Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Vài góp ý về bài viết:"Nhà sư mua rượu làm từ thiện,...

Vài góp ý về bài viết:"Nhà sư mua rượu làm từ thiện, nhận nụ hôn của Đàm Vĩnh Hưng"

102

Sau khi đăng bài viết Đăng tin không hay về Phật giáo: Có “Vạch áo cho người xem lưng”?, Phattuvietnam.net có nhận được phản hồi của độc giả Tường Vân. Vì độc giả Tường Vân gửi dưới dạng phản hồi nên chúng tôi có biên tập lại và cho hiển thị cùng các phản hồi khác dưới bài viết. Tuy nhiên, Trang web Đạo Phật ngày nay của Đại đức Thích Nhật Từ có đăng nguyên văn bài viết của tác giả Tường Vân, và từ email của chính Đại đức Thích Nhật Từ cũng phán tán bài viết này. Để rộng đường dư luận, Phattuvietnam.net đăng lại nguyên văn bài viết của của tác giả Tường Vân và kính mời quý độc giả đưa ra phản hồi.

Vừa qua, đọc bài viết về hai nhà sư mua rượu làm từ thiện và nhận nụ hôn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, tôi cảm thấy rất buồn về những gì đã xảy ra tại phòng trà Không Tên; nhưng đáng buồn hơn là những lời gợi ý, mở đường dư luận của BTV đăng lên trang website phattuvietnam.net và những comments “chua cay” của bạn đọc là điều đáng suy gẫm!

 

Khi vừa nhìn thấy hình ảnh hai tu sĩ Phật giáo có những hành động, cử chỉ, lời nói…. không đúng oai nghi, tế hạnh của nhà tu thì bất cứ ai cũng cảm thấy khó chịu và xem đó là hình ảnh thật khả ố và phản cảm. Tôi cũng hiểu về những bất bình của người đăng bài cũng như những lời góp ý (comments) của bạn đọc: Khi quá bức xúc về những hình ảnh luôn được tôn kính và trân trọng thì chúng ta, người Phật tử, bị tổn thương hoặc thậm chí dẫn đến mất niềm tin vào Tam Bảo mà nhất là Tăng Bảo.

Tuy nhiên, khi xem bài viết cũng như commnets của bạn đọc, tôi cảm thấy, những lời nói không nhằm mục đích góp ý xây dựng mà đa phần là những lời ái ố, chỉ trích, bôi nhọa Tăng già hay lãnh đạo giáo hội là điều không nên.

Tự thân của người copy để đăng lại cũng không thể hiện được thiện chí xây dựng mà là gợi ý bơi móc, cũng như kéo nhiều người đồng tình về những gì mà mình đăng, tự thõa mãn với những lời chỉ trích một cách vô trách nhiệm là điều đáng bàn.

Chúng ta có chắc rằng “một trong hai vị sư thầy tiếp tục khiến khán giả cười ngả nghiêng khi trưng trổ khả năng ăn nói “chịu chơi” (do copy lại) trong phần bán đấu giá với nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà và Lệ Quyên” hay chúng ta chỉ dựa vào những lời nói của thiên hạ? Tôi nghĩ rằng hai vị tu sĩ này bị lôi cuốn và chuyện “ham vui” một cách nông nỗi và thiển cận mà không lường trước được hậu quả thì đúng hơn.

Tất cả chúng ta, là Phật tử hay tu sĩ, thậm chí đến những người không là Phật tử, không ai thừa nhận hành động đó là đúng. Trong giáo hội hay giới tu sĩ cũng chưa ai bào chữa về hành động đó, nhưng việc làm đó sai ở mức độ nào, có phải là khủng khiếp như các vị đã nói hay không là một điều cần xét lại.

Hễ một việc sai trái nào xảy ra, tập thể hay cá nhân, là chúng ta cứ nhao nhao cuốn cuồn như “lửa cháy đầu”? Đó là tư chất của người học Phật có từ bi và trí tuệ sao? Không phải giết người là phải kết án tử hình.

Ví dụ, tội của Lê Văn Luyện, giết người, thậm chí giết nhiều người cùng một lúc, cướp của, không có thái độ ăn năn…. Đúng là đáng xử tội chết. Nhưng khi tòa phán quyết 18 năm tù, chúng ta, phần lớn, cảm thấy rất bất bình về bản án đó!? Điều này vì sao mà chúng ta bất bình như thế, một phần do tội trạng gây phẫn uất trong lòng quần chúng (tác động của số đông), mặt khác, vì không nắm rõ luật pháp nên chúng ta cứ khăng khăng đòi tử hình. Như vậy, nếu không nắm rõ luật pháp chúng ta sẽ kết tội bừa theo cảm tính của mình.

Trên nguyên tắc, mọi người chúng ta, dù là tu sĩ, thì cũng là công dân nước Việt và có quyền bình đẳng như nhau. Nếu tu sĩ đó vi phạm luật pháp thì cũng bị xử theo luật pháp. Như vậy, hành động của hai tu sĩ vừa qua tại phòng trà Không Tên là vi phạm luật pháp gì? Đứng về mặt luật pháp thì việc đó hoàn toàn bình thường, không có gì đáng bàn cãi, nơi phòng trà, nơi du hí…mọi người vui chơi thì tôi (ví dụ là tu sĩ ) cũng vui chơi được, miễn tôi chưa bị tước quyền công dân.

Chúng ta đều biết “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có Hiến chương và giới luật được quy định cụ thể về việc xử lý những vi phạm của người xuất gia. Thế nên, sai ở đây là sai luật đạo và luật đạo thì phải do lãnh đạo Giáo hội Phật giáo, những ban chuyên ngành của Giáo hội mới có quyền xử lý việc vi phạm theo đúng Hiến chương hay giới luật Phật chế.

Người tại gia không nghiên cứu, rồi tùy tiện phát ngôn một cách bừa bãi, phát ngôn hướng theo đồng tình của số đông mà không đánh giá đúng mức một vấn đề, nhất là tác hại phản cảm của nó đối với quần chúng. Tính chất sự việc là gì chúng ta chưa hiểu mà mấy ngày qua cứ nháo nhào như là trời sập vậy!

Việc xảy ra của hai tu sĩ Phật giáo tại phòng trà không có một vị thầy nào trong Giáo hội bao che hoặc làm ngơ cả. Mọi việc đâu còn có đó. Giáo hội cần xử lý nghiêm minh không thiên vị, chứ không phải làm để bôi nhọ thanh danh của một cá nhân hay một tổ chức mà nhất là tổ chức lớn như GHPGVN. Trong lý có tình, trong tình có lý, không phải ai sai phạm một điều gì đó thì mặc tình mạt sát người ta! Tôi có nhớ câu nói: “một lời nói mỉa mai và châm biếm dù hay đến đâu cũng chưa từng thuyết phục được một ai”. Muốn xử lý việc sai trái của ai, cần làm cho người bị sai phải tâm phục, khẩu phục thì mới hợp tình hợp lý chứ!

Các vị kết tội, nào là Giáo hội không nghiêm, nào là lột y áo hai vị tu sĩ đó, nào là đuổi khỏi Giáo hội …. nhưng các vị biết hai người này bị kết tội gì trong luật Phật? Và hai vị tu sĩ này phải bị xử lý hình thức kỷ luật nào? Và quý vị biết khi nào một vị Tỳ-kheo mới bị tẫn xuất không? Khi nào nắm rõ được điều này, chúng ta mới xử đúng người đúng tội. Bằng không, chúng ta trở thành người chụp mũ tùy tiện, cẩu thả trong việc quyết định thì còn đâu là một Phật giáo có đầy từ bi và trí tuệ nữa. Phật giáo có cần thiết phải đẩy người vào đường cùng một cách tùy tiện để cho những kẻ tò mò và lợi dụng cơ hội thõa mãn không?!

Căn bản, trong Luật Tứ phần, một vị Tỳ Kheo phạm một trong bốn giới trọng (tứ Ba La Di: sát, đạo, dâm, vọng), đó là tội đoạn đầu, là khí tội thì mới bị tẫn xuất. Nhưng giới luật còn có sự cởi mở của nó. Trong quyển Giới Luật Cương Yếu của hòa thượng Thiện Siêu có đoạn: “Nếu Tỳ Kheo phạm tứ trọng giới (ví như giới dâm) đáng bị tẫn xuất ra khỏi Tăng đoàn nhưng người này còn quá yêu đạo, quá yêu quý chiếc áo nhà tu, không muốn rời xa tăng đoàn, mà lòng lại thành khẩn ăn năn, sám hối thì vẫn cho người này ở lại tu nhưng không còn là Tỳ Kheo đúng pháp mà là danh tự Tỳ Kheo hay tương tợ Tỳ Kheo. Khi làm các Phật sự như hành lễ… thì người này đứng trước Sa Di nhưng phải đứng sau tất cả Tỳ Kheo, cho dù Tỳ Kheo đó mới thọ đại giới.

