Trang chủ Thời đại Ứng dụng bát chính đạo trong cuộc sống hiện đại (Phần một)

Ứng dụng bát chính đạo trong cuộc sống hiện đại (Phần một)

101

Tiến trình của một con người nói riêng hay của một chúng sinh nói chung cũng không ra ngoài thông lệ ấy, cũng trải qua bốn giai đoạn: sinh, lão, bệnh và chết. Như vậy bản chất của cuộc đời, của hoàn vũ hay của một kiếp người cũng luôn mang những tính chất: vô thường, vô ngã, khổ và không.


Suốt bốn mươi chín năm hoằng pháp độ sinh không mỏi mệt, cuối cùng dưới cội Ta-la song thọ, đức Thế Tôn đã tuyên bố rằng: “Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ”. Con đường diệt khổ ấy được ghi chép trong Tam tạng kinh điển của Phật giáo, toàn bộ hệ thống Tam tạng ấy được nhân loại khẳng định rằng: không có một hệ thống kinh điển, giáo lý của một tôn giáo nào, hay bất kỳ triết lý, học thuyết của một triết gia nào có thể so sánh được cả về nội dung lẫn hình thức, cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong Tam tạng kinh điển ấy có nhiều pháp môn và chúng ta thường nghe nói là có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn tu tập để diệt khổ, tám vạn bốn ngàn pháp môn ấy được khái quát, cô đọng qua phần Đạo đế, đó chính là Ba mươi bảy trợ đạo phẩm, và Bát chính đạo lại chính là tinh hoa, là sự tóm thâu Ba mươi bảy trợ đạo phẩm. Như vậy Bát Chính Đạo chính là nền tảng, là tinh hoa của toàn bộ hệ thống Tam tạng kinh điển của Phật giáo, là sự kết tinh, tóm thâu của tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, cũng chính là phương pháp tốt nhất để diệt khổ. Chính vì thế nên Bát chính đạo có một vị trí vô cùng quan trọng, lại là con đường chân chính tốt nhất của mọi tôn phái trong đạo Phật, là pháp môn tiêu biểu nhất cho mọi người tu tập…


Đức Phật diệt độ cách đây đã gần ba ngàn năm, một khoảng thời gian rất dài, trải qua biết bao sự biến thiên đổi dời của nhiều thời đại, lịch sử đã nhiều lần sang trang, thế nhưng Bát chính đạo vẫn không hề thay đổi hay lỗi thời, mà ngược lại Bát Chính đạo ngày càng thích hợp với chân lý của mọi thời đại, đây là tính khế thời và khế lý của pháp môn tu tập này. Chính vì thế mà mọi tông phái trong Phật giáo từ Nam tông đến Bắc tông, từ Tịnh Độ tông đến Hoa Nghiêm tông, từ Thiền tông đến Luật tông… đều áp dụng pháp môn này để tu tập, vì pháp môn này thích hợp với mọi trình độ, mọi căn cơ của chúng sinh, đây là tính khế cơ của pháp môn này.


Nhất là thời đại ngày nay – “Thời đại mới” – với sự phát triển vượt bậc của khoa học, kiến thức con người ngày một nâng cao, biết bao học thuyết, tôn giáo bị phá bỏ, chỉ trích… Nhưng các phương pháp tu tập của Phật giáo, đặc biệt là pháp môn này luôn thích ứng với mọi thời đại và mọi quốc gia, mọi xã hội, mọi con người, cho dù đó là con người hiện đại, hay thời đại khoa học hiện đại nhất. Chính vì thế mà nhà khoa học lừng danh nhất của thế kỉ XX, Albert Einstein đã khẳng định: “Nếu có một tôn giáo thỏa mãn được những yêu cầu của khoa học hiện đại, thì tôn giáo đó là đạo Phật.”


