Trang chủ Thời đại Giáo dục “Trường học trong chùa, chùa trong trường học” và xu hướng xã...

“Trường học trong chùa, chùa trong trường học” và xu hướng xã hội hóa GD

87

Theo ý  kiến chủ quan của tôi, là chúng ta trước hết không nên đặt vấn đề “có đạo nào mở trường tư thục hay chưa?”, mà  vấn  đề nằm ở chỗ “đã có trường ngoài hệ thống trường công lập hay chưa?”.

Câu trả  lời tất nhiên đã rõ ràng, là có, và  đã có rất nhiều. Đây không phải là một hoạt  động “xé rào” gì cả, mà nó xuất phát từ một chủ trương lớn, đã có từ  nhiều năm nay, là xã hội hóa giáo dục.

Cụm từ  xã hội hóa, hiện nay, chúng ta được nghe nói đến rất nhiều: xã hội hóa thể thao, xã hội hóa y tế, xã hội hóa hoạt động văn hóa…, thậm chí mới đây, “xã hội hóa truyền hình”.

Cụm từ  xã hội hóa hiện nay, dường như, được dùng để thay thế khẩu hiệu “nhà nước và nhân dân cùng làm”, thường được nhắc tới trong thời gian trước đây.

Nhưng ngay trong khẩu hiệu “nhà nước và nhân dân cùng làm” thì cũng đã có chỗ dành cho Phật giáo Việt Nam chúng ta, huống nữa là khi đã  đi  đến chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Đương nhiên, với chủ trương xã hội hóa giáo dục, thì một nền giáo dục đa dạng, một nền giáo dục nhiều thành phần, một nền giáo dục với nhiều phương thức quản lý đã được chấp nhận, đã được xác lập và đã phát triển trong thực tế.

Nói nền giáo dục “xã hội hóa” đã phát triển, thiết tưởng, cũng còn chưa đủ, mà đúng ra phải nói là đã phát triển mạnh mẽ.

Người viết, tuy là đã có được đào tạo trong ngành sư  phạm, nhưng đã không làm việc trong ngành giáo dục  đã 30 năm. Do vậy, chỉ xin đề cập vấn đề như một người ngoài cuộc. Chắc chắn các Phật tử  là thầy cô giáo, đang công tác trong ngành giáo dục từ bậc mầm non cho đến đại học, sẽ có những thông tin đầy đủ, chính xác, thiết thực hơn. Chúng tôi mong bài viết này được đóng góp bằng những thông tin, những ý kiến như thế. Điều đó, chắc chắn sẽ làm cho cơ sở để xác định mục tiêu “trường học trong chùa, chùa trong trường học” ngày càng vững chắc.

Trước tiên, chúng ta có thể thấy rõ là chủ trương xã hội hóa giáo dục không phải là một chủ  trương chủ quan, mà đó là sự xác  định lại một thực tế khách quan, đã tồn tại trước đó. Điều quan trọng chủ trương xã hội hóa sẽ  mở đường cho việc luật pháp chấp nhận hoàn toàn một hệ thống giáo dục đa dạng, nhiều thành phần, mà sự định hình của nó tương đối đã rõ ràng.

Người viết còn nhớ, hồi học lớp 9 (khoảng năm 1978), khi mà các trường tư thục đồng loạt bị cải tạo, thì ngay trong trường công cấp II đã mở lớp luyện thi vào cấp III, lấy danh nghĩa Hội Nhà giáo yêu nước, phục vụ con em giáo viên. Con em giáo viên thì học miễn phí, số học sinh còn lại (khoảng 80%) phải đóng tiền, với mức phí rất cao (vì phụ huynh ai cũng sợ con em rớt lớp 10). Một thời gian lớp thu tiền này đóng cửa, vì là phê bình là không đúng đường lối cải tạo giáo dục lúc đó. Tuy nhiên, sau đó thì mở lại, với mức học phí cao hơn nữa.

Như vậy, giáo dục xã hội, với những cơ sở ngoài chủ lưu giáo dục công lập là chuyện phát triển tự nhiên, cho dù muốn hạn chế cũng không được. Sau đó, thập niên 1980, có các trung tâm ngoài giờ. Sau nữa có các trường dân lập, và cuối cùng là trường tư thục.

