Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Từ Hội thảo Hoằng pháp đến Đại lễ Phật đản 2011

Từ Hội thảo Hoằng pháp đến Đại lễ Phật đản 2011

92

TỪ THÀNH CÔNG HỘI THẢO HOẰNG PHÁP 2011

Trong bài trả lời phỏng vấn của Phattuvietnam.net, cũng như trong các buổi trao đổi ý kiến riêng về đề tài đạo pháp, Thượng tọa Bảo Nghiêm, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương, có nhấn mạnh đến quan điểm căn bản trong việc tổ chức Hội thảo Hoằng pháp, là quan điểm Phật giáo nhân sinh, hay có thể gọi là Phật giáo toàn dân cho dễ hiểu đối với toàn xã hội, phù hợp với nội dung cơ bản của quan điểm này.

Quan điểm Phật giáo toàn dân mà thượng tọa Bảo Nghiêm nói ở đây xuất phát từ chính kinh Phật, với tư tưởng mọi chúng sinh đều là có Phật Tính, đều có thể tu Phật nếu có nhân duyên, đều sẽ là Phật.

Vì vậy, Phật sự phải mở rộng đối tượng phục vụ cho tất cả chúng sinh, không chỉ riêng cho người theo đạo Phật.

Phật sự chỉ thu hẹp trong một số người theo đạo Phật, thì đương nhiên sẽ giới hạn tầm ảnh hưởng và phạm vi tác dụng của đạo Phật.

Thượng tọa Bảo Nghiêm đề ra một khái niệm mới, và nhấn mạnh đến, đó là những người yêu đạo Phật. Theo Thượng tọa, những hoạt động Phật giáo cần phải được tổ chức hướng đến đối tượng này, hơn là chỉ giới hạn trong một số Phật tử thuần thành, đã quy y thọ giới.

Khái niệm người yêu đạo Phật mà Thượng tọa Bảo Nghiêm nhấn mạnh chính là cái lõi của quan điểm Phật giáo toàn dân.

Quan điểm này đòi hỏi Phật giáo chúng ta có thay đổi cơ bản trong tư duy ở nhiều lĩnh vực, trong đó có việc tổ chức sự kiện Phật giáo.

Trở lại cơ sở của quan điểm Phật giáo toàn dân, chúng ta có thể nhớ đến lời của đức Pháp chủ Thích Tâm Tịch khi trả lời một cơ quan truyền thông nước ngoài khi họ hỏi về số lượng tín đồ Phật giáo thực sự.

Theo ý nhắc lại của ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ trong một buổi phát biểu với tăng ni Bình Dương, được Ban Hoằng pháp Trung Ương ghi hình và phổ biến, thì Đức Đệ nhị Pháp Chủ đã nói đại ý như sau, rằng số tín đồ thật sự của đạo Phật là tổng dân số của Việt Nam trừ đi tín đồ của các tôn giáo khác.

Như vậy, đạo Phật toàn dân là đạo Phật cho đa  số người dân Việt Nam, không phải chỉ giới hạn ở mười mấy triệu Phật tử đã quy y, ghi ở mục tôn giáo trong giấy chứng minh nhân dân là Phật giáo càng không phải cho một số ít hơn nữa Phật tử thuần thành, thường được gọi là “bổn đạo”.

Gần đây nhất, quan điểm đạo Phật toàn dân đã được thể hiện hết sức rõ ràng, cụ thể và sinh động qua các Hội thảo Hoằng pháp do Ban Hoằng pháp Trung Ương tổ chức.

Hội thảo Hoằng pháp 2011 tại Bình Dương đã có nhiều hoạt động không chỉ dành cho những Phật tử thuần thành dành mà là dành cho tất cả những người yêu đạo Phật, như cuộc lễ khai mạc với chương trình văn nghệ phong phú có đến hàng trăm nghệ sĩ nổi tiếng tham dự, truyền hình trực tiếp trên kênh BTV1 (phát từ tháp truyền hình cao 252 mét, thuộc loại tháp phát cao nhất tại Việt Nam, bán kính phủ sóng gần 100km, phủ sóng toàn Đông Nam Bộ, một phần Tây Nam Bộ, và phủ sóng toàn quốc qua vệ tinh Vinasat-1) với có lẽ đến cả chục triệu khán giả xem trực tiếp truyền hình, trong khi số người hiện diện tại chỗ chật kín sân vận động, phải ngồi cả xuống sân, ước tính lên đến 45.000 người.