Thế giới ngày nay đang phát triển một cách chóng mặt, chỉ một vài thế kỉ qua, những phát minh về khoa học trên mọi lĩnh vực đã đẩy sản lượng vật chất tăng nhanh gấp trăm ngàn lần so với sản lượng của hàng triệu năm trước đó cộng lại. Dù sống trong một thế giới giàu sang, văn minh, đầy đủ mọi phương tiện vật chất hiện đại nhất, nhưng con người vẫn ngày một bận rộn hơn, đầu óc con người vẫn ngày càng căng thẳng hơn, nhiều bệnh tật mới phát sinh, lòng tham lam, ích kỉ của con người cũng tăng lên, người nghèo khổ, chết đói vẫn tồn tại khắp nơi trên thế giới, nạn phạm pháp, giết người, khủng bố… cũng nhiều hơn. Phương tiện truyền thông vô cùng hiện đại, nhưng con người lại ít quan tâm với nhau hơn, chiến tranh trên thế giới diễn ra ngày càng qui mô và khủng khiếp hơn… Tất cả những điều ấy đòi hỏi một phương pháp hữu hiệu để mọi xã hội, mọi quốc gia áp dụng, để ngăn chặn và xóa bỏ những việc khó khăn, xóa bỏ những điều không tốt trên, góp phần dựng xây một thế giới hòa bình và hạnh phúc. Bát Chính đạo sẽ là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất đóng góp vào việc dựng xây ấy.


Nếu như con người hiện đại là Chính báo cần áp dụng pháp môn Bát Chính đạo để dứt bỏ lòng tham lam, tính vị kỉ… hoàn thiện nhân cách của chính mình, thì trái đất, hành tinh xanh của chúng ta là y báo của vạn loại hữu tình cũng cần ứng dụng pháp môn Bát Chính đạo để xây dựng hành tinh xanh ngày một tốt đẹp và trong sạch hơn. Từ ngàn xưa đến nay, chưa bao giờ các nhà xã hội học, hay khoa học… kêu gọi mọi người hãy bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta một cách tha thiết như hôm nay. Môi trường đang ngày càng ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên ngày một cạn kiệt, tầng ozon bị chọc thủng, nhiệt độ trái đất đang tăng dần…hành tinh xanh của chúng ta đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt… Trong bài này, người viết xin giới thiệu những cống hiến của pháp môn Bát Chính đạo cho những vấn đề nan giải trong cuộc sống. Bài viết gồm hai phần: những vấn đề trong cuộc sống hiện đại và sự ứng dụng pháp môn Bát Chính đạo để giải quyết mọi vấn đề ấy.


Phần I: Những Vấn Đề Trong Cuộc Sống Hiện Đại


Cuộc sống ngày nay, cuộc sống trong thời đại mới, nhân loại đã từng bước hoàn thiện đời sống chính mình. Kiến thức, trình độ của nhân loại đã đạt đến đỉnh cao, hàng ngàn phát minh khoa học đã ra đời đưa nền văn minh vật chất và kỉ thuật công nghệ phát triển đến mức độ chóng mặt. Con người ngày nay có thể ngồi một chỗ nhưng biết được mọi sự việc diễn ra trên thế giới, chỉ cần ngồi trong nhà nhưng có thể hưởng mọi thứ mà họ cần. Không những thế, con người còn khám phá ra những bí ẩn dưới lòng đại dương sâu hàng ngàn mét, hay có thể viếng thăm và khám phá những thiên hà cách xa trái đất hàng trăm năm ánh sáng, v.v… Tất cả những thành tựu khả quan ấy là điều không thể phủ nhận và kể hết được.


Thế nhưng bên cạnh những thành tựu khả quan ấy, bên cạnh sự phát triển vượt bậc ấy, ngay trong thời đại mới này, nhân loại đang phải đối diện với hàng trăm, hàng ngàn vấn đề nhức nhối, nan giải của thời đại, hàng loạt sự khủng hoảng đang làm đau đầu giới chức trách, làm sao tìm ra những phương pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ thế giới này. Những vấn đề ấy người viết xin trình bày tóm lược qua những điểm sau: Sự khủng hoảng tâm linh; khủng hoảng môi sinh; khủng hoảng xã hội và khủng hoảng văn hóa.


I. Tâm linh


Tâm linh là lĩnh vực tiềm ẩn bên trong mọi người rất khó diễn đạt, nhưng lại là vấn đề vô cùng quan trọng. Mọi hành động của con người, mọi phát minh hay cống hiến của nhân loại đều xuất phát từ tư duy, nghiền ngẫm lâu dài của tâm trí. Lĩnh vực này thuộc về tâm linh, tôn giáo bao giờ cũng đề cao, chú trọng lĩnh vực này. Sự khủng hoảng tinh thần, khủng hoảng chiến tranh, xung đột… cũng bắt nguồn từ lĩnh vực tâm linh.


