Trang chủ Đời sống Từ bi là yếu tố giải phóng

Từ bi là yếu tố giải phóng

75
Từ bi là cách tự bảo vệ hữu hiệu nhất. Ảnh: Làng Mai

Mỗi giây phút trong đời sống hằng ngày của bạn đều có thể là một giây phút thực tập. Khi bạn đứng chờ lấy thức ăn hay khi sắp hàng để kiểm đếm, bạn đều có thể thở vào thở ra trong chánh niệm và mỉm cười. Ðừng bỏ phí một giây phút nào trong đời sống hằng ngày. Mỗi giây phút là một cơ hội để nuôi dưỡng sự vững chãi, an lạc và niềm vui. Và sau vài ngày, bạn sẽ thấy người khác có lợi lạc khi bạn có mặt. Sự có mặt của bạn trở thành sự có mặt của một vị Bồ Tát, một vị thánh. Ðiều này có thể có được.

Có một câu chuyện tôi đọc hồi tôi còn là một chú bé bảy tuổi. Ðó là một câu chuyện tiền thân của Bụt. Chuyện kể về một kiếp trước của Bụt, khi Ngài ở trong địa ngục. Người cai ngục canh giữ tội nhân chẳng có một chút từ bi nào. Hắn ta cầm một cái chĩa lớn và mỗi khi có ai làm gì sai ý hắn thì hắn đâm ngay cái chĩa vào trong ngực người ấy. Mặc dù các tội nhân rất đau đớn vì sự xử tệ này, họ không thể chết được. Ðó là sự trừng phạt; họ đau đớn nhưng họ không chết được.

Một hôm, các tội nhân bị bắt phải vác nhiều vật nặng trên lưng. Người cai ngục, tay cầm cái chĩa nhọn, bắt đầu thúc họ đi nhanh hơn. Tiền thân Bụt thấy rằng một trong những tội nhân không đi theo kịp, người cai ngục bắt đầu để ý và hăm dọa anh ta với cái chĩa nhọn để thúc anh ta đi nhanh hơn.

Ngay lúc ấy có một điều gì nẩy sinh trong lòng tiền thân Bụt. Ngài muốn can thiệp, muốn đương đầu với người cai ngục mặc dầu Ngài biết hắn ta sẽ quay lại hại Ngài. Nếu sự can thiệp kết thúc bằng cái chết của Ngài thì Ngài đã vui lòng can thiệp ngaỵ. Ðằng này thứ hình phạt Ngài gánh chịu sẽ không làm Ngài chết, chỉ làm Ngài đau đớn hơn mà thôi. Mặc dầu vậy, Ngài can đảm đến gần người cai ngục và nói: “Ông không có một chút từ tâm nào hết sao? Sao Ông không cho anh ấy thư thả một tí để mang gánh nặng?”

Vừa nghe vậy, người cai ngục liền đâm cái chĩa nhọn vào ngực tiền thân Bụt. Ngài chết ngay và được tái sinh làm người.

Tiền thân Bụt đã có can đảm đứng lên và nhìn thẳng vào mặt người cai ngục vì lợi ích của người bạn tù. Ngài thấy sự bất công, và do đau khổ quá nhiều, từ bi đã nẩy sinh trong tim Ngài. Lòng từ bi đã dẫn đến sự can thiệp. Vì vậy Ngài được chết ngay và được tái sinh làm người. Bắt đầu từ đó, tiền thân Bụt thực tập cho đến khi Ngài trở thành một bậc giác ngộ, một vị Bụt. Vậy cho dù là Bụt, trong một kiếp trước, Ngài cũng đã từng rơi xuống tận cùng của khổ đau. Nhưng nhờ lòng từ bi nẩy sinh trong tim, Ngài đã có thể tự giải thoát ra khỏi tình trạng ấy.

Chính tôi cũng đã trải qua rất nhiều khổ đau, và tôi có thể nói với bạn rằng lòng từ bi có thể giải phóng bạn ra khỏi những tình trạng khó khăn nhất. Chính năng lượng của từ bi giúp ta có được cách thoát ra khỏi những tình trạng khó khăn. Ðã có lúc chúng tôi đem tàu vào vịnh Thái Lan để cứu người vượt biển. Làm công việc này rất nguy hiểm vì có nhiều hải tặc trên biển. Nhưng vì chúng tôi tin rằng cách tự vệ tốt nhất là lòng từ bi, không phải bạo động, nên chúng tôi không có súng trên tàu trong thời gian chúng tôi đi cứu; chúng tôi chỉ có lòng từ bi. Theo lời dạy và sự thực tập mà tôi hành trì, từ bi là cách tự vệ hữu hiệu nhất.

Trong giới Phật tử, chúng tôi thường nói đến đức Quán Thế Âm, vị bồ tát với lòng từ bi rộng lớn và hạnh lắng nghe sâu sắc. Bồ tát có thể thị hiện như một phụ nữ, một người nam, một trẻ con, một chính trị gia, hay một người nô lệ, nhưng đặc tính của bồ tát luôn luôn là một sự hiện diện của lòng từ bi trong trái tim ngài. Có khi bồ tát Quán Thế Âm thị hiện như một con ma đói với vẻ mặt rất hung dữ. Ngài dùng hình thể của một con ma đói để giúp những con ma đói khác, nhưng thật sự ngài là một người có lòng từ bi. Nhiều người trong chúng ta sợ bị tấn công nên nhiều lần chúng ta làm ra vẻ dữ tợn và tàn ác để tự vệ dù rằng ta có lòng từ bi và hiểu biết trong thâm tâm. Không có lòng từ bi, ta đau khổ vô cùng và làm những người quanh ta đau khổ. Với lòng từ bi, ta có thể liên hệ với những chúng sinh khác và giúp họ bớt khổ.

Nếu bạn có năng lượng từ bi trong lòng, bạn được sống trong những môi trường an toàn nhất. Từ bi được thể hiện trong đôi mắt bạn, trong cách bạn hành động hay phản ứng, trong cách bạn đi, ngồi, ăn uống, hay giao dịch với kẻ khác. Từ bi là cách tự bảo vệ hữu hiệu nhất. Từ bi cũng dễ lan truyền nữa. Ngồi cạnh một người có lòng từ bi trong thâm tâm thì thật là tuyệt diệu. Với lòng từ bi trong tim, bạn sẽ có thêm một hay hai người bạn nữa, bởi vì ai cũng cần lòng từ bi và tình thương. Hai người có thể bảo vệ cho nhau và bảo vệ cho những người chung quanh nữa.

Sự thực tập của chúng tôi là nuôi dưỡng lòng từ bi trong đời sống hằng ngày. Với sự thực tập từ bi, chúng tôi mở rộng lòng ra cho một người, rồi cho một người nữa, và cuối cùng, khi từ bi đã hiện diện thì nơi nào cũng là nơi vui thích để sống. Khi niềm vui đã thấm nhuần vào thân và tâm ta thì ta có thể tìm thấy an lạc ngay bây giờ và ở đây.


Trích “Sống tự do bất cứ nơi nào ở đâu” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh