Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Từ Đàm – tổ đình lịch sử

Từ Đàm – tổ đình lịch sử

91

Từ Đàm quê hương tôi, bài hát do các vị cố Phật tử Lê Văn Dũng pháp danh Tâm Đại viết lời và Nguyễn Văn giảng pháp danh Nguyên Thông phổ nhạc, ra đời năm 1963, đã nói lên được nỗi niềm của mọi người con Phật đối với ngôi chùa mà họ hằng yêu dấu, ngôi chùa ghi khắc sâu đậm các diễn biến lớn của lịch sử Phật giáo Việt Nam: chấn hưng Phật giáo vào giai đoạn 1930 – 1945; thống nhất Phật giáo ba miền Trung, Nam, Bắc năm 1951 và chống kỳ thị Phật giáo dưới chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, bài hát ấy vẫn còn vang vọng và sẽ còn sống mãi với thời gian để gợi mở hàng triệu con tim hướng vọng về xứ Huế, về ngôi chùa lịch sử thân yêu. Cho dù hôm nay chùa Từ Đàm đã được trùng tu, tôn tạo các hạng mục từ tòa chính điện đến nhà Tăng… lại xây thêm bảo tháp, nhưng những ai từng đến và từng được nghe kể về chùa Từ Đàm sẽ không bao giờ quên được bóng dáng của ngôi tổ đình lịch sử.

Cách đây hơn 300 năm, vào đời chúa Nguyễn Phúc Thái, trong khoảng 10 năm từ 1683 – 1693, cả vùng Lâm Lộc (từ chợ An Cựu lên đến vùng Lịch Đợi hiện nay) và đồi Hoàng Long là một khu rừng rậm. Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung người Trung Hoa đã đến đây cắm tích trượng khai sơn ra thảo am Ấn Tôn mà sau này là chùa Từ Đàm. Vào năm Quý Mùi 1703 niên hiệu Chính Hòa thứ 24 đời Lê Hy Tông nhằm năm thứ 13 đời chúa Minh vương Nguyễn Phúc Chu thì thảo am được nhận sắc tứ để trở thành Ấn Tôn Tự. Đến đầu thời vua Thiệu Trị, có lẽ vì phạm húy nên vua đổi tên chùa thành Từ Đàm Tự. Đến năm 1938, chư sơn môn tăng già lại nhường ngôi chùa này cho An Nam Phật học Hội làm chùa hội quán.

Chùa Từ Đàm tọa lạc trên đồi thấp Hoàng Long theo thế “Càn” hướng “Tốn” nhìn về phía Đông Nam, ngày xưa thuộc xã An Cựu, tổng Vĩ Dạ, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, nay là phường Trường  An, TP Huế, Thừa Thiên Huế. Chùa nằm cách thành Nội về phía Đông Nam khoảng 3km trên mặt bằng thoáng rộng. Tam quan phía trước tiếp đường Sư Liễu Quán liên thông với đường Điện Biên Phủ lên đàn Nam Giao.

Chùa Từ Đàm xưa có chính điện được xây dựng theo lối chùa hội quán rất đặc trưng dựa trên đồ án của cụ Tôn Thất Sa. Đứng ngoài nhìn vào, ta thấy chùa vẫn mang hình dáng truyền thống; nhưng đi vào bên trong thì chùa lại có kiến trúc theo lối chữ “T” quốc ngữ, biểu thị chữ đầu trong hai chữ Từ Đàm. Chính điện không có trụ cột tạo cho không gian hành lễ trở nên thông thoáng và uy nghiêm như một giáo đường. Với cấu tạo như vậy, ta có thể nói Từ Đàm là ngôi chùa có nền kiến trúc cũ mới giao thoa kết hợp hài hòa giữa Đông và Tây.