1. Khủng hoảng tôn giáo


Tôn giáo đã hình thành và phát triển từ rất lâu trong lòng xã hội, từ thời xa xưa ấy cho đến nay tôn giáo đã có một vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Nhân loại ngày nay có khoảng 6 tỉ người, thì số lượng người theo tôn giáo, tín ngưỡng đã chiếm trên năm tỉ rồi, bởi sống giữa cuộc đời ai cũng cần có một chỗ dựa tâm linh để sống đẹp, sống có lý tưởng. Mỗi tôn giáo đều có lý tưởng riêng của mình, và cùng nhau hướng về lý tưởng, chân lý đó. Chân lý thì chỉ có một , nhưng chân lý có thể được phản ánh, diễn đạt dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy theo văn hóa, dân tộc, tập quán của con người… đó chính là lý do có nhiều tôn giáo khác nhau trên thế giới. Cũng chính từ sự khác nhau ấy, cộng với tâm tham lam, lòng thù hận, tâm ích kỉ, sự chấp ngã… vốn có của con người nên có những tôn giáo đã lợi dụng lòng tin của con người, nhân danh Thượng đế, nhân danh Chân lý… để gây nên những cuộc chiến tranh làm kinh hoàng, khủng khiếp cho toàn thể nhân loại.


Lịch sử đã ghi lại những trang đen đẫm máu, khói lửa ngút trời của những đội quân Hồi giáo nhân danh Thánh Ala, nhân danh Thượng đế, Chân lý… đã tàn sát hàng ngàn, hàng triệu người không cùng tôn giáo, không cùng lý tưởng với họ hay không theo đạo họ. Nhân loại sẽ không sao quên được những cuộc Thập tự chinh đẫm máu, kinh khiếp ở châu Âu kéo dài gần hai thế kỉ do những người nhân danh Thiên chúa, nhân danh Thượng đế gây nên; mỗi một cuộc chiến là cả vạn người chết, thây người chết chất thành đồi, máu người chảy thành suối v.v…


Những người thiếu hiểu biết, chưa có nhận định sâu sắc đều cho rằng “đạo nào cũng tốt” do đó họ rất dễ dàng chọn những tôn giáo không lành mạnh, những tín ngưỡng không tốt đẹp… từ đó họ vô tình lấy đó làm lý tưởng cao đẹp cho đời mình, họ có ngờ đâu chính những lý tưởng sai lầm ấy lại gây nên những nỗi kinh khiếp đau thương cho toàn nhân loại. Các phương tiện truyền thông đã loan truyền không dứt những đau thương, chết chóc, những thảm hại của chiến tranh tôn giáo, sự phân biệt chủng tộc, sự truyền bá tôn giáo bằng đồng tiền, bằng gươm đao và súng đạn vẫn diễn ra khắp nơi trên thế giới: từ Kosovo đến miền Trung Đông; từ Tchesnia (Liên Bang Nga) đến Bắc Ái Nhĩ Lan, từ Kashmia (Ấn Độ) đến Indonesia và Sirilanka v.v… Nhất là sự kiện khủng bố hôm 11 tháng 9 năm 2001 của nhóm Hồi giáo cực đoan đã làm cả thế giới bàng hoàng kinh khiếp.


2. Chiến tranh và xung đột


Những người may mắn sống trong một thế giới thanh bình ít ai cảm nhận và thấy được giá trị của việc không có chiến tranh, chỉ những ai đã từng đi qua chiến tranh hay sống với chiến tranh thì mới thấy được hạnh phúc cao cả ấy. Lịch sử của loài người phần lớn đã hòa lẫn vào lịch sử của chiến tranh; đó là những trận đánh kinh khiếp, khói lửa ngập trời, đầu rơi máu chảy, nhà tan cửa nát, làng mạc biến thành bình địa, thành phố biến thành hầm hố, đại dương… con người sống trong lo âu sợ hãi, sống chết trong đói lạnh, trong kinh khiếp; vợ xa chồng, cha xa con, xa cả người yêu, xa quê hương đất nước; thây chết bỏ trên đất khách quê người, trên rừng thiêng nước độc, trong xứ lạnh băng giá hay trên những sa mạc hoang vu…


Lịch sử thế giới đã ghi nhận những cuộc thế chiến kinh khiếp lần I, cuộc chiến lần II… số lượng người chết không phải hàng vạn, hàng ngàn mà lên đến hàng chục triệu, trăm triệu người bị thương và chết chóc… sự tàn phá của chiến tranh cũng như hậu quả của chiến tranh không thể ước tính và tưởng tượng được.