Một cuộc lễ Phật giáo có đến chứng ấy số người tham dự tại chỗ và gián tiếp qua truyền hình nhiều đến như vậy là một biểu hiện cụ thể, điển hình của quan điểm Phật giáo toàn dân, Phật giáo nhân sinh, Phật giáo đại chúng, Phật giáo cho tất cả mọi người.

Các hoạt động vệ tinh  chung quanh hội thảo cũng vậy: Cuộc đi bộ vì môi trường với chiều dài hàng mấy km, các cuộc triển lãm hoạt động từ thiện nhân đạo không ngớt người vào xem… đều được thiết kế trên quan điểm Phật giáo toàn dân.

Trong những hoạt động Phật sự như vậy, ai cũng có thể tham dự, ai cũng có thể góp phần vào việc tổ chức, ai cũng có thể hoan hỷ với vai trò của mình trong sự kiện đó. Và nhất là ý nghĩa của hoạt động hoằng pháp đến mọi người.

ĐẾN VIỆC TỔ CHỨC LỄ PHẬT ĐẢN SẮP TỚI

Thành công của Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2011 được tổ chức trên quan điểm Đạo Phật toàn dân có thể là một gợi ý, một hình mẫu áp dụng cho lễ Phật Đản sắp tới.

Một Đại Lễ Phật Đản trên quan điểm Đạo Phật toàn dân trước hết cần có sự đột phá trong cách thức tổ chức, trong đối tượng tham dự.

Phật giáo chúng ta cần có một sự chuyển biến quan trọng trong cách thức tổ chức. Thay vì một đại lễ tôn giáo, thì nay Lễ Phật Đản có thể được bổ sung hoạt động thành một ngày hội Phật giáo toàn dân.

Điều này không buộc chúng ta phải hy sinh, phải bớt đi, phải pha loãng chất Phật giáo trong cuộc lễ, mà quan điểm Phật giáo toàn dân hướng đến những hoạt động mới, những sự kiện bổ sung, làm phong phú hóa, đại chúng hóa, toàn dân hóa ngày lễ Phật Đản.

Tức là bên cạnh những lễ nghi tôn giáo thuần túy, cần tổ chức nhiều hơn, quy mô hơn các sự kiện mang đậm tính quần chúng rộng rãi, nhưng vẫn mang màu sắc Phật giáo, như văn nghệ sân vận động, diễn hành tập thể…

CỤ THỂ

Hoạt động diễu hành xe hoa đã là một hoạt động mang tính Phật giáo toàn dân, cho nên cần chú trọng hơn nữa đến hoạt động này.

Có ý kiến cho rằng diễu hành xe hoa Phật Đản có 2 vấn đề: gây trở ngại lưu thông vì đoàn xe dài, tập trung lưu thông với tốc độ không cao và số lượng đông đảo người đi ô tô, xe gắn máy và cả xe đạp chạy theo sau.

Còn vấn đề thứ hai là chi phí trang trí xe hoa rất đắt,  có thể đến hơn hàng chục triệu đồng/xe. Chi phí vài trăm triệu đồng cho đoàn xe diễu hành trong hai đêm tất nhiên là gánh nặng tài chính cho Phật giáo các địa phương.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng ngày lễ hội toàn dân phải khác với ngày thường. Đường phố phải đông đảo, giao thông phải chậm đi, đèn hoa sáng rực, “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” mới là không khí lễ hội

Không thể có một lễ hội toàn dân nếu đường phố vẫn y hệt như ngày thường.

Để giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho Phật giáo, tăng hiệu quả phục vụ của xe hoa, chúng ta có thể giảm bớt số lượng xe hoa, chú trọng hơn chất lượng, hình thức trang trí, tăng thời lượng và lộ trình diễu hành của xe hoa ra suốt tuần Lễ Phật Đản, phân tán ra trên tất cả đường phố, sao cho ở mọi nơi trong thành phố đều có xe hoa chạy ngang trong một ngày, thay vì chỉ lưu thông trên những tuyến đường lớn từ trước đến nay.

