Trang chủ Thời đại Ứng dụng bát chính đạo trong cuộc sống hiện đại (Phần hai)

Ứng dụng bát chính đạo trong cuộc sống hiện đại (Phần hai)

156

Phần II: Ứng Dụng Bát Chính Đạo Cho Những Vấn Đề  Thời Đại


Với những khủng hoảng trong thời đại mới vừa trình bày ở trên: khủng hoảng tâm linh, khủng hoảng môi sinh, khủng hoảng xã hội, khủng hoảng văn hóa… đòi hỏi những nhà lĩnh đạo cần có nhiều phương pháp để giải quyết để tái thiết lại một thế giới hòa bình, thanh cao, trong sạch, tốt đẹp… Ở đây, người viết xin giới thiệu một phương pháp hữu hiệu góp phần vào việc dựng xây một thế giới tốt đẹp như thế. Phương pháp đó chính là áp dụng Bát Chính đạo vào cuộc sống để giải quyết những vấn đề trên.


I. Ứng dụng ở lĩnh vực tâm linh


Khủng hoảng thuộc lĩnh vực này được khái quát qua ba phần: khủng hoảng tôn giáo, khủng hoảng chiến tranh xung đột, và khủng hoảng tư duy. Tám phương pháp chân Chính sẽ lần lượt đưa ra hướng giải quyết cho những khó khăn này.


1. Khủng hoảng tôn giáo


Mục đích của tôn giáo là hướng dẫn nhân loại tìm về chân-thiện-mỹ, tạo sự đoàn kết giữa mọi người với nhau, tạo một cuộc sống hòa hợp, trau dồi đức tính và tinh thần thanh tịnh và cùng nhau hướng về chân lý. Chân lý thì chỉ có một, nhưng chân lý có thể và phải được phản ánh dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo văn hóa, dân tộc của từng vùng.


Nguyên nhân gây ra sự khủng hoảng tôn giáo hay chiến tranh tôn giáo là do sự hiểu biết sai lầm, sự nhận thức lệch lạc, vì tự kỉ, dục vọng và danh vọng, chấp chặt vào giáo điều… của những nhà tôn giáo, từ đó họ mang danh Thượng đế, nhân danh chân lý để tạo sự hận thù và đánh giết những người không cùng quan điểm, không cùng tôn giáo với mình, tạo nên những cuộc chiến tranh kinh khiếp cho nhân loại.


Muốn chấm dứt tình trạng ấy, những nhà tôn giáo phải thực hiện Chính kiến để có cái nhìn đúng đắn như thật, phải thực tập Chính tư duy để có những suy tư chân Chính, nhờ thế họ sẽ thấy được chân lý chính là tình thương, là sự cảm thông và hiểu biết, là hạnh phúc của con người. Thực tập được điều đó, nhà tôn giáo sẽ có được sự cảm thông và hiểu biết, tư tưởng chân Chính ấy sẽ phát sinh những hành động tốt đẹp, họ sẽ không bao giờ gây bất cứ điều gì tổn hại cho con người mà chỉ đem lại sự lợi lạc, an bình thật sự cho nhân loại như mục đích tốt đẹp của tôn giáo đã nêu ra. Những nhà lĩnh đạo tôn giáo cũng phải thực hiện Chính niệm và Chính định để thanh lọc thân tâm, loại trừ tất cả những tư duy hữu ngã, những bản chất xấu xa, vị kỷ, dục vọng, danh vọng, giáo điều… khi thân tâm được thanh tịnh thì họ làm bất cứ điều gì cũng mang lại an lạc và hạnh phúc cho nhân loại, khi ấy nhà tôn giáo mới thực sự hướng dẫn nhân loại đến chân-thiện-mỹ, và dĩ nhiên lúc ấy sẽ không bao giờ xảy ra khủng hoảng tôn giáo nữa. Chính nhờ thực tập được điều này mà sự truyền bá của Phật giáo không bao giờ mang đến sự khủng hoảng cho nhân loại như một vài tôn giáo khác đã làm.


