Trang chủ Diễn đàn Trò chơi trong khóa tu cần được "chọn lọc"

Trò chơi trong khóa tu cần được "chọn lọc"

320
Từ đầu mùa hè đến nay, tôi thường xuyên theo dõi các khóa tu ở miền Bắc, thậm chí tôi còn dành nhiều thời gian để đến một số chùa để xem khóa sinh tu; tìm hiểu khóa tu; hoặc trực tiếp tham gia khóa tu mấy ngày. Được nhìn, được nghe và được thấy những gì diễn ra trong khóa tu ở các chùa, tôi thực sự mừng và tán thán trước những công đức và tình thương lớn lao của quý Thầy, quý Sư cô dành cho thế hệ trẻ. 
Ở bài này, tôi không đề cập đến vấn đề giảng pháp hay các thời khóa tu học khác mà tôi chỉ đề cập đến việc tổ chức trò chơi. Hiện nay, hầu hết các khóa tu dành cho các bạn trẻ trên toàn quốc đều có thời khóa trò chơi/gameshows xen kẽ nhau. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có nhiều vấn đề bất cập, đòi hỏi các trò chơi tổ chức ra phải được chọn lọc và có định hướng.
Mục đích của những trò chơi là gì?

Chúng ta đã thấy rõ: Trò chơi là phương tiện để thể hiện chủng tử, thể hiện cá tính của mỗi khóa sinh, là một phương tiện để huân tập những chủng tử tốt vào tâm hồn khóa sinh.
Chính vì vậy, ban tổ chức (BTC) khóa tu cần xác định rõ, tổ chức trò chơi không phải chỉ làm phương tiện giải trí lành mạnh mà cốt yếu là để giáo dục các khóa sinh, bằng phương pháp hoạt động và huân tập, phù hợp với tâm sinh lý trẻ.

Theo thiển ý của tôi, một buổi sinh hoạt mà thiếu những trò chơi, chỉ những thời giảng pháp, hướng dẫn tu học… thì thật là buồn tẻ, gây sự nhàm chán. Do đó, trò chơi còn là phương tiện để đưa giáo lý vào tâm thức các khóa sinh một cách nhẹ nhàng tự nhiên. Nhưng không phải vì thế mà “thích” chơi trò gì thì chơi, động cũng được, tĩnh cũng xong. Cần phải có định hướng, chọn lọc rõ ràng.

Ban tổ chức phải có sự chọn lọc các trò chơi như thế nào?

Đó là những trò chơi gợi lên lòng Từ bi, những trò chơi phát huy Trí tuệ, những trò chơi cũng cố hoặc khắc sâu những điều giáo lý vừa học như: Trò chơi “người mù cỏng người què” (tình tương trợ), trò chơi “Bi Trí Dũng” khắc sâu châm ngôn của gia Đình Phật Tử, trò chơi “hái hoa” (gây ý niệm vô thường), trò chơi “Luân hồi”…
Hay nói cách khác là trò chơi/gameshows phải mang tính tu học, Phật pháp được xen lẫn, lồng ghép về các trò chơi. Ví dụ như trò chơi ghép tranh/ảnh Phật giáo; chép Kinh, tô tượng Phật; đố vui Phật pháp, hái hoa đạo lý, rung chuông vàng….Những hình thức chơi này, khóa sinh vừa được chơi vừa được tu học, nhưng không kém phần vui nhộn, hào hứng.

 Rung chuông vàng

 Ghép ảnh Phật giáo

Song còn nhiều khóa tu, BTC lại tổ chức những trò chơi quá “động”, ồn ào và náo nhiệt. Như trò chơi kẹp bóng, truyền nước, ăn sữa chua, ăn chuối, chạy nhảy qua xào, bế vác cứu thương…Nói chung là những trò dành cho sinh hoạt cộng đồng, dành cho nhóm sinh viên tình nguyện…

 Treo túi, uống nước

 

Hầu như các trò chơi này đều kiến cho khóa sinh mất nhiều sức và đôi khi còn nguy hiểm, nhưng hơn hết là mất đi chánh niệm và oai nghi của người phật tử.
Bên cạnh đó, khiến người quản trò vất vả, có thể là thiếu sự hoan hỷ nếu như không giữ chánh niệm tốt cho mình. Đó là chưa kể, “cổ động viên” còn mang những đồ dùng của nhà chùa như xoong, bình nước, chậu…ra để gõ có tiếng kêu cổ vũ cho trò chơi, những hình ảnh như vậy, mặc dù chỉ là hình tướng nhưng xem ra hơi phản cảm.
Hy vọng rằng sẽ có nhiều khóa tu dành cho tuổi trẻ được nhân rộng hơn, không chỉ có ở Thủ đô, các tỉnh thành lớn mà còn được tổ chức ở những nơi vùng cao, vùng núi.
Tôi hiểu BTC muốn mang lại những giây phút hồn nhiên nhất, vui tươi nhất, thoải mái nhất cho khóa sinh tham gia cũng như cổ vũ cho các đội. Nhưng tôi mong BTC nên xác định được mục đích tổ chức, đối tượng tham dự, sao cho trò chơi mang lại lợi lạc cho các khóa sinh, giữ được chính niệm.