Trang chủ Diễn đàn Về bát kỉnh pháp dành cho tỷ kheo của Thiền sư Nhất...

Về bát kỉnh pháp dành cho tỷ kheo của Thiền sư Nhất Hạnh

212

Sau khi đã đọc qua nhiều lần văn bản Bát Kỉnh Pháp dành cho Tỳ kheo của TS. Nhất Hạnh, tôi xin mạn phép đôi dòng nói lên suy nghĩ của mình.


Thật ra, “Tám pháp cung kính” dành cho chư Tăng mà TS. Nhất Hạnh chế định cũng thiết thực lắm. Thế nhưng từ bao lâu nay, hàng Tỳ kheo đã sống và cư xử “lịch sự” đối với hàng Tỳ kheo ni y như những điều Ngài nói rồi. Có chư Tỳ kheo nào đối xử khiếm nhã hay không bảo hộ hàng Tỳ kheo ni khi họ cần đến trong các vấn đế Phật sự đâu?


Bằng chứng là từ xưa đến nay, có rất nhiều thầy lớn luôn thành tâm thành ý quý kính Chư tôn đức Ni; đồng thời chư Tăng và chư Ni cũng đã và đang hợp tác hài hòa, sẻ chia an lạc trong các công tác Phật sự từ địa phương tới trung ương Giáo hội PGVN. Chư Ni cũng nhờ có Bát Kỉnh Pháp mà ngày càng tạo thêm được niềm tin và sự cung kính của hàng Tỳ kheo và cư sĩ tại gia.


Cho nên, nếu thấy cần đem những quy chế đó nhắc nhở thêm cho hàng Tăng sĩ trẻ trong những buổi giáo giới, pháp đàm thì tốt, chứ bằng như đề xuất thành điều luật bắt buộc thì e rằng sẽ dư thừa.


Đối với hàng Tỳ kheo thì không  ảnh hưởng, không hề hấn gì mà còn giúp bổ túc thêm nếp oai nghi khả kính nữa là đằng khác. Nhưng ngược lại với hàng Tỳ kheo ni thì sao? Không khéo sẽ khiến cho không ít Tỳ kheo ni vừa có chút tài mà thiếu đức vọng sinh ngã mạn thì thật là tội nghiệp!


Chúng ta cũng biết, không phải vô duyên vô cớ đức Phật chế ra Bát Kỉnh Pháp cho hàng Tỳ kheo ni mà lại bỏ quên hàng Tỳ kheo đâu! Nếu không vì sự tốt đẹp, an toàn, lợi ích và tương lai của cả hai bộ chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, cũng như để trang nghiêm Giáo hội thì chắc rằng Đức Phật đã không chế ra Bát Kỉnh Pháp để làm gì! Nhất là việc Đức Phật dùng Bát Kỉnh Pháp để trợ giúp hàng Tỳ kheo ni có thêm điều kiện thuận lợi trong tu tập đạt được quả vị giải thoát (ngang bằng) như hàng Tỳ kheo.


Và ngày nay, có lẽ là để tùy duyên “trong bối cảnh đương thời” mà TS. Nhất Hạnh thiết lập thêm “tám pháp cung kính” dành cho hàng Tỳ kheo thì cũng có cái lý của Ngài. (Vì thương xót hàng hậu học? Vì sự đồng hành, thân cận, an ninh giữa Tăng – Ni sau này?).


Đã đành, Ngài có cái nhìn xa. Nhưng với cái lý đó, theo tôi quả là không cần thiết. Nếu áp dụng thì có lẽ chỉ trong khuôn khổ riêng một Tông môn nào đó thôi chứ không nên áp đặt đại trà. Bởi lẽ, hơn 2500 năm nay, chư Tỳ kheo ni đã nhờ có Bát Kỉnh Pháp phòng hộ mà được ổn định về đời sống, tiện lợi trong sinh hoạt, thuận tiến trong tu học, hành trì pháp Phật rồi đâu cần phải nhờ “Bát Kỉnh Pháp dành cho Tỳ kheo” chi nữa!


Thực tế cũng đã cho thấy là “Ni giới Việt Nam vẫn luôn nhận được sự tương kính và hỗ trợ bền bỉ của chư Tăng trong tu tập và hành đạo”.


Vậy thì cần gì phải đặt ra chi thêm Bát Kỉnh Pháp cho bên Tăng mà vô tình làm cho hàng Tỳ kheo ni chân tu thêm rối rắm vì sợ tổn phước!…


Ở trên là thiển ý của cá nhân tôi sau khi đọc Bát Kỉnh Pháp dành cho Tỳ kheo của TS.Nhất Hạnh.