Phải chăng nhà khoa học lừng danh nhất của nhân loại trong thế kỉ XX, Albert Enstein đã nghiên cứu qua những phương pháp nhiệm màu này trong Phật giáo nên đã khẳng định: “Tôn giáo trong tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ, nó phải siêu việt lên  một Thượng đế cá nhân, tránh giáo điều thần học, bao quát cả hai mặt tự nhiên và tâm linh, nó phải dựa trên một ý thức tôn giáo nảy sinh từ sự thực nghiệm của mọi sự vật tự nhiên và tâm linh, được quan niệm như một thể thống nhất có ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng một mô tả như vậy. Nếu có một tôn giáo thỏa mãn những yêu cầu của khoa học hiện đại thì tôn giáo đó là Phật giáo.”


2. Chiến tranh và xung đột


Nếu chiến tranh và xung đột là tội ác, là khổ đau làm cho nhân loại kinh khiếp bao nhiêu thì hòa bình và hạnh phúc là ước mơ của hàng triệu người bấy nhiêu. Triết gia Berjamin Franklin nhận định: “Không bao giờ có một chiến tranh tốt hay một hòa bình xấu”. Chiến tranh và xung đột không phải ngẫu nhiên mà có, nó bắt nguồn từ những tư tưởng tham lam tranh giành của cải, tài nguyên, thuộc địa. Chiến tranh còn bắt nguồn từ những tư tưởng, ý niệm chia rẻ, hận thù và gian ác. Lời mở đầu bản hiến chương của Tổ chức văn hóa giáo dục Liên Hợp Quốc (Unesco) đã khẳng định: “Chiến tranh do tâm phát khởi thì hòa bình cũng do tâm xây dựng”. Lời mở đầu bản hiến chương này nhắc nhở chúng ta rằng: công cuộc xây dựng hòa bình phải được xây dựng ngay chính tâm con người.


Tiến trình tu tập Bát Chính đạo chính là tiến trình thanh lọc tư tưởng, thanh lọc tâm. Mỗi khi con người áp dụng pháp môn này để quay về với chính mình để thanh lọc thân tâm thì chiến tranh và sự xung đột sẽ được tiêu diệt tận gốc rễ. Con người cần tu tập Chính kiến để thấy được giá trị của hòa bình và an lạc, thấy được tội ác và khổ đau kinh khiếp của chiến tranh, xung đột. Từ đó, qua Chính tinh tấn, con người nổ lực thực tập Chính niệm và Chính định để thanh lọc tâm, loại trừ những tư tưởng tham lam tranh giành của cải, tài nguyên, thuộc địa, dứt bỏ những ý niệm chia rẽ, hận thù và gian ác. Thực tập được điều này thì chiến tranh và xung đột sẽ không bao giờ phát sinh, đồng thời tâm ý cũng được định tĩnh và an lạc, và đó cũng chính là hạnh phúc tối thượng mà đức Phật thường dạy trong các kinh điển: “Không có hạnh phúc nào có thể sánh với sự an bình của tâm trí.”


Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Trần Thạc Đức), bậc thầy về phong trào hòa bình thế giới đã nói: “Con người cần thấy rằng dục vọng, tham sân đã gây loạn cho thiên hạ, phải quay về tự thân để mở một cuộc thanh trừng vĩ đại bên trong nội giới. Phải ý thức rằng bản thân mình chứa đựng những yếu tố trí huệ và tình thương, mà cũng chứa đựng yếu tố si mê và dục vọng. Dục vọng si mê đã che lấp tình thương và trí huệ. Con người cần phải tranh đấu để diệt trừ chúng, để nuôi dưỡng trí tuệ và tình thương thì con người mới có thể đoàn kết sâu rộng, để tạo một đời sống chung cùng tươi đẹp.”


