Trang chủ Thời đại Xã hội Vai trò Tăng già thời hiện đại

Vai trò Tăng già thời hiện đại

85

Thật vậy, trong các kinh điển, có kinh Phật nói cho chư Thiên, có kinh nói cho Bồ tát, hoặc nói cho các Tỳ kheo, hay cho cư sĩ tại gia, mà đôi khi chúng ta thấy những kinh này bề ngoài có vẻ mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, nếu căn cứ trên tinh thần phương tiện, hay tùy duyên, có thể khẳng định rằng tất cả pháp Phật đều có đồng một vị là làm cho chúng sinh được an vui, giải thoát.


Vì vậy, thử đặt vấn đề giả sử có Đức Phật xuất hiện trên thế gian ở thế kỷ XXI thì Ngài sẽ dạy những gì? Chắc chắn, Phật chỉ dạy những gì giúp cho mọi người trong thời đại này và trên trái đất này có thể ứng dụng trong cuộc sống để họ được lợi ích, an vui và hạnh phúc.


Trong Lễ Phật đản thế giới Phật lịch 2550 vừa qua được tổ chức tại Thái Lan, các nhà sư thuộc hệ phái Nam truyền đều đưa ra ý kiến chung rằng nếu mọi người áp dụng lời Phật dạy, theo đó thể hiện đời sống phạm hạnh và tri túc, thì ở bất cứ quốc gia nào và sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng sẽ được an vui và giải thoát. Chính các nhà sư phạm hạnh đã đạt được thành quả tốt đẹp như vậy, mặc dù trong thực tế cuộc sống, chỉ với một bình bát và một ca sa, vẫn cảm nhận được tịnh lạc của thế giới Niết bàn.


 Thật vậy, thể hiện đời sống tĩnh lặng, trầm mặc như Phật chỉ dạy, người đệ tử Phật đã nhận ra những nhu cầu vật chất cần cho cuộc sống con người không nhiều như chúng sinh tham lam, chấp trước luôn nghĩ tưởng.


Chính lòng tham lam vô bờ bến và tâm ích kỷ của con người đã thúc đẩy họ tranh giành để khai thác cạn kiệt những tài nguyên của trái đất này, rồi từ đó họ sát hại lẫn nhau, cho đến tìm cách làm sao giết được nhiều người nhất trong thời gian nhanh nhất. Kết quả của tham vọng không cùng tận ấy đã gây ra sự sống khổ đau, bất hạnh bao phủ muôn loài.


Vì vậy, chúng ta cần truyền bá lời Phật dạy sang các nước văn minh, giúp họ ý thức và sống với tinh thần Phật dạy. Đó chính là điều cần thiết để giúp cho trái đất này kéo dài được tuổi thọ và giúp cho tất cả mọi người trên trái đất này cũng được sống an lành và hạnh phúc.


 Theo tinh thần Đại thừa, để định vị là đệ tử Phật, không phân biệt hình thức xuất gia hay tại gia, mà chỉ căn cứ trên suy nghĩ và việc làm đem lại lợi ích, an vui, hạnh phúc cho chúng sinh. Vì có những việc làm mà giới xuất gia bị hạn chế, không thể thực hiện; nhưng ngược lại, giới cư sĩ tại gia có thể thực hiện tốt đẹp, mang lại lợi ích cho nhiều người. Do đó, có thể thấy rằng tùy theo quốc độ, tùy theo văn hóa, phong tục, tập quán của từng nơi mà việc làm được đánh giá khác nhau. Ở các nước Tây phương hay một số nước khác, việc khất thực khó được chấp nhận. Trong khi đó, những việc làm nào đem lại lợi ích an vui cho mọi người thì dễ dàng được tán dương. Điển hình như đối với người dân Trung Hoa nói riêng và đối với các nước theo Đại thừa nói chung, Bồ tát Quan Âm đã trở thành biểu tượng cao quý nhất mà nhiều người tôn thờ là Phật, thậm chí họ chỉ thờ Quan Âm mà không thờ Phật Thích Ca.


Vì thế, ở Trung Hoa vào thời loạn lạc như thời Xuân Thu chiến quốc, việc truyền bá Phật pháp không thể thực hiện bằng hình thức chỉ giảng dạy giáo pháp, không thể khuyên răn người dân sống thiểu dục tri túc, hoặc đưa ra giới điều ngăn cấm giết hại lẫn nhau. Vì thế, các nhà sư Đại thừa nhận chân được con đường giáo hóa độ sinh chính là làm lợi ích cho mọi người, phải nói những điều tương ưng với suy nghĩ của họ và phải đáp ứng được niềm mong mỏi của họ. Có như vậy, người dân mới chấp nhận Phật pháp.


Trên tinh thần “Tùy thuận thế duyên vô quái ngại”, các nhà sư Đại thừa không đặt nặng vấn đề giảng dạy giáo pháp. Công việc chính của các ngài là cứu chữa mọi bệnh tật  cho người dân, giúp họ thoát khỏi những bệnh hiểm nghèo cũng như có được sức khỏe tốt trong đời sống hàng ngày, đồng thời dạy người dân trồng cây thuốc và phương thức canh tác, trồng trọt để thu hoạch hoa màu được nhiều hơn. Làm cho đời sống vật chất của người dân khá giả và được khỏe mạnh; chính những thành quả tốt đẹp như vậy đã là nền tảng chính yếu làm cho Phật giáo Đại thừa bén rễ và phát triển được ở đất nước Trung Hoa xưa kia. Thậm chí về sau, Đạt Ma Tổ sư sang Trung Hoa để truyền bá Chánh pháp, ngài cũng  đã khéo léo sử dụng phương tiện truyền  dạy môn võ Thiếu Lâm chẳng những giúp người dân tự vệ, mà còn khống chế được những thế lực ác trong xã hội loạn lạc nhiễu nhương. Việc làm này đã tạo nên sự kính trọng trong lòng người dân Trung Hoa đối với Phật giáo. Nói đơn giản, các nhà sư đã đáp ứng sâu sắc những gì người dân Trung Hoa mong muốn.


Nhưng khi Phật giáo truyền sang Việt Nam, các nhà sư Đại thừa cũng nhận thấy được những yêu cầu của nhân dân Việt Nam ở thời đó, các ngài đã sẵn sàng dấn thân và dốc tất cả tâm sức cho việc dựng nước và giữ nước từ nghìn xưa. Trên nền tảng làm ích nước lợi dân như thế trải qua hàng ngàn năm, Phật giáo Việt Nam mới có vị trí tốt đẹp  và vững chắc trong lòng dân tộc từ thời du nhập cho đến ngày nay vẫn còn tiếp tục thăng hoa.


Thiết nghĩ Phật giáo ở thế kỷ XXI muốn du nhập vào các quốc gia và hòa nhập vào nếp sống thân thiết với các dân tộc, hàng Tăng sĩ tất yếu phải nhận ra những yêu cầu của các quốc gia đó và mang được hạnh phúc, an vui đến cho người dân nơi đó. Thành tựu như vậy, chắc chắn mọi người sẽ dang tay tiếp đón Phật giáo một cách nhiệt tình như những ân nhân không thể thiếu vắng trong cuộc sống này.