Như vậy, hai vị tu sĩ này phạm giới nào trong tứ trọng giới: sát, đạo, dâm hay vọng? Hoàn toàn không!

Còn lại những điều luật khác thì không có quy định việc tẫn xuất hay lột y áo của Tỳ Kheo một cách tùy tiện. Cho nên kết tội một con người, luật pháp xã hội còn cân nhắc rất kỹ, tránh đi sự nhằm lẫn, thậm chí còn gia giảm tùy theo khung hình phạt trong cùng một tội, khoan hồng theo sự hối cải của phạm nhân, đó là đạo lý của con người. Huống hồ đạo Phật lấy từ bi làm gốc, nên việc kết tội một tu sĩ không mang nghĩa trừng phạt cho hả dạ, mà là tạo cơ hội cho người đó nhận ra sai lầm của mình để người đó thức tỉnh, ăn năn, chừa bỏ, cải hóa mà tinh tấn tu hành.

Vừa qua, một số tác giả trong trang Phật Tử Việt Nam, viết bài có vẻ quá đà trong việc đóng góp xây dựng. Điều này có thể dẫn đến các phản tác dụng khác, gián tiếp làm cho nhiều người mất thiện cảm với đạo Phật.

Bên cạnh đó, Ban biên tập lại phóng khoáng việc đăng tải những bài viết có vẻ vì đạo nhưng tính chất là xúc phạm đến Phật giáo. Đúng luật Phật chế, quý cư sĩ Phật tử nên góp ý xây dựng Tăng đoàn theo bổn phận Phật tử, phải có chánh kiến, góp ý một cách chân thành, phải ẩn ác dương thiện (đừng hiểu lầm là che dấu hay bao che).

Đằng này, một số tác giả trên Phật tử Việt Nam không thể hiện cái tâm đó, phong thái và lời lẽ của các vị luôn thể hiện mình như một đối thủ của Phật giáo, nói phóng mạng, bươi móc, chỉ trích không tiếc lời, đăng tải tùy tiện những bài viết vô tình chóng phá Phật giáo, nhận giặc làm con, đấu đá lẫn nhau, không thể hiện được tính đoàn kết hay lục hòa gì cả.

Người Phật tử thực hiện trang web Phật Tử Việt Nam là một bộ phận trong PGVN. Các vị là những cư sĩ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì nội dung bài viết phải dưới quyền kiểm soát của Giáo hội, chứ không phải viết và đăng bài tùy tiện như một kẻ ngoại đạo. Nếu là ngoại đạo cũng không có tư cách nói về đạo khác như thế.

Ở đây, các vị lấy danh nghĩa Phật tử để phản biện lại Phật giáo, dùng “gà nhà bôi mặt đá nhau”, rồi các vị tự cho mình là người tồi tà phụ chánh, người có tâm quyết với Phật giáo nước nhà… Chúng tôi thấy điểm này rất khập khiễng, vì lời nói và tâm nguyện không có đi đôi hoặc là bị lợi dụng của một vài kẻ “mượn gió bẻ măng”.

Chưa biết việc làm lợi đạo của các vị bao nhiêu nhưng tôi thấy có nhiều bài viết như một kẻ chống phá đạo Phật, kẻ vạch lá tìm sâu hơn là phát triển đạo pháp. Các vị tự cho mình cái quyền tự do ngôn luận hơi quá đà.

Ví dụ, bài viết: “Oai nghi người xuất gia để hết đâu rồi?” của Hương Giang vừa mới đăng, là chuyện cũ rít mà phải làm nóng lên như một cơ hội, chứ không phải là một lời góp ý xây dựng. Việc đó có cần hâm nóng một cách thừa thãi trong lúc này không? Đừng lợi dụng một cách biến tướng trong việc xây dựng Tăng già như thế!

Trước thềm đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VII, chúng ta, những người con Phật không nên lời qua tiếng lại về việc này, mà chúng ta cần phải dẹp thật sạch những râu ria, những cặn bã không cần thiết. Mong rằng, đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam sẽ mang lại sinh khí mới cho Phật tử Việt Nam, cho quê hương Việt Nam, cùng tồi tà phụ chánh một cách có trí tuệ. Đừng lợi dụng một đạo Phật không có giáo quyền rồi chúng ta nói năng bừa bãi, lung tung thì không tránh được tội hủy báng Tăng già. Chúng ta cùng xiết chặt tay nhau chào mừng đại hội Phật giáo toàn quốc, trong sự đồng lòng và nhất trí, là món quá quí báu để góp phần xây dựng và phát huy Phật giáo Việt Nam, một đạo Phật đồng hành cùng dân tộc.