Trang chủ Đời sống Trẩy hội chùa Hương: Những điều trông thấy

Trẩy hội chùa Hương: Những điều trông thấy

56

Người đã đi chùa Hương nhiều lần bảo những người mới đi lần đầu rằng, "hôm nay ngày chủ nhật, nên đông lắm đấy, chuẩn bị tinh thần mà chen nhau leo núi đi. Nhưng cảnh đẹp lắm, sẽ không thấy mệt đâu".

Câu nói như càng làm chúng tôi thêm phấn chấn, để rồi lại thất vọng biết bao khi bước chân đến hội, bởi sự ồn ào, láo nháo của hàng, của quán và vô số những điều đáng buồn khác.

Người chen hàng quán

Hành trình từ nửa đêm, đến Hà Đông, ngay đầu đường rẽ vào Vân Đình đã thấy "không khí lễ hội” tràn đến bởi đội quân chào mời đi đò. Những chiếc xe máy lượn quanh ô tô chở người đi hội. Những lời mời chào bắt đầu vang lên. Anh lái xe quay lại dặn cả đoàn "Họ có mời chào đi đò, đừng ai nói gì nhé. Nếu không vào trong kia lại cãi nhau vì tiền dịch vụ". Những người đã có kinh nghiệm đi chùa Hương thấy cảnh này cũng không mấy mới mẻ, bởi năm nào mà chẳng diễn ra, năm nào mà không gặp, có gì đáng bàn đâu.

Rồi xe cũng đến trạm soát vé Tế Tiêu, cả đoàn bước xuống , chờ người vào mua vé. Vừa đặt chân xuống đất đã thấy quây quanh chúng tôi là những người đổi tiền lẻ, bán vàng hương, kẹo cao su… Vừa từ chối người này, người khác lại xuất hiện. Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ, và cả những người đàn ông ngồi trên xe lăn (không biết là tàn tật thật hay giả) đến mời bằng những lời lẽ rất thương tâm. Không mua cũng phải mỏi mồm, thậm chí cáu lên họ mới chịu buông tha. Trong khi đó trên loa vẫn ra rả tiếng cô hướng dẫn viên rằng: quý khách nhớ mua hàng lưu niệm phải trả giả… Không được bán hàng rong, không được chèo kéo, bám theo khách…

Do khai hội được gần một tháng, nên lượng người đổ về đây vẫn đông nghìn nghịt. Đần Trình hương khói ngút trời, hàng quán cũng tràn đầy hai bên đường. Dòng suối Yến đoạn này nước khá đục, váng bẩn nổi lềnh bềnh hai bên bờ. Có những tiếng thở dài đã xuất hiện trong đoàn. Nghe nói rằng năm nay ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã chuẩn bị rất nhiều đò chất lượng cao để phục vụ du khách, nhưng nhìn suốt bến Đục chỉ thấy vài cái đò có ghế xanh, còn phần lớn vẫn là những chiếc đò ghế sắt. Thuyền chạy dọc suối Yến, càng xa bến Đục nước trong xanh hơn, hai bên suối ngút ngàn màu xanh. Một người lớn tuổi trong đoàn bảo: "Đấy, quang cảnh vẫn thơ mộng đó thôi, chùa Hương đẹp nhất là cảnh đi đò này đấy". Nhưng đúng là chùa Hương bây giờ chỉ còn đẹp nhất là cảnh đi đò trên suối Yến mà thôi. Rời con thuyền, giã từ sông nước, những tưởng như được hòa nhập vào núi rừng, vãn cảnh chùa chiền và bắt đầu hành trình leo núi. Nhưng nào phải vậy, đò cập bến, đập vào mắt là vô vàn những biển hiệu, những hàng quán với đủ thứ hàng hóa, đủ loại thú rừng treo lủng lẳng, con còn nguyên vẹn, con đã bị cắt thịt dở dang. Tiếng chào mời không chỉ bằng miệng mà bằng cả micro phát ra. Người chen người trong sự ồn ào, náo nhiệt ấy để vào chân núi đi lên chùa Thiên Trù.