Hai cuộc thế chiến kinh khiếp đã đi qua nhưng trên thế giới vẫn luôn diễn ra những cuộc chiến tranh và xung đột: cuộc chiến tranh giữa Irắc và Côoét, cuộc chiến vùng vịnh và cuộc chiến Nam Tư cũ… Sau chiến tranh thế giới thứ hai đã không xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba nhưng: “Trong thời kỳ này, người ta cũng thống kê được 160 cuộc xung đột, làm 40 triệu người chết.”


Cuộc nội chiến ở châu Phi, hay chỉ riêng cuộc xung đột nội chiến ở Ruanda đã cho thấy số lượng người chết thật kinh khiếp: “Trong vài tháng, cuộc nội chiến ở Ruanda đã làm cho 500.000 đến 800.000 người chết, phần lớn bị giết bằng dao rựa.”


Chiến tranh vẫn luôn luôn đã và đang diễn ra khắp mọi nơi trên thế giới. Ước mơ được hòa bình, hạnh phúc vẫn là ước mơ muôn thuở của nhân loại, và giải pháp để chấm dứt chiến tranh, xung đột vẫn còn bí ẩn, chưa có một giải pháp hữu hiệu nhất.


3. Khủng hoảng tinh thần


Khủng hoảng tư duy là một trong những khủng hoảng thuộc về lĩnh vực khủng hoảng tâm linh. Khủng hoảng tư duy bao gồm nhiều loại khủng hoảng thuộc lĩnh vực đạo đức, tình cảm, tinh thần.


Thế giới chưa lúc nào như lúc này, người ta kêu gọi khắp mọi nơi báo động sự băng hoại đạo đức từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á… Sự khủng hoảng đạo đức ở các nước Phương Tây đã đến mức báo động. Những tin tức đăng tải trên các báo đài đã cho biết cả đến môi trường giáo dục học đường, môi trường được xem là chiếc nôi đạo đức cho toàn xã hội, cũng đang diễn ra tình trạng thiếu đạo đức. Các em học sinh ở tuổi vị thành niên đã sử dụng dao găm, mã tấu đánh chém, giết hại lẫn nhau, và thậm chí sử dụng súng ống bắn chết cả những thầy cô giáo của mình…. Đó là chưa kể những nơi khác thiếu sự giáo dục như: vũ trường, quán bar, rạp hát, đường phố…. Sự xuống cấp về đạo đức hay sự khủng hoảng đạo đức của xã hội phương Tây không thể kể hết được.


Đông phương cũng đang trên đà khủng hoảng đạo đức theo xã hội Tây phương, nền đạo đức ở các nơi này cũng đang xuống cấp. Người xưa từng dạy: “Bần cùng sinh đạo tặc”, điều này rất đúng. Nhưng những người bần cùng băng hoại đạo đức không đáng sợ bằng những kẻ giàu sang, trí thức mà băng hoại đạo đức, những hạng người này một khi họ băng hoại đạo đức: như những cán bộ có chức vị cao, những tay đại gia tham gia vào các tổ chức buôn lậu, tham nhũng hối lộ… thì hậu quả để lại tai hại vô cùng, không chỉ ảnh hưởng đến một vài người, mà ảnh hưởng đến cả xã hội, cả quốc gia. Đau lòng thay, xã hội hiện đại lại đang xảy ra rất nhiều sự xuống cấp đạo đức của những người như thế.


Đời sống hiện đại, con người phải đối diện với trăm ngàn sự việc, cho dù khoa học kĩ thuật đã cung cấp mọi thứ nhu cầu cho cuộc sống một cách hiện đại nhất. Nhưng con người không vì thế mà có thêm sự thanh thản, an lạc. Trái lại, họ càng lo âu sợ sệt, và ngày càng bận rộn hơn. Chưa lúc nào con người dễ kiếm được việc làm và dễ mất việc làm như thời bây giờ. Sự sợ hãi vì lo mất công ăn việc làm, sợ hãi vì sự thay đổi của con người, của hoàn cảnh, của thế sự; sợ đông người, sợ cướp bóc, sợ tật bệnh… muôn vàn nổi sợ hãi xảy ra, và đó chính là những nguyên nhân gây cơn sốt cho các bệnh về tâm thần, stress… Bên cạnh ấy còn cộng thêm những nỗi lo âu vì tật bệnh, nổi buồn vì mất người thân, lo sức khỏe, lo mất địa vị…. Thỏa mãn tất cả những tư tưởng, ước vọng, sự việc ấy là điều không đơn giản, đôi khi thỏa mãn điều này thì điều khác phát sinh. Công việc xô bồ của cuộc sống giống như những làn sóng trên đại dương bao la, hết lớp này đến lớp khác không bao giờ cùng tận. Chính vì thế mà những bệnh stress, tâm thần đã tăng cao trong xã hội hiện đại hơn bất cứ lúc nào.