Từ “đầu tư” vào lĩnh vực giáo dục ngày càng nói đến nhiều hơn, và mới đây còn có chủ trương khuyến khích. Một công ty, chẳng hạn FPT, cũng có trường đại học. Các tổ chức đoàn thể, hiệp hội xã hội nghề nghiệp cũng tiếp nhau mở trường. Các công ty giáo dục nước ngoài cũng mở trường đại học tại Việt Nam, như Đại học RMIT chẳng hạn.

Nếu xét về loại trường do tôn giáo đứng ra xin mở  và điều hành thì chưa có, nhưng xét từ góc  độ  trường của các tổ chức đoàn thể,  đặc biệt là các tổ chức trong Mặt trận Tổ quốc. Nếu căn cứ vào yếu tố là hội đoàn thành viên mặt trận, thì đây là cơ sở để Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể đề đạt nguyện vọng được mở trường dân lập.

Hoàn cảnh thuận lợi thực ra không phải là không có. Công ty nước ngoài còn được phép đào tạo đại học tại Việt Nam, thì không lẽ gì, nguyện vọng của một tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không được xem xét.

Nếu một tôn giáo khác nào đó đặt vấn đề, thì  cơ sở thành viên Mặt trận là một thuận lợi đặc biệt, chỉ có ở Phật giáo Việt Nam. Đương nhiên như thế thì nhà nước không hề mang tiếng thiên vị, mà sẽ giải quyết rất công bằng khi cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập và điều hành trường học như các tổ chức, đoàn thể khác trong Mặt trận Tổ quốc.

Hình mẫu Viện Đại học Vạn Hạnh và hệ thống trung tiểu học Bồ Đề, từng được coi là một trong những thành quả chấn hưng Phật giáo tại miền Nam trước 1975, có thể là một hình mẫu mà Phật giáo Việt Nam hiện đại hướng đến. Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam vẫn có thể sáng tạo những hình mẫu giáo dục xã hội mới phù hợp hơn với thời đại.

Điều quan trọng đó là lãnh vực mà Phật giáo có thể tham gia, mà hoàn cảnh, trên đại thể mà xét, thì thuận lợi nhiều hơn khó khăn.

Hiện nay, nói chuyện đại học tư thục không phải là  chuyện “chiêm bao” nữa. Còn trường trung học tiểu học “quốc tế” thì cũng thế. Có lần vào một trường “quốc tế” ở Phú Mỹ Hưng, nghe các em học sinh lứa tuổi 13 – 14 nói tiếng Anh với nhau như gió, người viết cứ tưởng đã lạc đến Singapore hay Australia…

Xu hướng chung của xã hội là ngày càng mở, ngày càng thoáng, ngày càng hội nhập. Nên cái đèn xanh mà chúng tôi có dịp nói đến trong những bài trước không hề là chuyện dự đoán viễn vông. Ngay cả  những lãnh vực nhạy cảm, như báo chí, mà ngày nay chúng ta còn nghe nói đến truyền hình công ty, kênh truyền hình “liên kết”, và mới đây là  việc nhà nước cho phép một công ty khai thác phát sóng truyền hình kỹ thuật số bằng cả hai phương thức mặt đất và qua vệ tinh, thì chuyện  đầu tư vào giáo dục theo xu hướng xã hội hóa còn là gì để phải lo lắng?

Mấy năm gần đây, hai khái niệm “thời cơ” và “thách thức” được nói đến nhiều đối với Phật giáo. Giáo dục xã hội, xu hướng xã hội hóa giáo dục hiện đang trở thành thời cơ và thách thức đối với Phật giáo Việt Nam một cách ngày càng rõ ràng. Nếu Phật giáo Việt Nam để thời cơ đối với hoạt động giáo dục xã hội trôi qua, thì gánh nặng thách thức sẽ càng lúc càng chuyển biến theo hướng phức tạp nan giải. Ngược lại, nếu xã hội hóa giáo dục được xem là một thời cơ và được vận dụng một cách triệt để nhằm mục tiêu “trường học trong chùa, chùa trong trường học”, thì có nghĩa là những thách thức trên lãnh vực giáo dục xã hội, được trình bày khá cụ thể trong những bài trước đây, sẽ được đồng thời hóa giải.

Hiện nay, sự thiện cảm và tin cậy của nhà nước và  xã hội đối với Phật giáo Việt Nam, tư cách thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, uy tín cá nhân của một số  nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là trong quan hệ với các quan chức lãnh đạo, là những thuận lợi hết sức cơ bản để có thể xúc tiến mục tiêu “trường học trong chùa, chùa trong trường học”.

MT