3. Khủng hoảng tinh thần


Khủng hoảng tinh thần được phân tích ở chương 2, đó chính là sự khủng hoảng của khối óc và con tim, sự lo sợ mọi vấn đề trong cuộc sống cũng như sự xuống cấp về đạo đức của con người hiện đại. Sở dĩ có những việc ấy là do sự tất bật của xã hội hiện đại, con người sống hối hả, thiếu Chính niệm, tinh thần lúc nào cũng bị dao động, biến đổi theo hoàn cảnh, theo công việc, theo vật chất, danh vọng… để rồi chấp chặt, bám víu vào đó, chưa bao giờ có một chút thanh thản để quay về nội tâm, quán chiếu chính mình, thực hiện từng bước đi an lạc, từng hơi thở thảnh thơi. Muốn chấm dứt tình trạng ấy, con người cần thực tập Chính kiến để thấy đúng, hiểu rõ về bản chất của cuộc đời vốn là vô thường, giả tạm; ngay cả tâm ý cũng thay đổi không ngừng, khi thấy được bản chất ấy ta sẽ không quá bám víu, chấp chặt vào mọi sự việc, cứ bình tĩnh, vui tươi và thoải mái giải quyết mọi công việc… có như thế thì tinh thần sẽ được quân bình, giảm bớt những sự lo âu, căng thẳng. Đồng thời áp dụng và thực hành phương pháp Chính tư duy, Chính niệm, Chính định để có được những suy tư, nhớ nghĩ một cách đúng đắn, chân chính, thân tâm được định tĩnh sáng suốt. Được như thế thì hiệu quả công việc sẽ tăng cao, thân tâm không còn dao động, lo âu, stress… Như thế thì khủng hoảng về tư duy sẽ không còn tồn tại nữa.


Đối với vấn đề đạo đức đang băng hoại, xuống cấp trong xã hội hiện đại, con người cần thực tập Chính ngữ để thiết lập sự cảm thông, ý thức trong từng lời nói của mình, lúc nào cũng nói lời hay, lẽ thật mang tính chất xây dựng đoàn kết và thương yêu… Áp dụng Chính nghiệp để ý thức trong từng hành động của mình lúc nào cũng mang lại sự tốt đẹp cho mình, cho người… Tu tập Chính mạng, chọn cho mình những nghề nghiệp chân Chính, không chọn những nghề nghiệp gây tai hại cho người khác, như buôn lậu vũ khí, độc dược, đâm thuê giết mướn… Thực tâp được những việc như trên thì chắc chắn xã hội thanh bình sẽ được thiết lập, những khủng hoảng về đạo đức, tư duy sẽ không còn là nỗi lo cho nhân loại nữa.


II. Ứng dụng ở lĩnh vực môi sinh


Môi sinh hay môi trường sống là điều kiện vô cùng cần thiết đối với con người. Công việc xây dựng làm sạch môi trường, tái thiết lại hành tinh xanh của trái đất ngày càng tươi đẹp để con người sinh sống là điều phải làm ngay trước mắt. Yếu tố căn bản nhất là bản thân mọi người phải có Chính kiến để thấy được sự thật đó; phải thấy được rừng và cây xanh là yếu tố cần thiết nhất để tạo một môi trường đẹp và trong sạch. Cây xanh và rừng mang lại dưỡng khí cho con người và hàng triệu loài sinh vật; rừng điều hòa không khí, giảm lũ lụt và hạn hán, giữ độ phì nhiêu của đất, giữ mạch nước ngầm trong lòng đất… Cây xanh và rừng là người bạn thân tình nhất, tốt nhất của chúng ta; bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng chính là bảo vệ chính mình và bảo vệ trái đất. Nhờ có hiểu biết đúng đắn qua Chính kiến, ta thực tập Chính tư duy để có những suy nghĩ đúng đắn về bảo vệ rừng, xây dựng rừng; thực tập Chính nghiệp để tạo những thiện nghiệp, những hành động tốt, như trồng cây gây rừng, kiến thiết lại những vùng thiên nhiên bị tàn phá, đồng thời phải biết lên án và ngăn chặn những hành vi phá hoại rừng…


Con người cần thực tập Chính mạng, chọn cho mình những nghề nghiệp sinh sống thích hợp, chân chính, không vì tư lợi, vị kỷ bản thân mà chọn những nghề nghiệp chỉ lợi mình mà gây hại cho người khác và tàn phá thiên nhiên. Như tránh những nghề tàn phá cây xanh, núi rừng, buôn bán các hóa chất độc hại gây ra sự tàn phá thiên nhiên, môi trường… Phải ý thức khi xây dựng xí nghiệp, nhà máy; hạn chế tối đa việc thải những khí độc, khói vào không trung, phải có những giải pháp tối ưu để xử lý các chất thải độc hại mà không được thải vào sông hồ, biển cả…