II. Môi sinh


Danh từ môi sinh là thuật ngữ chỉ cho môi trường sống của con người và muôn loài sinh vật trên trái đất này. Môi trường bao gồm các yếu tố như rừng, nước, không khí, ánh sáng, nhiệt độ v.v…


Trái đất là một hành tinh xanh rất đẹp, là nơi lý tưởng nhất để con người và muôn loài hữu tình cùng sinh sống và phát triển. Trên hành tinh xanh ấy, rừng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Rừng có khả năng điều hòa nhiệt độ, điều hòa không khí, cân bằng mạch nước ngầm trong lòng đất, giữ độ phì nhiêu của đất, chống xói mòn đất,.. đồng thời rừng còn là nơi sinh sống của hàng triệu sinh vật. Rừng cung cấp cho con người gỗ quí, thức cho ăn động vật v.v… Lợi ích của rừng thật không thể kể hết. Thế mà con người vì lòng tham lam, thiếu hiểu biết đã nhẫn tâm tàn phá rừng, tàn phá tài nguyên vô giá ấy. Các nhà thống kê cho biết, ở châu Phi nửa số rừng xanh bị tàn phá, ở Mỹ châu mất 1/3 rừng, ở châu Á các khu rừng cũng bị tàn phá vô cùng nghiêm trọng, ở Nam Mỹ, rừng bị tàn phá thảm hại bằng cách đốt để lấy đất trồng cỏ… Tất cả những sự tàn phá ấy đã làm đảo lộn thiên nhiên, môi trường bị ô nhiễm, lũ lụt ngày càng nhiều, nhiệt độ trái đất tăng cao, đất đai ngày càng bị xói mòn, trở nên khô cằn sỏi đá v.v…


Con người tự cho mình là thông minh đã sản xuất ra hàng loạt vũ khí, như vũ khí hạt nhân, vũ khí chiến tranh, bom nguyên tử, vũ khí độc hại… những thứ đã  góp phần tàn phá môi trường, hủy diệt sự sống. Một chiến tranh Vùng Vịnh đã làm hàng triệu tấn dầu tràn ra biển, hủy hoại không biết bao nhiêu loài sinh vật biển, gây ô nhiễm trầm trọng hàng trăm hải lý. Một sự rò rỉ nhà máy hạt nhân ở Liên Xô đã tàn phá và gây độc hại cho nhân dân quanh vùng phải tha phương cầu thực. Những chất độc màu da cam đã hủy hoại sự sống đến từng nhánh cây, cọng cỏ, gây chết chóc và dị tật cho con người và muôn vật, hậu quả để lại đến hàng trăm năm… Đó chỉ mới nêu ra một vài chi tiết nhỏ, chưa kể đến những vụ thử bom nguyên tử, sự tàn phá của các vũ khí độc hại khác trong chiến tranh đã phá hủy môi trường ở mức độ kinh khiếp như thế nào.


Theo thống kê năm 1989, chỉ riêng ở Hoa Kì, mỗi năm có khoảng một triệu tấn độc tố hóa học tống lên bầu khí quyển từ các xưởng kỹ nghệ. Nếu kể đến toàn thế giới thì số lượng sẽ như thế nào. Các khí thải của nhà máy, khói từ các xí nghiệp, động cơ xe cộ… đã làm cho không khí bị nhiễm độc, nhiệt độ trái đất tăng cao, hiệu ứng nhà kính xảy ra, tầng ozon bảo vệ trái đất bị thủng, lượng mưa axít độc hại ngày càng nhiều, vô số căn bệnh hiểm nghèo phát sinh, sự tan băng của Bắc và Nam cực đang diễn ra… khiến con người đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt.