Một xe hoa  từ giá trang trí là 10 triệu đồng chẳng hạn, diễn hành trong hai đêm, mỗi đêm khoảng 4 giờ (18g đến 22g), trong 2 đêm 14 và rằm tháng 4, tổng cộng là 8 giờ. Chi phí diễn hành cho mỗi giờ sẽ là 10 triệu đồng: 8, cộng với chi phí xăng, tài xế và thuê xe, sẽ có thể khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng/giờ.

Nhưng nếu xe hoa biểu diễn suốt 7 ngày trong Tuần Lễ Phật Đản, chi phí xăng, tài xế, thuê xe sẽ tăng, nhưng chi phí trang trí cho một giờ diễn hành xe giảm mạnh, tiết kiệm đáng kể tài chí, trong khi tính chất toàn dân của cuộc lễ tăng cao, vì có nhiều người hơn được chào đón xe hoa Phật đản trên nhiều đường phố hơn.

Với lộ trình phân tán và kéo dài nhiều ngày như vậy đương nhiên, mức độ gây trở ngại giao thông cũng giảm thiểu, số xe hơi, xe gắn máy hộ tống cũng giảm bớt, giảm thiểu áp lực đối với giao thông công cộng.

Nhưng cũng nên thấy là số xe Phật tử chạy theo xe hoa là một  hình thức diễn hành mừng lễ hội tự phát. Chúng ta có thể “tổ chức hóa” hoạt động diễn hành tự phát này bằng cách “xe hoa hóa” những xe gắn máy chạy tùy tùng với xe hoa  bằng đèn sen, đèn trang trí dùng pin cầm tay hoặc dán vào xe, đặc biệt là cờ Phật giáo cỡ nhỏ.

Lễ khai mạc Hội thảo Hoằng pháp 2011 đã diễn ra hết sức hoành tráng với 45.000 người tham dự (có thể nói là hoạt động quy tụ người tham dự đông đảo nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại sân vận động). Một cuộc lễ Phật đản tổ chức vào buổi sáng sẽ không thể là một buổi lễ đông đảo, có tính chất Phật giáo toàn dân như thế, vì không vào giờ vàng, không thu hút được người tham dự vì nhiều người bận đi làm, đi học.

Một trong những giải pháp có thể là tổ chức bổ sung một ngày hội Khánh đản, tốt hơn hết từ 20giờ một buổi tối thứ bảy hay chủ nhật trong tuần lễ Phật đản, với một buổi văn nghệ chuyên nghiệp theo hình mẫu Hội thảo Hoằng pháp 2011 tại Bình Dương và trong đó có thể là một buổi thuyết pháp công cộng tại sân vận động.

Hình thức đi bộ vì môi trường như trong Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 là một hình thức mang tính Phật giáo toàn dân cao, vì ai cũng có thể tham gia, không tốn chi phí, tạo nên không khí sôi động, phấn khởi cho lễ hội, vừa mang tính thời đại.

Thực chất, đi bộ vì môi trường với cờ, hoa, biểu ngữ, băng rôn, các hình thức thể hiện phong phú như trang trí xe đạp, quần áo, mũ nón đồng phục…là một cuộc tập hợp diễn hành quần chúng nhân dịp lễ hội, vừa chào mừng ngày lễ, vừa mang tính chất vận động nếp sống hướng thượng, đạo đức vì lợi ích cộng đồng.

Do đó, việc đưa hình thức đi bộ vì môi trường sống chào mừng lễ hội thành sinh hoạt thường xuyên của Tuần lễ Phật đản là điều cần tính đến, để nâng cao tác động của lễ hội Phật đản, tạo không khí vui tươi, sinh động có tính chất toàn dân cho ngày lễ.

Ngoài băng rôn, cờ, hoa, hình Đức Bản Sư Đản Sinh in trên giấy bìa gắn vào thanh nhựa cầm tay để đưa lên cao có thể tạo nên một biểu trưng mới cho ngày lễ Phật đản có tính chất Phật giáo toàn dân.

MT