Các nhà bảo vệ môi sinh trên thế giới cũng có những giải pháp cứu vãn tình hình khủng hoảng môi sinh như hạn chế sự khai thác tài nguyên thiên nhiên, tái thiết và sửa sang lại các môi trường bị tàn phá, phế bỏ dần những sinh hoạt gây tổn hại thiên nhiên và cùng lúc khuyến khích các kỹ thuật sản xuất biết yêu thương trái đất. Chuyển hóa dần xã hội tiêu thụ phung phí thành một xã hội biết tiết kiệm nhiên liệu hữu hạn và giảm thiểu sự phế thải để bớt ô nhiễm môi sinh…. Tất cả những dự án này đều hay và rất đúng. Nhưng nếu nhìn kĩ một chút, ta sẽ thấy những phương pháp ấy vẫn chưa giải quyết được tận gốc của vấn đề. Bởi vì, nguyên nhân hay thủ phạm của sự tàn phá, gây ô nhiễm môi sinh chính là con người chứ không phải hoàn toàn ở khoa học hay kỹ thuật. Nếu tâm con người còn nhiều tham lam, sân hận và si mê… thì mọi hành động của con người vẫn luôn mang bản chất tàn phá và hủy diệt, gây ô nhiễm cho môi trường… Do đó muốn xây dựng một môi trường sống trong sạch, muốn thanh tịnh thiên nhiên thì điều trước tiên là phải thanh tịnh hóa thân tâm của mỗi người, việc thanh tịnh hóa thân tâm không gì tốt đẹp hơn là áp dụng Bát Chính đạo vào cuộc sống hằng ngày của mình. Được như thế thì con người luôn luôn được sống trong một thế giới hoàn mỹ nhất.


III. Ứng dụng ở lĩnh vực xã hội


Những khó khăn về mặt xã hội hay những khủng hoảng của xã hội đã được trình bày vắn tắt ở chương 2. Thứ nhất là những khủng hoảng về kinh tế, sự khủng hoảng này phát sinh là do sự phát triển kinh tế không đồng đều, và hướng đi của những nhà làm kinh tế không đúng, nếu không muốn nói là sai lầm. Nguyên nhân chính là do những nhận định sai lệch, xuất phát từ những tư tưởng hơn thua tranh giành, tham lam đầy danh vọng… Do đó vấn đề đầu tiên đòi hỏi những nhà làm kinh tế phải có những nhận thức đúng đắn (Chính kiến), một cái nhìn xuyên suốt về tình hình xã hội, quốc gia, nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, địa hình của quốc gia mình… từ đó họ nghiền ngẫm, suy tư một hướng đi đúng đắn (Chính tư duy), áp dụng vào hành động phù hợp (Chính nghiệp), và nổ lực siêng năng (Chính tinh tấn), thực hiện những biện pháp hợp lý, đưa nền kinh tế phát triển đúng hướng, làm giàu đẹp quốc gia mình. Một khi đã có những nhận định, những suy tư đúng đắn qua Chính kiến và Chính tư duy, thì kinh tế sẽ không vì hơn thua, danh vọng, tham tài mà chạy đua kinh tế như Mỹ và Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh để rơi vào khủng hoảng. Nhờ phương pháp Bát Chính đạo, nhà kinh tế lúc nào thân tâm cũng an lạc, sáng suốt, luôn có những nhận định đúng đắn để đưa nền kinh tế quốc gia phát triển hợp lý, không bao giờ rơi vào tình trạng khủng hoảng.


Vấn đề mâu thuẩn trong chính trị cũng thế. Các nhà chính trị cần thực hiện con đường Bát Chính để làm cho tư tưởng, lời nói và việc làm đúng đắn, mang lợi ích thật sự cho con người, loại bỏ những tư tưởng thù hằn, kích bác chống trái lẫn nhau mà dẫn đến sự khủng hoảng, chiến tranh và giết hại. Nhờ thực hiện tám phương pháp đúng đắn mà các nhà chính trị có tâm từ ái, có hiểu biết, có cái nhìn xuyên suốt, biết thông cảm cho nhau, biết quan tâm lẫn nhau; dùng Chính ngữ để giải quyết mọi vấn đề trong êm đẹp, hòa ái, mang lại đoàn kết, thiết lập một thế giới đại đồng, hòa bình và thịnh trị ở khắp mọi nơi.


