Trang chủ Văn hóa Từ một giấc mơ

Từ một giấc mơ

70

Nhân chuyến về nước để triển khai cụ thể chương trình hiệu đính và tham dự hội thảo tại Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam giữa tháng bảy vừa qua, anh đã dành cho Tạp chí Văn hóa Phật giáo một buổi trò chuyện.


 


Ý tưởng dịch kinh bằng máy vi tính đến với anh từ lúc nào?


 


Khoảng vào năm 1982, trong một cuộc trò chuyện tình cờ giữa tôi và anh người anh của tôi (bác sĩ Trần Tiễn Huyến, Mỹ – PV), tôi thấy anh trai tôi dịch kinh Phật từ chữ Hán một cách rất khó khăn và mất nhiều thì giờ. Ý tưởng dịch kinh bằng máy tính nảy sinh trong tôi từ đó, trước hết là giúp anh tôi mà thôi. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, máy vi tính chưa phổ biến lắm, ngay tại trên đất Mỹ, và cũng chưa có những chương trình phần mềm để phục vụ cho những công việc phức tạp như dịch thuật.


 


Mãi đến năm 2004, tôi được biết ở Đài Loan, Hội Kinh điển Hán tạng Điện tử (CBEIA) đã hoàn thành phiên bản điện tử Đại tạng kinh Đại chính tân tu và tôi đã may mắn có được phiên bản này. Ý nghĩ đầu tiên là làm sao để có thể phiên âm, lược dịch (dịch thô) những bản kình mình muốn lại thôi thúc tôi. Một cơ duyên khác, tôi có được phiên bản điện tử của Bộ từ điển Hán – Việt của nhà nghiên cứu Phật học nổi tiếng Thiều Chửu. Khi tôi đưa vào máy tính, cho máy dịch một số đoạn thì hết ức vui mừng vì máy đã dịch gần giống với bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, với những bộ kinh quen thuộc mà tôi biết.


 


Tôi đã thử thống kê chữ, thấy rằng bộ Từ điển Hán – Việt của cụ Thiều Chửu có khoảng 8000 chữ thì Đại tạng kinh Đại chính tân tu sử dụng đến 7000 chữ. Đây là điều thú vị. Tuy nhiên phiển âm và nghĩa tiếng Việt trong bộ từ điển này lại hơi cổ, nên tôi đã có sự chỉnh sửa đôi chỗ.


 


Anh có thể cho ví dụ?


 


Chẳng hạn chữ Thích Ca được phiên âm là “Thích già”, Mâu ni thì phiên âm là “Mưu ni”… Tôi đổi qua và bổ túc thêm các từ hiện đại và phổ thông.


 


Bản kinh đầu tiên mà anh cho máy tính dịch thử là…


 


Kinh A Di Đà.


 


Máy móc, dẫu hiện đại cỡ nào cũng là máy móc, làm sao để anh làm cho máy tính nhận dạng cách phân đoạn, ngắt câu, các danh từ riêng, danh từ chung, từ phiên âm…. trong văn bản chữ Hán cổ, vốn không dễ nhận biết, ngay cả đối với con người…


 


Đúng vậy. Do đó việc trước tiên là tôi căn cứ trên các bản dịch hiện có của Hòa thượng Thích Trí Tịnh và chư tôn đức khác, chọn từ, phân loại và nhập vào kho dữ liệu của máy tính. Khi số lượng này càng lớn trong dữ liệu, thì máy tính càng tỏ ra “thông minh” hơn. Chẳng hạn khi gặp các cụm âm tiết phiên âm từ Phạn ngữ, như Bồ-Đề-tát-đỏa, Ma-ha, Bồ-tát, Phật-đà-gia…, máy tính sẽ nhận ra ngay mà không ngớ ngẩn dịch từng chữ. Tất nhiên, do dữ liệu vẫn còn hạn chế, nên không thể tránh được một số trường hợp hiểu nhầm ngớ ngẩn. Điều này chắc chắn cần phải có con người tham dự vào.


 


Đối với việc phiên âm, điểm mạnh mà chúng tôi thấy được là máy tính đã phiên âm gần chính xác, ưu điểm là không hề bỏ sót. Một tiện ích khác nữa là khi đã ra phiên bản Microsoft thì sẽ rất dễ dàng cho người hiệu đính trong việc đối chiếu với nguyên bản chữ Hán, phiên âm với phần dịch nghĩa (lược dịch của máy tính), dễ dàng trong việc biên tập, thêm, bớt, đảo vị trí từ, cụm từ cũng như thay đổi từ (cụm từ) hàng loạt qua công cụ thông thường mà ai biết sơ về máy tính cũng có thể làm được.


 


Công việc dịch thuật bằng máy tính của anh đến nay đã có kết quả như thế nào?


 


Chúng tôi đã phiên âm, lược dịch bằng máy tính đến nay, về phần kinh tạng, xem như đã hoàn tất với 2.372 bộ kinh/9.035 quyển trong Hán tạng (được phân thành 9.035 phiên bản dùng với MS-Word. Việc phiên âm, dịch thô bằng mày chỉ diễn ra trong 28 giờ. Kinh ngắn như A Di Đà chỉ diễn ra trong 10 giây, còn kinh dài như bộ Đại bát nhã (600 quyển) thì mất 50 phút.


 


Hiện nay, chương trình của chúng tôi được sự ủng hộ của Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và các nhóm dịch thuật của chư Tăng Ni tại TP. Hồ Chí Minh và Huế cũng như nhiều bậc tôn túc ở Hải ngoại.


 


Trước mắt, chúng tôi sẽ chờ bản hiện đính sơ bộ, căn cứ trên đó để đưa thêm dữ liệu vào máy tính; công đoạn này sẽ thực hiện đến khi được sự chấp nhận của chư tôn đức chứng minh, dự kiến đến giữa tháng 6 – 2008, sẽ có bản điện tử kinh tạng được dịch từ chữ Hán.


 


Như vậy, song song với chữ Hán, có thể đưa thêm các ngôn ngữ khác vào?


 


Đúng vậy, hiện nay tôi đang thử đưa thêm Anh ngữ và Pháp ngữ. Điều này tôi thấy không phức tạp lắm khi hiện nay chúng ta đã có những bộ từ điển Phật học bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Việc có một kinh tạng đa ngữ dễ dàng cho giới nghiên cứu đối chiếu là điều không quá tầm tay khi chúng ta có phương tiện hiện đại với bộ xử lý mạnh và tinh tế như hiện nay nữa.


 


Những khó khăn và thuận lợi khi anh thực hiện?


 


Tôi là một cư sĩ, có một công việc phải làm và con lo cơm ăn áo mặc cho vợ con, nhưng tôi được may mắn là công việc của mình hiện tại (dự báo khí tượng thủy văn – PV) buộc tôi phải trang bị máy tính thuộc dạng hiện đại và có tốc độ xử lý mạnh, nên mới có phương tiện đủ để thực hiện Phật sự trên. Một điều may mắn nữa trong cuộc đời của tôi là tôi có một người vợ, một Phật tử có tâm đạo thuần thành, đã hỗ trợ tinh thần cho tôi rất nhiều. Tôi cũng được sự ủng hộ của các anh chị trong gia đình, đặc biệt là chư tôn đức Tăng Ni.


 


Cái khó khăn là về nhân lực và thời gian. Hiện nay, về kỹ thuật, chỉ có một mình tôi. Nếu có thêm nhân lực và thời gian, tôi nghĩ công việc trên có thể sẽ có kết quả tốt hơn nữa.


 


Hiện tại các anh em trong gia đình tôi thành lập Tuệ Quang Foundation nhằm thúc đẩy chương trình đi tốt hơn. Chương trình này được giới thiệu rộng rãi trên trang nhà http://www.daitangvietnam.com/.


 


Anh có thể nói tâm nguyện khi thực hiện chương trình?


 


Đạo Phật đến nước ta đã hơn 2000 năm, nhưng cho đến nay, chúng ta, những người Phật tử Việt Nam vẫn chưa có kinh tạng bằng chữ Việt. Với sự hỗ trợ của máy tính với các chương trình phần mềm đặc thù, có thể hỗ trợ thúc đẩy việc sớm có một Đại tạng (chấp nhận được). Máy móc vẫn là máy móc, dù cho chúng ta đưa nhiều dữ liệu vào khiến nó thông minh hơn, thì vẫn cần đến con người. Điều này chúng tôi trông chờ vào các chư tôn đức và các bậc thiện tri thức, các nhà nghiên cứu. Để có một đại tạng kinh Việt Nam, chúng tôi nghĩ cần đến tâm lực và thời gian, với sự hỗ trợ về kỹ thuật, tạm thời sẽ có một phiên bản có thể đọc và hiểu, nói chung là chấp nhận được. Còn việc hoàn thiện nó, chúng tôi nghĩ không chỉ vài năm, hay một đời mà có thể 2-3 đời nữa. Ước nguyện của chúng tôi là mong sớm có một Đại tạng kinh Việt Nam


 


Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.