Trang chủ PGVN Văn hóa Phật giáo trong nghìn năm văn hiến Thăng Long

Văn hóa Phật giáo trong nghìn năm văn hiến Thăng Long

68

Chỉ còn hai năm nữa, toàn thể nhân dân ta sẽ cùng Thủ đô Hà Nội kỷ niệm ngàn năm lịch sử của Thăng Long. Kỷ niệm ngàn năm Thăng Long cũng là kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra mảnh đất của thành Đại La năm ấy và của Hà Nội hôm nay.


Từ khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng giành lại non sông đất nước sau ngàn năm bị nước ngoài chiếm đóng, thì hào khí dân tộc ngày càng dâng cao, qua các triều Đinh, Lê để đạt tới đỉnh cao ở triều Lý và sau đó là ở triều Trần.


Lý Thái Tổ đã thể hiện hoài bão lớn của dân tộc là xây dựng một Tổ quốc hùng cường để vĩnh viễn không bao giờ còn rơi vào tay giặc. Cùng với việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội, củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng võ trang, Lý Thái Tổ đã mở đầu cho sự hùng cường cho dân tộc.


Lý Thái Tổ không chỉ dừng lại ở đó mà đã sớm thấy sự cần thiết là xây dựng một Tổ quốc phát triển cả vật chất và tinh thần, không chỉ kinh tế mà còn cả văn hóa. Là một người xuất thân từ nhà chùa, lại hằng ngày tiếp xúc với nhân dân lao khổ, Lý Công Uẩn đã sớm nhận ra sự gần gũi giữa Phật giáo và dân tộc. Ông đã chủ động khai thác quan hệ này trong sự nghiệp phục hưng đất nước.


Đã từ lâu, Phật giáo đến với Việt Nam như một luồng sinh khí đem lại niềm tin và hy vọng cho một dân tộc đang quằn quại dưới ách ngoại xâm. Đã từ lâu, dân tộc Việt Nam vốn lấy tình thương làm lẽ sống, đã trở thành một mảnh đất được chuẩn bị sẵn để tiếp thu đạo Phật.


Lý Thái Tổ ngay từ đầu đã nắm vững mối quan hệ ấy giữa Phật giáo và dân tộc, để biến quan hệ ấy thành một sức mạnh tinh thần trong sự nghiệp phục hưng Tổ quốc qua các triều đại nhà Lý.


Trước hết, Lý Thái Tổ dành toàn bộ tâm huyết để xây dựng một nước văn hiến, mà nòng cốt của nó là mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong truyền thống của dân tộc Việt Nam.


Vốn đặt nghĩa vị tha lên trên lòng vị kỷ, con người Việt Nam dễ dàng xóa bỏ những ràng buộc của Tham Sân Si, để xây dựng được một tình thương mênh mông không chỉ trên đất nước mình mà còn bao trùm lên cả nhân loại khổ đau.


Thực hiện tinh thần này, các vua nhà Lý đã kế tiếp nhau yêu dân như con, tạo nên một cuộc sống hòa thuận gắn bó với nhau cùng quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, chống mọi quân xâm lược.


Tình thương ấy là cơ sở cho một chủ nghĩa anh hùng mang đặc điểm Việt Nam, một chủ nghĩa anh hùng sáng rực đạo lý làm người, không chỉ vì độc lập và phồn vinh của Tổ quốc và cũng vì cuộc sống hòa bình và hữu nghị của cả nhân loại.


Sự gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc trước hết thể hiện ở khí phách lớn lao của toàn dân qua cái nhìn sáng suốt của Lý Thái Tổ. Mới lên ngôi được 4 tháng, ông đã chuyển kinh đô ra giữa trung tâm của đất nước vì ông tin tưởng rằng toàn thể nhân dân đang hào hứng và sẵn sàng cùng ông đương đầu với mọi thử thách, trước hết là tham vọng xâm lược của nước ngoài.


Khi Lý Thường Kiệt tuyên bố Nam quốc sơn hà Nam đế cư thì bốn câu thơ của ông đã trở thành tuyên ngôn của cả dân tộc. Khí thế của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ và phục hưng Tổ quốc ở thời kỳ này tất nhiên cũng là khí thế của văn hóa Phật giáo.


Khi thiền sư Dương Không Lộ viết: “Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh/Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” (Có lúc lên thẳng đỉnh núi chót vót/Kêu lên một tiếng lạnh cả bầu trời) thì hào khí ấy cũng không phải của riêng ông mà của cả dân tộc.


Câu thơ này đã lặp lại nhiều lần trong văn thơ Việt Nam và nổi bật nhất ở hai câu của Cao Bá Quát, khi nói về Phù Đổng Thiên Vương: Vì nước quên thân, ba tuổi vẫn hiềm đã muộn/ Bầu trời xông thẳng, chín tầng chửa thấy là cao”.


Và khi nhà sư Nguyễn Quảng Nghiêm viết câu: “Nam nhi tự hữu xung thiên chí/ Hưu hướng Như Lai hành tứ hành” (Làm trai phải tự có ý chí xông thẳng lên bầu trời không phải cứ từng bước đi theo Như Lai), thì ông đã không nghĩ rằng đó chỉ là tâm trạng của ông mà chính là tâm trạng của toàn thể thanh niên Việt Nam lúc ấy.


Trước đây, để phát huy cao nhất nhân tố Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp của dân tộc, Lý Thái Tổ đã ngay từ buổi đầu, tập trung vào việc xây chùa, đúc chuông, tạc tượng.


Chỉ trong một thời gian ngắn nhiều chùa hư nát được sửa chữa và nâng cao, và hơn 300 ngôi chùa mới đã được tạo dựng trong nước. Con cháu của ông kể từ Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Thái hậu Ỷ Lan và Lý Nhân Tông đã tiếp tục sự nghiệp chấn hưng Phật giáo của ông.


Việc xây dựng chùa chiền, đúc tượng, đúc chuông thời ấy thực tế đã tạo ra một sự tốn phí rất lớn về tiền của. Điều này đã bị các Nho gia về sau hết lời phê phán. Tuy nhiên, nhìn vào hiệu quả của những công trình nghệ thuật ấy, phải nói rằng Phật giáo đã ngọt ngào đi sâu vào tâm khảm của toàn dân, tạo nên một lý tưởng sống vững chắc vì độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.


Một nền văn minh Đại Việt rực rỡ đã được hình thành từ những ngày ấy. Đặc trưng của nền văn minh này là sự kết hợp truyền thống “thương người như thể thương thân” với tinh thần từ bi hỷ xả của đạo Phật.


Một ngàn năm Văn hiến của Thủ đô Thăng Long sắp kết thúc. Một ngàn năm tiếp theo của Thủ đô sẽ bắt đầu mở ra với những hoài bão và khí thế vô cùng to lớn. Phải chăng chúng ta lại đang chứng kiến một thời phục hưng mới với tầm vóc mới so với thời phục hưng đời Lý?