Phía ngoài, trên hai nóc mái trang trí hai con rồng lượn quay đầu chầu về mặt Hổ phù đội bánh xe pháp luân. Hai mái được lợp ngói âm dương, các góc cù giao mái trên trang trí hình những con Rùa, cù giao mái dưới chạm hình 4 con Phượng hoàng, tất cả đều được khảm sành sứ trông rất mỹ thuật. Dưới mái có năm khung hình chữ nhật đắp nổi những bức tranh diễn tả lại sự tích nhà Phật. Những chi tiết trang trí này được biết do chính tay cụ Cửu Đệ và một số nghệ nhân trang trí lăng vua Khải Định trình bày.

Phía dưới, mặt ngoài cùng của tiền đường là sau trụ cột có chạm khắc sáu câu đối. Hai câu giữa đối hai chữ “Phật – Học” do bác sỹ Tâm Minh Lê Đình Thám đề tặng:

Phật chánh biến tri, vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức

Học chơn thật nghĩa, như thị văn, như thị tư, như thị tu trì

Nghĩa là:

Phật là bậc có sự hiểu biết chân chánh rộng khắp và có tuổi thọ vô lượng, ánh sáng vô lượng, công đức vô lượng

Học tập đúng ý nghĩa chân thật thì nghe được như vậy, ngẫm nghĩ như vậy, giữ gìn và tu sửa như vậy

Bên trong, ngay giữa tiền đường chạy một đường hồi văn rộng hình chữ Vạn, chính giữa có khắc bốn chữ Hán “Việt Nam Phật Học”. Trên khung hoa văn cửa giữa là một bức hoành phi lớn đề bốn chữä Hán “Thừa Thiên Tỉnh Hội”.

Lối thờ tự ở chùa Từ Đàm cũng mang tính đặc thù, không theo truyền thống ở Huế. Chính điện chỉ có một gian, thờ độc tôn tượng Đức Phật thích Ca quyết ấn tam muội. Tượng đúc bằng đồng cao khoảng 1m30 được tòa sen nâng đỡ. Phía trên tượng là bảo cái cũng được chạm trổ công phu. Hai bên là hai tràng phan có khắc danh hiệu của 7 vị Cổ Phật. Trên vòng cung phía trước còn giữ một bức hoành được sơn son thếp vàng đề ba chữ “Ấn Tôn Tự”. Bức hoàng mang lạc khoản “Thiên vận Quý Mùi sơ xuân cát đán”. Đây là dấu tích còn sót lại của chùa Ấn Tôn được khai sơn vào trước năm 1963. Ba chữ Ấn Tôn Tự đã nói lên được yếu chỉ của thiền phái Lâm Tế mà Tổ sư Minh Hoằng Tử Dung truyền cho Thiền sư Liễu Quán, nghĩa là dùng tâm giác ngộ của người thầy để ấn chứng cho tâm của người học trò làm tôn chỉ.

Trong khuôn viên Từ Đàm Tự còn rất nhiều công trình khác: nhà tổ, nhà thiền, nhà tăng, giảng đường… mà mỗi công trình đều ẩn chứa những giá trị văn hóa và lịch sử Phật giáo của miền sông Hương núi Ngự. Hiện nay, đến chùa Từ Đàm, phật tử thấy những công trình đó đều được xây cất lại thật khang trang rộng rãi, kể cả một tòa bảo tháp phía trước mặt chùa đang được hoàn tất. Trong tương lai không xa chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một Từ Đàm mới thật đẹp đẽ, bề thế, xứng đáng là trung tâm của Giáo hội Phật giáo miền Trung luôn rộng mở cánh cửa từ bi chào đón chúng sinh mọi miền bước về đất Phật.

Cho dù ngôi tổ đình ngày nay không còn kiến thiết như cũ song những gì được lưu giữ trong ký ức, kỷ niệm của mỗi phật tử, của những người yêu đạo Phật, mến đạo Phật thì Từ Đàm vẫn là niềm kiêu hãnh, niềm tự hào không bao giờ phai nhạt.