Những khó khăn trong việc đô thị hóa cũng vậy. Việc đô thị hóa hình thành từ sự phát triển nhanh trong công nghiệp. Nếu những người quản lý đô thị áp dụng phương pháp Bát Chính trong cuộc sống hằng ngày thì thân tâm họ được thanh tịnh hóa, tinh thần minh mẫn, thân thể tráng kiện; họ có được cái nhìn cảm thông và xuyên suốt, không vì tư lợi mà bóc lột công nhân, không giận dữ mà ngược đãi người làm,… đồng thời họ biết xây dựng những công xưởng, nhà máy hay xí nghiệp với đầy đủ tiện nghi, bảo đảm những điều kiện sống tốt đẹp cho công nhân, từ phòng nghĩ, đến chế độ ăn uống, vệ sinh, các phương tiện về y tế, các vấn đề trật tự… bảo đảm quyền lợi và hạnh phúc của mọi người. Được như thế thì sự khủng hoảng, khó khăn trong việc đô thị sẽ được giải quyết một cách tốt đẹp nhất.


IV. Ứng dụng ở lĩnh vực văn hóa


Ngày nay, việc ứng dụng Bát Chính đạo để giải quyết nền văn hóa có vấn đề khủng hoảng như được nêu ở trên là điều có thể thực hiện được. Về phương diện sách báo, nguyên nhân của sự khủng hoảng là do người cầm bút có những tư tưởng không trong sạch, họ không minh định được vấn đề thiện ác, hoặc tâm hồn họ còn nhiều nhiễm ô của tham sân, của tình tiền, danh vọng chi phối, do vậy họ mới viết lên những trang sách gây ô nhiễm, tai hại cho cả nhiều thế hệ mai sau. Do đó người cầm bút cần áp dụng Bát Chính đạo để thanh lọc thân tâm, làm tâm hồn mình được trong sáng, thanh cao trở lại. Khi đó, họ sẽ không viết lên những trang sách mang nội dung thấp hèn, không ca ngợi dục vọng đê hèn, không vướng vào lợi danh, tình tiền, không viết lên những trang mang nội dung khát máu, kích động lòng người, gây chia rẽ hận thù…. Ngược lại, họ sẽ biết nâng niu trân trọng những trang viết của mình, sẽ viết lên những điều tốt giúp ích cho toàn xã hội, viết lên những lời hay ý đẹp, ca ngợi sự thật, ca ngợi sự thanh khiết cao cả của tâm hồn con người; mỗi trang, mỗi dòng đều mang nội dung lành mạnh, xây dựng đoàn kết, thắp lên tình thương… chuyển hóa tâm hồn con người ngày một thanh khiết tốt đẹp hơn.


Nhà làm phim cũng phải áp dụng phương pháp Bát Chính để tu tập, để có Chính kiến thấy rõ rằng những phim mình sáng tác sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người. Nếu nhà làm phim với tâm hồn không trong sạch còn nhiều giận hờn, si mê và tham sân… thì thể hiện ra những phim ảnh với nội dung không lành mạnh, mang nội dung bạo động, kích dục, hận thù… Một khi con đường Bát Chính được thực hiện thì nhà làm phim sẽ có Chính kiến, có tư duy đúng đắn… biết thanh lọc tâm mình qua Chính niệm, Chính định, thì họ sẽ sản xuất ra những phim ảnh với nội dung thanh cao, ca ngợi đức hy sinh, ca ngợi cái đẹp, cái tốt trong cuộc sống, phát triển những đức tánh cao cả trong mọi người, lên án cái xấu, cái ác trong xã hội… tạo những tư tưởng thuần lương, thanh khiết cho mọi người.


Ở lĩnh vực giáo dục của gia đình, học đường hay trong xã hội, những bậc cha mẹ, thầy cô giáo phải áp dụng Bát Chính đạo để có được sự hiểu biết chân Chính, có được những tư duy đúng đắn, có được những hành động tốt đẹp, một nghề nghiệp thuần lương, có được tâm hồn luôn thanh cao và trong sáng để tạo nên một đời sống tốt đẹp cho chính mình và dựng xây xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Làm được như vậy thì chính họ là những tấm gương tốt nhất cho hàng con cháu, học sinh họ noi theo. Nhờ thực tập con đường Bát Chính mà họ còn có được sự cảm thông, biết quan tâm chia sẻ, chăm sóc con cái, học sinh nhiều hơn; đưa các em vào những nề nếp, những sinh hoạt lành mạnh, thân thể tráng kiện, tinh thần minh mẫn… Như thế thì vấn đề xuống cấp về đạo đức ở các em ở tuổi vị thành niên nói riêng hay mọi người nói chung sẽ không còn là nỗi lo ngại nữa, ngược lại một xã hội tốt đẹp, lành mạnh văn minh sẽ hiện hữu khắp mọi nơi.


