Trang chủ Tin tức TP.HCM: Đại lễ tri ân cha mẹ tại chùa Thiên Chánh

TP.HCM: Đại lễ tri ân cha mẹ tại chùa Thiên Chánh

51

 “Một nén hương thơm nồng nàn lặng lẽ
Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương
Dù bao năm dù có hoá vô thường
Công sinh dưỡng vẫn là công lớn nhất”

 Đôi bàn tay một đời sạm nắng, tấm lưng cong mòn mỏi tháng năm dài, thân gầy gò mẹ cha tần tảo, suốt một đời giải nắng vì con. Dẫu nói cho nhiều, viết thật nhiều, cuộc đời nầy vẫn không thể nào diễn tả hết công ơn sinh thành của cha và mẹ. Nếu suốt một đời cha lo tất tả ngược xuôi kiếm tìm chén cơm manh áo, thì mẹ lại tảo tần hôm sớm, lo lắng, nuôi dưỡng chăm con. Hy sinh nhiều cũng chỉ ước mong khi lớn lên con được mở mặt, nên danh với đời.

 Trong cuộc đời, chúng ta đã dành tình cảm cho nhiều người, từ bạn bè, người thân, người yêu dấu. Có đôi khi ta mãi mê lo nghĩ, chăm sóc người yêu đến nổi quên cả sự tồn tại của hai đấng sanh thành dưỡng dục. Ta đã bao giờ kịp nhìn lại trên mắt mẹ đã tồn tại bao nhiêu nếp nhăn, đôi bàn tay cha đã mấy lần rám nắng! Ta mở lời nói yêu ai đó thật dễ dàng, nhưng ta đã mở lòng để nói yêu cha mẹ mình chưa? Hay là đến khi tuổi vào trung niên ta vẫn còn mắc cở, không dám mở miệng, không dám tặng cho Người cái năm tay, ôm ấp! Chúng ta thật tệ quá phải không?

 “Có đôi lúc

 Mải mê quay với dòng đời ồn ã

 Những đô hội thị thành

 Những phương trời lạ

 Chợt giật mình tỉnh giấc nhớ mẹ cha

 Mùa Vu lan năm 2014, tôi đã trở về chùa Thiên Chánh, F. Phú Trung, Q. Tân Phú để tham dự đêm lễ tri ân cha mẹ dưới sự chứng minh của Đại đức trụ trì Thích Quảng Tiến, phó Thư ký kiêm chánh văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung Ương, Ủy viên thường trực ban Hoằng pháp Trung Ương, trụ trì chùa Thiên Chánh. Buổi lễ được diễn ra vào ban đêm, hàng ngàn người đến dự trong khí trời mát mẻ, ấm cúng, thiêng liêng.

 Buổi lễ được diễn ra rất nhiều chương mục như tặng phần thưởng và bằng khen cho hội thư ẩm thực chay, khóa tu Gieo hạt từ tâm, hội thi võ thuật, cài hoa hồng… Nhưng có lẽ ấn tượng nhất đối với tôi chính là chương trình tri ân cha mẹ. Tất cả những người con tự tay chuẩn bị một phần quà phù hợp, một bông hồng đỏ thắm trinh nguyên, họ cùng quỳ trước mặt mẹ cha, tặng quà, tặng hoa, dùng khăn lau vầng trán cho người, lau đôi bàn tay đã bao năm vì họ mà chai sờn theo ngày tháng. Giây phút ấy tưởng chừng như trời đất nín lặng, gió thôi reo, để những người con có thể ngắm nhìn vết chân chim trên từng khóe mắt, làn da nhăn bởi những năm tháng giải dầu mưu sinh…

 Từng lời đạo từ của Đại đức chứng minh, tất cả đã cảm nhận một cách sâu sắc ân nghĩa nhân văn trong mùa Vu lan hiếu hạnh. Cảm động hơn là những tiết mục văn nghệ được các em Phật tử trong chùa tự tay đầu tư, dàn dựng, biểu diễn. Mặc dù chỉ là chương trình văn nghệ “cây nhà lá chùa”, nhưng mà các em đã làm nên một mùa Vu lan đúng nghĩa thiêng liêng. Hội chúng đã không kìm được nước mắt khi đến với một vỡ kịch phản ánh thực trạng của xã hội hiện đại văn minh. Vì quá hiện đại văn minh, người ta đã quên luôn những ông già bà cụ đã từng sanh ra họ. Sự thật không phải cha mẹ nào mỗi tháng cũng cần con quăng cả nắm tiền rồi bỏ họ vào viện dưỡng lão, mà ở tuổi xế chiều cha mẹ cần lắm những vòng tay, sự chăm sóc, quan tâm của con, của cháu.

 Đêm tri ân đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và cảm xúc trào dâng trong lòng người tham dự, vì bản chất nó mang tính giáo dục đạo đức sống cho con người rất cao. Mọi người đều thấm thía, đều hiểu sâu và biết mình sẽ làm gì khi trở về dưới mái nhà có cha và mẹ! Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến là “hãy hiếu thảo với hai đấng sanh thành như chính hơi thở của chúng ta, nếu chúng ta cần hơi thở này để tiếp tục sự sống như thế nào, thì cũng hãy đối đãi với cha mẹ mình như thế ấy”. Rất mong lắm thay!

 Dưới đây là một số hình ảnh đã ghi nhận tại buổi lễ: