Trang chủ Tuổi trẻ Vào chùa tìm bình an

Vào chùa tìm bình an

81

Đi chùa thấy vui


Bạn Nguyễn Thùy Lâm, sinh viên của Trường ĐH KHXH&NV – TP.HCM, bộc bạch: “Em thường hay đến chùa để lễ Phật lắm, trước đây em không biết về đạo Phật nhưng kể từ khi lên thành phố học có quen bạn theo đạo Phật nên biết đạo. Từ đó em học cách ăn chay, đi chùa như bạn, thấy có niềm vui nên em đi chùa thường xuyên luôn”.


Còn bạn Nguyễn Thanh Hà đã đi làm cho một công ty ở Q.Phú Nhuận, dù khá bận nhưng không có ngày rằm, mồng một tháng nào Hà vắng mặt ở chùa cả. “Tất cả đã trở thành thói quen với tôi rồi, đi đến chùa để trải lòng mình ra, để nghĩ về những chuyện vui, buồn, chuyện mình làm trong cuộc sống… và sám hối. Cứ thế mà sửa dần những tính xấu. Tôi đã xem Phật như người thân nhất của mình để… chia sẻ”, Thanh Hà nói.


Cũng có những bạn như Thùy Dung, Hương Lan, Duy Thịnh đến chùa là để… xin Phật cho mình thi được điểm cao trong đợt thi học kỳ một sắp đến. Theo suy nghĩ của những bạn này: “Từ hồi nào đến giờ cứ đi thi hay đi làm một cái gì quan trọng trong đời mình tụi em đều… xin Phật gia hộ. Làm vậy để thấy có một nơi “nâng đỡ” và tạo niềm tin cho mình”.


Cũng có những bạn khi đến chùa xin “nếu con được… con sẽ…”, để rồi sau đó lại đến chùa để “trả lễ”. Bạn Trần Anh Thư là một bạn trẻ nằm trong suy nghĩ này: “Mình xin được rồi mà không đến nữa thì lần sau xin Phật không cho nữa”. Với Thư, dù sao cũng phải biết giữ “chữ tín” với Phật!


Nhiều bạn trẻ như bạn Hoàng Yến và Huy Tâm thường đến chùa để cầu nguyện cho tình yêu của mình được “như thuở ban đầu”. Các bạn ấy đến chùa, nghe quý thầy nói chuyện, có cả những câu chuyện học tập làm sao để tình yêu phát triển bền vững. Tâm khẳng định: “Mình đọc trong năm giới của người cư sĩ thấy có giới không tà dâm, đó là giới mà những người trẻ, những người đang yêu và sau này là vợ chồng nếu biết giữ gìn thì sẽ tốt lắm. Đó cũng là nền tảng của hạnh phúc lứa đôi”…


Cái nhìn từ người trong cuộc


Nhìn về hiện tượng đi chùa của bạn trẻ, ĐĐ.Thích Chúc Dũng (Chùa Bảo Tịnh, P.17, Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: Đi chùa là một nét văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của người dân Việt Nam nói riêng và nhiều nước phương Đông. Bạn trẻ đi chùa là rất quý, nhất là trong thời buổi hiện nay có quá nhiều điều “nguy hiểm” trong cuộc sống hàng ngày…


Những “hiểm nguy” ấy rất dễ đưa đẩy các bạn vào con đường xấu nếu các bạn không vững vàng, không có niềm tin. Đến chùa là đến nơi thanh tịnh với sự hiện diện của Tam bảo, nhờ lực của Tam bảo sẽ giúp các bạn tỉnh táo, soi mình và có sức “đề kháng” trước những cám dỗ của cuộc sống phức tạp nhằm hoàn thiện mình hơn.


Tuy nhiên khi đến chùa các bạn phải hiểu rõ một điều rằng ông Phật hay quý thầy không hề có sự ban phát nào khi các bạn xin – cho cả. Các bạn phải hiểu rõ lý nhân quả của đạo Phật như câu mà dân gian vẫn thường nói là “gieo gió gặp bão”.


Nếu các bạn đến chùa chỉ để xin mà không biết gieo nhân lành, không biết tránh điều dữ thì cũng là “không công”. Nếu có một chia sẻ thì tôi muốn nói điều ấy những mong các bạn trẻ đến chùa lễ Phật rồi phải học để hiểu về Phật pháp. Đạo Phật không phải là đạo mê tín mà những lời Phật dạy đều có cơ sở khoa học, giúp cho con người chuyển hóa khổ đau. Do đó, quyết định hạnh phúc của bạn không ai khác là chính bạn. Nếu là cư sĩ Phật tử thì bạn hãy cứ thực hành theo năm lời khuyên (năm giới) mà Phật dạy – làm được vậy thì tự nhiên an vui sẽ đến với mình mà thôi”.


Bạn trẻ chính là nhân tố tạo ra thói quen đi chùa và giữ gìn thói quen này, xây dựng để trở thành một nét sinh hoạt văn hóa trong đời sống hiện nay. Nhưng, ước muốn này cũng phải có trợ lực từ các ngôi chùa, làm sao cho nơi ấy đừng quá xa lạ, nhạt nhẽo và có ấn tượng không tốt.