***


Dòng đời nói chung hay một kiếp người nói riêng luôn tiềm ẩn trong đó những nỗi vui buồn, được mất, thạnh suy, vô thường biến động. Đã là một con người thì cũng luôn ẩn chứa trong mình những niềm vui, nỗi buồn hay hạnh phúc và đau khổ. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời trong nôi đến lúc già, bệnh, chết nằm trong lòng đất quạnh hiu, giá lạnh. Cả một chuỗi thời gian dài sinh sống con người chợt nhận ra rằng vui thì ít nhưng những nỗi khổ, niềm đau thì hình như không kể hết được. Bản chất cuộc đời luôn là khổ không, vô ngã. Đức Phật ra đời với những thông điệp diệt khổ, để làm vơi bớt những nổi khổ, niềm đau của nhân thế. Qua thời gian nghiên cứu mọi lý


thuyết về triết học và tôn giáo, Tổng thống Nehru tuyên bố rằng: “Đức Phật vĩ đại hơn tất cả các lý thuyết và tín điều, thông điệp bất diệt của Ngài làm rúng động nhân loại qua nhiều thời đại. Có lẽ không một thời điểm nào trong lịch sử quá khứ mà  thông điệp hòa bình của Ngài lại cần thiết hơn cho nhân loại đang đau khổ và cuồng loạn như hôm nay.”


Thông điệp vĩ đại ấy chính là vô lượng pháp môn tu học thể hiện qua Tam tạng kinh điển mà một đời người bỏ công ra đọc (chưa cần hiểu nghĩa) cũng chưa chắc là đọc hết, nhưng Tam tạng kinh điển ấy được đúc kết và cô đọng qua Tám con đường chân chính, dù là Nam truyền hay Bắc truyền; dù là Tịnh độ tông hay Hoa nghiêm tông, dù là Luật tông hay Pháp tướng tông… Tất cả đều lấy con đường Bát chính làm nền tảng; bởi vì đó là con đường chân chính, con đường Trung đạo.


Đã qua rồi một thời có những những nhận định phiến diện: “Tôn giáo là liều thuốc phiện” tạo hiểu lầm cho nhân loại. Cũng đã qua rồi một thời cho đạo Phật là bi quan, yếm thế… Những gì mà Phật giáo đã thể hiện, đã cống hiến cho nhân loại trong hàng chục thế kỷ qua đủ thấy rằng Phật giáo là một tôn giáo vô cùng lạc quan và thực tế. Điều này đã được tiến sĩ W.Rahula nhận định: “Phật giáo rất thực tế, vì Phật giáo lấy quan điểm thực tế đối với cuộc đời và thế giới. Phật giáo không sai lầm lôi kéo chúng ta đến sống trong một thiên đường rồ dại, Phật giáo cũng không đe dọa và hành hạ chúng ta bằng tất cả những sợ hãi giả tưởng và các mặc cảm tội lỗi. Phật giáo kêu gọi chúng ta nên chính xác và khách quan những gì thế giới chung quanh chúng ta và chỉ cho chúng ta con đường đi đến tự do toàn hảo, hòa bình và hạnh phúc.”


Quả thật, suốt quá trình hiện diện trên cõi đời hơn 25 thế kỷ, Phật giáo đã thể hiện tất cả những yếu tố lạc quan, cống hiến những phương pháp tích cực. Đặc biệt với Bát chính đạo, đây không những là một pháp môn căn bản và hữu hiệu nhất cho hành giả tu tập hướng về an lạc, chảy về suối Thánh, đạt được Niết-bàn cao cả, mà Bát chính đạo còn là một phương pháp hữu hiệu nhất để ứng dụng vào cuộc sống mới, xây dựng cuộc đời, giải quyết những vấn đề mới, giải quyết những khủng hoảng đang hiện diện gây khó khăn cho nhân loại như khủng hoảng tâm linh, khủng hoảng môi sinh, khủng hoảng xã hội, khủng hoảng văn hóa … mang lại một cuộc sống thật sự hạnh phúc và an lạc cho cả thế giới này.


