Trang chủ Diễn đàn Vài suy nghĩ về vai trò người cư sĩ trong thời kỳ...

Vài suy nghĩ về vai trò người cư sĩ trong thời kỳ hội nhập và phát triển

132

 I. Đặt vấn đề: Giáo lý đạo Phật là một triết lý sống có hệ thống và Đức Phật là một vị Thầy, một bậc Giác ngộ. Đại nguyện của Ngài là “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Đệ tử Phật là những người học trò -mà đã là học trò, tất có ngày làm Thầy. “Ta là Phật đã thành các ngươi là Phật sẽ thành”. Những người học trò ấy, do y báo và chánh báo khác nhau, mà hiện diện trong cuộc đời với hai hình tướng xuất gia và tại gia: Tăng già và cư sĩ. Ở đây xin chỉ đề cập giới cư sĩ và vai trò của họ trong thời hội nhập và phát triển. Tuy người cư sĩ không là diền mối của Đạo Pháp song giữa cuộc đời, cư sĩ Phật tử cũng là hàng người tiêu biểu. Nói đến vai trò cư sĩ Phật tử không thể không nhìn vào tổ chức Gia đình Phật tử.

II.  Vai trò người cư sĩ Phật tử thời hội nhập và phát triển.
 
  1. Thường tình, người cư sĩ Phật tử phải là người học Phật, hiểu giáo lý đạo Phật và sống theo tinh thần giáo lý ấy. Tùy trình độ, năng lực, cơ trí người cư sĩ Phật tử tu huệ hay tu phước. Dù tu huệ hay tu phước, hoặc phước huệ song tu thì phải lấy tâm bồ đề làm gốc, nên chân tâm là chủ đạo, là giá trị cốt yếu của người cư sĩ. Một cách đơn giản, cư sĩ Phật tử là người Phật tử tu học tại gia.
  2. Tính chất của người cư sĩ Phật giáo: Đã học Phật phải khai mở Phật tâm, lập nguyện để phát triển công hạnh. Người cư sĩ Phật giáo ngoài việc tự tu tự học, còn là hàng cận sự, hộ trì Tam bảo. Hộ trì tam bảo trong điều kiện khả năng của mình. Hàng cư sĩ tích lũy nhiều tiền của thì hộ trì tam bảo bằng khả năng vật chất tiền của mình có. Hàng cư sĩ tu tại gia có khả năng về trí tuệ thì hộ trì tam bảo bằng khả năng trí tuệ của mình.
  1. Vai trò người cư sĩ thời hội nhập và phát triển.
Bình thường, vai trò của người cư sĩ Phật giáo đã là rất khó khăn và phức tạp. Trước hết họ là một công dân, là một Phật tử, lại là ở nhà. Tu sữa bản thân – xứng đáng là con người – lại còn phải gánh vác gia đình, công việc xã hội, nhiệm vụ đối với quốc gia.v.v… Người cư sĩ Phật giáo mang hình ảnh đạo Phật lăn lộn giữa cuộc đời. Quả là vô cùng khó khăn. Chính người xưa đã vẽ nên cái khó khăn này “thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”.
 
Đối với đời, người cư sĩ Phật giáo có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và quốc gia, tất cả đó thường xuyên thử thách và luôn tác động trực tiếp và mạnh mẽ để tạo điều kiện thuận lợi hay trợ lực cho vai trò của họ đối với đạo. Chính vì vậy, vai trò của người cư sĩ rất quan trọng, họ là gạch nối giữa giới tu sĩ và quần chúng xã hội. Chính lối sống Phật pháp của họ là tấm gương phản ánh rõ nét những tinh ba của đạo Phật đối với quần chúng xã hội.
 
4.      Bình thường vai trò người cư sĩ Phật giáo đã là rất cần thiết và không kém phần quan trọng, như đã trình bày trên. Thời hội nhập và phát triển, vai trò người cư sĩ Phật giáo cần thiết như thế nào?
 
Trước hết, xin được mạn đàm về lẽ hưng thịnh của một tôn giáo không nhất thiết phải tỷ lệ thuận với số lượng tín đồ, nhưng rõ ràng khối quần chúng tín đồ đóng vai trò chủ lực và sinh động trong sinh hoạt tôn giáo. Về điểm này Hòa Thượng Thanh Từ, trong tập “trách vụ Phật tử tại gia”, đã nói “Truyền bá Phật giáo được phổ biến, linh động trong quần chúng do Phật tử tại gia thực hiện”. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định rằng làm Phật sự chính là làm “sống dậy lời Phật dạy”, chứ không thể chấp chặt vào phương tiện tạm thời làm trợ lực cho việc xiển dương chánh pháp.
 
Qua đó, chúng ta nghĩ gì trước thực trạng giới cư sĩ Phật giáo hiện tại? Đặc biệt tiêu biểu cho tầng lớp này là tổ chức Gia đình Phật tử, một bộ phận giáo dục thế hệ kế thừa Phật giáo. Nói cách khác, là đào tạo thế hệ cho thời hội nhập và phát triển.
 
Trong cuộc hội thảo hướng dẫn Phật tử lần thứ nhất này chắc chắn là để chúng ta tìm ra giải pháp giúp phong phú hóa tầng lớp quần chúng Phật giáo, mà theo thiển ý chúng tôi, trước hết phải là lớp cán bộ cư sĩ của Phật giáo ngày nay.  
 
Vì tính chất quan trọng của vấn đề, chúng tôi xin được nêu lên tại hội thảo này mấy ý kiến sau:
 
Một: là đệ tử Phật, học và hiểu giáo lý Phật ít nhiều thể hiện tâm Phật, hành theo đức tính từ bi hỷ xã vô ngã vị tha của Phật để cùng ngồi lại trong một tổ chức Gia đình Phật tử, mà thời kỳ hội nhập và phát triển chính là cơ hội và thách thức ý thức phục vụ lý tưởng Gia đình Phật tử của chúng ta. Ông bà ta đã nói “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Lục hòa của người Phật tử chẳng lẽ không còn hiệu lực nữa sao?
 
Hai: Là một thành viên trong tứ chúng đệ tử Phật, người cư sĩ Phật giáo có trách vụ trực tiếp, thường xuyên và tích cực trong tiến trình hộ đạo và hành đạo. Không nên khoáng trắng cho hàng tăng sĩ. Phải cho hàng cư sĩ thấy được trách vụ của họ, loại bỏ hẳn ý tưởng “Thầy sai chi làm nấy”. Vai trò của người cư sĩ Phật giáo là đem đạo vào đời, thực hiện vai trò ấy thì phải có tâm bồ đề, mới có thể làm chiếc cầu bắc qua dòng sông tâm linh và hành trạng để đưa đạo vào đời. Trong Phát bồ đề tâm văn, Ngài Thật Hiền dạy rằng: “Quên mất tâm bồ đề mà tu hành các thiện pháp thì gọi là hành động của ma vương”.
 
Người cư sĩ Phật giáo đã phát tâm bồ đề vào tổ chức để phục vụ lý tưởng Gia đình Phật tử, xin hãy đừng đánh mất. Thực tế nếu tổ chức Gia đình Phật tử không được hàn gắn thì chưa thể bàn đến hội nhập và phát triển. Bởi như nhà Tôn giáo học Willic Bretch, nói “Bản chất của một tôn giáo thể hiện trong cách sống của tín đồ theo tôn giáo đó, sẽ mang khả năng truyền đạo mạnh mẽ và trực tiếp nhiều lần hơn là lý thuyết kinh điển nằm chất đống dưới kệ thờ và trong thư viện”.
 
Cuối cùng, xin được đề nghị, cư sĩ Phật giáo cần áp dụng “tứ nhiếp pháp”, và “lục hòa” vào vai trò của mình trong thực hiện sứ mạng hộ đạo và hành đạo: sống thực, không cố chấp, giảm thái độ thắc mắc phê bình, lý luận, đặc biệt cần cảm thông, thương yêu, chia sẽ và khiêm tốn là hành trang cho cư sĩ Phật giáo đưa đạo vào đời. Đặc biệt hãy đừng làm hỏng lớp trẻ dưới vòng tay của người lớn.
 
Thay lời kết: Trên đây là một số ý kiến về vai trò cư sĩ Phật giáo và đôi điều đề xuất mang tính nghiên cứu, mà người viết trong thực tế công tác nhận thấy cần phải suy nghĩ, đặng cùng nhau bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển. Bởi lẽ, thời kỳ hội nhập và phát triển hẳn cần phải đòi hỏi những yêu cầu cao hơn, sâu hơn những gì ta đang có.
 
Xin chân thành tri ân chư Tôn đức, kính chúc cuộc hội thảo thành công viên mãn.             
 
 Nam mô thường hoan hỷ Bồ Tát ma ha tát
 
Tham luận dự Hội thảo do BHD Phật tử trung ương tổ chức tại Tây Nguyên của Đại Đức Thích Quảng Hiền – Phó ban Thường trực Ban Trị sự ,kiêm trưởng ban Hướng dẫn Phật tỉnh Đăk Nông .