Thích Trí Siêu, tác giả cuốn sách Xin Cứu Độ Mẹ Đất đã lên lời than rằng: “Con người thường tự hào rằng mình là giống sinh vật khôn lớn hơn các loài khác, có trí khôn biết phải biết trái, biết luân thường đạo lý, biết tiến bộ văn minh, biết điều khiển khai thác thiên nhiên, biết thám hiểm không gian, biết đủ các thứ khoa học kĩ nghệ, không như các loài trâu bò, heo ngựa. Nhưng có một điều mà con người không biết, đó là con người rất tham lam, độc ác, u mê. Cũng vì tham lam, độc ác, u mê mà con người trở thành vong ân bội nghĩa. Hiện nay con người đang tàn phá các loài khác và cũng tàn phá luôn cả Mẹ Đất. Chúng ta sống nhờ Mẹ Đất, ăn uống mỗi mỗi đều rút tỉa từ Mẹ Đất, vậy mà không biết ơn lại phá hoại. Ôi! Còn gì điên rồ ngu xuẩn và vô ơn bạc nghĩa hơn? Nếu Mẹ Đất bị tàn phá và chết thì thử hỏi chúng ta có tiếp tục sống được không? Tiếp tục ăn chơi, hưởng thụ, phung phí được không?”


III. Xã hội


Xã hội càng phát triển, thế giới ngày càng hiện đại thì càng nhiều vấn đề trong xã hội nảy sinh, do đó những vấn đề nan giải xuất hiện ngày càng nhiều, và hiện tượng khủng hoảng là điều tất yếu. Sự khủng hoảng xã hội bao gồm các vấn đề kinh tế, chính trị, dân số, tật bệnh, đói nghèo v.v…


Trong các mối quan hệ giữa các quốc gia nói riêng hay các mối quan hệ trên thế giới nói chung, quan hệ kinh tế là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất. Một đất nước muốn phát triển giàu mạnh thì phải có nền kinh tế phát triển cao. Thế giới hiện đại có sự phát triển kinh tế một cách chóng mặt. Chỉ một vài thế kỉ qua, sản lượng kinh tế phát triển gấp trăm ngàn lần so với sản lượng kinh tế của hàng triệu năm trước đó cộng lại. Sự phát triển kinh tế ở các quốc gia diễn ra không đồng đều, có nước phát triển nhanh như các nước phương Tây, có nước phát triển chậm như các nước Châu Á, có nước phát triển vượt bậc như nước Nhật, có nơi gần như không phát triển như một số nước ở châu Phi… từ đó đã diễn ra những cuộc cạnh tranh, chạy đua về kinh tế, tạo ra sự khủng hoảng làm cho cả thế giới kinh khiếp, quay cuồng. Cuộc chiến tranh Lạnh, cuộc chiến chạy đua về vũ khí và kinh tế giữa Mỹ và Liên Xô đã làm cục diện thế giới thay đổi và hoang mang. Sự khủng hoảng về kinh tế được Pascal Boniface mô tả cả một chương dưới tựa đề là “Những Cuộc Chiến Tranh Kinh Tế”.


Bên cạnh sự khủng hoảng về kinh tế thì những khủng hoảng về chính trị càng diễn ra gay gắt và khốc liệt hơn. Khủng hoảng chính trị phát sinh từ những bất đồng giữa các phe phái, đảng phái, các chủ nghĩa đối đầu… từ đó hình thành nên những cuộc xung đột, những cuộc chiến tàn khốc thanh trừng lẫn nhau, tranh giành lẫn nhau.


Việc đô thị hóa trong thế giới hiện đại diễn ra ngày càng nhiều, việc ấy đã kéo theo các vấn đề nhức nhối về sự phân bố dân cư, nhà ở, vệ sinh, tật bệnh v.v…


Dân số phát triển nhanh ở khắp mọi quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc… từ đó kéo theo không biết bao nỗi khó khăn khắp mọi mặt trong đời sống xã hội như nhà ở, môi trường, vệ sinh, thực phẩm, văn hóa giáo dục…


Vấn đề phạm phát trong xã hội mới diễn ra ngày càng nhiều và càng tinh vi hơn. Việc buôn lậu các mặt hàng trên thế giới diễn ra ngày càng nhiều, nhất là vấn đề buôn lậu ma túy, đã tạo cho xã hội một thảm cảnh lo sợ và kinh hoàng. Việc ly dị trong xã hội mới tăng cao hơn bất kì lúc nào hết… Đây là những vấn đề vô cùng bức thiết và làm đau đầu các nhà lĩnh đạo.