Người vẫn đông, âu đấy cũng là lẽ tự nhiên của lễ hội. Nhưng cái làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là hàng cũng đông không kém người. Suốt dọc từ chân núi lên chùa Thiên Trù, rồi Giải Oan, Trấn Song… đến tận cửa động Hương Tích, hàng quán không khác gì… nhà mặt phố, san sát bên nhau. Nào là hàng lưu niệm, vàng hương, băng đĩa, kẹp tóc, thuốc nam, cây cảnh, nào là đặc sản bánh kẹo củ mài với các loại nhãn hiệu Chú Béo, rồi hàng nước, hàng ăn, hàng nghỉ chân và cả nhà vệ sinh nữa. Không một khoảng không nhỏ nào được bỏ qua, có chăng chỗ trống chỉ là những khe núi quá cao, hay vách đá sát đường không thể mở hàng được mà thôi. Hàng thì phải có sập kê, phải có mái che. Thế là hai bên hai cái mái che nào bằng bạt, bằng tôn, bằng tre nứa đua nhau đâm ra, có đoạn còn che kín cả khoảng không trên đầu người đi. Đủ các màu sắc, đủ mọi lời mời chào, đủ loại nhạc vàng, nhạc sến được mở ra theo chân người đi. Phải nói một cách chính xác rằng, suốt dọc đường lên Hương Tích chúng tôi dẫm lên rác, ngắm hàng quán hai bên và hít mùi khói than tổ o­ng của những chiếc bếp luộc trứng, luộc củ mài. Thi thoảng lắm mới may mắn có được một khoang trống để hít thở khí trời, nhưng nếu nhìn xuống vẫn thấy ôi thôi là rác! Ai đã phải thốt lên: "Quá nhiều hàng, quá nhiều rác thải, lộn xộn và mất mỹ quan quá!".

Con đường độc đạo dẫn lên động Hương Tích và một số địa điểm khác của chùa Hương dù đã được tu sửa, mở rộng, có những đoạn gần động Hương Tích còn được chăng dây để phân làn, nhưng vẫn không tránh được tình trạng tắc nghẽn. Đã vậy, không ít hàng quán còn kê bàn ra chiếm cả lối đi, chủ hàng “ cà khịa cả với du khách bởi "dám" đi sát mà không vào hàng của họ. Khi chúng tôi đến đoạn đường cách đền Trấn Song khoảng 500 mét vừa dốc, vừa thắt lại như cổ chai, nhưng hai bên vẫn là hàng quán, lượng người đi lên, đi xuống ùn ùn, chèn sang nhau gây nên cảnh tắc cứng. Một số người vô tình chạm vào hàng của người bán đồ lưu niệm, anh ta đứng lên sạp hàng đẩy du khách ra xa, không được, anh ta dùng gậy bắt đầu phang xuống. Sợ ăn gậy vào đầu, đám người bắt đầu chạy, đùn những người đi sau như ngã dúi ra phía sau. Có người ngất xỉu phải khiêng ra, có người kêu váng lên vì vừa bị móc mất điện thoại.

Người đông đến nghẹt thở

Tình trạng dồn ứ diễn ra cả tiếng đồng hồ, lực lượng công an cố gắng giải tỏa bớt đám đông nhưng trước dòng người mỗi lúc một đông, chính công an cũng bỏ cuộc, đi xuống dưới với những cái lắc đầu. Những người đi lễ, thấy đông quá, ngồi đại xuống mép phản một hàng bên đường, đứng lên phải trả họ 20 nghìn tiền chiếu. Bởi làm gì có chỗ trống nào để ngồi, thôi đành vậy. Đoàn chúng tôi nhìn cảnh người chen chúc, rồi người ngất xỉu được đưa xuống mà cảm thấy như nhụt chí. Có ý kiến, hay mình quay xuống. Những người lớn tuổi trong đoàn lại bảo: "Đã đến đất Phật mà không vào được động Hương Tích thì thấy không yên trong lòng. Thôi đành chờ lúc nữa xem sao". Mãi gần chiều tối chúng tôi mới lên được đến động Hương Tích, trong sự lo lắng, bất an về cảnh chen lấn, xô đẩy.

Phong cảnh hữu tình của mảnh đất Phật linh thiêng đã thu hút hàng triệu lượt du khách hành hương mỗi dịp vào hội chùa Hương. Năm nay cũng vậy. Chùa Hương được tu sửa ngày một đẹp hơn, đường xá cũng thênh thang hơn. Ban tổ chức cũng cố gắng để sự tôn nghiêm nơi của chùa được duy trì như không cho đốt hương trong chùa, không để xảy ra cảnh tiền lễ bay tung tóe dưới đất bởi có người được phân công đi gom vào hòm, những cảnh trước đây gặp nhiều ở chùa Hương như ăn xin, đánh bạc đã không còn nữa… Nhưng sự luộm thuộm và quá tải của hàng quán, sự xả rác vô tội vạ của du khách, sự chèo kéo của các chủ đò, chủ quán… đã phá vỡ dần sự huyền ảo của mảnh đất này và ấn tượng của du khách về một lễ hội lớn trước thềm Thăng Long nghìn năm tuổi cứ có điều gì đó băn khoăn và thất vọng.