Thế giới ngày nay, nhân loại đang từng bước hoàn thiện đời sống con người và xã hội; lãnh vực giáo dục cũng đang từng bước được cải thiện nâng cao dần lên. Thế nhưng, thế giới ngày nay phát triển nhanh đến mức độ kinh khiếp trên mọi lãnh vực, từ đó kéo theo những khó khăn trong xã hội, những phương pháp của xã hội cũng như những cải thiện trong mặt giáo dục không theo kịp để tạo sự cân bằng xã hội. Nguyên nhân của sự không theo kịp ấy là vì những phương pháp ấy chỉ cố gắng giải quyết sự việc ở mức độ xã hội, có quan tâm đến con người nhưng chỉ quan tâm ở mặt hình thức, có tính chất  tạm thời. Muốn giải quyết mọi vấn đề một cách hoàn hảo nhất, đúng đắn nhất là phải giải quyết ở ngay bản tâm con người; chừng nào con người còn tham lam, sân hận, ích kỉ và thù nghịch lẫn nhau, thì chừng ấy xã hội vẫn còn những vấn đề rắc rối và những sự khủng hoảng vẫn tiếp tục xảy ra. Do đó con người cần phải can đảm, quay về chính bản tâm mình để làm một cuộc “thanh trừng” vĩ đại, loại trừ tất cả những bản tánh xấu ác. “Tâm bình thì thế giới bình”, một khi trong tâm con người không còn những sự tham lam, ích kỉ… biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, biết phát triển trí tuệ thật sự… thì chừng ấy thế giới sẽ hòa bình, an lạc và phát triển theo hướng tốt đẹp nhất. Để có được điều này không gì tốt đẹp hơn là phải đưa Bát chính đạo vào ứng dụng trong cuộc đời để thanh lọc thân, tâm con người, làm giàu đẹp, an bình và hạnh phúc cho cuộc sống.


Đã đến lúc mọi người trên thế giới cần quay về Phật giáo để tìm lại sự an lạc đích thực của tâm hồn mình và làm giàu đẹp thế giới. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo trên thế giới, lãnh đạo quốc gia phải nhìn lại vấn đề, để đủ can đảm đem phương pháp Bát chính đạo nhiệm mầu này dựng xây cuộc sống, đưa Bát chính đạo vào chương trình giáo dục xã hội, giáo dục học đường, giáo dục gia đình và giáo dục cho từng cá nhân. Được như thế thì con người sẽ không còn tham, sân, si, hận thù và ích kỉ… Xã hội sẽ không còn những lo âu sợ sệt về những sự khủng hoảng. Nhân loại sẽ sống trong một thế giới đại đồng, bình yên, hạnh phúc và giàu đẹp.


Phật giáo vô cùng thực tế, rất tích cực cho cuộc sống và con người, cho dù đó là con người trong lịch sử hay con người trong thế giới hiện đại. Chính vì thế, ta thấy rất nhiều bậc vĩ nhân trên thế giới đều áp dụng Phật giáo để làm kim chỉ nam hướng về chân-thiện-mỹ, áp dụng cho đời sống bản thân, cho quốc gia, cho con người và cho xứ sở họ: từ Đại đế Asoka (A-dục) vĩ đại trong lịch sử cho đến Tổng thống Nehru của xứ Ấn; từ vua Lý Thái Tổ làm vang danh đất Việt cho đến tướng quân Lý Thường Kiệt anh hùng; từ nhà khoa học lừng danh nhất thế giới Albert Einstein đến tiến sĩ W.Rahula học giả trứ danh trong thời hiện tại v.v…


Để kết thúc bài viết này, người viết xin mượn lời của giáo sư Rhys Davids, Chủ tịch hội Pàli Text Society, như là một lời nhắn gửi đến tất cả mọi người hãy ứng dụng Bát chính đạo để làm đẹp và thăng hoa cho cuộc sống của mình: “Là Phật tử hay không phải là Phật tử, tôi đã quan sát mọi hệ thống các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra không một tôn giáo nào có thể vượt qua được về phương diện vẻ đẹp và sự quán triệt của Bát chính đạo và Tứ diệu đế của đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó.”


Sưu tầm từ Internet