thấy biết chân thật, gọi là giác ngộ chân lý.

Từ sự quán xuyến này, tình yêu trong Phật giáo (từ bi) không bao giờ được hiểu và thực hành bằng những sự dung túng, ủy mị, hay thương cảm kiểu “nữ nhi thường tình”. Phật dồn toàn bộ cuộc đời mình vào việc chỉ ra những tà tri tà kiến đã huân tập đời đời kiếp kiếp trong mỗi cá nhân để dẫn dắt họ đến với ánh sáng của chánh kiến.

Trong “Lục độ ba la mật”, tức sáu pháp tu hành để đạt tới hạnh phúc thì “bố thí” đứng đầu. Trong bố thí thì bố thí pháp là nhất. Bố thí pháp tức “cho đi sự hiểu biết”, chia sẻ tri thức, và hướng dẫn con đường đạt tới sự hiểu biết chân chính. Phật giáo lấy hiểu biết làm tông chỉ, “duy tuệ thị nghiệp”. Mọi hạnh nguyện trong cửa Phật chỉ có một điều: hiểu biết. Tất cả “tám vạn bốn ngàn pháp môn” cũng chỉ nhằm để đưa tới cái trí tuệ này mà thôi.

Giàu cũng khổ, địa vị cũng khổ, tình ái cũng khổ, chỉ có nhìn ra bản chất của vạn hữu là đạt được hạnh phúc. Vì thế, Phật giáo không dạy kiếm tiền, không dạy tìm danh, không dạy sở hữu, không dạy về bất tử. Nhát búa sấm sét đầu tiên mà Phật giáng xuống nhân gian là “chúng mày ngu lắm”: Vô minh sinh ra tất cả. Cả một chuỗi “12 nhân duyên” được khởi động bởi “vô minh”, từ vô minh mà kiến lập trùng trùng những giả ảo. Phật không vỗ về, không nỉ non, không sướt mướt; Phật tấn công trực diện vào thành trì kiên cố nhất của chúng sinh – sự ngu dốt, bằng một thứ ngôn ngữ từ tốn nhưng đanh thép và không khoan nhượng. Bài pháp đầu tiên đức Phật thuyết sau khi giác ngộ là Tứ diệu đế (Bốn sự thật cao quý): Khổ, tập, diệt, đạo (khổ, nguyên nhân của khổ, trạng thái hết khổ, và con đường thực hành để ra khỏi khổ đau).

Phật giáo là cuộc cách mạng nhận thức đầu tiên của nhân loại làm lật nhào tri kiến của con người đã đóng đinh suốt ngàn năm trong óc não. Nó khai phát để đưa con người về trước một trạng huống nhân sinh mới, làm chấn động tâm can, làm lay chuyển những ảo tưởng, làm sụp đổ những giả lập.

Trong “Lăng nghiêm” và nhiều kinh điển khác, các học trò của Phật đã nhiều lần khóc như những đứa trẻ vì tình trạng trớ trêu của họ: vô sản. Lần đầu họ thấy ra mình chẳng có gì ngoài những ảo tưởng. Họ sợ hãi và hoang mang. Có gì đau đớn hơn khi một đời “tích cóp” bỗng chốc tan thành mây khói hư vô. Bao nhiêu tư lương tri kiến bị đánh sập trong chốc lát, họ rơi vào trạng thái chân không đầy hoang mang sợ hãi.

Nhưng Phật không vì thế mà né tránh. Cần phải phơi trần ra “tấn trò đời” đáng thương ấy. Chính vì thế, Phật giáo không phải nơi dành cho những tâm hồn yếu đuối; Phật giáo chỉ thuộc về những người dũng mãnh can trường. Những ai không chịu được mũi nhọn của sự thật trần trụi đau đớn thì không thể bước vào.

Cái mà Phật hủy diệt trong chúng sinh có thể hình dung như việc phá bỏ bệnh thành tích trong giáo dục vậy. Thành tích là một thứ hư danh, nhưng người ta lại đói khát chúng. Không có thành tích thì người ta không biết sống bằng gì và sống ra sao. Người ta cần thức ăn cho linh hồn bằng những ảo tưởng và dối lừa, dối lừa chính mình và dối lừa tất cả. Cả một hệ thống dối trá để nuôi nhau trong một ảo ảnh vô biên vô tận. Đó là một loại “thực phẩm bẩn” của giáo dục và xã hội. Nó có cơn cớ sâu xa trong tham dục – thứ được khởi đi bởi sự ngu si.

Ai có đủ dũng khí để từ bỏ? Rất hiếm, ngay cả ở những người chống bệnh thành tích quyết liệt nhất. Con người bị nô lệ bởi ánh mắt của kẻ khác. “Tha nhân là địa ngục ” – Jean Paul Sartre, triết gia người Pháp từng nói.

Một tình yêu chân thật bao giờ cũng cần dũng khí. Những ai dám “nhìn thẳng, nói thật” là đang thực hành lòng từ bi một cách chân chính. Tình yêu không phải thuốc giảm đau, càng không phải thuốc tê. Những ai tới chùa để “nương nhờ” trốn chạy, chính là kẻ phản đồ. Trong tình yêu của Phật giáo không có chỗ cho khoan nhượng và dung túng đối với sự dốt nát.

Tất cả những điều ấy, chỉ nhằm một mục đích: xây dựng một cuộc đời tốt lành cho tất cả dựa trên trí tuệ. Và đến đây, nó chính là tình yêu rộng lớn trong nhà Phật.

Thái Hạo