Trang chủ Tin tức V. Long: TT. Chân Quang giảng tại chùa Phước Sơn

V. Long: TT. Chân Quang giảng tại chùa Phước Sơn

157

Và theo chương trình Lễ Cầu Siêu, chiều ngày 28/03 TT.Thích Chân Quang (BRVT) đã thuyết Pháp đề tài CHUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐẠP XE NGƯỢC DỐC dưới sự chứng minh của Chư tôn đức Tăng Ni các Tự viện và đông đảo Phật tử đồng tham dự.

Sau nghi thức niệm Phật cầu gia bị, TT Thích Chân Quang đi vào đề tài thuyết giảng bằng hình ảnh của một người đạp xe ngược dốc là thế nào? Qua đó dẫn dụ cho sự tu hành của một con người cũng y như thế. Tức là chúng ta phải hiểu TU HÀNH là chặng đường dài, rất vất vã, gian nan, phải vượt qua nhiều sai lầm để đi dấn về hướng vô ngã. Và đầu đường của sự tu hành chính là BIẾT LỖI CHÍNH MÌNH. Ngược lại, người nào chưa thể biết lỗi chính mình là người đó chưa hế biết tu, đang thả dốc với kết cuộc không tránh khỏi đau khổ, hiểm nguy. Hình ảnh người này giống như xe chạy xuống dốc không cần gì phải lo, cứ thả dốc, chạy rất là thoải mái, tới khi nào hết dốc rồi họ mới thấy lửa cháy, dao đâm, chông nhọn…

Riêng người đi về hướng vô ngã thì chiếc xe không thả dốc mà là đi ngược dốc. Tuy nhiên ngược dốc cũng không có con đường bằng phẳng để đi mà nó có đủ hình tướng như là gai gốc, đá lõm chõm, ổ gà, bụi rậm, vũng lầy, hàng rào, v.v… Vì vậy, việc đầu tiên ta phải dọn đường để đi.
 
Trong việc đó đạo Phật gọi là TU (SỬA). Tức là sửa tâm hồn, lời nói, hành vi lại cho đúng, tu lại tam nghiệp Thân, khẩu, ý. Mà muốn sửa ta phải biết mình sai chỗ nào?
 
Theo quan điểm của Thượng tọa, để có thể tu được ta phải tập bản lĩnh biết lỗi mình, bởi vì nếu không có bản lĩnh ta không biết được lỗi. Bản lĩnh trong sự tu tập có 2 yếu tố, đó là can đảm và trí tuệ.
 
Ta muốn biết một người có tu hay không “Cứ khen một câu và chê một câu”. Hể nghe chê mà giận, người này chưa biết lỗi, còn trong lưới ma. Trái lại, một người khi ta khen họ, họ lắng nghe với lòng thành khẩn, hy vọng ta đã nói đúng cái lỗi để họ sữa. Đối với người luôn dè dặt không dám nhận lời khen thì người này đã đi đúng đường, là người biết lỗi, biết sửa lỗi và đang leo ngược dốc.
 
Thượng tọa nhắc nhỡ, để có thể biết được lỗi sâu kín bên trong mà ta không thấy, trong đạo Phật có một công hạnh rèn luyện tuyệt vời, đó là sám hối. Công năng của sự sám hối rất lớn, khiến ta nhanh chóng biết lỗi của mình và nơi tâm linh sâu thẩm Chư Phật gia hộ cho ta thấy được lỗi trong quá khứ thông qua giấc mơ để sám hối chính xác. Hạnh sám hối giúp ta bước lên ngày một tiến trên con đường tâm linh bởi vì giúp ta biết được lỗi chính mình rất chính xác.
 
Mặc khác, công phu tu tập Thiền định cũng là yếu tố quan trọng để chúng ta có trí tuệ biết lỗi mình nữa. Có thể nói Thiền định là con đường chính để đi đến vô ngã mà Thiền định cũng là lưỡi gươm sắc bén để ta dọn dẹp lỗi lầm trong tâm thức như đã nói “Tu là đi ngược dốc, trên con đường đó nhiêu chông gai, hố thẳm, chướng ngại”.
 
Đức Phật dạy “ Tất cả chúng sinh đều vô minh nhưng nếu hỏi vô minh là gì thì không ai biết, không ai thấy được. Nó quá sâu kín, bí ẩn. Tới bậc Thánh A Na Hàm vẫn còn vô minh mà không biết nó ở đâu, cho đến khi vị đó chứng A La Hán mới thấy mặt mài của vô minh là gì và thấy xong thì nó tan đi, vị đó trở thành một vị A La Hán siêu việt giữa cuộc đời.
 
Cho nên ta thấy, chỉ biết lỗi thôi đã là khởi điểm, là bắt đầu và cũng là nơi chấm dứt của sự tu hành nhưng trong khoảng đó lúc nào ta cũng biết lỗi của chính mình. Còn giây phút nào ta không biết lỗi vẫn nghĩ mình tốt rồi là ta dừng lại. Mà nếu dừng lâu quá ta tuột dốc xuống lại, gai gốc mọc lên trở lại mà ta không hay.
 
Phần thưởng dành cho người biết được nhiều lỗi, sửa lỗi nhiều, đó là trong tâm ta xuất hiện một hạnh phúc tiềm tàng đi cùng với sự tự tin. Động lực này khiến ta đi tới để tiếp tục biết lỗi và tiếp tục sửa lỗi; đồng thời run sợ vì lỗi lầm luôn giăng bủa trong tâm hồn mình. Đây là dấu hiệu của một người tiến tu đang trên đường là một bậc Thánh, thấp hơn đang trên đường là một bậc Thầy của vô số chúng sinh. Tuy chưa chứng đạo giải thoát nhưng với cái tâm thường biết lỗi chính mình, người này đã xứng đáng làm Thầy của biết bao người khác.
 
Đến đây, bài Pháp thoại kết thúc. Đại diện cho Chư Tăng Ni cùng Phật tử chùa Phước Sơn, Sư cô Trụ trì bày tỏ lòng tri ân, thỉnh nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho Thượng tọa luôn được “ Pháp lạc vô biên – hóa duyên vô ngại – mãi mãi là bóng thuyền từ cho chúng sinh nương đức” và xin được đảnh lễ cúng dường tam bái.
 
Được biết, ngày hôm sau (29/03/2011), chùa Phước Sơn tiếp tục nghi lễ cúng dường Trai tăng và đăng đàn chẩn tế trông thật hoành tráng so với một ngôi chùa nhỏ tầm vóc nhưng tấm lòng đối với chúng sinh thì vô lượng. Thật trân trọng thay!