Này Kassapa, ông đã già rồi, như những tấm vải gai thô cũ nát đáng được quăng bỏ. Vậy này Kassapa, hãy mang những y áo do các gia chủ cúng, thọ dụng các món ăn được mời và ở gần bên Ta.
Bạch Thế Tôn, con là người đã lâu ngày sống ở rừng, đi khất thực, mang y phấn tảo, sống thiểu dục tri túc, không giao thiệp và thường tinh cần.
Này Kassapa, ông thấy có lợi ích gì mà đã lâu ngày sống ở rừng, đi khất thực, mang y phấn tảo, sống thiểu dục tri túc, không giao thiệp và thường tinh cần?
Con thấy có hai lợi ích, tự mình được an lạc và vì lòng từ mẫn mong rằng chúng sanh sẽ học tập theo… nếu thực hành được như vậy trong một thời gian dài họ sẽ sống an lạc, hạnh phúc.
Lành thay, Kassapa. Ông thực hành như vậy vì lợi ích cho chúng sanh, vì lòng từ mẫn với đời, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.
Vậy này Kassapa, hãy mang vải gai thô đáng được quăng bỏ. Hãy sống khất thực và trú ở trong rừng.
(ĐTKVN, Tương Ưng II, chương 5, phần Trở về già [lược trích], VNCPHVN ấn hành 1993, tr 348)
LỜI BÀN:
Khi Thế Tôn và ngài Đại Ca Diếp về già, theo tháng năm cả hai ngài đều không còn khỏe mạnh như xưa. Và đã nhiều lần Thế Tôn mời Ca Diếp về tinh xá, nơi có đời sống ổn định, thích hợp với tuổi già hơn ở rừng, thế mà Trưởng lão Ca Diếp đều từ chối.
Xuất thân từ tầng lớp Bà la môn giàu có, lúc mới xuất gia ngài đã phát tâm khổ hạnh, nguyện sống phạm hạnh, thiểu dục và tri túc. Cho đến lúc về già, trưởng lão vẫn chọn đời sống khất thực, mang y phấn tảo thô rách, sống độc cư trong những khu rừng cô tịch đến cuối đời.
Điều gì đã giúp Tôn giả Ca Diếp thực hành Phạm hạnh viên mãn? Tự thân ngài đạt được an lạc và mục đích của đời sống phạm hạnh là pháp thoại sống động, thuyết phục nhất để chúng sanh học tập, noi theo. Ngài xứng đáng được tôn xưng bậc Thánh đệ nhất Phạm hạnh từ nội tâm giải thoát cho đến cuộc sống đời thường.
Ngày nay dù môi trường tu tập và hoằng hóa của chư Tăng đã khác xưa nhưng tấm gương sáng về Phạm hạnh của Trưởng lão Ca Diếp vẫn là điều tối cần cho chúng ta học tập. Sự sung mãn vật chất, tiện nghi thật cần thiết cho chúng ta thực thi Phật sự, song phẩm chất phạm hạnh và tuệ giác mới là chất liệu đích thực để tác thành nên nhân cách của những người con Phật đúng nghĩa.