Ngành khoa học và y học trong xã hội hiện đại đã phát triển cao, đã cống hiến nhiều phát minh trong lĩnh vực ngăn ngừa bệnh tật. Nhưng điều đó cũng không làm yên lòng loài người trên trái đất, vì ngày càng nhiều tật bệnh mới phát sinh, mà toàn là những bệnh nan y làm ngành khoa học cũng phải bó tay vì chưa tìm ra thuốc điều trị thích hợp, chỉ cần một vài thập niên qua đã có hàng trăm bệnh nan y mới xuất hiện, đây là một trong những nỗi lo sợ nhất cho nhân loại hiện nay.


Tất cả những vấn đề trên đã tạo cho xã hội một khủng hoảng lớn, và phương pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề trên vẫn còn là những bí ẩn của mọi người, mọi quốc gia.


IV. Văn hóa


Lĩnh vực văn hóa là lĩnh vực rất rộng lớn, đa dạng và phong phú, nó bao hàm mọi khía cạnh trong cuộc sống, và nó diễn ra khắp mọi nơi từ địa phương, quốc gia, cho đến toàn thế giới. Văn hóa thì đa dạng và phong phú, ở đây chúng ta thử tìm hiểu về khủng hoảng văn hóa ở các mặt sau: sách báo, phim ảnh, giáo dục…


Trong các phương tiện truyền thông đại chúng thuộc về văn hóa thì sách báo là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất. Sách báo ngày nay được in ấn với số lượng khá lớn, đa dạng và phong phú cả nội dung lẫn hình thức. Trong ấy có rất nhiều sách báo mang nội dung không thanh cao, chuyển tải những ý niệm thấp hèn. Nhiều tác giả khi viết sách, làm báo, soạn nhạc họ không minh định được cái thiện, cái ác. Do đó họ không đề cao cái đẹp, cái thiện, cái mỹ, sự thanh khiết cao cả của con người, sự an tịnh của tâm hồn… Ngược lại họ viết những trang mang những nội dung thấp hèn, kích động dục tính, viết lên sự thù hận tham lam… tạo sự chia rẽ kích động, làm ô nhiễm hàng vạn tâm hồn con người. Hơn nữa, nhiều nhà viết sách, báo ngày nay, vì bị mua chuộc bởi tình, tiền và danh vọng đã viết lên những trang sách mang nội dung không tốt, tạo những tư tưởng sai lầm cho nhiều thế hệ mai sau.


Song song với lĩnh vực sách báo là lĩnh vực phim ảnh, nếu như sách báo ảnh hưởng ở mức độ nhẹ, thì phim ảnh  ảnh hưởng ở độ rộng hơn. Nhưng phim ảnh kích động về chiến tranh, bạo lực, kinh dị, đặc biệt là những phim ảnh đồi trụy đã tạo nhiều stress cho khán giả, làm tha hóa mọi tầng lớp, nhất là tầng lớp trẻ. Xã hội hiện đại với nhiều loài phương tiện như VCD, DVD, computer… đặc biệt là internet, đã góp phần tạo nên sự băng hoại đạo đức ở giới trẻ, đưa đến nạn phá thai ở tuổi vị thành niên, khủng hoảng về sự ly dị ở những cặp vợ chồng trẻ…


Ở lĩnh vực giáo dục cũng chưa được quan tâm đúng mức. Các bậc cha mẹ ngày nay lo quá nhiều công việc nên không có nhiều thời gian quan tâm, dạy dỗ con cái mình đúng mức. Nhà trường thì không dạy nhiều hay quan tâm nhiều về các môn đạo đức… từ đó đã xuất hiện trong xã hội rất nhiều trẻ em ở tuổi vị thành niên đã sử dụng thuốc lá, rượu chè, cờ bạc, chơi bời quan hệ… rồi rơi vào con đường nghiện ngập, ma túy.


Thích Chân Quang, tác giả bộ sách về Tâm Lý Đạo Đức đã nhận xét: “Khi mà khoa học đã vươn đến đỉnh cao tột độ như hiện nay thì nhân loại bắt đầu hoảng sợ. Hành tinh con người bổng trở nên mong manh, dễ vỡ vì những trái bom hạt nhân đang nằm sẳn trên giàn. Một số nước Âu Mỹ cho phép mua bán súng đạn tự do khiến mạng sống con người trở nên hồi hộp lo âu. Phim ảnh khiêu dâm, bạo lực lan tràn trong mọi ngõ nghách của cuộc sống và tâm hồn con người đã trở nên băng hoại.”


Hết phần 1